SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp gia vị Việt chú trọng bảo hộ trước khi xuất khẩu

10:53, 21/10/2022
Từ nỗi đau bị mất hàng loạt thương hiệu lớn ở nước ngoài, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng Việt Nam hiện nay đã bắt đầu chú trọng đến việc bảo hộ nhãn hiệu trước khi “mang chuông đi đánh xứ người”.

Khi sản phẩm gia vị Việt dần có mặt ở thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các doanh nghiệp tham gia vào “sân chơi quốc tế” càng nhận ra tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Ròng rã “kiểm định chất lượng sản phẩm”

Xuất khẩu là bài toán khó của nhiều doanh nghiệp gia vị, đặc biệt là khoảng thời gian đầu tiên. Mỗi sản phẩm xuất khẩu đều phải trải qua nhiều loại kiểm định khác nhau để đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường riêng. Mặc dù vấp phải nhiều khó khăn, song có không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn thành công tiến ra thị trường quốc tế và để lại nhiều bài học kinh nghiệm như Dh Foods, Pacific Foods...

Gia vi - anh 1

Nguyên liệu gia vị Việt đa dạng là lợi thế để phát triển ngành gia vị. Ảnh: Như Quỳnh 

Theo ông Nguyễn Trung Dũng – CEO Công ty TNHH Dh Foods, rào cản lớn cho các sản phẩm gia vị Việt tiến ra thị trường quốc tế là tiêu chí quản lý về dư lượng. Trong đó dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chưa được đảm bảo.

“Việc dùng nguyên liệu tự nhiên, canh tác theo hướng tự nhiên, sản xuất trong môi trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gần như sản phẩm sẽ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Các doanh nghiệp nên áp dụng một tiêu chuẩn chất lượng cho cả hàng nội địa và hàng xuất khẩu thì càng tốt”, ông Dũng chia sẻ.

Xuất hiện trên thị trường quốc tế với thương hiệu nước mắm truyền thống Bless Mami và Hảo Hạng, Chủ tịch Pacific Foods Lê Bá Linh cho biết phải mất 2 năm, những chai nước mắm truyền thống của Pacific Foods mới vượt qua các vòng kiểm tra khắt khe để có chứng nhận FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ).

Sau khi có được chứng nhận FDA, Pacific Foods vẫn không ngừng cải tiến sản phẩm để giữ chỗ đứng của mình vững chắc tại thị trường quốc tế. Theo ông Linh, khi đi qua cửa khẩu, các đối tác sẽ kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm, vì vậy chất lượng là ưu tiên hàng đầu của các lô hàng, triệu chai như một.

“Hiện tại, chúng tôi đã trải qua hơn 10 lần cải tiến và nâng cấp sản phẩm của mình. Khó khăn rất nhiều nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ cuộc, động lực của tôi là mong muốn đưa sản phẩm Việt Nam ra bàn ăn thế giới. Tôi muốn thế giới biết Việt Nam cũng có những sản phẩm chất lượng cao”, ông Lê Bá Linh - Chủ tịch Pacific Foods nhấn mạnh.

gia vi-anh 2

Nước mắm Bless Mami được bày bán trên sàn TMĐT Amazon.  

Không chỉ cải tiến chất lượng, với quá trình chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các sản phẩm gia vị cũng bắt đầu được bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhằm tiếp cận với người tiêu dùng trên toàn cầu. Hơn 3 năm xuất hiện trên sàn TMĐT Amazon, nước mắm truyền thống Bless Mami và Hảo Hạng của Pacific Foods đã đứng ở vị trí số 1 với gần 18.000 sản phẩm được khách toàn cầu sử dụng mỗi tháng. Mới đây nhất, thương hiệu này cũng xuất hiện trên cả sàn TMĐT Alibaba. 

Cần thiết phải bảo hộ nhãn hiệu

Có thể thấy, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là chìa khóa kinh doanh thành công cho bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào khi vươn ra thị trường quốc tế, nhất là đối với các sản phẩm tiêu dùng.

Tại thời điểm Công ty TNHH Dh Foods bắt đầu hoạt động vào năm 2012, ông Nguyễn Trung Dũng đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam. Dh Foods cũng bắt đầu đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài từ đầu năm 2015, đây cũng là thời điểm công ty bắt đầu có đơn hàng xuất khẩu đi một số nước châu Âu. Sớm đăng ký bảo hộ thương hiệu, Dh Foods có rất nhiều thuận lợi để tự tin phát triển thị trường.

Ông Dũng chia sẻ: “Trong giai đoạn năm 2019 - 2020 khi công ty bắt đầu bán hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon, việc có sẵn chứng nhận đăng ký nhãn hiệu giúp Dh Foods nhanh chóng mở được gian hàng chính hãng và có nhiều lợi thế trong các tính năng của sàn. Đây là những tính năng chỉ dành cho Brand Owners - những thương hiệu đã đăng ký bảo hộ ở thị trường nước ngoài mới có được”.

gia vi-anh 3

Tự hào gia vị Việt được bày bán ở các thị trường khó tính.  

Cũng như Dh Foods, từ nhiều bài học thực tiễn đắt giá của các thương hiệu Việt Nam bị “lấy mất” tại thị trường nước ngoài, Pacific Foods chú trọng và quan tâm đến việc hoạch định chiến lược đăng ký nhãn hiệu của mình ra nước ngoài khi có kế hoạch mở rộng thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, làm thế nào để việc đăng ký nhãn hiệu mang lại hiệu quả cao nhất cho việc kinh doanh mà tiết kiệm chi phí nhất là một bài toán mà không phải doanh nghiệp nào cũng tìm được lời giải phù hợp.

“Chúng tôi luôn xác định cụ thể danh sách các quốc gia dự định sử dụng nhãn hiệu mang các sản phẩm/ dịch vụ mà mình cung cấp để lên kế hoạch tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia đó theo thứ tự ưu tiên. Sau khi xác định được các quốc gia sẽ đăng ký nhãn hiệu, chúng tôi mới tính đến việc làm thế nào để đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia này theo các phương án: Đăng ký trực tiếp nhãn hiệu của mình với cơ quan sở hữu trí tuệ của từng quốc gia; hoặc dựa vào đơn gốc/ văn bằng gốc đã nộp/ đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, qua Cục Sở hữu trí tuệ”, ông Lê Bá Linh - Chủ tịch Pacific Foods chia sẻ.

Lý giải tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu, theo Luật sư Phạm Nghiêm Xuân Bắc - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA), việc nhãn hiệu của một doanh nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam, không đồng nghĩa với việc nhãn hiệu đó sẽ được bảo hộ tại các nước khác, bao gồm thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp đang hướng đến. Do đó, khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường các quốc gia khác mà không lưu tâm đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp rất dễ gặp tình trạng bị xâm phạm quyền bởi các đối thủ cạnh tranh hoặc vô tình xâm phạm quyền có trước của các chủ thể khác tại thị trường xuất khẩu.

Nhãn hiệu được bảo hộ tại thị trường xuất khẩu sẽ tạo ra cho doanh nghiệp nhiều lợi thế trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó còn nâng cao năng lực cạnh tranh, sức ảnh hưởng và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

“Khi đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp cần lựa chọn cho mình những nhãn hiệu có khả năng tự phân biệt cao, dễ ghi nhớ, nhận diện và ghi dấu ấn cho doanh nghiệp so với nhãn hiệu của chủ thể khác. Nên tránh những nhãn hiệu có khả năng mô tả, gợi ý cho sản phẩm đăng ký (trường hợp sản phẩm là gia vị) để không bị từ chối bảo hộ bởi cơ quan đăng ký”, Luật sư Xuân Bắc – Chủ tịch Hội VIPA lưu ý.

Võ Liên

Tin khác

Kinh tế 3 giờ trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.
Kinh tế 3 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 3 giờ trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Năm 2024, VECOM tiếp tục hoàn thiện tính chỉ số thương mại điện tử (TMĐT). Bên cạnh việc tính toán dựa vào kết quả khảo sát hàng nghìn DN VECOM còn sử dụng nhiều kênh thông tin định lượng tin cậy khác. Tên miền quốc gia “.VN” tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất trong đánh giá hạ tầng cho TMĐT.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo nhưng không vì thế mà chàng trai trẻ Nguyễn Văn Trọng, thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình, Huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá thấy thiếu tự tin, mặc cảm, ngược lại càng thôi thúc anh đam mê lao động, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm để vươn lên làm giàu.