SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp cần chủ động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng

11:12, 21/02/2023
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng là điều quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, bởi tài sản của doanh nghiệp có thể bị đánh cắp hoặc sao chép bất kỳ lúc nào.

Việt Nam đang ở trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh… Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng sôi động trong môi trường thương mại điện tử.

Có thể nói, internet hay thương mại điện tử nói riêng tạo nên môi trường mua bán sản phẩm, dịch vụ và trao đổi hàng hóa thuận tiện giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Đây cũng chính là môi trường kinh doanh toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế.

Tài sản trí tuệ dễ dàng bị đánh cắp trên không gian mạng

Ngày nay, nhiều doanh nghiệp lần lượt tham gia sân chơi thương mại điện tử - một môi trường kinh doanh online được đánh giá là bước đi thông minh và linh hoạt - để thu hút khách hàng. Các doanh nghiệp sẽ xây dựng chiến lược kinh doanh riêng nhằm tạo dựng niềm tin của khách hàng và nâng cao giá trị trải nghiệm cho người tiêu dùng khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử.

Việc kinh doanh trên thương mại điện tử mở rộng, tạo nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Ở môi trường mở này mọi đối tượng đều có thể tham gia mua bán, giao dịch. Mặc dù vậy, nơi đây cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có ý đồ xấu thực hiện mục đích trục lợi bằng hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp như việc làm giả, làm nhái thương hiệu, sản phẩm,...

Vì vậy, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh và lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã lãng quên đi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình trên sàn thương mại điện tử.

Với sự phức tạp trên không gian mạng, quyền sở hữu trí tuệ rất dễ bị xâm phạm. Điển hình như, một sản phẩm mới đưa vào thị trường và thu hút khách hàng, rất dễ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất ra sản phẩm giống hoặc tương tự. Trong một số trường hợp, đối thủ cạnh tranh sẽ hưởng lợi từ việc tiết kiệm về quy mô sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, tiếp cận với các nguồn nguyên liệu thô rẻ hơn. Do đó, có thể sản xuất một sản phẩm tương tự hoặc giống hệt nhưng có giá thành thấp hơn và thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc ăn cắp chất xám của người khác.

first-news_sach-gia-1122

Những đầu sách bị làm giả bán trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. 

Điển hình, nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) - liên tục phản ánh việc các đầu sách của Công ty First News bị làm giả và rao bán trên các trang mạng xã hội và thương mại điện tử. Theo thống kê của First News, có hơn 40 trang Fanpage đang rao bán công khai sách giả trên mạng xã hội. Trong đó, công ty đã bị các ‘trùm lậu’ làm giả tới hơn 280 đầu sách, ngoài ra còn có hàng trăm đầu sách của các nhà xuất bản (NXB) khác.

Hay nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng bị nước ngoài "đánh cắp", trong đó phải kể đến thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk, thuốc lá VINATABA, Petro Vietnam, nước mắm nhĩ thượng hạng Phan Thiết,... Nhiều doanh nghiệp bắt đầu hành trình đòi lại thương hiệu của mình nhưng gặp không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, chỉ có một số ít doanh nghiệp thành công trong việc đòi lại thương hiệu, còn lại bị mất trắng.

Đáng nói, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây nhiều thiệt hại đến chủ sở hữu mà còn tác động tiêu cực đến người dùng. Đây chính là lý do quan trọng để các doanh nghiệp cân nhắc và sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm sáng tạo và sáng chế của mình.

Sở hữu trí tuệ: Động lực đẩy mạnh hoạt động sáng tạo

Khi quyền sở hữu trí tuệ thiết lập, sẽ giúp các doanh nghiệp bảo vệ và độc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, nhãn hiệu,... Từ đó, hạn chế hành vi sao chép của một số đối thủ cạnh tranh.

Đặc biệt, khi đăng ký sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ có lợi thế phát triển sản phẩm: Sở hữu trí tuệ giúp nâng cao niềm tin, sự tự tin và lòng trung thành với người tiêu dùng mà doanh nghiệp đang tiếp thị. Đồng thời, cung cấp hình ảnh, danh tiếng và sự nhận diện khác biệt cho doanh nghiệp, nhờ đó khách hàng có thể nhận diện và phân biệt được.

Ngoài ra, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ mang lại hiệu quả và lợi ích cho doanh nghiệp trong nước, mà khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường thế giới cũng dễ dàng được đón nhận hơn.

bai1-1545712464_750x0

 Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là điều kiện giúp các nhà sáng chế có động lực để tiếp tục hoàn thiện và cải tiến sáng chế của mình.

Bởi hiện nay, ở các nước phát triển, sở hữu trí tuệ được đánh giá là một loại tài sản quan trọng, có giá trị nhất đối với mỗi doanh nghiệp. Nhiều công ty, doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ.

Ở Việt Nam, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây đã được doanh nghiệp quan tâm, qua đó cho thấy tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mang lại, nhất là trong xu thế hội nhập. Đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và phát triển thương hiệu được công nhận rộng rãi ở thị trường trong nước và quốc tế như: Cà phê Trung Nguyên, gạo ST25, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc,…

Tuy nhiên, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng hiện nay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các doanh nghiệp là startup vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp thường suy nghĩ chưa cần thiết để thực hiện biện pháp bảo vệ. Thông thường, các doanh nghiệp có tư tưởng sẽ không có tranh chấp, nếu đăng ký bản quyền, sử dụng dịch vụ pháp lý sẽ tốn kém. Do đó, họ thường tập trung cho việc sản xuất, sáng tạo mà coi nhẹ vấn đề pháp lý bảo vệ bản quyền.

Thực tế cho thấy, sau khi bị cướp nhãn hiệu, thương hiệu nhiều doanh nghiệp mới nghĩ đến việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.

Như vậy, khi tham gia sân chơi chung, doanh nghiệp cần phải nhận thức vấn đề quan trọng nhất, đó là phải xác lập quyền của mình theo quy định của luật càng sớm càng tốt, để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền lợi khách hàng. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn là động lực để các chủ sở hữu tiếp tục hoàn thiện và cải tiến sản phẩm sáng chế của mình.

Thanh Thảo

Tin khác

Pháp luật 23 giờ trước
(SHTT) - Ủy ban Châu Âu cho biết, cuộc điều tra đối với Alphabet được mở ra do tập đoàn này không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) khi đưa ra những chỉ đạo trong Google Play và tự ưu tiên hiển thị trên Google Tìm kiếm. Ngoài ra, EU cũng tiến hành điều tra tương tự với Meta và Apple.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT) cho biết bên cạnh các hình thức lừa đảo xuất hiện trên không gian mạng Việt Nam, gần đây đã đã xuất hiện chiến dịch lừa đảo quốc tế có khả năng ảnh hưởng tới người dùng Việt.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Lợi dụng dịp cao điểm quyết toán thuế, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình thức giả mạo cán bộ thuế , cơ quan thuế để thực hiện hành vi chiếm đoạn tài sản.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo tham gia đầu tư tiền ảo.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả...