SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 26/03/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp bị xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn ngại ra tòa

06:30, 31/05/2017
Điều này đang dẫn tới hậu quả là quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chưa được bảo vệ thỏa đáng.

Sau 10 năm thực thi Luật Sở hữu trí tuệ, hầu hết các vụ việc giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn được giải quyết theo cơ chế hành chính. Số vụ việc được xử lý tại Tòa án hầu như không đáng kể.

Thống kê việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các Bộ, ngành cho thấy, số lượng các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị các cơ quan thực thi xử lý bằng biện pháp hành chính gia tăng với tỷ lệ cao. Trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính hơn 180.000 vụ vi phạm lĩnh vực hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với mức phạt trên 8,2 tỷ đồng.

doanh nghiep bi xam pham so huu tri tue van ngai ra toa

 Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều vấn đề.

Trong giai đoạn 2012-2015, các vụ việc xử lý vi phạm được giải quyết bằng đường tòa án chỉ có 177 vụ việc, 55 vụ được đưa ra xét xử, trong đó có 12 vụ án hình sự. 

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong 3 biện pháp (dân sự, hành chính, hình sự) được áp dụng thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta, biện pháp hành chính chiếm vai trò chủ đạo.

Các chế tài dân sự hoặc hình sự rất ít được áp dụng và không phát huy được hiệu quả. Thực trạng "quá thiên về hành chính" này dẫn tới hậu quả là quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền chưa được bảo vệ thỏa đáng, hiệu quả của công tác thực thi quyền còn thấp.

“Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều vấn đề. Chúng ta có một hệ thống thực thi rất nhiều các cơ quan nhưng đấy cũng là nhược điểm khi quá nhiều đầu mối dẫn đến doanh nghiệp không biết phải trông cậy vào đâu. Mặt khác, tâm lý của các chủ quyền sở hữu trí tuệ là cá nhân hay doanh nghiệp rất ngại ra tòa. Do đó, họ chủ yếu dựa vào các cơ quan thực thi hành chính nhà nước thực hiện các biện pháp hành chính để thực thi quyền của mình”, Ông Lâm phân tích.

Ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình tuân thủ, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên minh Phần mềm (BSA) cho rằng, không thể phủ nhận việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính là cần thiết để thực hiện cam kết quốc tế trong bối cảnh hệ thống tư pháp còn chưa thực sự phát triển để đảm đương vai trò này.

Tuy nhiên, từ góc độ đảm bảo hài hòa giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích cộng đồng, cơ chế xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính có thể làm Việt Nam "thiệt đơn thiệt kép" khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA thế hệ mới).

“Các hiệp định FTA thế hệ mới Việt Nam sẽ tham gia có tiêu chuẩn hoàn toàn khác. Các doanh nghiệp cần ngồi lại để xem xét với những hiệp định mới như vậy cần phải làm gì để có thể bảo vệ bản thân doanh nghiệp mình tốt hơn. Nhiều quốc gia trên thế giới và ngay châu Á tự bản thân họ đã thay đổi luật để bảo vệ mình tốt hơn, không chỉ do bắt buộc phải tuân thủ các hiệp định FTA. Ví dụ như Hàn Quốc, khoảng 10-15 năm trước đây, tỷ lệ vi phạm rất lớn không chỉ ở phần mềm mà còn cả hàng giả, hàng nhái. Nhờ thực thi nghiêm quyền sở hữu trí tuệ, họ đã giảm được tỷ lệ vi phạm xuống thấp, đồng thời xuất khẩu rất nhiều sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ”, ông Roland Chan cho biết.

Để nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của quyền sở hữu trí tuệ đối với phát triển xã hội, thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhất là các vấn đề liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả và các vấn đề về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

“Cần tiếp tục xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng các biện pháp hành chính, đồng thời, tăng cường thực thi quyền bằng các biện pháp dân sự, hình sự. Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống đăng ký, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”, ông Thanh lưu ý.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh bởi các đối tác phát triển. 

Vì thế, Việt Nam cần vận dụng linh hoạt các cam kết quốc tế để thực thi tốt quyền sở hữu trí tuệ ở mức độ hợp lý nhằm bảo vệ lợi ích xã hội, lợi ích nhân dân trong chuyển giao công nghệ, phổ biến tri thức khoa học công nghệ, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo VOV

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.