SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Đoàn kết quốc tế trong ‘di chúc’ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

16:17, 01/07/2022
(SHTT) - Gần 60 năm hoạt động cách mạng, hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài, liên tục tham gia phong trào cách mạng và đóng góp cho sự nghiệp chung của cách mạng thế giới, thông điệp về tình hữu nghị và hợp tác quốc tế luôn được Hồ Chí Minh thể hiện một cách rõ ràng và vững chắc.

Giữa lúc sự nghiệp cách mạng của toàn dân ta đang đi vào giai đoạn quyết định thì ngày 2/9/1969, sau một thời gian lâm bệnh nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từ trần. Trái tim Người đã ngừng đập khi chưa được thấy một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất, để lại niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân ta và bạn bè trên thế giới.

Vĩnh biệt chúng ta, Người đã để lại bản "Di chúc" lịch sử, một tài sản tinh thân vô giá, trong đó chứa đựng biết bao tình cảm và những lời căn dặn tâm huyết cho đời sau. Mở đầu Di chúc Người bày tỏ ý định đến ngày thắng lợi hoàn toàn "sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta" (1). Song mong ước này không trở thành hiện thực. Nhưng nó đã thể hiện tình cảm quốc tế rất trong sáng và ân nghĩa trước sau như một của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự đóng góp, giúp đỡ quý báu của anh em và bạn bè trên thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Tư tưởng đoàn kết của Người biểu hiện nhãn quan chính trị của một vĩ nhân, sự minh triết của nhà tổ chức cách mạng luôn đặt yếu tố đoàn kết lên hàng đầu. Theo những di huấn của Người, chỉ có "đoàn kết, đại đoàn kết" mới tập hợp được lực lượng, hình thành được tổ chức cách mạng, mới tạo được sức mạnh to lớn để biến lý luận khoa học, đường lối, quan điểm của Đảng thành hiện thực và mới đạt được "đại thành công".

Gần 60 năm hoạt động cách mạng, hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài, liên tục tham gia phong trào cách mạng và đóng góp cho sự nghiệp chung của cách mạng thế giới, thông điệp về tình hữu nghị và hợp tác quốc tế luôn được Hồ Chí Minh thể hiện một cách rõ ràng và vững chắc.

1

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với ông Giles Roy nhà báo Pháp tại thềm Phủ Chủ tịch 

Theo Người, các dân tộc này phải đoàn kết thành một mặt trận, tạo nên sức mạnh cả về vật chất và tinh thần, chống kẻ thù chung là thực dân, đế quốc, giành lại quyền độc lập, tự do cho mỗi dân tộc. Nên những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người và đoàn kết toàn nhân loại vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Trong Đại hội lần thứ I của Quốc tế III, Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi vô sản các nước đoàn kết lại. Tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở Tua (12-1920), Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, một tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực quyền lợi của Việt Nam và theo đuổi lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp. Gia nhập Đảng xã hội Pháp Nguyễn Ái Quốc trở thành nhà “cách mạng chuyên chính” đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Sau đó Người cùng một số đại biểu thuộc địa Pháp thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa, cùng các đồng chí Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Inđônêxia, Miến Điện... Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á - Đông nhằm đoàn kết các dân tộc bị áp bức liên minh với giai cấp vô sản chính quốc cùng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Người nêu ra một thí dụ rất hình ảnh: Chủ nghĩa tư bản là con đỉa hai vòi - một vòi hút máu giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở chính quốc, một vòi hút máu giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở thuộc địa. Muốn giết con quái vật ấy, phải cắt đồng thời cả hai vòi của nó. Nếu cắt một vòi thôi, thì con quái vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt lại mọc ra. Như vậy, Hồ Chí Minh đã nêu ra hình tượng cụ thể cho thấy cần thiết phải có sự liên minh, phối hợp giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa.

Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bản Di chúc: "Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em"(2). Biết rằng không thể tiếp tục làm vị "thiên sứ cách mạng", trước lúc đi xa Người đã căn dặn: "Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình"(3).

"Có lý, có tình" vừa là sự thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu, vừa là nguyên tắt quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết những bất đồng giữa phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, kể cả giải quyết những tranh chấp của quốc gia. Ở đây thể hiện sự tuân thủ những nguyên tắc quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin, xuất phát từ lợi ích chung của cách mạng thế giới, tôn trọng nhau trên tinh thần, tình cảm của những người cùng chung lý tưởng, mục đích đấu tranh, khắc phục tư tưởng sôvanh, "nước lớn", "đảng lớn"... Dù băn khoăn day dứt, Người vẫn tin tưởng chắc chắn rằng, mọi bất hòa sẽ được giải quyết, các đảng anh em nhất định sẽ đoàn kết lại để đưa phong trào cách mạng thế giới tiến lên.

2

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Pêrêdơ Tổng Giám đốc đài phát thanh và truyền hình Cu Ba tại giàn hoa Phủ Chủ tịch 

Tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đẫm trong mỗi hành động và việc làm của Người, cho đến tận cuối đời, dòng chữ cuối cùng trong Di huấn cũng là mong muốn: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"(4).

 Là nhà hoạt động cách mạng đấu tranh quyền lợi của các tầng lớp nhân dân đoàn kết với các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ vì độc lập, tự do của dân tộc mình, mà còn thể hiện sự tôn trọng truyền thống của các nước thực dân, đế quốc đi xâm lược. Đó cũng chính là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn cao cả Hồ Chí Minh - không gây hận thù dân tộc - một bài học cho nhiều nước trên con đường tranh đấu cho độc lập tự do và đoàn kết quốc tế.

Chính vì những tư tưởng và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào phong trào cách mạng dân chủ trên thế giới mà cho đến ngày nay hầu hết các nguyên thủ quốc gia, các chính khách, các đoàn đại biểu, các tổ chức quốc tế, kể cả những người có tư tưởng đối lập về chính trị khi đến Việt Nam đều vào thăm nơi ở và làm vịêc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch với ý thức trân trọng, cảm phục về nhân cách Hồ Chí Minh, qua đó càng làm tăng thêm tình cảm, lòng ngưỡng mộ của nhân dân thế giới đối với Người.

Ngày 2/3/2001, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga V.I Putin khi đến thăm ngôi Nhà Sàn và ghi lại những dòng cảm tưởng: "Tôi thành thực được làm quen với cuộc sống người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Một người mà tên tuổi đã đọng lại trong lịch sử thế giới". Tại Nhà Sàn Bác Hồ, ngày 26/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết cảm tưởng: "Mong rằng quan hệ nồng ấm giữa hai dân tộc chúng ta tiếp tục phát triển".

Ngày 23/3/2018, Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In rất vinh dự khi được tới thăm nơi ở và làm việc trong những năm cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xúc động ghi lại những dòng cảm tưởng: "Tôi luôn khắc sâu vào tim tinh thần yêu nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh"(5) ...

Có lẽ cho đến cả mai sau nơi ở và làm việc của Người tại Khu Phủ Chủ tịch luôn mãi là nơi hội tụ tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè và nhân dân thế giới.

Hồ Chí Minh cống hiến trọn vẹn cho dân tộc ta, cũng suốt đời mình, Người phấn đấu, đấu tranh cho sự đoàn kết thống nhất của các đảng cộng sản, thống nhất các lực lượng dân chủ trên thế giới đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, độc lập và tiến bộ của loài người.

Năm mươi năm kể từ ngày Người đi xa, nhưng những tư tưởng, quan điểm đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh vẫn được Đảng, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đón nhận suy ngẫm và vận dụng. Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về đoàn kết được để hiện sâu sắc trong Di chúc của Người vẫn sống động cùng nhân dân đất nước và thời đại.

Cảm phục về Hồ Chí Minh, Báo Quyền lợi đỏ (Pra-ha, Tiệp Khắc cũ), ngày 9/9/1989, có bài viết về bản Di chúc lịch sử của Người, trong đó nhấn mạnh: "Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình"(6).

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh toàn tập tập 15, Nxb CTQG, H.2011.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao,Nxb CTQG, H. 2010

3. Báo nhân dân, số 257 ngày7/11/1955.

4. Tình thương của Bác, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.100.

5. Hội thảo Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, Kỷ yếu hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.2010.

6. Tài liệu lưu tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác đổi mới hoạt động thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ lên tới 99,7%.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Apple cho biết rằng họ đã gỡ WhatsApp và Threads của Meta khỏi App Store ở Trung Quốc sau khi nhận lệnh từ chính phủ Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 21 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.