SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 24/03/2024
  • Click để copy

Đồ chơi bạo lực không rõ nguồn gốc: Nguy hại khôn lường dành cho trẻ nhỏ

07:26, 16/07/2022
(SHTT) - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán đồ chơi bạo lực không rõ nguồn gốc. Những món đồ chơi này không chỉ gây thương tích cho trẻ mà còn ảnh hưởng tới tâm lý, nhân cách của trẻ.

 Có một thực tế hiện nay, khi vào bất cứ quầy hàng đồ chơi trẻ em nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp các đồ chơi trẻ em bạo lực được bày bán công khai. Đây cũng đang là hiện trạng báo động bởi với những loại đồ chơi tưởng chừng vô hại, nhưng rất có thể gây thương tích và nguy hiểm cho trẻ em. Ngoài ra theo các chuyên gia tâm lý, sử dụng đồ chơi vũ khí bạo lực sẽ khiến tính cách trẻ em ngày càng trở nên hung hăng, bạo lực hơn, và sâu xa hơn là vấn nạn bạo lực học đường như một hệ quả tất yếu.

Mới đây, tại Thái Bình, Đội QLTT số 1 đã phân công công chức thực hiện biện pháp nghiệp vụ, lập phương án và tiến hành kiểm tra đối với Quầy hàng kinh doanh tạp hóa do bà Phạm Thị Hồng Ngọc, địa chỉ: Khu đô thị La Uyên, thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình làm đại diện.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang bày bán 416 sản phẩm đồ chơi các loại, trong đó gồm 99 chiếc kiếm nhựa đồ chơi màu đen dài 67cm; 165 chiếc kiếm nhựa đồ chơi màu đen dài 50 cm và 152 chiếc gậy đồ chơi phát sáng dài 53 cm.

Ghi nhận ban đầu cho thấy, toàn bộ số hàng hóa trên không thể hiện thông tin về nguồn gốc xuất xứ trên sản phẩm. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đối với số hàng hóa trên.

Đội QLTT số 1 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và tịch thu toàn bộ 416 sản phẩm đồ chơi các loại nêu trên.

do choi bao luc1

 

Trước đó, tại Hà Nội, lực lượng chức năng cũng thu giữ gần 2.000 sản phẩm đồ chơi mô hình súng bằng nhựa do nước ngoài sản xuất, tại 2 kho hàng kinh doanh tập kết số lượng lớn đồ chơi bạo lực ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Người bán sử dụng mạng xã hội bán hàng, tập kết ở ngoại thành để cung cấp đến các cửa hàng, không bán công khai".

Vì trực tiếp ảnh hướng đến sức khỏe, nên theo quy định, đồ chơi trẻ em là mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy của cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành thì mới đảm bảo an toàn để lưu thông trên thị trường. Nhưng lô đồ chơi ở đây là lô hàng 3 không theo đúng nghĩa: không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được chứng nhận chất lượng và không có hóa đơn chứng từ. Điều nguy hiểm hơn, những món đồ chơi này nằm trong nhóm đồ chơi bạo lực, không được tiêu thụ trên thị trường.

Nói tới đồ chơi không rõ nguồn gốc, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, những loại đồ chơi này thường được làm từ nhựa tái chế. Ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người bởi nhựa đã qua sử dụng, nhất là những loại nhựa đựng hóa chất nói chung rất độc hại. Loại nhựa này đã tiếp xúc với những chất khác, khi đem vào sản xuất lại thường không được làm sạch nên trong quá trình nhựa hóa, các hóa chất đọng lại sẽ khuếch tán ra ngoài.

Đặc biệt đối với đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, đây là chất có thể gây ra ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của trẻ. Nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn là rất cao nếu trẻ ngậm, ôm đồ chơi. Sở dĩ, chất phthalate được sử dụng sản xuất đồ nhựa vì giá thành của nó rẻ gấp 10 lần so với sử dụng các chất thay thế khác. Để cạnh tranh giá nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chất này để sản xuất đồ nhựa giảm giá thành.

Nhựa tái chế sẽ không thể đẹp như nhựa nguyên sinh do đó bắt buộc người sản xuất phải cho phẩm màu để che đi khuyết điểm của sản phẩm. Dung dịch màu đó không phải là màu thực phẩm mà là màu dành cho ngành công nghiệp. Chất màu này phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn thiện của trẻ. Vì vậy, sản phẩm đồ chơi có màu sắc càng sặc sỡ thì mức độ nguy hại càng cao.

Để làm rõ tính chất độc hại của các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trước đó Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học đã từng tiến hành kiểm nghiệm đối với một số mẫu đèn lồng nhựa không rõ xuất xứ bán trên thị trường. Kết quả cho thấy, lượng muối cadimi (Cd) trong sơn phủ có hàm lượng cao gấp 123 lần mức cho phép.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Mai (nguyên giảng viên trường ĐH Văn hóa) thì đồ chơi bạo lực, nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

Bất kể một loại đồ chơi nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý. Một món đồ chơi thông minh sẽ giúp trẻ vừa giải trí, vừa phát triển trí tuệ. Nhưng những loại đồ chơi bạo lực tác động tiêu cực đến trẻ sẽ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều.

Bởi đồ chơi là những thứ mà trẻ tiếp xúc, cảm nhận ngay từ những khoảnh khắc đầu đời và có ảnh hưởng lâu dài về sau. Ðồ chơi phải có tính phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. Nếu để trẻ nhỏ tiếp xúc với những loại đồ chơi mang tính bạo lực: súng, pháo… sẽ tác động sâu sắc đến tính cách của trẻ: tạo nên tính hung dữ, bạo lực.

Minh Hà

Tin khác

Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kịp thời phát hiện hàng nghìn sản phẩm nhập lậu từ khu vực chợ Tân Thanh, Lạng Sơn về tuyến sau tiêu thụ.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Apple có thể phải đối mặt với một số vấn đề khi mà Huawei Technologies đã đăng ký thương hiệu này vào ba năm trước trên lãnh thổ đại lục.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Google đã bị cơ quan giám sát cạnh tranh của Pháp phạt vì vi phạm các quy định sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU) khi không đàm phán với các nhà xuất bản truyền thông.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Thông qua công tác giám sát, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội mới đây đã kịp thời phát hiện và thu giữ 7.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu 'Ăn cùng bà Tuyết'.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Dù chiến thắng trong vụ kiện bản quyền âm nhạc, nhưng Sam Smith & Normani thẩm phán vẫn quyết định các nghệ sĩ nổi tiếng phải tự chi trả phí luật sư lên tớ hơn 700.000 đô la.