SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 03/06/2025
  • Click để copy

Điều chỉnh thuế đối với lĩnh vực KHCN: Phải ‘suy nghĩ như doanh nghiệp công nghệ’

14:52, 03/06/2025
(SHTT) - Đây là quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Công ty Luật TGS, Hà Nội) khi bàn về chính sách tăng cường ưu đãi thuế cho lĩnh vực công nghệ cao, R&D hiện nay.

LTS: Quốc hội hiện đang sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, các ý kiến tập trung đề xuất nhiều ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho lĩnh vực công nghệ cao, R&D. Để làm rõ hơn vấn đề này, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo đã có buổi phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội).

PV: Thưa Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, ông đánh giá thế nào về chính sách ưu đãi thuế cho lĩnh vực công nghệ cao, R&D hiện nay? Nhiều ý kiến cho rằng chính sách hiện hành chưa thực sự hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh cần đẩy mạnh KH-CN, đổi mới sáng tạo?

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Chính sách ưu đãi thuế đối với lĩnh vực công nghệ cao và hoạt động nghiên cứu – phát triển (R&D) tuy đã được ghi nhận trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và một số văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên về tổng thể vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm và chưa thực sự tạo ra động lực đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào đổi mới sáng tạo và vẫn còn “đẹp trên giấy, mờ trong thực tiễn”.

gen-h-z6666163505506_ee122b409c278bcea0a34279ea93c927

 Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội).

Dù pháp luật có dành ra những điều khoản về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng cách thiết kế chính sách lại đang mắc kẹt giữa tư duy cào bằng và lối tiếp cận hành chính hóa ưu đãi thuế.

Chúng ta nói rất nhiều về khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhưng lại chưa có một hệ sinh thái chính sách thực sự đồng bộ, trong đó ưu đãi thuế phải đóng vai trò là “mồi lửa” để kích hoạt dòng vốn đầu tư tư nhân vào công nghệ. Trên thực tế, thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao hay dự án R&D đủ điều kiện ưu đãi còn rườm rà, thiếu tiêu chí định lượng rõ ràng, khiến doanh nghiệp ngao ngán. Thậm chí, không ít doanh nghiệp thật sự đổi mới lại không được hưởng ưu đãi, trong khi một số doanh nghiệp “đánh bóng hồ sơ” thì lại qua cửa.

Điều đáng lo hơn là chính sách đang “trì trệ” so với tốc độ đổi mới công nghệ. Trong khi các quốc gia trong khu vực đã triển khai các cơ chế hoàn thuế R&D, khấu trừ gấp 2–3 lần chi phí nghiên cứu, hoặc ưu đãi thuế dựa trên kết quả đổi mới thực tế, thì chúng ta vẫn loay hoay với các mức miễn giảm có giới hạn thời gian và thiếu linh hoạt. Doanh nghiệp không thể nào lập kế hoạch đầu tư công nghệ dài hạn trên nền một chính sách ngắn hạn và thiếu ổn định như vậy.

Tôi cho rằng, nếu muốn xây dựng một nền kinh tế đổi mới sáng tạo đúng nghĩa, thì chính sách thuế phải chuyển từ “ưu đãi có điều kiện” sang “hỗ trợ có chiến lược”. Luật sửa đổi sắp tới cần dũng cảm cắt bỏ các tiêu chí hình thức, thay vào đó là cơ chế đánh giá thực chất, ví dụ như: mức chi R&D trên doanh thu, số bằng sáng chế, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ… Đồng thời, cần mở rộng phạm vi ưu đãi không chỉ cho doanh nghiệp công nghệ cao lớn, mà cả cho các startup, trung tâm nghiên cứu tư nhân và dự án công nghệ chuyển giao từ nước ngoài.

Nếu không có bước chuyển căn cơ, chúng ta sẽ mãi chỉ khuyến khích đổi mới bằng... lời nói, trong khi nguồn lực thì vẫn chảy ngược ra nước ngoài – nơi chính sách ưu đãi công nghệ được thiết kế để giữ chân và kích thích sáng tạo thật sự.

PV: Được biết, Quốc hội hiện đang sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, các ý kiến tập trung đề xuất nhiều ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động R&D. Ông nhìn nhận thế nào về điều này và theo ông, điều này mang lại ý nghĩa thế nào đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung?

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi đánh giá rất cao việc Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng tăng cường ưu đãi cho hoạt động R&D. Đây là một bước đi đúng đắn, cần thiết và nếu được thiết kế một cách thực chất, sẽ mang lại tác động mang tính cấu trúc đối với cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trước hết, cần phải nhìn nhận rằng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển là lĩnh vực có độ rủi ro cao, chu kỳ dài, nhưng lại là yếu tố then chốt để tạo ra sự bứt phá về năng suất, năng lực cạnh tranh và khả năng dẫn dắt thị trường. Không thể kỳ vọng doanh nghiệp tự mình dấn thân vào lĩnh vực này nếu thiếu các cơ chế khuyến khích đủ mạnh, trong đó ưu đãi thuế đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Việc bổ sung các ưu đãi thuế cho R&D không đơn thuần là “giảm gánh nặng tài chính” mà là một tín hiệu chính sách mạnh mẽ, thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc đồng hành với doanh nghiệp trên hành trình đổi mới. Khi các khoản chi cho nghiên cứu được khấu trừ cao hơn chi phí thông thường, hoặc khi thu nhập từ sản phẩm tạo ra nhờ đổi mới công nghệ được áp thuế thấp hơn, doanh nghiệp sẽ có thêm lý do để đầu tư vào tri thức thay vì chỉ dồn vốn vào tài sản cố định hay các lĩnh vực sinh lời ngắn hạn.

Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả thực sự, cần lưu ý ba yếu tố cốt lõi. Thứ nhất, tiêu chí xác định hoạt động R&D phải rõ ràng, thực chất, tránh tình trạng doanh nghiệp “lách luật” bằng cách dán nhãn R&D cho các hoạt động không liên quan. Thứ hai, chính sách ưu đãi phải có tính ổn định, dài hạn – vì đầu tư R&D không thể mang lại kết quả trong một vài năm. Thứ ba, cần mở rộng đối tượng thụ hưởng: không chỉ doanh nghiệp lớn, mà cả startup, doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ – những chủ thể đang có khả năng tạo đột phá cao nhất nhưng lại dễ bị bỏ rơi khỏi các khung ưu đãi truyền thống.

Về mặt tổng thể, nếu chính sách ưu đãi R&D được thực thi bài bản, đây sẽ là nền tảng quan trọng để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tri thức và đổi mới. Nó giúp dịch chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái công nghệ nội địa vững mạnh và giảm phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Nói cách khác, ưu đãi thuế cho R&D không chỉ là chính sách kinh tế, mà còn là chiến lược phát triển quốc gia.

PV: Một số ý kiến cho rằng thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là rất ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển của công nghệ, chưa đủ sức tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào các hoạt động nghiên cứu - phát triển. Quan điểm của ông thế nào về điều này?

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm cho rằng thời gian miễn thuế tối đa 3 năm là quá ngắn, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh đặc thù của hoạt động nghiên cứu – phát triển (R&D). Trên thực tế, đây không chỉ là một hạn chế về kỹ thuật lập pháp, mà còn phản ánh sự thiếu đồng bộ trong tư duy chính sách: ta nói nhiều về đổi mới sáng tạo, nhưng lại chưa thực sự đặt mình vào hệ quy chiếu của chu kỳ công nghệ.

Không giống như các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, đầu tư R&D thường có chu kỳ dài, tốn kém và độ rủi ro rất cao. Từ khi bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm cho đến khi thương mại hóa thành công có thể kéo dài 5 – 10 năm, thậm chí lâu hơn trong các ngành công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học… Trong khi đó, miễn thuế 3 năm chỉ như một “liều giảm đau ngắn hạn” – vừa không đủ để doanh nghiệp hồi vốn đầu tư, vừa không tạo được tín hiệu đủ mạnh để kích hoạt dòng vốn tư nhân vào lĩnh vực này.

Nếu chính sách thuế vẫn tiếp tục áp dụng tư duy "ưu đãi theo nhiệm kỳ" – nghĩa là miễn giảm ngắn hạn, đánh giá theo năm – thì chúng ta sẽ không thể nuôi dưỡng được những dự án R&D thực chất, dài hạn. Ngược lại, sẽ chỉ thu hút được những doanh nghiệp tận dụng ưu đãi rồi rút lui khi hết thời hạn miễn thuế, mà không để lại giá trị công nghệ bền vững nào cho nền kinh tế.

Theo tôi, đã đến lúc chính sách thuế cần thay đổi về chất. Miễn thuế nên được gắn với chu kỳ đầu tư công nghệ, thay vì giới hạn theo số năm cứng nhắc. Có thể cân nhắc cơ chế linh hoạt hơn – chẳng hạn miễn thuế trong toàn bộ giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, cộng thêm giảm thuế trong giai đoạn thương mại hóa sản phẩm công nghệ. Đồng thời, cần đưa vào các tiêu chí định lượng: tổng mức đầu tư cho R&D, tỷ lệ doanh thu tái đầu tư vào công nghệ, số lượng sáng chế – để xác định mức ưu đãi tương ứng, thay vì chỉ áp dụng một khuôn mẫu cứng nhắc.

Tóm lại, nếu chính sách thuế thực sự muốn đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thì phải “suy nghĩ như doanh nghiệp công nghệ”, nghĩa là cần dài hơi, có chiến lược và chịu đầu tư cho tương lai.

PV: Quy định về Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (Điều 17) cũng nhận được nhiều góp ý. Việc trích tối đa 10% thu nhập tính thuế và yêu cầu sử dụng 70% quỹ trong 5 năm được cho là chưa phù hợp với dự án R&D dài hạn. Ông nhìn nhận ra sao về quy định này?

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi cho rằng quy định hiện hành tại Điều 17 về Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 – đặc biệt là giới hạn trích tối đa 10% thu nhập tính thuế và yêu cầu sử dụng tối thiểu 70% trong vòng 5 năm – là một thiết kế thiếu linh hoạt, thậm chí đi ngược lại với bản chất và chu kỳ đặc thù của hoạt động R&D.

Thứ nhất, việc áp trần tỷ lệ trích lập quỹ ở mức 10% thu nhập tính thuế là khá khiên cưỡng. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có chiến lược đầu tư mạnh vào công nghệ, đặc biệt là những doanh nghiệp đang ở giai đoạn tăng trưởng công nghệ đột phá, thì con số này là quá thấp, không đủ để hình thành một nguồn vốn nội bộ đáng kể phục vụ nghiên cứu – vốn cần sự tích lũy dài hạn và quy mô lớn. Một cơ chế “tự giới hạn” như vậy sẽ làm triệt tiêu động lực chủ động đầu tư cho tương lai của chính doanh nghiệp.

Thứ hai, yêu cầu bắt buộc sử dụng ít nhất 70% quỹ trong vòng 5 năm là một quy định rất máy móc, không phản ánh đúng chu kỳ sống của các dự án công nghệ. Nhiều doanh nghiệp công nghệ cao cần thời gian dài để tích lũy quỹ, chuẩn bị hạ tầng, nhân lực và đối tác nghiên cứu trước khi bắt tay vào triển khai các dự án quy mô lớn. Nếu buộc phải giải ngân theo một khung thời gian cứng nhắc, họ có thể buộc phải sử dụng quỹ một cách hình thức, thiếu hiệu quả – thậm chí dẫn đến thất thoát nguồn lực hoặc vi phạm quy định nếu không tiêu hết quỹ đúng thời hạn.

Hệ quả là thay vì tạo ra một cơ chế tài chính linh hoạt để doanh nghiệp “tích lũy cho phát triển công nghệ dài hạn”, quỹ này lại đang bị biến thành một “chiếc áo chật”, khiến doanh nghiệp vừa sợ trích lập, vừa lo bị thanh kiểm tra, xử lý nếu không tiêu hết quỹ đúng hạn. Đây là biểu hiện điển hình của tư duy quản lý theo hướng kiểm soát hình thức thay vì tạo điều kiện phát triển thực chất.

Theo tôi, cần sửa đổi quy định này theo hướng: (i) dỡ bỏ trần cứng 10%, cho phép doanh nghiệp được tự quyết định tỷ lệ trích lập tùy theo chiến lược phát triển của mình; (ii) bỏ quy định bắt buộc sử dụng 70% trong vòng 5 năm, thay vào đó là cơ chế giám sát minh bạch việc sử dụng quỹ theo đúng mục đích và kế hoạch đầu tư công nghệ đã đăng ký; (iii) bổ sung cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết quỹ này với các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, viện công nghệ để tạo hiệu ứng lan tỏa thay vì chỉ sử dụng nội bộ.

Nếu tiếp tục giữ những quy định bó cứng như hiện nay, Quỹ Phát triển KH&CN sẽ chỉ tồn tại về mặt hình thức, không thể trở thành công cụ tài chính chiến lược để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân

PV: Bên cạnh những kỳ vọng, cũng có không ít lo ngại về khả năng bị lợi dụng ưu đãi thuế. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này trong môi trường kinh doanh hiện nay? Theo ông, làm thế nào chính sách ưu đãi đạt hiệu quả, tránh gian lận, đồng thời không tạo thêm gánh nặng hành chính?

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Đây là một lo ngại hoàn toàn có cơ sở. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật và quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam còn đang trong quá trình hoàn thiện, việc ưu đãi thuế – nếu không có cơ chế kiểm soát đủ mạnh – hoàn toàn có thể bị lợi dụng để trục lợi, làm méo mó môi trường kinh doanh và gây thất thu ngân sách.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đã tìm cách “dán nhãn” các khoản chi thường xuyên thành chi phí R&D để được khấu trừ, hoặc thành lập các công ty vệ tinh chuyên “hưởng ưu đãi” nhưng không tạo ra giá trị công nghệ thực chất. Đó là dạng “đầu tư công nghệ giả” – bề ngoài là đổi mới sáng tạo, nhưng thực chất là tối ưu thuế một cách lách luật. Tình trạng này không chỉ tạo ra bất bình đẳng với những doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc, mà còn làm xói mòn lòng tin vào tính công bằng và minh bạch của hệ thống chính sách.

Tuy nhiên, nếu vì lo ngại gian lận mà siết chặt đến mức “bóp nghẹt” luôn cả động lực đầu tư, thì sẽ lại rơi vào cái bẫy ngược – tức là tự tước bỏ cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Do đó, điều quan trọng không nằm ở việc “có nên ưu đãi hay không”, mà ở cách thiết kế và giám sát chính sách để vừa tạo điều kiện, vừa đảm bảo kỷ cương.

Theo tôi, có ba nguyên tắc cần được đặt ra để giải quyết bài toán kép: hạn chế gian lận nhưng không gia tăng gánh nặng hành chính:

Thứ nhất, minh bạch hóa tiêu chí và quy chuẩn kỹ thuật cho R&D: Chính sách thuế cần xác định rõ thế nào là hoạt động nghiên cứu – phát triển một cách định lượng, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế (OECD, Frascati Manual...), tránh mô tả chung chung. Điều này giúp doanh nghiệp có cơ sở thực hiện đúng, đồng thời tạo căn cứ pháp lý vững chắc để cơ quan thuế kiểm tra.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ trong hậu kiểm, thay vì phức tạp hóa thủ tục tiền kiểm: Thay vì yêu cầu doanh nghiệp nộp nhiều loại hồ sơ chứng minh ngay từ đầu (gây cản trở), cần xây dựng hệ thống quản lý rủi ro, phân loại doanh nghiệp theo mức độ tín nhiệm, và sử dụng dữ liệu số hóa để kiểm tra sau – từ đó phát hiện gian lận một cách chính xác, không “soi” đại trà.

Thứ ba, kết nối liên ngành và công khai hóa dữ liệu R&D: Cho phép cơ quan thuế phối hợp với Bộ KH&CN, các viện nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề để thẩm định khách quan tính xác thực của dự án công nghệ. Đồng thời khuyến khích công khai thông tin về các dự án R&D đang thụ hưởng ưu đãi – từ đó tạo áp lực giám sát từ cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Nếu thực hiện nghiêm túc và có chiến lược, tôi tin rằng chính sách ưu đãi thuế hoàn toàn có thể vừa khuyến khích đầu tư đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo tính công bằng, minh bạch và kỷ cương trong môi trường kinh doanh.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Phạm Tài

Tin khác

Pháp luật 1 phút trước
(SHTT) - Đây là quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Công ty Luật TGS, Hà Nội) khi bàn về chính sách tăng cường ưu đãi thuế cho lĩnh vực công nghệ cao, R&D hiện nay.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 1/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố, điều tra vụ án hình sự sản xuất, buôn bán hàng cấm là sản phẩm viên hoàn mềm Quân vương Nhất sinh đan tại Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Healthy HKV và các đơn vị liên quan.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Phòng Cảnh sát Kinh tế thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa mới đây đã phát hiện một cơ sở tại Thành phố Nha Trang đang kinh doanh gần 6.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Trong số đó có nhiều mặt hàng do cơ sở này tự phối troonj và dán nhãn để bán ra thị trường.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Ngày 29/5, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) tỉnh vừa khởi tố thêm 4 bị can trong trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền tại sàn giao dịch chứng khoán bất hợp pháp Fnory.com.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Mạng xã hội đang lan truyền đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng, nhấn mạnh các sai phạm được cho là diễn ra tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, cụ thể là chi nhánh CP Freshop Mỹ Xuyên – Sóc Trăng.
. ..