Diễn biến mới nhất vụ sập cầu Phong Châu: Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn
Công tác cứu hộ được triển khai nhanh chóng
Trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ sập cầu Phong Châu Phú Thọ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo:
Thứ nhất: Ngăn đường dùng biện pháp cứng, rào sắt hoặc rào tre, phân công người đứng trực, đặt biển báo, làm biển cảnh báo, chỉ đường tránh cho các phương tiện lưu thông trên đường khu vực cầu sập, thông báo rộng rãi để người dân biết.
Thứ hai: Tìm kiếm cứu hộ, trước mắt để đảm bảo an toàn cần triển khai tìm kiếm xung quanh bờ, khi điều kiện cho phép thì sử dụng các biện pháp kỹ thuật để vớt người, phương tiện.
Thứ ba: Bảo đảm tuyến đường giao thông của tuyến đường. Có thể làm cầu phao hoặc phà thì tùy bên Quân đội. Làm sao để đảm bảo vững chắc, tiết kiệm thời gian của người dân đi lại. Việc thi công cầu cứng có thể mất 1 năm, nên cần 1 cái cầu phao hết sức vững chắc. Việc xây dựng cầu cứng cần triển khai giải pháp ngay để làm ngay cầu cứng.
Thứ tư: Về vấn đề cứu người, chữa trị, động viên các gia đình, về phía tỉnh Phú Thọ cần triển khai vấn đề: động viên, cứu chữa, hỗ trợ cần thiết cho người bị nạn, giúp đỡ các nạn nhân.
Về phân công công việc:
Thứ nhất: phía Bộ Quốc phòng trực tiếp là Quân khu II, triển khai để làm cầu phao sớm nhất và tốt nhất để thực hiện lưu thông, ngân sách thì trung ương sẽ cấp.
Thứ hai: Trung tâm cứu hộ cứu nạn phối hợp với Quân khu II và Bộ Công an cùng với tỉnh Phú Thọ chủ trì thực hiện việc tìm kiếm cứu hộ với các biện pháp thích hợp, thời tiết, địa hình, tình hình cho phép…
Thứ ba: Bộ GTVT triển khai ngay việc chuẩn bị xây cầu mới và nguyên nhân gây sập cầu, để đảm bảo xây cầu mới được vững chắc và lâu bền.
"Đối với tình hình chung, đề nghị các lãnh đạo tỉnh Phú Thọ phân công từng nhóm cán bộ đánh giá các điểm có khả năng ngập, sụt lún để di dời dân ngay, có phương án bảo vệ đảm bảo tài sản cho người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
Về kinh phí khắc phục hậu quả, nếu cần thiết tỉnh Phú Thọ đề xuất, tôi sẽ báo cáo lại với lãnh đạo Chính phủ." - Phó thủ tướng nói.
Về phía Công an Phú Thọ phát thông tin khẩn cấp:
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ thành lập Tổ tiếp nhận thông tin khẩn cấp 24h/24h tại 03 địa chỉ sau:
1. Công ty quản lý đường bộ tỉnh phú Thọ, số 115, khu 22, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0913.282.825 (đồng chí Trung tá Trần Phương).
2. Trạm xăng dầu Công ty TNHH Huy Hoàng, địa chỉ: khu 5, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0989.246.129 (đồng chí Đại úy Nguyễn Mạnh Hưng)
2. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, số 216 đường Trần Phú, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0919.333.689 (đồng chí Thiếu tá Nguyễn Xuân Kha)
Nguyên nhân ban đầu vụ sập cầu
Báo cáo của Sở GTVT tỉnh Phú Thọ liên quan vụ sập cầu Phong Châu cho biết bão số 3 đã gây ra mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao. Lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7) lúc 10h02 ngày 9/9.
Trong báo cáo, Sở GTVT Phú Thọ khẳng định cầu Phong châu đã qua nhiều đợt sửa chữa với lần gần nhất là năm 2023.
Năm 2013, cầu Phong Châu từng được thay 4 dầm bê tông thường bằng 4 dầm bê tông cốt thép dự ứng lực; dán sợi thủy tinh và sợi carbon gia cường; thay bu lông cường độ cao bị đứt gãy, thảm lại mặt cầu, thay khe co giãn...
Theo kết quả kiểm định sau khi sửa chữa, cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng.
Năm 2019, cầu Phong Châu được xử lý xói lở, gia cố trụ cầu. Năm 2023, cầu tiếp tục được sửa chữa nhỏ gồm tẩy gỉ, thay khe co giãn, sơn lại lan can và kiểm định cầu.
Riêng trụ T7 (trụ cầu vừa đổ sập trong sự cố) vào năm 2019 từng được tăng cường 8 cọc khoan nhồi bê tông cốt thép; mở rộng bệ trụ bằng bê tông cốt thép; gia cường khả năng chống va xô bằng biện pháp nối cứng hai thân trụ.
Nhiều người đến trình báo người nhà mất tích
Gần 20 người dân đã đến hiện trường trình báo người thân mất tích và chờ đợi tìm kiếm. Họ được cảnh sát cho nhận diện hình ảnh phương tiện tại thời điểm cầu sập, một số người òa khóc khi thấy hình ảnh xe.
Thông báo phân luồng giao thông sau sự cố sập cầu
Công an tỉnh Phú Thọ thông báo người dân các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn qua huyện Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì có thể lựa chọn các tuyến đường để di chuyển như sau:
Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua Quốc lộ 2 → đi Lâm Thao, Việt Trì. Hoặc Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà → đi Hà Nội → đi cầu Văn Lang → đi Việt Trì, Lâm Thao. Các phương tiện từ hướng Lâm Thao đi Tam Nông, theo chiều ngược lại.
Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà hoặc đi cầu Đồng Quang → đi Hà Nội, Vĩnh Phúc. Hoặc đi theo tuyến quốc lộ 2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
PV
Cầu Phong Châu nằm trên quốc lộ 32C qua tỉnh Phú Thọ. Cầu được xây dựng bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu, được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 1995.
Phần đường xe chạy rộng 7m; lề người đi mỗi bên 1m; tổng bề rộng mặt cầu 9,5m. Cầu gồm 8 nhịp. Các nhịp 33m là nhịp dầm bê tông cốt thép (N1 đến N4) và các nhịp dàn thép (N5, N6, N7). Các trụ cầu (T1 đến T7) bằng bê tông cốt thép.