SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Điểm lại những vụ đạo tranh ồn ào nhất năm 2019: Vấn nạn chưa có điểm dừng

11:57, 28/12/2019
(SHTT) - Trong năm 2019 đã xảy ra liên tiếp các vụ đạo tranh gây ồn ào. Nhiều họa sĩ bức xúc khi bị ăn cắp "đứa con tinh thần". Vậy tại sao các vụ đạo tranh chưa được xử lý nghiêm minh?

 Hàng loạt tranh cổ động Công đoàn bị tố đạo nhái

Nhằm chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, ngày 10/4/2019 Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức lễ phát động cuộc thi “Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam” với chủ đề “Công đoàn Việt Nam – Niềm tin người lao động”.

Cuộc thi nhằm ca ngợi vẻ đẹp, truyền thống anh hùng của tổ chức công đoàn và thành quả lao động của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và các lực lượng vũ trang trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng, bảo vệ tổ quốc, dưới sự tập hợp đoàn kết của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong 90 năm qua.

dao tranh

 

Tuy nhiên gần 1 tháng sau lễ trao giải, cuộc thi bỗng trở nên "nóng hổi" trên truyền thông và mạng xã hội với thông tin hàng loạt các tác phẩm được trao giải là đạo tranh và những tác giả đạo, nhái này lại là các giảng viên mỹ thuật.

Đáng chú ý, Giải Đặc biệt của tác giả Đỗ Đình Tuyền, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, đã bị cộng đồng mạng “tố” sao chép từ nhiều tác phẩm khác nhau. Giải Ba và nhiều giải Khuyến khích của cuộc thi này đều bị “tố” dính nghi án “đạo”, nhái.

Bên cạnh đó, 4 tác phẩm trong 14 giải khuyến khích bị cư dân mạng "vạch tội" đạo tranh khi trưng ra những phiên bản tranh đã được công bố trước đó. Trong đó hài hước nhất là tác phẩm "ăn cắp" anh công nhân đội mũ vải từ bức tranh cổ động khác sang tác phẩm của mình, thay mũ vải bằng mũ nhựa nhưng lại "quên" không bỏ đi cái quai mũ vải trên cổ của nhân vật mà tác giả đã "mượn".

Đáng buồn là nhiều tác phẩm đoạt giải bị tố “đạo” tranh lại thuộc về chính đơn vị đăng cải tổ chức - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Sự việc trên không những gây bức xúc dư luận, nghi ngờ về trình độ thẩm định tranh của Ban Giám khảo cuộc thi, mà còn dấy lên nghi ngờ liệu có sự “tiếp tay” nào nhằm qua mặt Ban Tổ chức hay không?

5 họa sĩ bức xúc vì bị đạo tranh trên áo dài

Vào giữa năm 2019, năm họa sĩ gồm: Bùi Trọng Dư, Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Hương và Phan Linh Bảo Hạnh đồng loạt lên tiếng về việc nhiều đơn vị kinh doanh vị tự ý sử dụng tranh của họ đưa lên áo dài dù không được phép.

Cụ thể, họa sĩ Bùi Trọng Dư phát hiện ra bức tranh sơn mài Ao sen của mình vẽ năm 2011 bị Công ty vải in Lan Anh lấy làm nền áo, rồi cắt tranh cô gái của họa sĩ khác vào chồng lên, tự gọi đó “mẫu tự thiết kế” và chào bán quảng cáo công khai trên web và mạng xã hội.

dao tranh 1

 

Theo họa sĩ Bùi Trọng Dư, hiện tượng xâm phạm bản quyền diễn ra thường xuyên bấy lâu nay và đây cũng không còn là chuyện của riêng anh mà của rất nhiều hoạ sĩ Việt Nam. Tình trạng bị xâm phạm này ngày càng diễn ra thường xuyên và trắng trợn. Nhưng mỗi khi sự việc được phát hiện nó chỉ rộ lên trong một nhóm nhỏ và rồi lại bị nhấn chìm.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết thêm, trước đó, series tranh Ao sen cũng từng nhiều lần lần bị xâm phạm bản quyền: Vbox đã sử dụng làm mẫu mã hộp bánh trung thu (tháng 9/2016); cuộc thi Giọng hát Việt nhí sử dụng làm phông sân khấu (tháng 9/2016); tiệm bánh Trang Nguyên (Hà Nội) tự ý sử dụng làm mẫu mã sản phẩm hộp bánh trung thu (tháng 9/2017)...Chỉ sau khi họa sĩ liên hệ các cơ sở trên mới chịu xin lỗi, bồi thường kinh phí cho việc sử dụng hình ảnh các bức tranh trên.

Vụ 15 bức tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị vi phạm bản quyền

Cũng vào giữa năm 2019, họa sĩ Hà Hùng Dũng đã phát hiện một cá nhân tự xưng là shop Tranh tường, đăng tải trên trang cá nhân và trên trang fanpage rất nhiều tác phẩm hội họa là sáng tạo của anh.

dao tranh 2

 

Nhìn hàng lô những “đứa con tinh thần” dứt ruột đẻ ra bỗng nhiên “về nhà người khác”, lại được quảng bá rùm beng, rao bán một cách công khai, họa sĩ Hà Hùng Dũng vô cùng bức xúc. Vì thế, ngày 17/5 anh đã nhờ một số người quen hỗ trợ, vào tận nhà hàng Mẩy Club, thuộc khách sạn Pao (thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai) nơi đang trang trí rất nhiều các tác phẩm vi phạm bản quyền tranh nghệ thuật của anh, để chụp hình lưu lại làm bằng chứng.

Được biết, cửa hàng bán tranh là tranh tường Trần Tuân. Không muốn làm to chuyện, họa sỹ Hà Hùng Dũng đã chủ động liên hệ để 2 bên có thể tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề không ồn ào. Tuy nhiên, thái độ của người đứng đầu tranh tường Trần Tuân (Hà Nội) khá thách thức và bao biện cho các lỗi sai phạm.

"Việc em vẽ tranh đó không phải là cố ý lấy cắp bản quyền của anh, thực sự việc đó là bên em không biết được. Bọn em là sinh viên, vẽ tranh để kiếm thêm chút thu nhập, chứ không có thời gian ngồi sáng tác được", người đứng đầu tranh tường Trần Tuân nói.

Giải thích về lý do tự ý sử dụng tác phẩm của họa sỹ Hà Hùng Dũng, tranh tường Trần Tuân đã trả lời rằng, vì chủ đầu tư (khách sạn Pao) giao cho thực hiện đề tài về các cô gái dân tộc nên đã lên mạng tìm kiếm và phát hiện ra những bức tranh của họa sỹ Hà Hùng Dũng. Đơn vị này đã "hồn nhiên" chép các tác phẩm của họa sỹ lên tường và tiện tay sao luôn lên một số chất liệu khác, sau đó đóng khung để trang trí cho không gian của Mẩy club.

Về phía khách sạn Pao’s Sapa thì khách sạn này đã nghiêm túc yêu cầu bên vẽ tranh phải công khai gửi lời xin lỗi đến tác giả của tác phẩm gốc là hoạ sĩ Hà Hùng Dũng. Do sơ suất trong khâu kiểm duyệt của nhà thầu thiết kế cùng sự thiếu trách nhiệm và không chuyên nghiệp của nhóm vẽ tranh đã dẫn đến sự việc đáng tiếc này.

Đồng thời, với thiện chí cũng như mong muốn bảo vệ tác quyền của hoạ sĩ, ban quản lý khách sạn đã chỉ đạo tháo dỡ, xoá bỏ tất cả hạng mục tranh vi phạm. Việc niêm phong tranh tường, dỡ bỏ tranh treo nêu trên đã được hoàn thành vào chiều ngày 18/05/2019.

Minh Vân

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.