SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Điểm lại những cải cách giáo dục khiến dư luận "dậy sóng" năm 2017

15:50, 22/12/2017
(SHTT) - Tính riêng trong năm 2017 đã có hàng loạt những cải cách giáo dục được đề ra, và không ít trong số những cải cách đó vấp phải những ý kiến "phản đối" kịch liệt.

Đề xuất lương nhà giáo cao nhất bảng lương hành chính sự nghiệp

co-giao-2

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/11 công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần hai với nhiều điểm mới. Thay đổi quan trọng nhất so với hiện nay là chế độ tiền lương giáo viên.

Điều 81 dự thảo nêu rõ: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp (Nghị định 204 năm 2004), hiện có 12 bậc lương. Cao nhất là lương viên chức loại A3 nhóm 1 (gồm kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên, giáo sư, giảng viên... cao cấp), hệ số từ 6.2 đến 8.0.

Giáo viên trung học cao cấp thuộc loại A2 nhóm 2, hệ số lương từ 4.0 đến 6.38; giáo viên trung học loại A1, hệ số lương từ 2.34 đến 4.98. Giáo viên trung học cơ sở xếp loại A0, hưởng hệ số lương từ 2.1 đến 4.89. Giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non xếp loại B, hưởng hệ số lương từ 1.86 đến 4.06.

Nếu lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp thì có thể tương đương với loại A3, nhóm1, tức bằng với hệ số lương bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên cao cấp...

Tuy nhiên, khi nội dung này được đưa ra, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng phản biện. Đa phần ý kiến ủng hộ phải cấp bách tăng lương cho giáo viên, nhưng tăng lương giáo viên ở mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp thì có khả thi không, khi mà ngân sách nhà nước luôn gặp khó khăn, còn tình hình nợ công thì vẫn gia tăng?

Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk"

giao duc

 

PGS-TS Bùi Hiền - nguyên hiệu phó Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên viện phó Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông - mới đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt được đề cập trong bài "Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế" (trong sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập phát triển tập 1, do NXB Dân trí phát hành).

Theo đó, ông Bùi Hiền cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...

Những bất hợp lý mà PGS Bùi Hiền đưa ra gồm: Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).

“Đó là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại”, tác giả Bùi Hiền chia sẻ.

Từ đó, PGS Hiền kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước. Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.

PGS-TS Bùi Hiền cho biết: “Đề xuất của tôi có nhiều nhà ngôn ngữ họ thấy hợp lý vì chữ viết mới có một nguyên tắc thống nhất. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản bác vì cho rằng nếu cải tiến vậy sẽ phức tạp, có nhiều hệ lụy. Ví dụ kho tư liệu đồ sộ cũ chuyển sang chữ viết mới thì sẽ xử lý như thế nào. Và để thay đổi sẽ phải mất rất nhiều thời gian: thay đổi nhận thức, thay đổi cách học, cách dạy, sách giáo khoa cũng phải thay đổi, các văn bản, sách, báo, rồi lập trình chữ viết trên máy tính… Phải thay đổi từng bước một. Nhưng chỉ cần mất 1-2 năm là quen dần”.

Tuy nhiên, khi nội dung này được đưa ra, nhiều người bao gồm cả các nhà khoa học, nghiên cứu về ngôn ngữ đã lên tiếng phản biện khi cho rằng đề xuất thiếu cơ sở và thực tiễn khoa học.

Ông bố ở Sài Gòn gửi đơn đến Chính phủ kiến nghị dẹp hội phụ huynh

ong bo sai gon

 

Theo đó, Võ Quốc Bình (TPHCM) có con đang theo học tại trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, cho biết mới đây anh đã viết thư kiến nghị giải tán ban cha mẹ học sinh.

Anh cũng chia sẻ thêm “Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sỹ” khi Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất phụ huynh đóng tiền lót sàn gỗ cho lớp đầu năm học này.

Theo anh Bình gọi là Hội phụ huynh nhưng thực tế biến tướng hoạt động với mục tiêu “Hội phụ thu học sinh” để thực hiện “BOT học đường”.

Ông bố Sài gòn này chia sẻ quan điểm, hàng năm, ngân sách cho giáo dục là rất đáng kể rồi, vào nhất nhì trong các ngành, giáo viên có lương, nhà trường có ngân sách.“Vậy không hà cớ gì động đến đâu cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp như kiểu từ thiện. Đây không khác nào là một hình thức móc túi người dân”- Ông Bình nêu quan điểm.

Đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK

Tri pheo

 

Theo đó, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) nêu quan điểm: “Ở khía cạnh văn học, tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao có thể được đáng giá là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, đứng trên góc độ giáo dục, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ lại.

Theo anh Hiền, nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hoá, nhưng đây là một nhận xét phiến diện, mang tính áp đặt.

Anh Hiền cho rằng, nếu Chí là đại diện cho tầng lớp nông dân thì "thật mang tiếng cho nông dân mình quá" và dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu. Ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là hành động không thể dung thứ...

Liệu có nên vẫn tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không, khi mà bản thân tác phẩm "Chí Phèo" không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?

Trước các ý kiến này, chia sẻ với Trí Thức Trẻ TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm riêng của mình và bà luôn tôn trọng sự khác biệt, coi đó là nguyên tắc sống nhân văn nhất.

"Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta giúp lan truyền và chấp nhận những phát ngôn có thể gây phương hại tới những giá trị đích thực trong cộng đồng. Loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình SGK phổ thông là ý kiến tuyệt đối không thể chấp nhận", TS Tuyết nhấn mạnh.

Theo TS Tuyết, tiến bộ trong văn học khác với tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Cụ thể, những thành tựu của khoa học thời kỳ trước sẽ trở nên lạc hậu và có thể bị đào thải bởi sự xuất hiện thành tựu khoa học thời kỳ sau ưu việt hơn.

Riêng văn học nghệ thuật, những tác phẩm đã được khẳng định giá trị sẽ tồn tại vĩnh hằng, những giá trị đích thực sẽ luôn được làm mới trong tầm đón nhận của mỗi thời đại nối tiếp.

"Là một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930- 1945, tôi tin truyện ngắn Chí Phèo luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kỳ tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó.

Quan điểm của tôi là phải giới thiệu cho học sinh bản hoàn chỉnh của truyện ngắn, không lược bỏ cắt xén, bởi giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm chỉ được cảm nhận đúng đắn trong chỉnh thể", TS Tuyết bày tỏ.

Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận/huyện
de-xuat-giai-tan-phong-giao-duc-quan-huyen-1804

 

Đưa kiến nghị của mình lên báo chí, thầy giáo Bùi Nam – một giáo viên tâm huyết với nghề cho rằng, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 19 của Hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương là giảm 10% biên chế trong sự nghiệp công lập trong đó có ngành giáo dục, bên cạnh việc giảm các chức danh kế toán, y tế học đường, lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ thì một nhóm đối tượng khác cũng cần được giảm đó là các... phòng giáo dục.

Thầy giáo đã phân tích: Theo số liệu thống kê ngân sách chi lương cho ngành giáo dục có đến 70% tổng quỹ lương khối sự nghiệp công lập.

Ngành giáo dục chiếm 52% biên chế sự nghiệp cả nước (1,2 triệu trong tổng số 2,3 triệu người).

Lực lượng cán bộ quản lý chỉ tính riêng từ mầm non đến trung học phổ thông (bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ Phòng/ Sở giáo dục) trên giáo viên đứng lớp là khá lớn:

Mầm non là 35.833/132.294 viên chức chiếm tỉ lệ 27,08%, tiểu học 35.010/363.249 chiếm tỉ lệ 9,64%, trung học cơ sở 24.627/207.085 chiếm tỉ lệ 11,9%, trung học phổ thông 8.351/119.826 chiếm tỉ lệ gần 7%;

Tính chung trên cả nước cán bộ quản lý từ mầm non đến trung học phổ thông là 103.821/ 822.454 viên chức chiếm 12,6%.

Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại Sở/Phòng GD nhưng vẫn nhận lương tại các trường.

Thầy Nam cho rằng đó là con số quá lớn và cồng kềnh, nó làm tăng thêm sự ngột ngạt cho bức tranh biên chế đang ngày càng phình to.

Từ đó, thầy Nam góp ý: Cần giải tán các phòng giáo dục ở các huyện, quận trong cả nước, thay vào đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường. Như vậy, tại mỗi địa điểm cấp xã sẽ giảm được ít nhất 2 hiệu trưởng, 3 hiệu phó, cả nước có 10.732 đơn vị hành chính cấp xã, số lượng tinh giản được sẽ là rất lớn.

Nói về vấn đề trên, cô Minh Hà, giáo viên của một trường THPT chia sẻ quan điểm: "Suốt thời gian qua, các giáo viên đều chịu áp lực từ phía phòng giáo dục địa phương vì vậy chúng tôi không có cơ hội được sáng tạo thêm, nhà trường không được đổi mới. Phòng chỉ đạo thế nào chúng tôi phải làm thế dù không đồng tình".

Cùng với ý kiến trên, nhiều giáo viên cũng cho biết rằng việc bầu hiệu trưởng, hiệu phó các trường cần được trao quyền cho chính giáo viên trong trường để tránh việc độc đoán, chuyên quyền trong quản lý giáo dục.

PV (t/h)

Tin khác

Tin tức 26 phút trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 24/4, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Trì và Công an Thành phố vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc hành hung nhà báo tác nghiệp tại huyện Thanh Trì.
Tin tức 17 giờ trước
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khó đáp ứng được những tiêu chí khắt khe trong khi nhóm 3 đối tượng vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đứng trước cơ hội nắm được “phao” vốn khơi thông điểm nghẽn nguồn lực.