SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 06/10/2024
  • Click để copy

Điểm đến 'xanh' Cù Lao Chàm có gì quyến rũ?

11:39, 01/08/2022
Để giảm áp lực lên khu dự trữ sinh quyển thế giới, từ nhiều năm nay, Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã đón đầu xu hướng du lịch tôn trọng tự nhiên, du lịch sinh thái. Điểm đến 'xanh' này kiên trì giải bài toán khai thác du lịch theo đuổi chất lượng hơn số lượng.

 Con người và thiên nhiên thuần hậu

40d2f14a086eca30937f

 Festival miền biển năm 2022.

“Mua túi vải, túi bố này đi… ra đảo người ta không cho dùng túi nilon đâu”, từ trên Cửa Đại khi chuẩn bị rời bến cảng ra đảo Cù Lao Chàm mỗi du khách đều được nghe lời nhắc nhở ấy văng vẳng bên tai. Túi nilon, chai nhựa được thay thế bằng các chất liệu khác để làm hành trang “xanh” ra tham quan ốc đảo.

Ấn tượng và thiện cảm đầu tiên ấy theo du khách bắt đầu hành trình khám phá Cù Lao Chàm hoang sơ. Các khu chợ Tân Hiệp, quán cà phê hay một người dân bán bánh bèo, bánh gói ít lá gai dọc đường… tất cả đều tuân theo "quy ước làng" từ chối rác thải nhựa.

da9fac13b0e572bb2bf4

Cù Lao Chàm và quy ước "không dùng rác thải nhựa".

Vẻ đẹp tự nhiên của những cánh rừng ngô đồng đỏ trong mùa Festival miền biển vào cuối tháng 7 vẫy gọi. Những hội thi lắc thúng đơn, thúng đôi khi thanh niên các bãi Làng, Bãi Hương, Bãi Ông khoe hết "kỹ nghệ" trên sóng nước mang lại nhiều tiếng cười sảng khoái cho du khách.

“Đã lâu lắm rồi mới thấy khách nhiều trở lại sau đại dịch”, chủ nhà hàng Dân Trí niềm nở bưng món hải sản nóng hổi vừa chia sẻ nỗi mừng vui của một người bán hàng. Nói là nhà hàng nghe "sang" nhưng là nhà cấp bốn với bà chủ nấu được nhiều món ngon vị biển được du khách truyền tai nhau.

Bên ngoài, lão ngư Trần Mới sửa soạn ngóng khách đến xem chương trình “Đêm Cù Lao” như một lời hẹn vào thứ bảy hàng tuần. Từ tháng 5/2022, người dân Cù Lao Chàm tạo ra không gian này để khách thêm thời gian trải nghiệm cuộc sống đời thường bình dị.

Không gian “Đêm Cù Lao” trải dài suốt trục đường chính Bãi Làng với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Nói là xã đảo nhưng chỉ có mấy cái xóm trên xóm dưới đi một lúc đã hết, ấy thế mà mỗi góc nhỏ của xóm xôn xao đủ thanh điệu, hương vị khác nhau.

Đây du khách xem trình diễn gói và thưởng thức bánh ít; kia dáng các bà lớn tuổi cặm cụi đan võng; làm sản phẩm thủ công khéo léo từ vỏ ốc biển. Du khách tụm lại, thỉnh thoảng râm ran tiếng cười, cổ vũ bài chòi, cờ tướng, cờ làng, cờ lú, nào đua lắc thúng chai, đập nồi... Ngột ngạt trong phố nhanh tan khi về giữa không gian sinh thái trong lành ở đây.

Các phiên chợ sản vật địa phương, chợ ẩm thực với nhiều hải sản tươi ngon vừa bắt từ biển lên làm những tiệc nướng dân dã… đong đầy đêm đáng nhớ với lồng lộng gió đảo.

058f178a317cf322aa6d

 Du khách như được trở về ngôi nhà của thiên nhiên và con người thuần hậu.

“Tôi đã thử đi cầu tre bập bênh ở Đêm Cù Lao… thật vui. Tôi cảm nhận được du lịch ở đây phát triển rất tự nhiên từ những điều đã sẵn có và sự thân thiện của người dân”, du khách Trần Thị Huyền Trang chia sẻ.

Cẩn trọng để du lịch không tác động tới bảo tồn

Lướt sóng xanh, lặn đáy biển để tận mắt nhìn ngắm rặng san hô đủ loại, đủ màu là trải nghiệm ai đến đây cũng muốn thử. Thế nhưng, không ít du khách khi lặn ngắm san hô nỡ xuống tay bẻ trộm khiến một số vùng biển Việt Nam sau một thời gian khai thác du lịch tan hoang, có nguy cơ “trắng” san hô.

dd572a0208f4caaa93e5

Du khách đến với Cù Lao Chàm.

Tại Cù Lao Chàm, nơi được ví như “lồng ấp nở” thủy hải sản, có vệt san hô lớn, trong đó nhiều loài lần đầu được tìm thấy trong vùng biển Việt Nam. Từ năm 2006 đến nay, diện tích rạn san hô ở vùng biển Cù Lao Chàm tăng lên gấp đôi. Các nghiên cứu mới nhất ghi nhận Cù Lao Chàm có 292 loài thuộc 23 họ san hô cứng tạo rạn quanh các đảo phía Tây, Tây Nam hòn Lao và các đảo nhỏ.

Để có cảnh quan này, UBND TP Hội An đã kiên định chỉ cấp số lượng 3000 – 5000 du khách ra đảo/ ngày, tàu chở khách không quay đầu trong ngày. Những tour du lịch thiên nhiên thiên về trải nghiệm.

Các tour xuống đáy biển hấp dẫn như: lặn ngắm san hô, câu cá, thám sát đáy biển mở rất cầm chừng, cẩn trọng, phân từng khu vực nhằm tránh xâm phạm vào khu bảo tồn, phục hồi rạn san hô. Bên cạnh đó, việc áp giá tour ngày càng cao cũng là "sách lược" góp phần nâng tầm giá trị phục vụ bảo tồn.

928ae90af0fc32a26bed

 Hướng đến các tiêu chí “Điểm đến xanh”.

Năm 2022, tỉnh Quảng Nam có nghị quyết "ưu tiên phát triển du lịch xanh, đảm bảo khả năng cạnh tranh của du lịch Quảng Nam, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch của thế giới". Hơn một thập kỷ qua, xã Tân Hiệp đã sớm đón đầu xu hướng du lịch tôn trọng tự nhiên này trong quản lý và phát triển du lịch.

Thời gian này tiếp tục cụ thể hóa “Đề án phát triển bền vững xã đảo Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An”. Theo đó, Tân Hiệp tập trung vấn đề vệ sinh công cộng, môi trường, nâng cao dịch vụ kinh doanh xã đảo.

Có nên hướng tới du khách chi tiêu cao

Tuy bảo tồn giữ gìn môi trường cảnh quan và tài nguyên đa dạng tốt, song Cù Lao Chàm vẫn loay hoay tìm hướng mở cho hiệu quả kinh tế từ du lịch mà không ảnh hưởng tới sinh thái.

"Ở Cù Lao Chàm không có khách sạn, ít dịch vụ... quanh quẩn với các bãi tắm, với biển nên tôi và gia đình dù rất thích không khí ở đây cũng không biết ở lại chơi gì", du khách Nguyễn Minh Giang (Huế) nói.

Theo lãnh đạo UBND xã Tân Hiệp, các tour du lịch tại Cù Lao Chàm thường khai thác thời gian ngắn, khách đi về trong ngày. Hệ thống giá trị văn hóa, lịch sử, tri thức bản địa còn nhiều song ít người biết và được tiếp cận. Hạn chế trong vấn đề khai thác du lịch chưa tính các giá trị gia tăng, giá trị nghệ thuật đồng thời quảng bá du lịch còn đơn lẻ, thiếu liên kết. 

d78ea46eb49876c62f89

 Rừng, động thực vật quý hiếm ở xã đảo nếu khai thác du lịch sẽ rất thu hút

Những mặt trái đáng lo ngại đã thấy ở nhiều nơi phát triển du lịch đại trà ồ ạt, thiếu kiểm soát gây hệ lụy môi trường, áp lực sinh thái ảnh hưởng nhiều mặt đời sống xã hội của người dân. “Cần định hướng xây dựng thêm sản phẩm du lịch gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững tại Cù Lao Chàm”, lãnh đạo UBND xã Tân Hiệp khẳng định.

Nhằm duy trì tốt Cù Lao Chàm thành thương hiệu điểm đến xanh đón đầu xu hướng du lịch tôn trọng tự nhiên mà vẫn cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, Cù Lao Chàm cần xem xét thiết lập cơ sở dịch vụ cao cấp, xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với thị trường chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Tuy nhiên, tất cả đều phải có chiến lược cụ thể và tính đến sức chứa của hạ tầng, không đánh đổi môi trường. Như vậy, Cù Lao Chàm mới phát triển bền vững và tạo ra sinh kế dồi dào cho người dân trong tương lai.

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: "Xã có khoảng 3000 dân, vẻn vẹn 15 km2. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Cù Lao Chàm đón 50.000 lượt khách đạt 142,8 % so với kế hoạch. Trong đó khách Việt Nam ước đạt 39.608 lượt và khách quốc tế chỉ đạt 1.193 lượt, lưu trú 1.164 lượt".

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TP Hà Nội quý 3/2024, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Lê Thị Ánh Mai cho biết, cao điểm từ ngày 29/9 đến 10/10/2024, TP Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức Triển lãm “Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển”. Triển lãm diễn ra từ ngày 4 đến 14/10/2024 tại Bảo tàng Hà Nội.
Giải trí 4 ngày trước
(SHTT) - Để phục vụ người dân và du khách dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, UBND TP Hà Nội và các quận huyện đều tổ chức hàng loạt chương trình như triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, du lịch thực cảnh…
Giải trí 4 ngày trước
(SHTT) - Thiên nhiên ban tặng cho Trí Nang (Lang Chánh) cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và nhiều nét văn hóa truyền thống với những làn điệu dân ca, dân vũ, nếp nhà sàn, ẩm thực... Đây là điều kiện quan trọng để vùng đất này phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Giải trí 4 ngày trước
(SHTT) - Lễ hội Chá Mùn là một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của dân tộc Thái (xã Yên Thắng, Lang Chánh). Nhận thức được tầm quan trọng của lễ hội này, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm bảo tồn và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.