SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Điểm danh những xu hướng chuyển đổi số giúp du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

07:42, 30/05/2022
(SHTT) - Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, ngành du lịch hiện đang tận dụng sự phát triển của công nghệ để nắm bắt cơ hội chuyển mình sau đại dịch. Sẽ có 4 xu hướng chính trong chuyển đổi số giúp ngành du lịch có thể phục hồi và phát triển mạnh mẽ trở lại.

Chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề "CĐS du lịch - Xu hướng và giải pháp" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao CĐS Việt Nam - châu Á 2022 diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã nhận định rằng công nghệ là một trong những chìa khóa giúp giải các bài toán kinh doanh và du lịch là một trong số những bài toán kinh doanh đó. Do đó, CĐS ngành du lịch được đánh giá là vô cùng cần thiết.

img6269vinasa-16537621257201353829764

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định công nghệ là một trong những chìa khóa giúp giải bài toán kinh doanh du lịch. (Ảnh: TITC) 

Theo ông Siêu, ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, chuyển đổi số ở thời điểm hiện tại được nhìn nhận là quá trình chuyển dịch cũng như hình thành nền tảng, môi trường kết nối, giao dịch, tương tác giữa các chủ thể trong ngành du lịch bằng công cụ, ứng dụng, dữ liệu số. 

Ông Siêu cho rằng, với tính năng vượt trội của công nghệ số mà những giao dịch, tương tác trong ngành du lịch có thể trở nên hiệu quả hơn và có thể tạo ra những bứt phá mới trong hoạt động du lịch.

Nhận định và đề xuất về một số xu hướng cũng như giải pháp CĐS ngành du lịch, ông Hà Văn Siêu đã nêu bật 4 xu hướng chính bao gồm: Du lịch thông minh; Tham gia du lịch chủ động hơn; Xu hướng liên minh, liên kết, phát huy cơ chế kinh tế chia sẻ; Xu hướng khuếch trương cực đại những cảm xúc trong trải nghiệm du lịch.

Xu hướng du lịch thông minh

Trong những năm gần đây, nhu cầu du lịch hướng tới trải nghiệm được cá nhân hóa, thân thiện ngày càng phát triển.

Xu hướng du lịch thông minh đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa, trải nghiệm sâu, đặt ra yêu cầu cần phải số hóa hệ thống dữ liệu lớn về điểm đến, sản phẩm du lịch và các cơ sở cung ứng dịch vụ theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, xu hướng này cũng đòi hỏi sự phát triển của những ứng dụng số thông minh để đưa ra được những sản phẩm, những lời giải tối ưu nhất cho từng nhóm nhu cầu rất riêng của từng nhóm khách du lịch.

Theo đó, những giải pháp công nghệ khi kết hợp với những dữ liệu lớn về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch theo chuỗi giá trị sẽ đưa ra được những lời giải hữu hiệu để phát triển du lịch thông minh.

Tham gia du lịch chủ động hơn

Khách du lịch ngày càng có xu hướng chủ động hơn trong việc lựa chọn dịch vụ, xây dựng chương trình và phương án đi du lịch, cũng như tự kết nối với các nhà cung cấp, tự trải nghiệm theo hướng dẫn của nhà cung cấp thông qua công nghệ.

Ngoài ra, du khách cũng có thể tự đánh giá, chia sẻ về thông tin và những kinh nghiệm trong và sau chuyến đi. Rõ ràng, với công nghệ những hoạt động của khách du lịch đã trở nên chủ động hơn.

Đây là xu hướng mà người tiêu dùng du lịch trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành cũng như tiêu thụ sản phẩm du lịch. Điều này tạo ra sự tương tác nhiều chiều với nhiều đối tượng, chủ thể trong ngành du lịch.

Vì vậy, để tranh thủ tính chủ động của khách hàng, ngành du lịch cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá, cung cấp đầy đủ thông tin điểm đến cũng như hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động tìm kiếm của khách hàng. Đồng thời, tạo ra những ứng dụng, giải pháp thân thiện, mang tính ứng dụng cao để có thể đáp ứng xu hướng du lịch chủ động của du khách.

"DN có càng nhiều dữ liệu điểm đến, có ứng dụng tìm kiếm tốt sẽ thu hút được càng nhiều khách hàng", ông Siêu nhấn mạnh.

Xu hướng liên minh, liên kết, phát huy cơ chế kinh tế chia sẻ

Đây là một xu hướng đang nổi lên trong ngành du lịch. Nhu cầu liên kết giữa các bên cung ứng dịch vụ như lữ hành - lưu trú; lữ hành - vận chuyển; lữ hành - khách sạn, lữ hành - dịch vụ vui chơi giải trí… là rất lớn. Xu hướng này xuất phát từ nhu cầu liên kết chia sẻ chi phí, doanh thu, dịch vụ… tạo ra các giải pháp ứng dụng số trong cung ứng, tiêu dùng dịch vụ du lịch, những sản phẩm tốt nhất và rẻ nhất, nhanh nhất, như các loại thẻ du lịch thông minh, ứng dụng chia sẻ kỳ nghỉ…

Để làm được điều này, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh cần thiết phải số hóa các cơ sở dịch vụ, quá trình tiêu dùng, kết nối nhiều nhà cung ứng dịch vụ tại nhiều thời điểm khác nhau.

Xu hướng khuếch trương cực đại những cảm xúc trong trải nghiệm du lịch

Đây là một trong những nhu cầu tự nhiên của con người khi đi du lịch, luôn mong muốn có những trải nghiệm độc đáo, vượt trội so với thực tế mà trong điều kiện thực tế khó hoặc không đạt được. Và chỉ có công nghệ thực tế ảo mới có thể giúp khách hàng tạo ra những cảm xúc vượt trội như vậy.

Xu hướng thực tế ảo hiện đang rất phổ biến trong giới trẻ. Từ thực tế đó, CĐS du lịch cũng cần phải hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng tương tác giữa thế giới thực và thế giới ảo.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho những xu hướng đó, Tổng cục Du lịch hiện đang chuẩn bị triển khai Dự án CĐS ngành du lịch với 3 trụ cột: trục liên thông kết nối thông tin quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương và các cơ sở dịch vụ; hệ thống cơ sở dữ liệu số quốc gia về du lịch; sàn giao dịch điện tử kết nối các DN cung ứng dịch vụ và khách du lịch.

Ba trụ cột này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho các chủ thể trong ngành du lịch hoạt động trong môi trường số.

Đứng trước những cơ hội và thách thức mới trong quá trình phục hồi lại ngành du lịch, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh: "Các DN du lịch, DN công nghệ khi tham gia vào quá trình CĐS cần nắm bắt được các xu hướng du lịch để có thể đưa ra những giải pháp thích ứng, đề xuất nhiều ý tưởng tiên phong, biến những "sản phẩm số" thành những "sản phẩm du lịch số"".

Bên cạnh đó, ông Hà Văn Siêu cũng kêu gọi sự chủ động sáng tạo và tăng cường đầu tư cho CĐS từ những người đứng đầu ngành và coi CĐS trong du lịch là chìa khóa cạnh tranh trong giai đoạn phát triển này.

"Chúng tôi tin tưởng rằng với tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam cùng với những sáng tạo, khát vọng phát triển và không ngừng đổi mới, cũng như những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện của Nhà nước thì công cuộc CĐS ngành du lịch sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan và có thể lan tỏa đến nhiều ngành lĩnh vực liên quan, tạo cơ hội cho ngành du lịch phát triển bền vững và vươn lên một tầm cao mới", ông Hà Văn Siêu khẳng định.

Mai An

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tin tức 5 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).