SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Điểm danh loạt thương hiệu nổi tiếng "mập mờ" nhãn mác, lừa dối khách hàng

16:23, 24/07/2018
(SHTT) - Khaisilk, Mumuso, Giovanni, Daiso... đều là những thương hiệu nổi tiếng nhưng đã lừa dối khách hàng bằng cách làm giả và "mập mờ" nhãn mác.

Khaisilk bán lụa tơ tằm xuất xứ Trung Quốc

Vào năm 2017, vụ việc Khaisilk lừa dối khách hàng, bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc đã làm rúng động dư luận và dấy lên "làn sóng" bất bình, phẫn nộ của những người đã tin tưởng Khaisilk khi biết mình bị phản bội, lừa dối suốt nhiều năm qua.

Sau khi bị khách hàng tố khăn lụa Khaisilk có tới 2 nhãn mác, một là "Made in China" và một là "Made in Vietnam". Doanh nhân Hoàng Khải đã thừa nhận và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Theo ông Khải, việc nhập lụa Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam đã có từ lâu, xuất phát vào giữa những năm 90, khi Khaisilk không tìm đủ nguồn hàng trong nước.

khaisilk

 

Khi đó, chính ông Khải đã sang Trung Quốc nhập hàng về vì nghĩ đơn giản rằng "các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa".

Ông Khải cũng cho biết, tập đoàn của ông đã phát triển thành tập đoàn đa ngành khiến ông lúng túng trong khâu quản lý và đặc biệt là mảng lụa tơ tằm chỉ còn đóng góp rất nhỏ trong tỷ trọng doanh thu nên ông lơ là, thiếu kiểm tra giảm sát. 

Sau đó, Hoàng Khải phải hứng chịu cơn thịnh nộ của khách hàng. Hoàng Khải đã phải đóng fanpage và facebook cá nhân, quyết định bồi hoàn lại tiền cho khách hàng nếu họ mang sản phẩm và hóa đơn mua hàng đến các cửa hàng Khaisilk.

Các cơ quan chức năng cũng đã điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động của Khaisilk. Tất cả các cửa hàng của thương hiệu này tại Hà Nội và TP HCM đều phải đóng cửa, hàng hóa bị niêm phong và thu giữ chờ điều tra. 

Mumuso mượn danh hàng Hàn, bán hơn 99% hàng Trung Quốc

Mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1809/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Mumuso Việt Nam.

Kết luận kiểm tra đối với Mumuso Việt Nam giai đoạn từ năm 2016 tới ngày 31/5 cho thấy công ty này kinh doanh 2273 loại hàng hóa. Đáng lưu ý, 2257/2273 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc; phần còn lại được công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước. 

Mumuso

 

Kết luận cũng đồng thời chỉ ra rằng, nhãn hiệu MUMUSOKR đã được đăng ký bởi Công ty TNHH MUMUSOKR, địa chỉ: 601, 47 SEJONGDAERO 23-GIL, JONGRO-GU, SEOUL (Hàn Quốc). Tuy nhiên, công ty sử dụng nhãn hiệu MUMUSOKR theo ủy quyền của Công ty Mumuso Thượng Hải (Trung Quốc). Công ty Mumuso Thượng Hải là đơn vị có quyền sử dụng và quản lý nhãn hiệu MUMUSOKR trên toàn cầu theo ủy quyền của Công ty TNHH MUMUSOKR.  Tuy vậy, theo kết luận kiểm tra, tại thị trường Hàn Quốc, không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso.

Kết luận cũng chỉ rõ, Công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Cụ thể, trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, Công ty sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Công ty không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.

Bên cạnh đó, Mumuso Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh, như quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Quá trình kiểm tra cho thấy, việc Công ty sử dụng một số nội dung quảng cáo công khai tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh: “Mumuso; Giá chỉ từ 22.000 đồng; Korea”; sử dụng chữ Korea (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của Công ty liên quan đến Korea (Hàn Quốc).

Ngoài ra, Mumuso Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Kết quả kiểm tra cho thấy: một số mặt hàng có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng có nội dung không phù hợp với hồ sơ công bố và hồ sơ nhập khẩu.

Công ty cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công bố sản phẩm khi có 2 mẫu sản phẩm mỹ phẩm được phát hiện có nội dung về thành phần ghi trên nhãn phụ không phù hợp với nội dung về thành phần trong hồ sơ công bố.

Mumuso Việt Nam còn có đấu hiệu vi phạm pháp luật về thương mại điện tử vì đã không cung cấp chính xác thông tin liên quan đến trách nhiệm thông báo website đến Bộ Công Thương.

Công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về thương mại khác. Cụ thể, Mumuso Việt Nam không thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại gắn với nhãn hiệu Mumusokr.

Hãng “thời trang Ý” có tên Giovanni: Có đúng là hàng chuẩn Ý hay không?

Từ năm 2007, Công ty TNHH Giovanni Việt Nam xuất hiện với vai trò là nhà phân phối độc quyền của thương hiệu Giovanni Italy đã khiến cho các sản phẩm của công ty này được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người tiêu dùng. 

Với những lời quảng cáo hoa mỹ như “phong cách Ý”, “thương hiệu thời trang đẳng cấp với các dòng sản phẩm mang đậm phong cách Italy", sản phẩm thời trang của Giovanni đang được người tiêu dùng ưa chuộng mặc dù nó có giá bán "trên trời", có khi lên tới hàng chục triệu đồng cho một sản phẩm. Vì tin tưởng nên nhiều khách hàng không tiếc tiền để sở hữu sản phẩm của hãng này.

giovanni

 

Có thể hiểu những quảng cáo có nội dung khá mập mờ nêu trên của Giovanni đã ngầm gợi ý cho người tiêu dùng suy nghĩ rằng, Giovanni là một thương hiệu thời trang có nguồn gốc từ nước Ý.

uy nhiên theo tìm hiểu, tại nước Ý lại không hề tồn tại thương hiệu thời trang này. Một số người Việt sống lâu năm tại Ý cũng cho biết, ở Ý không có một thương hiệu thời trang nào mang tên “Giovanni”. Người dân tại đây chỉ biết đến 6 thương hiệu thời trang đình đám là Prada, Gucci, Valentino, Armani, Versace, Dolce & Gabbana.

Được biết, Giovanni thật ra lại là tên nhà thiết kế gắn với thương hiệu Versace, có tên đầy đủ là Giovanni Versace S.p.A, được thành lập bởi nhà thiết kế Giovanni Versace vào năm 1978, cửa hàng đầu tiên của hãng được khai trương ở phố Via della Spiga tại Milano, Ý. Các sản phẩm của Versace bao gồm: quần áo, phụ kiện, nước hoa, đồ trang điểm và nội thất đều là những hàng hóa cao cấp. Hiện nay, nhà thiết kế chính của thương hiệu này là Donatella Versace – em gái của Giovanni.

Như thông tin được đăng tải trên báo Công Lý, một chuyên gia thời trang Việt cho hay trong suốt khoảng thời gian nghiên cứu về thời trang Ý, anh cũng chưa bao giờ nghe thấy tên Giovanni trong các thương hiệu thời trang của nước này.

Vị chuyên gia này cũng cho biết việc sản phẩm của công ty Giovanni quảng cáo “là thương hiệu Italy nổi tiếng toàn thế giới” là lố bịch, đánh lừa người tiêu dùng. Và kể cả nếu đúng là của Ý thì có lẽ đây chỉ là “hàng chợ” không ai biết đến.

Thậm chí, tra cứu trên Google cả tiếng Anh lẫn tiếng cũng không thấy thương hiệu thời trang Giovanni tại nước Ý giống như của Công ty TNHH Giovanni Việt Nam.

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2007, sản phẩm thời trang Giovanni của Cty TNHH Giovanni Việt Nam được biết đến là nhà phân phối độc quyền duy nhất của thương hiệu Giovanni Italy Inc. Một số trang quảng cáo cho biết, đây là “thương hiệu bắt nguồn từ Ý – đất nước được mệnh danh là “Kinh đô của thời trang quốc tế”, nơi sản sinh ra những nhà thiết kế lừng danh như Valentino, Giovanni, Dolce and Garbana, Emilio Pucci, Gucci…”.

 Tuy nhiên khi tra cứu tên công ty mẹ “Giovanni Italy Inc” trên Internet thì lại không thể tìm ra địa chỉ công ty hay những sản phẩm như quảng cáo. Thông tin duy nhất tìm được là từ website giovanni-italy.com, website này có thông tin tiếng Anh (bên cạnh là tiếng Việt) nhưng các địa chỉ bán hàng là ở Việt Nam. Trụ sở chính của Giovanni Việt Nam là tại Tòa nhà thông tấn xã, số 11 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cũng theo thông tin được đăng tải trên báo Công Lý, trong khi website còn đang mập mờ về thông tin thì khi gọi điện theo số hotline ghi trên website giovanni-italy.com, nhân viên tổng đài trả lời bằng tiếng Việt và cho biết không có tên công ty Giovanni Italy Inc mà đây là thương hiệu Ý liên kết. Hàng được sản xuất ở Thái Lan hoặc Ấn Độ.

Tiếp tục tra cứu “chữ, logo Giovanni” trên Google chỉ thấy các trang Việt Nam đăng tải. Website cũng của Việt Nam, không hề liên kết đến website nào của công ty mẹ (mặc dù Giovanni Việt Nam luôn nhận mình là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam).

Trong khi đó, trên báo Diễn đàn doanh nghiệp từng có bài viết “Giovanni – Sang trọng và tinh tế” và chỉ giới thiệu về công ty Giovanni Italy Inc vỏn vẹn một dòng “Với vai trò là nhà phân phối độc quyền duy nhất của thương hiệu Giovanni Italy Inc tại Anh, Cty TNHH Giovanni Việt Nam chính thức đưa thương hiệu Giovanni đến với Việt Nam”. Như vậy, dù mang thương hiệu Ý nhưng công ty này lại đặt trụ sở ở Anh. Cái gọi là thương hiệu Giovanni ấy là một công ty được đặt trụ sở tại thiên đường trốn thuế ở Anh, là công ty dạng “hồ sơ Panama”.

Daiso Việt Nam: Bán hàng Trung Quốc nhưng "đội lốt" hàng Nhật Bản?

Năm 2008, Daiso đã tạo nên cơn sốt mua sắm trong cộng đồng Việt khi bán tất cả các sản phẩm ở mức đồng giá 40.000 đồng. Tuy nhiên nhiều khách hàng đã tố cáo Daiso Việt Nam "treo đầu dê bán thịt chó".

Nhìn lướt qua các sản phẩm được bày bán trên kệ hàng của Daiso, nếu không để ý kỹ thì nhiều người sẽ nhầm tưởng đây đều là hàng xuất xứ từ Nhật Bản. Bởi tem nhãn mác, bao bì sản phẩm đều được in chữ Nhật rất to và màu bắt mắt. Chỉ có mặt sau của sản phẩm có tem dán chữ rất nhỏ về xuất xứ của hàng hóa, đơn vị nhập khẩu hàng hóa. Hầu hết các sản phẩm bày bán tại đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

daiso

 

Tất cả các mặt hàng đều có giá chung là 40.000 đ/ sản phẩm, trên các giá để hàng tại Daiso đều ghi một dòng chữ rất to “Daiso Japan - Tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản”. Tuy nhiên, không khó để khách hàng tìm ra rất nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Các sản phẩm nhập từ Trung Quốc phổ biến từ chén, bát, gạt tàn thuốc lá, chai lọ các loại… đến gel lạnh. Vào hệ thống siêu thị này, người tiêu dùng rất khó để phân biệt đâu là sản phẩm từ Nhật, đâu là sản phẩm của Trung Quốc.

Chuỗi hệ thống siêu thị Con Cưng nghi thay tem nhãn

Trước khiếu nại của một khách hàng tại TP.HCM về việc bộ quần áo thun có mã sản phẩm CF G127011 mua tại chuỗi siêu thị Con Cưng có dấu hiệu bị cắt tem nhãn và thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan", Chi cục quản lý thị trường TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, bước đầu phát hiện một số nghi vấn.

con cung 3

 

Đơn cử, tem dán trên sản phẩm được in rất nhỏ sản xuất tại Thái Lan, vò qua đã phai. Hoặc sản phẩm kem nhãn hiệu Titione có tem dán tên công ty khác chồng lên tên công ty in trên bao bì. Tuy nhiên do lượng hàng lớn, lực lượng quản lý thị trường cần rà soát, kiểm tra mã tem từng sản phẩm và đối chiếu với sổ sách, hoá đơn, chứng từ của các cửa hàng. 

Vào ngày 22/7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, cho biết đơn vị đã tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh về việc thương hiệu Con Cưng cắt tem nhãn, gắn "mác ngoại" vào sản phẩm.

"Cục QLTT đã chỉ đạo Chi cục QLTT TP HCM vào cuộc để xác minh, làm rõ sự việc nói trên. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm và triệt để" - ông Hùng nhấn mạnh.

Theo thông tin được đăng tải trên báo Dân Trí, vào chiều 22/7, Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã đồng loạt đi kiểm tra một số cửa hàng của hệ thống siêu thị bán đồ bầu, trẻ em thương hiệu Con Cưng tại TPHCM của công ty CP Con Cưng (Concung.com).

Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra cửa hàng Con Cưng tại 3 địa điểm gồm: số 833-835 Hồng Bàng, Q.6; 78 Tôn Thất Tùng (Q.1); 424 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3).

Tại buổi kiểm tra, cơ quan chức năng đã kiểm tra từng mẫu sản phẩm có trong cửa hàng, từ quần áo, giày dép, đồ chơi đến mỹ phẩm, thực phẩm, hoá mỹ phẩm...

Các cán bộ QLTT đã tiến hành thống kê mã tem nhãn của từng sản phẩm, sau đó đối chiếu với các sổ sách, hóa đơn chứng từ tại cửa hàng xem có khớp với nhau không.

Đoàn kiểm tra cũng tập trung đối chiếu các sản phẩm, truy nguồn gốc xuất xứ, chất lượng... để làm rõ nghi vấn của khách hàng Trương Đình Công Vĩnh (ngụ phường 14, quận Tân Bình), người đã đứng đơn gửi nhiều cơ quan chức năng, tố cáo Con Cưng về việc mình mua phải sản phẩm của chuỗi siêu thị này nhưng nghi ngờ sản phẩm mua về bị cửa hàng cắt và thay thế tem nhãn.

Theo quan sát tại buổi kiểm tra, nhãn mác của một số sản phẩm, thay vì gắn trực tiếp vào quần áo, thì chỉ được gắn vào chiếc móc treo. "Bây giờ mà cắt cái nhãn ở móc áo này đi thì coi như không liên quan", một cán bộ QLTT nói.

Một số sản phẩm kem chống rạn cho bà bầu, có tem nhãn tên công ty sản xuất này dán đè lên tên công ty sản xuất khác in phía trong.

Trước đó, khách hàng Trương Đình Công Vĩnh (ngụ Q.Tân Bình) nghi ngờ sản phẩm mà ông mua của Concung.com có dấu hiệu tem nhãn bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion).

Theo thông báo mới nhất của Con Cưng (được Con Cưng đăng trên web), sản phẩm bị khách hàng phát hiện lỗi là bộ thun bé gái có mã CF G127011.

Lô hàng này được sản xuất bởi công ty International Incorporated (thương hiệu WWW), địa chỉ tại 1771, Phetchaburi road, Khwaeng Bang Kapi, Khet Huai Khwang, Krung Thep Maha Nakhon 10320 (Thái Lan), có website http://www.wwwint.com.

Con Cưng và WWW ký hợp đồng mua bán lô hàng số PO2017OEM49 ngày 10/11/2017. Hàng được nhập về Việt Nam qua Cảng Cát Lái ngày 1/12/2017, nhập kho Con Cưng 10 ngày sau đó và tung ra hệ thống bán ngày 4/1/2018.

Con Cưng nói rằng toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng mua bán này đã lấy được chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O Mẫu D do Bộ Công Thương Thái Lan cấp. Chứng nhận xuất xứ cho lô hàng của Con Cưng là chứng nhận 100% nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan hoặc các nước khối ASEAN và hàng hóa sản xuất 100% tại Thái Lan.

Khi phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, Con Cưng Làm việc với nhà sản xuất. “Nhà sản xuất xác nhận xảy ra lỗi kỹ thuật trong khâu sản xuất thành phẩm, tuy nhiên hàng hóa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Thái Lan”(?!) - đại diện Con Cưng cho hay.

Hạnh Vân

Tin khác

Tài sản trí tuệ 5 giờ trước
Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “LuxCell - Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong y học tái tạo” ngang nhiên quảng cáo và hành nghề trái phép trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và tàng trữ nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc tại địa chỉ số 186 – 186A Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3.
Tài sản trí tuệ 5 giờ trước
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở kinh doanh tắm hơi, massage nhưng lại treo bảng hiệu Cheongdam - Dong cùng với các dòng chữ tiếng Hàn Quốc ngang nhiên quảng cáo là “phòng khám điều trị suy giãn tĩnh mạch thuộc top 1 châu Âu”.
Tài sản trí tuệ 22 giờ trước
Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, Viện thẩm mỹ quốc tế CCI Beauty Center cố tình núp bóng phòng khám chuyên khoa da liễu và lấy địa chỉ các bệnh viện khác “biến” thành cơ sở của mình.
Tài sản trí tuệ 22 giờ trước
Công ty Cổ phần La Vo bị xử phạt hơn 70 triệu đồng vì sản xuất sản phẩm mặt nạ Prodak Strawberry Soft Facial Mask không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Những năm gần đây, xu thế phát triển của TMĐT trở thành một kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng. TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, là công cụ, phương thức kinh doanh phù hợp của xu thế phát triển hiện nay.