SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 16/04/2024
  • Click để copy

Điểm danh các thương hiệu đội lốt hàng Hàn, Nhật tràn lan thị trường Việt

10:43, 16/07/2018
(SHTT) - Ngoài Mumuso vừa bị phát hiện bán 99,3% hàng Trung Quốc thì hiện tại, người tiêu dùng Việt cũng đang tố hàng loạt thương hiệu khác như Miniso, Daiso, Yoyoso… bán hàng “made in China”.

Như thông tin được đăng tải trên Viettimes, tờ Aju Business Daily Hàn Quốc và tờ Liberty Times Net Đài Loan dẫn lời quan chức phụ trách thương mại của Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Thành phố Hồ Chí Minh tiết lộ, do thương hiệu Hàn Quốc có hình tượng khá tốt ở Việt Nam, vì vậy một số doanh nghiệp Trung Quốc đã ngụy trang thành thương hiệu Hàn Quốc để tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc tại Việt Nam.

Theo quan chức này, có khoảng hơn 70 thương hiệu Trung Quốc như MUMUSO, Ilahui, Mini Good đã ngụy trang thành thương hiệu Hàn Quốc để bán cho người Việt. 

Mumuso Việt Nam mượn danh hàng Hàn, bán hơn 99% hàng Trung Quốc

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã công bố kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Mumuso Việt Nam.

Kết luận kiểm tra đối với Mumuso Việt Nam giai đoạn từ năm 2016 tới ngày 31/5 cho thấy công ty này kinh doanh 2273 loại hàng hóa. Đáng lưu ý, 2257/2273 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc; phần còn lại được công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước. 

mumuso viet nam 2

 

Kết luận cũng đồng thời chỉ ra rằng, nhãn hiệu MUMUSOKR đã được đăng ký bởi Công ty TNHH MUMUSOKR, địa chỉ: 601, 47 SEJONGDAERO 23-GIL, JONGRO-GU, SEOUL (Hàn Quốc). Tuy nhiên, công ty sử dụng nhãn hiệu MUMUSOKR theo ủy quyền của Công ty Mumuso Thượng Hải (Trung Quốc). Công ty Mumuso Thượng Hải là đơn vị có quyền sử dụng và quản lý nhãn hiệu MUMUSOKR trên toàn cầu theo ủy quyền của Công ty TNHH MUMUSOKR.  Tuy vậy, theo kết luận kiểm tra, tại thị trường Hàn Quốc, không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso.

Kết luận cũng chỉ rõ, Công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Cụ thể, trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, Công ty sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Công ty không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.

Bên cạnh đó, Mumuso Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh, như quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Quá trình kiểm tra cho thấy, việc Công ty sử dụng một số nội dung quảng cáo công khai tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh: “Mumuso; Giá chỉ từ 22.000 đồng; Korea”; sử dụng chữ Korea (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của Công ty liên quan đến Korea (Hàn Quốc).

Ngoài ra, Mumuso Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Kết quả kiểm tra cho thấy: một số mặt hàng có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng có nội dung không phù hợp với hồ sơ công bố và hồ sơ nhập khẩu.

Công ty cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công bố sản phẩm khi có 2 mẫu sản phẩm mỹ phẩm được phát hiện có nội dung về thành phần ghi trên nhãn phụ không phù hợp với nội dung về thành phần trong hồ sơ công bố.

 Ngoài ra, Mumuso Việt Nam còn có đấu hiệu vi phạm pháp luật về thương mại điện tử vì đã không cung cấp chính xác thông tin liên quan đến trách nhiệm thông báo website đến Bộ Công Thương.

Công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về thương mại khác. Cụ thể, Mumuso Việt Nam không thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại gắn với nhãn hiệu Mumusokr.

Miniso, Daiso Nhật Bản không rõ nguồn gốc sản phẩm

Không chỉ thương hiệu Mumuso, các chuỗi cửa hàng của Miniso, Daiso Nhật Bản tại Việt Nam cũng xuất hiện nhiều điểm nhập nhèm, không rõ ràng nguồn gốc sản phẩm.

Cụ thể, ba cửa hàng Miniso ở khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội có logo trông khá quen thuộc với nhiều người tiêu dùng trên thế giới: hai hình vuông màu đỏ với những ký tự màu trắng.

miniso

 

Nếu không nhìn kỹ, người ta có thể cho rằng đây là cửa hàng chính hãng cho thương hiệu thời trang nổi tiếng Uniqlo của Nhật Bản. Tuy vậy, bên trong Miniso lại giống như một sự pha trộn giữa cửa hàng đồ gia dụng cao cấp Muji với các tiệm đồng giá 1 USD, đó là nhận xét từ trang tin Nikkei Asian Review của Nhật Bản.

Các cửa hàng này có cách bày trí khá giống phong cách Nhật Bản: mọi thứ từ các ký hiệu trên kệ cho đến những bảng giá đều được viết bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên hầu hết hàng hóa bày bán đều được sản xuất ở Trung Quốc.

Khách hàng nếu vào bất cứ cửa hàng nào của Miniso cũng thấy dòng chữ được quảng cáo rất to là “Japanese designer brand” - nghĩa là “Thương hiệu được thiết kế từ Nhật Bản”. Gắn mác Nhật, các thương hiệu được ghi thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, thậm chí có cả tiếng Trung Quốc.

Tuy nhiên, đằng sau nhãn mác Nhật thì hầu hết hàng hóa đều được ghi sản xuất tại Trung Quốc.

Đây có thể là một chiến lược marketing được thực hiện tốt, vì nhiều người Việt có sẵn cảm tình với hàng hóa Nhật Bản. Nhưng việc làm này đã phần nào gây ra sự hiểu lầm.

Một thương hiệu khác là Daiso cũng được biết đến bán nhiều hàng Nhật tại Việt Nam. Trên các giá để hàng tại Daiso đều ghi một dòng chữ rất to “Daiso Japan - Tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản”. Tuy nhiên, không khó để khách hàng tìm ra rất nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Các sản phẩm nhập từ Trung Quốc phổ biến từ chén, bát, gạt tàn thuốc lá, chai lọ các loại… đến gel lạnh. Vào hệ thống siêu thị này, người tiêu dùng rất khó để phân biệt đâu là sản phẩm từ Nhật, đâu là sản phẩm của Trung Quốc.

Yoyoso và MiniGood cũng khiến người tiêu dùng Việt hoang mang

Yoyoso và Minigood cũng là 2 thương hiệu bán lẻ có phong cách tương tự, bán hàng theo phong cách Hàn Quốc. Yoyoso bán các mặt hàng như mỹ phẩm, quà tặng, đồ gia dụng, phụ kiện kỹ thuật số… trong khi Minigood bán các mặt hàng giống Mumuso. Và hàng hóa bày bán ở cả 2 hệ thống gắn mác hàng Hàn Quốc này đều phần lớn sản xuất tại Trung Quốc.

Vân Hà (t/h)

Tin khác

Media 9 giờ trước
(SHTT) - Những ngày đầu triển khai tháng ATTP trên địa bàn, Đội QLTT số 9, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện gần nửa tấn cam có xuất xứ từ nước ngoài, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Triển khai thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai về việc tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (thuốc BVTV) trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, với số tiền 102,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 02 tháng.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Kiểm tra trên khâu lưu thông, Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Bình vừa phát hiện, thu giữ 680 bao thuốc lá điều nhập lậu và hàng hóa gồm màn hình ti vi, máy hàn đã qua sử dụng không có hóa đơn chứng từ theo quy định.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 2.158 sản phẩm thuốc tân dược nhập lậu tại Chợ Trung tâm Móng Cái.