Du lịch nông nghiệp: Tiềm năng lớn để xứ Thanh phát triển
Du lịch Thanh Hóa đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ để trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Trong đó, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch. Thanh Hóa là tỉnh có cả 3 vùng sinh thái (miền núi, đồng bằng và ven biển), với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn (chiếm trên 80% tổng diện tích tự nhiên). Đặc biệt hơn cả, Thanh Hóa có các tiểu vùng thời tiết khác nhau, phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đồng thời góp phần mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi lựa chọn sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Để phát huy tiềm năng vốn có, Thanh Hóa đã có Đề án Phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030 có mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đa giá trị. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch nông nghiệp của tỉnh sẽ đón trên 1 triệu 169 nghìn lượt khách; trong đó có 13.000 lượt khách quốc tế; tổng thu du lịch nông nghiệp đạt 741 tỷ đồng; thu hút 9.000 lao động tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp; phát triển thành công 6 dòng sản phẩm chính tại 29 điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đề án cũng định hướng 5 không gian phát triển du lịch nông nghiệp, 3 tuyến du lịch nông nghiệp và 8 nhóm giải pháp phát triển, với tổng nguồn kinh phí để thực hiện dự kiến là hơn 181 tỷ đồng.
Tại hôi nghị nghe báo cáo Đề án Phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đánh giá cao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh và đơn vị tư vấn đã khảo sát kỹ lưỡng để có những đánh giá sát thực tiễn về lợi thế, về các dòng sản phẩm, thực trạng phát triển cũng như xây dựng lộ trình phát triển du lịch nông nghiệp trong Đề án Phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030. Đây là một đề án khó, tuy nhiên đề án đã gợi mở được những hướng phát triển cụ thể của du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh và đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, đồng thời tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các ngành, đơn vị liên quan để bổ sung, hoàn thiện đề án trước ngày 20/11/2024, gửi về Văn phòng UBND tỉnh để trình UBND tỉnh. Trong đó, cần cập nhật số liệu, nghiên cứu bổ sung thêm các sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm du lịch lợi thế của các địa phương trong tỉnh, định hướng cụ thể hơn về sản phẩm đặc trưng, xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp điểm duy trì được kiến trúc tự nhiên và gắn liền với hoạt động trải nghiệm, thực hiện số hoá dữ liệu các điểm du lịch và phát triển các kênh truyền thông để quảng bá tiếp cận khách hàng. Đồng thời, cần phân định rõ nhiệm vụ trong khâu tổ chức thực hiện đề án cho từng chủ thể liên quan.
Sau khi tiếp thu và bổ sung, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch lấy ý kiến các ngành, đơn vị trước ngày 15/11, hoàn chỉnh đề án trước ngày 20/11 để Văn phòng UBND tỉnh xem xét, trình UBND tỉnh trong tháng 11/2024.
PV