SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

ĐBSCL: Cơ sở kinh doanh lúa giống giả hành nông dân

13:31, 28/06/2018
(SHTT) - Nhiều hộ nông dân vùng ĐBSCL đang chới với khi phát hiện nhiều cơ sở bán lúa giống giả. Các cơ sở này đã lấy lúa ngang rồi cho vào bao bì in giả nhãn mác Trung tâm Giống nông nghiệp Cần Thơ. Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công an và nhiều tỉnh đã lập đoàn thanh kiểm tra đột xuất.

Phát hiện nhiều cơ sở bán giống giả

Kiểm tra hoạt động của một số đơn vị cấp lúa giống tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), Đoàn liên ngành đã phát hiện một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh giống và sản phẩm giống cây trồng theo Thông tư 46/2015/TT-BNNPTNT, ban hành ngày 15/12/2015 của Bộ NNPTNT quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng

Cụ thể, ngày 23/5, đoàn điểm tra trực tiếp 3 đơn vị (Đại lý vật tư nông nghiệp Văn Tấn, Đại lý vật tư nông nghiệp Thật Hiền ở ấp 1, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tại đây đoàn phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm của hai cơ sở này như vi phạm về nhãn mác, đóng gói… Thực tế kiểm tra cho thấy trên vỏ bao lúa xuất hiện những chữ viết tay: hạn sử dụng, mã số lô mà thông thường các công ty giống phải in số. Trong khi cả một kho hàng khoảng 40 tấn lúa giống, trên vỏ bao đều xuất hiện những ký hiệu như vậy. Theo hai đơn vị này, họ đã mua và tự trồng lúa giống rồi sau đó đem sấy và đóng bao để bán cho bà con nông dân, hạt giống lúa không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ không đầy đủ,…trong khi trên bao bì lại ghi giống xác nhận cấp 1.

lua gia

 Đoàn liên ngành kiểm tra một đại lý kinh doanh lúa giống

 Theo đó, kiểm tra tại DNTN Tâm Thoa ở ấp 4 Mỹ Đông II, xã Mỹ Quý, huyện Cao Lãnh, đoàn đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, như: giả bao bì của một số đơn vị khác, hạt giống lúa không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ không đầy đủ,… với số lượng đã đóng bao lên đến gần 30 tấn. Đoàn đã lập biên bản những dấu hiệu vi phạm và lấy mẫu về kiểm tra.

lua gia 1

 Nguyên liệu đã đóng bao được kiểm tra.

Điều đáng nói là những cơ sở này đã hoạt động ở đây nhiều năm, thậm chí còn có cả máy để đóng bao, rồi vận chuyển đi tiêu thụ rất chuyên nghiệp. Khi đoàn kiểm tra, chủ doanh nghiệp hầu như không lý giải được thỏa đáng tại sao lại có những ký hiệu lạ như vậy và không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc thật của những bao lúa giống này.

Tiếp tục đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo Quyết định thanh tra số 253/QĐ-TTr của Thanh tra Bộ NN&PTNT tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, đại lý về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh giống và sản phẩm giống cây trồng thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT ở một số tỉnh ĐBSCL. Trong hai ngày 31/5 và 1/6, Đoàn liên ngành gồm Thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNN), Cục An ninh kinh tế Nông lâm ngư nghiệp (A86 – Bộ Công an), Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Phòng An ninh kinh tế - Công an thành phố Cần Thơ đã tiến hành thanh, kiểm tra một số cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống tại địa phương.

Tại các điểm kiểm tra, đoàn liên ngành đã phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm của các cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống như: ghi sai nhãn mác, lúa thương phẩm và lúa giống để lẫn lộn, cụ thể tại Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng Hưng Phát (huyện Thới Lai) phát hiện hai loại lúa HP.ĐT8 và N.H 9-HP, tuy tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã in loại bao bì mới với dòng chữ “lúa lương thực chất lượng cao” bao bì không khác gì bao lúa giống nhưng đại diện cơ sở này cho rằng đó là lúa lương thực. trong khi vào tháng ba vừa qua, công an kinh tế và thanh tra Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ đã bắt quả tang đơn cơ sở này đang sản xuất 2 giống lúa nói trên, sau đó cơ quan chức năng đã lấy mẫu đi kiểm nghiệm và kết quả 2 giống lúa HP.ĐT8 và N.H 9-HP của cơ sở Hưng Phát không đạt tiêu chuẩn về lúa giống. Tuy nhiên, cơ sở này không đồng ý với kết quả đó và yêu cầu kiểm nghiệm lại nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả và lô hàng này hiện vẫn đang bị cơ quan chức năng niêm phong tại kho của cơ sở Hưng Phát.

 Kiểm tra hoạt động của cơ sở sản xuất và kinh lúa giống Đạt Nông và Bá Khem tại quận Thốt Nốt, Đoàn ghi nhận có hàng trăm tất lúa nguyên liệu chưa đóng bao như OM 9582, IR 50404…, và một số loại khác. Tình trạng nhà kho chứa lẫn lộn lúa thịt và lúa giống, quy trình kiểm tra chất lượng lỏng lẻo, tại thời điểm kiểm tra đã không xuất trình được một số giấy tờ liên quan đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh lúa giống theo Thông tư 46/2015/TT-BNNPTNT. Được biết giống lúa OM 9582 là giống lúa thuần, sản phẩm hợp tác với Viện lúa ĐBSCL của Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Giống đã được Hội đồng Khoa học của Bộ NN&PTNT chấp thuận công nhận sản xuất thử năm 2016 và đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng (số bằng: 15VN.2017).

lua gia 2

 Lập biên bản chủ một cơ sở sản xuất giống vi phạm

Hầu hết các đơn vị, cơ sở trên đều vi phạm trong kinh doanh giống và sản phẩm giống cây trồng theo Thông tư 46/2015/TT-BNNPTNT, ban hành ngày 15/12/2015 của Bộ NN&PTNT quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng…sản xuất và đóng bao lúa giống chưa đáp ứng các tiêu chí về sản xuất kinh doanh cây giống theo Thông tư 46/2015/TT-BNN&PTNT. 

Nông dân lãnh đủ

Với diện tích đất lúa hơn 1,6 triệu hecta, sản xuất 3 vụ/năm nên nhu cầu lúa giống ở ĐBSCL là rất lớn. Theo thống kê, lượng lúa giống do các doanh nghiệp, đơn vị làm ra chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, còn lại nông dân tự để giống, trao đổi, mua bán trôi nổi rất khó kiểm soát. Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất ở ĐBSCL với trên 300.000ha/vụ, sản lượng lúa hàng hóa làm ra hàng năm từ 4,2 - 4,5 triệu tấn. Do tập quán sạ dày, với lượng lúa giống từ 150 - 200kg/ha nên nhu cầu giống lên đến hàng chục ngàn tấn mỗi vụ.

lua gia 3

 Sản xuất lúa giống

Theo thống kê, hiện mới chỉ có 40 - 50% diện tích được nông dân gieo sạ bằng lúa giống cấp đạt chuẩn (cấp xác nhận) do trung tâm giống và các đơn vị SX, kinh doanh giống cung cấp. Còn lại là nguồn giống do dân tự làm hoặc trao đổi, mua bán từ nguồn trôi nổi trên thị trường, không được kiểm soát, chất lượng không đảm bảo. Để giải quyết nhu cầu lúa giống cho gieo sạ, những năm qua, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ nông dân xây dựng quy trình SX giống tại nông hộ. Lúa giống nông dân tự làm ra gọi là giống cấp xác nhận 1, xác nhận 2, chỉ được sử dụng, trao đổi nội bộ, không được phép buôn bán thương mại. Nắm bắt nhu cầu thị trường lúa giống còn rất lớn nên các đơn vị kinh doanh mọc ra ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều nông dân tay ngang cũng tham gia kinh doanh lúa giống. Vì vậy, dẫn đến tình trạng loạn thị trường lúa giống, do làm ăn gian dối, trục lợi. Không ít đơn vị, chỉ có trong tay vài ha đất làm lúa giống nhưng mỗi vụ lại bán ra hàng chục, hàng trăm tấn.

lua gia 4

 Điểm trình diễn lúa giống cho bà con học tập

Tại tỉnh Đồng Tháp, bình quân mỗi năm cần 70.000 tấn giống/3 vụ, riêng vụ đông xuân cần hơn 20.000 tấn giống để gieo sạ. Trong khi đó các DN trong tỉnh chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trên 50% nhu cầu giống xác nhận cho cánh đồng lớn được kiểm soát. Số lượng giống còn lại nông dân tự làm hoặc mua nguồn giống trôi nổi kém chất lượng nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào. Nhiều nông dân đã lãnh đủ khi mua phải lúa giống kém chất lượng.

lua gia 5

 Khảo nghiệm giống lúa mới

Thực tế, ngay tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), năm 2017, nông dân đã phải đứng ngồi không yên vì chọn mua nhầm giống lúa kém chất lượng. Và không biết trong số lúa giống ấy có của hai đại lý Văn Tấn, Thật Hiền vừa bị phát hiện sai phạm hay không nhưng người dân cho biết, sau một thời gian gieo sạ, lúa chín không đều. Trước hiện tượng trên, Phòng NNPTNT huyện Cao Lãnh đã cử cán bộ xuống ghi nhận hiện trạng và yêu cầu công ty sản xuất lúa giống cũng như đại lý bồi thường. Tuy nhiên, với mức đền bù là 50.000 đồng/tấn lúa thu hoạch, bà

Mấy tháng trước, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Cần Thơ phối hợp với các ban, ngành của huyện Cờ Đỏ tiến hành kiểm tra Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Thiện Phát, trụ sở tại ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ và lò sấy lúa Ngô Hữu Phát thuộc công ty này đặt tại khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở đang sơ chế bán lúa giống giả của nhiều thương hiệu; đồng thời cũng không có giấy phép bán lúa giống. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này có hành vi sản xuất lúa giống giả nhãn mác các loại như: Đài Thơm 8, OM 5451, Nàng Hoa 9 và RVT-ST. Lực lượng chức năng đã thu 58,25 tấn lúa giống mang các nhãn hiệu trên. Lực lượng công an còn phát hiện và thu giữ hơn 9.000 bao bì in đầy đủ nhãn mác của các công ty sản xuất lúa giống trong nước. Ngoài ra, còn có 800 tấn lúa nguyên liệu đang chờ đóng gói của các hãng sản xuất lúa giống khác.

lua gia 6

 Đóng gạo xuất hàng

 Hiện nay, ĐBSCL đan xen chuyện thiếu và thừa lúa giống, một số giống lúa siêu nguyên chủng do Viện Lúa ĐBSCL sản xuất ra bị ế, không tiêu thụ được. Để tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng trên, theo TS.Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, các tỉnh cần chỉ đạo ngành nông nghiệp, nhất là trung tâm giống của các địa phương phối hợp chặt chẽ với viện để nhân giống cung cấp ra thị trường. Có như vậy tình trạng lúa giống chất lượng thấp trên thị trường mới giảm, bà con nông dân yên tâm sản xuất cũng như bảo đảm chất lượng gạo cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo Tiến sĩ Thạch, trong nghiên cứu, lai tạo và công bố giống lúa mới, các viện trường đều thực hiện theo pháp lệnh về giống cây trồng. Để có một giống lúa mới, các viện trường thường phải mất khoảng 3 năm cho các khâu tuyển chọn và lai tạo, trồng khảo nghiệm quốc gia và phải đạt quy mô diện tích sản xuất nhất định để được bộ công nhận. Trong khi các đơn vị sản xuất lúa giống cấp siêu nguyên chủng tuân thủ các công đoạn trên, một số địa phương lại nóng vội đưa các giống lúa chưa được công nhận ra sản xuất đại trà nên không “thèm” đặt mua lúa giống tại các viện trường.

 Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tại địa phương cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống kém chất lượng gây anh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa và gây thiệt hại cho người trồng lúa. Bà con nông dân khi mua giống lúa cần chú ý đến bao bì và phân biệt rõ các loại giống xác nhận của các công ty giống đã được cấp bằng bảo hộ và có tên công ty và địa chỉ rõ ràng để tránh mua phải những loại giống kém chất lượng dẫn đến tiền mất tật mang.

Phương Tâm

Tin khác

Tài sản trí tuệ 6 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H.P.Đ về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là mỹ phẩm.
Media 1 ngày trước
(SHTT) - Đội QLTT số 2, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất và xử phạt 12 triệu đồng đối với hai cửa hàng tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng có hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đối với ông Lê Tiến M. về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm và buộc tiêu hủy lô hàng gần 7 tấn Chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông tin cảnh báo về việc phát hiện chất cấm Sibutramin trong sản phẩm giảm cân Detox Táo.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Thông qua công tác tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doang vàng trên địa bàn, mới đây, Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm số lượng lớn trang sức được bày bán có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.