SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Dạy tiếng Anh ở khối trường chuyên nghiệp TPHCM - Thách thức đạt chuẩn

09:34, 30/06/2014
Sau 2 năm triển khai chương trình thí điểm dạy và học tiếng Anh ở các trường trung cấp, cao đẳng thuộc khối giáo dục chuyên nghiệp của TPHCM, cả giáo viên lẫn học sinh - sinh viên (HS-SV) đều cảm thấy mục tiêu chạm vào đích - đạt trình độ chuẩn - đầy thách thức, trở ngại.

“Né” tiếng Anh

Do đầu vào yếu, mất căn bản về kiến thức lẫn kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh nên hầu hết HS-SV ở các trường trung cấp, cao đẳng thuộc khối giáo dục chuyên nghiệp ở TPHCM đều ngán học môn này. Vì thế, việc khởi động thí điểm dạy và học tiếng Anh cho HS-SV ở các trường gặp phải rất nhiều rào cản lẫn thách thức. Nếu không đổi mới phương pháp dạy và học, tạo môi trường giao tiếp, thực hành tiếng Anh thì kết quả vẫn giậm chân tại chỗ. Đó là trăn trở của nhiều hiệu trưởng và từ những bước đi dò dẫm này, một số trường trung cấp và cao đẳng chuyên nghiệp đã chủ động tìm giải pháp dạy - học tiếng Anh hiệu quả hơn.

Cô Nguyễn Thị Bích Hà, giảng viên tiếng Anh Trường TCCN Nguyễn Hữu Cảnh TPHCM, chia sẻ kinh nghiệm: “Sau khi khảo sát trình độ tiếng Anh của học sinh năm đầu, nhà trường chọn được 47 em đạt trình độ sơ cấp và chia thành 2 lớp để dạy với lộ trình đạt chuẩn mới theo quy định của Bộ GD-ĐT đặt ra”. Không chỉ tăng tiết dạy gấp 3 lần so với thời lượng cũ, Trường Nguyễn Hữu Cảnh còn đầu tư trang thiết bị, phòng học đa phương tiện - multimedia, bảng thông minh và đột phá hơn là mời giảng viên bản ngữ dạy thực hành.

Được học lớp tăng cường tiếng Anh và có điều kiện trau dồi 4 kỹ năng đọc, viết, nghe, nói, học sinh cảm thấy thích thú học ngoại ngữ và giáo viên cũng hào hứng đồng hành. Tuy nhiên, sau 1 năm học khóa tiếng Anh thí điểm này chỉ còn lại 32 em, rơi rụng hết 15 em vì nhiều lý do, trong đó lịch học từ nhiều ngành học khác nhau nên học sinh không thể theo học tiếng Anh. Còn một số khác cảm thấy áp lực khi vừa phải học nghề vừa học thêm chương trình tiếng Anh tốn nhiều thời gian, công sức…

Tương tự, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cũng chú trọng tìm giải pháp thiết thực, từng bước nâng chuẩn đầu ra cho HS-SV của trường để các em có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo cô Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng của trường, ngoài đào tạo sinh viên theo tín chỉ, năm nay nhà trường bắt đầu áp dụng tín chỉ môn tiếng Anh cho học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp. Trước đây, đánh giá trình độ HS-SV theo chuẩn của trường, còn từ năm học này sẽ đánh giá theo chuẩn quốc tế và khi ra trường các em phải đạt chuẩn yêu cầu TOIEC 450 điểm.

Thay vì dạy 90 tiết/năm như quy định và mỗi tuần chỉ vài tiết học như các trường công lập, Trường tư thục Trung cấp Công nghệ thông tin (CNTT) Sài Gòn đã tăng mức độ dạy - học lên 1.080 tiết cho cả khóa học 2 năm. Học sinh được học tiếng Anh mỗi ngày và trong tuần chia ra 4 buổi với giáo viên người Việt và giáo viên Philippines. Nhờ vậy, học sinh lĩnh hội tốt các kỹ năng và khi ra trường đều đạt trình độ B1 như quy định của Bộ GD-ĐT.

Tuy vậy, thầy Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường TCCN CNTT Sài Gòn, cũng chia sẻ nỗi khổ trang bị tiếng Anh cho học sinh vì “phải dạy nát - nhuần nhuyễn như cháo thì học trò mới tiếp thu, lĩnh hội được các kỹ năng”.

Tuy nhiên, tỷ lệ HS-SV chạm vào chuẩn tiếng Anh như yêu cầu còn rất thấp. Khảo sát cho thấy phần đông HS-SV ở khối trường chuyên nghiệp đều ngán học môn ngoại ngữ và tìm cách “né” hoặc đối phó vì nhiều lý do như lớp học quá đông, cách dạy cũ mèm, trang thiết bị thiếu, giảng viên không đạt chuẩn, không có cơ hội giao tiếp, thực hành…

Giáo viên cũng hụt hơi

Thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 và đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TPHCM”, TPHCM đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường thuộc khối chuyên nghiệp. Cuối năm 2011, Sở GD-ĐT TPHCM đã rà soát năng lực ngoại ngữ lần 1 đối với 36 giáo viên ở các trường trung cấp, cao đẳng công lập. Kết quả 100% đều dưới chuẩn C1 (theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ châu Âu).

Sau 1 năm tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ do Công ty EMG Education tổ chức, khảo sát lần thứ 2 cũng cho ra kết quả buồn khi chưa có giáo viên nào chạm đến chuẩn. Số giáo viên này tiếp tục tham gia các lớp bồi dưỡng để kiểm tra năng lực vào tháng 9-2014.

Có thể nói kết quả khảo sát này thể hiện mặt bằng chung - năng lực ngoại ngữ tiếng Anh của giáo viên ở các trường khối giáo dục chuyên nghiệp đều yếu và nếu “bơi” theo con thuyền bồi dưỡng nâng chuẩn thì còn hụt hơi. Thực tế này chứng minh rằng dù đã có nhiều nỗ lực, tổ chức bồi dưỡng nhưng yêu cầu nâng chuẩn về năng lực ngoại ngữ đối với giáo viên là một bài toán hết sức nan giải.

Một khi giáo viên tiếng Anh chưa đủ chuẩn và còn xa mới với đến chuẩn quy định (đạt chứng chỉ IELTS tối thiểu 6.5) thì làm sao họ có thể dẫn đường, giảng dạy tiếng Anh đạt chất lượng và đòi hỏi cải thiện trình độ tiếng Anh của HS-SV. Trong lúc chờ chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tiếng Anh thì giải pháp thuê giáo viên bản ngữ, người nước ngoài giảng dạy, tạo môi trường thực hành giao tiếp ngoại ngữ là giải pháp tối ưu. Thế nhưng, sau 1 năm thí điểm, nhiều trường đang “hụt hơi” vì thiếu kinh phí.

Chỉ còn hơn 5 năm nữa, nếu cứ chạy ì ạch và thiếu giải pháp hữu hiệu, thiếu tiềm lực như thế này thì khó có thể đạt được mục tiêu mà đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đặt ra, trong đó HS-SV tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng phải đạt các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế (TOEIC, IELTS, Cambridge Exam…) tương đương cấp độ B1.

Thống kê, rà soát thêm tại 66 trường ĐH, CĐ có đào tạo hệ TCCN và các trường TCCN trên địa bàn TPHCM cho thấy, trong 530 giáo viên tham gia giảng dạy tiếng Anh, chỉ vỏn vẹn 1% đạt chuẩn. Còn lại 32% giáo viên cần nâng thêm 1 bậc để đạt chuẩn theo quy định; 52% cần nâng 2 bậc; 11% cần nâng 3 bậc và 4% cần tham gia rà soát để xác định trình độ.

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 24/4, Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục Tài nguyên Khoáng sản và Xây dựng Việt Nam - Mining Vietnam 2024 đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Đó là thông điệp được Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đưa ra tại buổi thăm và làm việc tại Liên hiệp các Hội khoa học và ký thuật Việt Nam (VUSTA) vào chiều ngày 23/4 vừa qua.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức Hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 vào sáng 23/4 tại TP Sầm Sơn.