SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 16/04/2024
  • Click để copy

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu 'nông sản núi lửa' cho huyện Krông Nô

07:30, 13/03/2023
Nhờ được thừa hưởng những ưu đãi đặc biệt từ vùng đất núi lửa, huyện Krông Nô (Đắk Nông) định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh để tạo lợi thế về đầu ra và giá trị đặc trưng cho nông sản địa phương.

Krông Nô - nơi có núi lửa Nâm Blang và Nâm Kar thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc đưa hình ảnh của Đắk Nông vào các sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển sản phẩm gắn với địa danh núi lửa

Từ năm 2018, Phòng NN-PTNT đã tham mưu UBND huyện Krông Nô phối hợp với các chủ thể OCOP đặt tên các sản phẩm gắn liền với địa danh núi lửa để người tiêu dùng dễ nhớ.

“Huyện muốn có các sản phẩm gắn liền với địa danh đặc thù của mình. Khi nói đến tên sản phẩm, người ta nhớ ngay nó ở đâu. Nó như một dạng truy xuất nguồn gốc trên bản đồ”, ông Doãn Gia Lộc (Trưởng phòng NN-PTNT Krông Nô) cho biết.

1

 Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Krông Nô bước đầu gặt hái thành công nhờ nhãn hiệu gắn với 2 từ núi lửa.

Mục tiêu của Krông Nô lấy sản phẩm nông nghiệp quảng bá cho du lịch, sau đó lấy du lịch quảng cáo cho nông nghiệp. Hiện nay, trên toàn quốc có rất ít địa danh núi lửa, đây là một trong những mục tiêu để Krông Nô gắn 2 từ núi lửa trên nhãn mác sản phẩm để người tiêu dùng, du khách dễ nhớ.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Krông Nô bước đầu gặt hái thành công nhờ nhãn hiệu gắn với 2 từ núi lửa hoặc có câu chuyện sản phẩm về núi lửa. Trong số 10 sản phẩm OCOP của Krông Nô có 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao đều có thương hiệu gắn với địa danh núi lửa gồm: Cam sành hữu cơ núi lửa; quýt đường hữu cơ núi lửa; gạo ST 24 và bơ núi lửa.

Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc HTX Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú - cho biết cam sành, quýt đường được HTX trồng hữu cơ trên vùng nham thạch của núi lửa Nam Kar nên có hương vị đặc trưng mà nhiều nơi khác không có.

Hướng đến phát triển bền vững thương hiệu bơ núi lửa Nâm Kar

Nhiều năm nay, người dân xã Quảng Phú đã trồng thành công các giống bơ chất lượng cao. Trong đó, ông Ngô Văn Tuấn - một người dân xã Quảng Phú - đã đạt giải nhất cuộc thi "Trái bơ ngon" thuộc Chương trình Đắk Nông “Mùa bơ chín năm 2018”.

2

 Bơ đặc sản vùng núi lửa Nâm Kar có năng suất cao và rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện nay, xã Quảng Phú đã thành lập HTX Nông nghiệp, dịch vụ Bơ núi lửa Krông Nô. HTX đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu “Bơ núi lửa Krông Nô”.

Năm 2022, sản phẩm bơ của HTX được UBND tỉnh công nhận OCOP hạng 4 sao. Đây là một thành công lớn của Krông Nô trong việc xây dựng giá trị sản phẩm gắn với địa danh núi lửa.

Theo Sở NN-PTNT, bơ vùng núi lửa Nâm Kar được người tiêu dùng rất ưa chuộng, bởi vì cây bơ được trồng trên nền đất đỏ bazan, hòa trộn với khoáng chất được hình thành từ núi lửa phun trào. Quả bơ ở đây có giá trị riêng như kích cỡ to, đẹp, mùi vị thơm, dẻo... Các giống bơ được trồng tại đây có tính ưu việt lớn, khắc phục được những hạn chế của bơ thông thường như vỏ mỏng, dễ hư hỏng khi thu hái, thời gian chín ngắn...

Điều quan trọng hơn là thị trường trong nước và thế giới đang rất ưa chuộng những loại bơ này. Đặc biệt, do cho thu hoạch trái vụ nên sản phẩm bơ rất dễ tiêu thụ. Ngoài yếu tố dinh dưỡng, các giống bơ này còn có hàm lượng dầu cao, nên đủ khả năng cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh dầu.

Theo ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bơ là loại cây trồng thế mạnh của tỉnh. Việc phát triển cây bơ bền vững, gắn với thế mạnh đặc trưng, có nhãn hiệu, thương hiệu luôn được tỉnh quan tâm. Hiện nay, UBND tỉnh đang định hướng phát triển bơ theo vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, gắn với các chuỗi giá trị; liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp bao tiêu, chế biến.

3

 Thừa hưởng những ưu đãi đặc biệt từ vùng đất núi lửa, lúa gạo trồng ở huyện Krông Nô có hương vị thơm ngon đặc trưng. 

Bên cạnh những thành tựu của bơ núi lửa Nâm Kar thì tại xã Buôn Choáh – nơi có cánh đồng dung nham của núi lửa Nâm Blang - nông dân cũng đã thành công trồng được các giống lúa đặc sản như ST24, ST25. Đây là những giống lúa gạo thuộc loại ngon top đầu thế giới. Theo bà Trần Thị Thanh Vân - Chủ tịch Hội nông dân xã Buôn Chóah - cánh đồng được bồi lấp bởi phù sa sông Krông Nô, cộng với trầm tích khoáng chất từ đá bọt núi lửa đã giúp cho lúa gạo Buôn Chóah đậm đà hương vị riêng có.

Sản phẩm lúa gạo Buôn Chóah đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh. Cùng với thương hiệu gạo Buôn Chóah đã có, huyện đang xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể gạo Krông Nô, nhằm truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm đặc trưng riêng có cho gần 5.000 ha lúa trồng dưới chân các núi lửa ở địa phương.

Do diện tích có hạn, huyện định hướng sản xuất gạo đặc hữu với giống lúa ST24, ST25, canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, tiến tới sản xuất sản phẩm hữu cơ và thu hút đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị hạt gạo vùng đất núi lửa. Các sản phẩm lúa gạo ở đây đã và đang khẳng định được thương hiệu gắn với địa danh núi lửa.

4

 Cam sành và quýt đường núi lửa tại huyện Krông Nô được nhiều thương lái và người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa. 

Krông Nô hiện có nhiều thương hiệu nông sản gắn với địa danh núi lửa như: Cam, quýt, bơ, cà phê, hồ tiêu, ca cao, lúa gạo… Các sản phẩm này đều được các chủ thể đầu tư về chất lượng, mẫu mã. Do chất lượng cũng như ảnh hưởng tích cực từ địa danh “núi lửa” mà bơ cùng các loại nông sản khác tại khu vực này được thương lái ưu tiên đặt mua để đưa vào các nhà hàng bán cho thực khách, điều này cũng góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản sạch, đem lại lợi nhuận cũng như động lực cho người dân nơi đây.

Theo ông Doãn Gia Lộc, thời gian qua, huyện đã phối hợp với đơn vị tư vấn hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gắn với nhãn hiệu núi lửa. Huyện đã tư vấn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng hình ảnh, trang web, mẫu mã, bao bì sản phẩm và định hướng logo gắn với địa danh núi lửa…

Với một nền nông nghiệp khá lâu đời, cùng vị trí địa lý, thổ nhưỡng đặc trưng mang lại tiềm lực kinh tế cao - vùng đất khô cằn cùng bạt ngàn đá núi lửa Krông Nô hiện đang trên đà tăng trưởng. Đất nông nghiệp khu vực này được nhiều nhà đầu tư cũng như người dân “để mắt” đến khiến giá đất tại đây “nhỉnh” hơn so với mặt bằng chung đất trồng trọt những khu vực lân cận. Nhiều người cho rằng tiềm năng đầu tư vào đất trồng trọt tại đây sẽ có giá trị trong tương lai gần.  

 Phúc Vinh

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đề nghị các địa phương, tăng cường đổi mới, sáng tạo các hoạt động gắn với công nghiệp văn hóa nhằm kích cầu du lịch và tạo nguồn thu nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Tin tức 11 giờ trước
Từ ngày 15/4 - 17/4/2024, tại ICISE, Viện Y Dược Việt đồng hành cùng hội thảo Quốc tế lần thứ nhất về cây dược liệu và hợp chất thiên nhiên.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Google thông báo sẽ thử nghiệm loại bỏ các liên kết tin tức cho một số người dùng California do lo ngại ảnh hưởng của đạo luật mới.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 15/4, Hà Nội bắt đầu thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố.