SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Đẩy mạnh khai thác sở hữu trí tuệ trong cách mạng 4.0, bước ngoặt cho kinh tế Việt Nam

15:22, 13/10/2020
(SHTT) – Dưới tác động của đại dịch Covid-19, cách mạng 4.0 phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Việc này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.

Ngày 12/10, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội thảo “Kinh tế số: Tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có PGS. TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM; TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Ông Tạ Quang Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ; Bà Nguyễn Minh Huyền Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ ĐHQG-HCM (IPTC);… cùng hơn 100 đại biểu gồm các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp và các cơ quan ban, ngành như: Văn phòng Chính phủ; Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ; Ban kinh tế Trung ương; Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT,…

Phát triển kinh tế số sau đại dịch

Hội thảo đã tập trung thảo luận về tầm nhìn, định hướng phát triển và những sáng kiến ở tầm chính sách vĩ mô để thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam. 49 tham luận của 86 tác giả và nhóm tác giả gửi đến hội thảo đề cập nhiều nội dung cụ thể xung quanh vấn đề này. Bên cạnh đó, môi trường kết nối giữa Nhà nước, trường đại học, nhà đầu tư cùng tham gia thúc đẩy kinh tế số và các sáng kiến, mô hình kinh doanh, các nhóm khởi nghiệp kinh tế số mới cũng được đưa ra thảo luận tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Đại học Quốc gia TP.HCM giữ vai trò nòng cốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xác định tầm nhìn trong mục tiêu chiến lược đến năm 2030 là trở thành đại học nghiên cứu. Trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục sứ mạng tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng và phục vụ xã hội, đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Vì vậy, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Đại học Quốc gia TP.HCM phải là đơn vị tiên phong, dẫn dắt và nâng tầm quốc tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu đỉnh cao và phục vụ cộng đồng”.

anh 2

Hơn 100 đại biểu tham gia Hội thảo “Kinh tế số: Tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam” 

Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cho kinh tế Việt Nam cơ hội cùng với những thách thức. Nếu tận dụng được sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông thì kinh tế Việt Nam sẽ cơ hội rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, hiện nay khối lượng dữ liệu số hóa ước tính mới được khoảng dưới 30%, còn lại trên 70% vẫn nằm trên giấy. Đó là kết quả của cơ chế quản lý thủ công, bán tự động mà lịch sử để lại. Bài toán đặt ra cho Nhà nước, Chính phủ để chuyển đổi sang nền kinh tế số là số hóa và khai thác các dữ liệu này như thế nào cho hiệu quả.

Thời gian qua, bên cạnh việc khống chế thành công đại dịch COVID-19, Việt Nam cũng ứng dụng, phát triển các phương thức trực tuyến trong đào tạo giáo dục, làm việc, điều hành tại các trường học, doanh nghiệp. Cùng với đó, thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến ngày càng phát triển, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, ứng dụng các công cụ của kinh tế số.

Ông Bùi Ngọc Bình - Phó giám đốc chi nhánh Công ty FSI ở TP.HCM cho rằng, Việt Nam đang ngày càng thấy được tầm quan trọng của dữ liệu trong tham gia vào nền kinh tế số.

“Một trong những yếu tố khiến nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin tăng đột biến trong năm 2020 là do đại dịch Covid-19. Đối với công ty chúng tôi, số lượng khách hàng tăng đột biến so với năm trước khoảng 300%”, ông Bình cho biết.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52 ban hành ngày 29/7/2019 về một số chủ trương chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lấy phát triển kinh tế số là một vấn đề cốt lõi. Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào nền kinh tế số, để phát triển chính doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển chung.

Theo đó, sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia đạt mức 17%. Đến hết tháng 7 năm nay, các giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng gần 190% so với cùng kỳ của năm 2019. Lượng người dân sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến trong quý II, đã tăng hơn 40% so với quý trước, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Đại diện của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đề nghị, cần tách bạch khái niệm nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp với doanh nghiệp lập nghiệp đơn thuần. Các đại biểu cũng đề nghị, cần có những hỗ trợ sát sao hơn với các doanh nghiệp khởi nghiệp, có sản phẩm mang tính đột phá về công nghệ.

“Chúng ta còn thói quen sử dụng phương thức trao đổi, quản lý cũ. Tuy nhiên tình hình hiện nay đòi hỏi phải chuyển đổi quản lý theo số. Chúng ta có đầy đủ cơ chế rồi, vấn đề là làm và nếu vướng thì nói rõ để điều chỉnh”, TS Kiên nhấn mạnh.

Đẩy mạnh hợp tác sở hữu trí tuệ

Tại hội thảo, Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ Đại học Quốc gia (IPTC) và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI) thuộc Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

KHSHTT

Đại diện IPTC và VIPRI ký kết thỏa thuận trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Cụ thể, hợp tác giữa 2 bên liên quan đến tư vấn các khía cạnh pháp lý, kỹ thuật, kinh tế của tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ; Tra cứu, cung cấp thông tin về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm thông tin về tình trạng kỹ thuật, phạm vi bảo hộ, khả năng bảo hộ, khả năng sử dụng tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ.

IPTC và VIPRI sẽ cùng đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho nhân lực về sở hữu trí tuệ, bao gồm nhân lực làm công tác quản trị tài sản trí tuệ, giám định về sở hữu trí tuệ, thẩm định giá tài sản trí tuệ, xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; Hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận các yêu cầu, trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ, thẩm định giá tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về sở hữu trí tuệ; Tiếp nhận và thực hiện dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.

htd

 Giám đốc ĐHQG và đại diện công ty Liên Thái Bình Dương ký kết thỏa thuận

Đồng thời, nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh, bao gồm các hoạt động như tổ chức tọa đàm, hội thảo, biên soạn và phát hành ấn phẩm, công trình nghiên cứu về sở hữu trí tuệ; Khai thác Nền tảng Dữ liệu và Dịch vụ SHCN (IPPlatform) phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân; Các hoạt động khác trong khuôn khổ kế hoạch, chương trình, dự án… do IPTC và VIPRI được cơ quan có thẩm quyền giao chủ trì thực hiện.

Nhật Linh

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Hôm nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn về việc tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
Tin tức 13 giờ trước
Giải bóng đá khối sở hữu trí tuệ phía Nam lần thứ 11 năm 2024 đã để lại nhiều ấn tượng với những trận tranh đấu kịch tính.
Tin tức 13 giờ trước
Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế - HueCIT (6 Lê Lợi, TP Huế) vừa tổ chức khóa đào tạo về các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực văn hóa thông qua kỹ thuật photogrammetry và VR 360 với sự hỗ trợ của chuyên gia Hàn Quốc.
Tin tức 13 giờ trước
Trong thời gian qua, các tỉnh miền Trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu cộng đồng. Điều này trở thành định hướng quan trọng thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản đặc sản.
Tin tức 14 giờ trước
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long khẳng định: “Những năm qua, ASEAN đẩy mạnh hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa các nước thành viên, mở rộng quan hệ hợp tác đối tác”. Từ đó, ông bày tỏ kỳ vọng ASEAN trở thành khu vực sáng tạo và có sức cạnh tranh trên thế giới.