SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Đây là những thương hiệu mãi tồn tại trong lòng người Việt

11:00, 14/11/2017
(SHTT) - Xà bông Cô Ba, bia Trúc Bạch, cao Sao vàng, mì giấy Miliket, diêm Thống Nhất... chính là những nhãn hiệu lâu đời nhưng vẫn mãi tồn tại trong lòng người Việt. Những thương hiệu "vang bóng một thời" này vẫn khiến không ít người xúc động khi nhớ lại.

Xà bông Cô Ba

Đối với người lớn tuổi không ai không biết sản phẩm xà bông Cô Ba, đây là loại xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam dùng để tắm gội, có thể đánh bại xà bông thơm của Pháp nhờ chất lượng tốt, giá thành thấp.

Năm 1932, ông Trương Văn Bền – một thương gia người Việt gốc Hoa với lợi thế nắm trong tay cơ sở ép dầu dừa đã mở thêm nhà máy làm xà bông từ dầu nông sản. Doanh nghiệp của ông là Công ty Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils - Huilerie et Savonnerie Vietnam).

Sản phẩm chính của Hãng xà bông Trương Văn Bền buổi đầu thành lập là loại xà bông bánh 72% dầu, phục vụ nhu cầu giặt tẩy. Giá bán rất bình dân, hợp với túi tiền của đông đảo tầng lớp lao động nghèo nên lập tức được nhiệt liệt đón chào, có tháng sản xuất và bán đến 600 tấn.

nhung thuong hieu mai ton tai trong long nguoi viet xa bong co ba

 Đây là những thương hiệu mãi tồn tại trong lòng người Việt - Xà bông Cô Ba

Sau khi giải quyết xong nhu cầu xà bông bình dân nhất cho người lao động, ông Trương Văn Bền tiếp tục phát triển thêm sản phẩm xà bông cao cấp hơn với tên gọi “Cô Ba”, một cái tên thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ. Ngay lập tức, sản phẩm Cô Ba sau khi có mặt đã trở thành mặt hàng được đón chào nồng nhiệt không chỉ từ giới bình dân.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng xà bông Cô Ba của ông Trương Văn Bền đã mau chóng chiếm lĩnh thị trường và được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên Thế giới.

Gần đây, Công ty cổ phần sản xuất thương mại Phương Đông đã quyết định làm sống lại thương hiệu vang bóng một thời này nhưng chưa thu được nhiều thành công.

Bia Trúc Bạch

Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco), tiền thân là Nhà máy Bia Hommel, được thành lập từ năm 1890. Sau nhiều thăng trầm biến đổi cùng lịch sử đất nước, năm 1957 nhà máy bia Hommel được Chính phủ tiếp quản, khôi phục và được đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội.

15/8/1958 là thời điểm đánh dấu ngày ra đời “đứa con đầu lòng” của nhà máy với sản phẩm bia chai được đặt tên là Trúc Bạch với ý nghĩa gắn với địa danh hồ Trúc Bạch trên mảnh đất ngàn năm văn hiến và gần trụ sở Nhà máy Bia Hà Nội.

nhung thuong hieu mai ton tai trong long nguoi viet bia truc bach

  Đây là những thương hiệu mãi tồn tại trong lòng người Việt - Bia Trúc Bạch

Lúc này bia Trúc Bạch không chỉ đơn thuần là nhãn bia mới mà nó hoàn toàn được mang hương vị mới với công nghệ do các chuyên gia Tiệp Khắc (Cộng hòa Czech sau này) giúp đỡ. Với vị mới, được đóng trong chai trong khi giá bán chỉ nhỉnh hơn so với bia hơi truyền thống vẫn đang được sử dụng công nghệ của nhà máy bia Hommel, bia Trúc Bạch nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

Bia Trúc Bạch định vị thương hiệu là sản phẩm sang trọng nhưng lại được tiêu thụ rộng rãi và trở thành một phần “hồn” không thể thiếu của Hà Nội. Sánh với Kem Tràng Tiền, bia Trúc Bạch đã chiếm lĩnh được trái tim người tiêu dùng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung khi đó. 

Tuy nhiên, sau một thời gian sản xuất, do những khó khăn của đất nước, loại bia cao cấp Trúc Bạch vượt quá khả năng tiêu dùng của người dân, đồng thời ngân sách cũng không cho phép nhập khẩu những nguyên liệu đắt đỏ nên việc sản xuất bia Trúc Bạch phải dừng lại. 

Cao Sao vàng

Những năm 90 của thế kỷ trước, trong bất cứ gia đình người Việt nào cũng có một hộp Cao Sao Vàng. Những hộp cao Sao Vàng đầu tiên ra mắt từ năm 1969. Hơn 10 hoạt chất và tá dược, như long não, hương nhu, bạc hà… chứa trong chiếc hộp bằng thép lá chuyên trị nhức đầu, cảm cúm, côn trùng đốt nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Nhưng chục năm gần đây, hộp cao nhỏ này đã vắng bóng trên thị trường nội địa thay vào đó là tấn công ra thị trường nước ngoài.

nhung thuong hieu mai ton tai trong long nguoi viet cao sang vang

  Đây là những thương hiệu mãi tồn tại trong lòng người Việt - Cao Sao Vàng

Trên Amazon, một hộp Cao Sao Vàng được chào bán với giá từ 2 USD đến gần 4 USD. Được đánh giá tốt, loại sản phẩm này thường hết veo ngay sau khi bán đấu giá trên trang thương mại điện tử nổi tiếng này.

“Cao Sao Vàng đã được dùng ở Việt Nam cả thế kỷ. Nó có chứa một loại dầu đặc biệt cao cấp ở Việt Nam, kích cỡ nhỏ nên dễ mang đi mang lại, có tác dụng khi bị cúm, cảm lạnh, đau bụng và đau nhức cơ cổ, lưng…”, là những dòng giới thiệu về sản phẩm. Chính điều đó tạo cho người mua cảm giác mức giá gần 2 USD quá rẻ so với những tác dụng mà loại dầu bôi này mang lại.

Mì giấy Miliket

Hiện nay, dù nhiều người tiêu dùng tìm đến mì Hảo Hảo, Gấu Đỏ, Ba Miền nhưng trong tiềm thức họ vẫn có thói quen gọi là ăn “mì tôm”. Ở Việt Nam, thế hệ những người sinh ra trong khoảng thời gian 1980 – 1990, không ai không biết đến mì tôm Miliket.

Sau hơn 30 năm tồn tại, trong bối cảnh hàng chục thương hiệu mì mới ra đời, cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, “mì tôm” Miliket vẫn trung thành với mẫu mã “hai con tôm”.

nhung thuong hieu mai ton tai trong long nguoi viet mi giay miliket

  Đây là những thương hiệu mãi tồn tại trong lòng người Việt - Mì giấy Miliket

Miliket là thương hiệu mì ăn liền của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket có trụ sở tại quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Mì này tiền thân gọi là mì tôm Colusa có mặt trên thị trường từ trước năm 1975. Sau năm 1975, Colusa được đổi tên thành Xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Colusa. Đến năm 1983, Tổng Cty Lương thực miền Nam mở thêm Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket. Năm 2004, Colusa và Miliket sáp nhập thành Cty lương thực thực phẩm Colusa – Miliket; đến năm 2006 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đổi thành cty cổ phần.

Từng chiếm 90% thị phần nhưng nay Miliket chỉ còn chiếm trên dưới 3%, thua xa với các thương hiệu mì ăn liền đình đám trên thị trường như Hảo Hảo (100% vốn Nhật Bản), Omachi, Kokomi (Masan) hay Ba Miền, Gấu Đỏ (Asea Foods).

Diêm Thống Nhất

Khi những chiếc bật lửa chưa phổ biến, diêm Thống Nhất là sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người Việt. Bao diêm có logo truyền thống với hình chú chim bồ câu trắng, phía dưới dòng chữ “Diêm Thống Nhất” cỡ lớn chạy ngang mặt bao cho in nơi sản xuất tại Công ty Cổ phần diêm Thống Nhất. Hiện nay, sản phẩm này vẫn được sử dụng rộng rãi trong cả nước. 

nhung thuong hieu mai ton tai trong long nguoi viet diem thong nhat

 

Nhà máy Diêm Thống nhất được thành lập năm 1956 là nhà máy đầu tiên được xây dựng tại Miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Năm 1993, nhà máy chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với tên gọi Công ty Diêm Thống Nhất với quy mô hơn 500 lao động.

Với bề dày lịch sử gần 60 năm, công ty chuyên sản xuất diêm Việt Nam không chỉ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Mỹ phẩm Lan Hảo

Từng giữ ngôi vương trong ngành hóa mỹ phẩm, dầu gội bồ kết, mỹ phẩm Lan Hảo là thương hiệu quen thuộc một thời. Năm 1968, những sản phẩm mang thương hiệu Thorakao được bán rộng rãi trên toàn miền Nam, có chi nhánh ở Campuchia và mở rộng cung cấp toàn Đông Nam Á. Tuy nhiên, với sự chèn ép của các thương hiệu ngoại, sản phẩm này dù vẫn tồn tại nhưng gần như không chen chân được vào các trung tâm thương mại và buộc phải sống nhờ thị trường xuất khẩu, chủ yếu là Campuchia.

nhung thuong hieu mai ton tai trong long nguoi viet my pham lan hao

 

Kem đánh răng Dạ Lan

Thời kỳ đầu, khi đất nước chuyển mình từ bao cấp sang kinh tế thị trường, hàng hóa thị trường Việt Nam tràn ngập hàng Trung Quốc, thương hiệu hàng hóa Việt hầu như rất ít và bị cạnh tranh mạnh mẽ. Giữa lúc đó hai thương hiệu kem đánh răng P/S và Dạ Lan trở thành niềm tự hào của người Việt.

Vào những năm 1993-1994, Dạ Lan lớn mạnh, chiếm tới gần 70% thị phần cả nước Riêng từ Đà Nẵng trở vào chiếm tới 90%, được đánh giá là đã góp phần đánh bật kem đánh răng Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam. Cùng với P/S, Dạ Lan là những nhãn hiệu thuần Việt đang chiếm lĩnh hơn 95% thị phần kem đánh răng cả nước. Có những thời điểm P/S chiếm trên 65% và Dạ Lan chỉ chiếm 30% thị phần, còn lại là một vài nhãn hiệu của Trung Quốc.

nhung thuong hieu mai ton tai trong long nguoi viet kem danh rang da lan

 

Tuy nhiên, thị trường kem đánh răng Việt Nam đã bị đảo lộn khi những ông lớn ngành hóa mỹ phẩm thế giới là Unilever và Colgate Palmolive đặt chân tới Việt Nam.

Ông Trịnh Thành Nhơn, cha đẻ của kem đánh răng Dạ Lan, quyết định bán thương hiệu này cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD, vì mong muốn tập đoàn 200 tuổi đời này sẽ tiếp tục phát triển tốt thương hiệu Dạ Lan.

Sau khi mọi thủ tục chuyển nhượng và liên doanh hoàn thành, thương hiệu Dạ Lan chỉ tồn tại vỏn vẹn 3 tháng. Kem đánh răng Colgate xuất hiện thế chỗ và phát triển cho đến nay. Colgate Palmolive đã đạt được mục tiêu trong chiến lược mua một thương hiệu nội địa có thị phần lớn rồi khai tử để đưa thương hiệu mình vào.

PV(t/h)

Tin khác

Kinh tế 15 giờ trước
(SHTT) - Các ngành chức năng, địa phương cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã “chung sức đồng lòng” gia tăng thêm nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu thụ hàng Việt.
Kinh tế 1 ngày trước
Dự án The Gió Riverside được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đang tiếp tục hoàn chỉnh các vấn đề pháp lý khác để sẵn sàng triển khai xây dựng dự án trong năm nay. 
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Các công ty đang dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ truyền thông kỹ thuật số sang mạng lưới quảng cáo bán lẻ để tạo nguồn thu mới.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 16/4/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh rác thải thời trang ngày càng gia tăng, Mèo Tôm Handmade đã được thành lập và đóng vai trò như một giải pháp sáng tạo và đầy ý nghĩa, biến những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xách độc đáo và thân thiện với môi trường.