SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Đạo đức và quản trị trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế

10:21, 22/09/2021
(SHTT) - Trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y học trên toàn thế giới, nhưng chỉ khi đạo đức và nhân quyền là trọng tâm trong quá trình thiết kế, triển khai và sử dụng.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từng cho biết, tương tự như tất cả công nghệ mới, AI có tiềm năng to lớn trong việc cải thiện sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, công nghệ này cũng có thể bị lạm dụng và gây hại. Do đó, báo cáo quan trọng này cung cấp một hướng dẫn có giá trị đối với các quốc gia về cách tối đa hóa lợi ích của AI, đồng thời giảm thiểu rủi ro và tránh những cạm bẫy.

Cũng theo người đứng đầu cơ quan y tế lớn nhất thế giới, tại một số quốc gia giàu có, AI đã được ứng dụng với mục đích cải thiện tốc độ và độ chính xác của quá trình chẩn đoán và tầm soát bệnh tật, hỗ trợ chăm sóc lâm sàng, tăng cường nghiên cứu sức khỏe và phát triển thuốc, đồng thời hỗ trợ các can thiệp sức khỏe cộng đồng đa dạng, điển hình như giám sát dịch bệnh, ứng phó với ổ dịch và quản lý hệ thống y tế.

tri tue nhan tao y te

 Đạo đức và quản trị trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế

Tuy nhiên, một số nguy cơ trong ứng dụng AI cũng được chỉ ra gần đây, như việc thu thập và sử dụng dữ liệu về sức khỏe cá nhân một cách thiếu phù hợp với đạo đức ngành y, hay vấn đề “thiên vị” trong thuật toán (như AI vận hành trên cơ sở dữ liệu thu thập trên người dân ở một nước phát triển thì có nguy cơ không phù hợp khi được sử dụng đối với người dân ở các nước kém phát triển), hay còn là vấn đề nguy cơ đối với an toàn cá nhân của bệnh nhân, với an ninh mạng Internet cũng như với môi trường sống của chúng ta.

Để đảm bảo hạn chế nguy cơ và góp phần tối đa hóa lợi ích của AI, WHO khuyến nghị các quốc gia tuân thủ sáu nguyên tắc căn bản, bao gồm: Bảo vệ sự tự chủ của con người; thúc đẩy sự hạnh phúc, an toàn của con người cũng như thúc đẩy lợi ích công cộng; đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng và dễ hiểu; khuyến khích nghĩa vụ và trách nhiệm giải trình; đảm bảo sự công bằng và thúc đẩy AI đáp ứng nhanh và có tính bền vững.

Có thể nói, hiện nay, về khía cạnh pháp lý, chúng ta có thể chỉ ra hai thách thức lớn liên quan tới ứng dụng AI trong y tế.

Vấn đề thứ nhất, đó là dữ liệu sử dụng để tạo AI. AI sử dụng một số lượng dữ liệu khổng lồ (big data) để tạo ra những mô hình ứng dụng vào thực tế. Những dữ liệu này đến từ những cơ quan nhà nước về bảo hiểm sức khỏe, từ bệnh viện, từ các hồ sơ bệnh lý, từ dữ liệu của các cơ sở y tế công và tư, từ Internet, ứng dụng điện thoại, từ các công cụ tìm kiếm…

Về nguyên tắc, luật hiện hành ở phần lớn các quốc gia đều quy định rằng dữ liệu y tế cá nhân chỉ có thể được thu thập khi cá nhân cho phép, và với điều kiện cá nhân được thông báo rõ ràng về mục đích thu thập và xử lý dữ liệu đó.

Vấn đề là, theo các chuyên gia về AI, dữ liệu thu thập với một mục đích đặt ra ban đầu, lại thường hóa ra cần thiết cho AI để sử dụng trong một mục đích khác.

Ngoài ra, có những dữ liệu được thu thập cho một mục đích nhất định, nhưng sau đó được lưu giữ không giới hạn về thời gian để sử dụng sau này cho một mục đích khác phù hợp hơn. Về nguyên tắc, thực tế này có thể đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của luật về dữ liệu cá nhân. Vì thế, cần xem xét khả năng xây dựng luật phù hợp hơn với thực tế, và giải pháp “sandbox” thử nghiệm có thể là giải pháp hợp lý.

Vấn đề thứ hai cần nhắc tới ở đây, là việc AI vận hành như một chiếc “hộp đen” (black box). Điều đó có nghĩa là một khi dữ liệu được đưa vào để AI sử dụng thì ngay cả người sáng tạo ra thuật toán AI cũng không thể dự đoán được những mô hình mà AI sẽ tạo ra. Vì người sáng tạo AI mất sự kiểm soát này, nên đặt ra câu hỏi trách nhiệm pháp lý sẽ thuộc về ai, khi có thiệt hại xảy ra.

Liên quan tới những phân tích về lợi ích cũng như nguy cơ từ AI, theo các nhà khoa học, với sự phát triển mạnh mẽ của AI, nhân loại có hai lựa chọn cho tương lai: đến cuối thế kỷ XXI, chúng ta hoặc có thể biến mất khỏi mặt đất, hoặc trở thành bất tử. Những người bi quan lo ngại rằng một sai lầm nhỏ nhất trong hướng đi này sẽ nhanh chóng dẫn đến sự diệt vong của loài người. Ví dụ, một AI được lập trình để giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu sẽ xác định rằng con người là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ấy, và sẽ sử dụng toàn bộ kho công cụ robot của nó để loại bỏ mối đe dọa này.

Tuy nhiên, những người lạc quan tin tưởng rằng trí tuệ nhân tạo siêu việt sẽ có thể giải quyết mọi vấn đề cấp bách hằng ngày của con người. AI không chỉ đảm bảo sự thoải mái và an toàn cho cuộc sống của chúng ta, mà còn chuyên sâu hơn nhiều so với con người trong việc phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng.

Hương Mi

Tin khác

Khoa học Công nghệ 14 giờ trước
(SHTT) - Theo thông cáo báo chí, các chuyên gia tại Đại học Công nghệ Thiên Tân, Trung Quốc mới đây đã tạo ra một loại pin đột phá, vận hành bằng oxy cơ thể, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Khoa học Công nghệ 14 giờ trước
(SHTT) - Từ lâu, bia Bỉ đã được biết đến với sự đa dạng, chất lượng xuất sắc và truyền thống lâu đời. Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm cho hương vị của loại bia trứ danh này trở nên ngon hơn.
Khoa học Công nghệ 16 giờ trước
(SHTT) - Công ty Honda Việt Nam đã chính thức công bố chiến dịch triệu hồi 221 xe Gold Wing và CBR1000RR. Mục đích của đợt triệu hồi là để kiểm tra hiện tượng phồng cánh bơm xăng nhằm đảm bảo chất lượng tối ưu cho sản phẩm.
Khoa học Công nghệ 17 giờ trước
(SHTT) - Apple đang lên kế hoạch sử dụng Ernie Bot, một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) do Trung Quốc phát triển, cho các sản phẩm và bản cập nhật sắp tới tại quốc gia này.
Khoa học Công nghệ 22 giờ trước
(SHTT) - Công ty sản xuất pin và ô tô khổng lồ BYD của Trung Quốc đã đạt được lợi nhuận kỷ lục vào năm 2023, vượt qua Tesla của Elon Musk để trở thành hãng bán xe điện nhiều nhất thế giới.