Đạo diễn Dương Diệu Linh: 'Tôi từng khá nhạy cảm với danh xưng nữ đạo diễn'
Dương Diệu Linh sinh năm 1990 tại Hà Nội. Cô từng học điện ảnh tại Singapore, sau đó giành được học bổng của Hiệp hội điện ảnh Mỹ (MPA). Hai phim ngắn của cô ra mắt trước đây được đánh giá cao đó là “Mẹ, con gái và những giấc mơ” và “Ngọt, mặn”. Hiện nay, cô đang học thạc sĩ ngành Điện ảnh và Viết sáng tạo tại Canada.

Đạo diễn Dương Diệu Linh sinh năm 1990, là một trong những đạo diễn trẻ gây chú ý ở Việt Nam. Ảnh: NVCC
Bộ phim "Mưa Trên Cánh Bướm" của đạo diễn Dương Diệu Linh gây ấn tượng trong làng điện ảnh Việt Nam khi giành hai giải thưởng quan trọng tại Liên hoan phim Venice và được đề cử tại Lễ trao giải Điện ảnh Châu Á (AFA) lần thứ 18 diễn ra vào ngày 16/3/2025 sắp tới.
Chia sẻ với Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, đạo diễn Dương Diệu Linh cho biết bản thân cô biết ơn những cơ hội mình nhận được và mong muốn tìm cách hỗ trợ các nhà làm phim nữ, cùng đồng hành, động viên nhau kể câu chuyện của riêng mỗi người. Chị cũng nhấn mạnh rằng những thách thức trong ngành điện ảnh không nên là rào cản mà là động lực để các tài năng dù nam hay nữ mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình.
- Chị có thể chia sẻ khoảnh khắc nào trong sự nghiệp khiến chị nhận ra những thách thức mà một nữ đạo diễn phải đối mặt?
Những năm 20 tuổi, tôi chưa thấy rõ lắm những thách thức này, vì khi đó mình còn trẻ, sung sức và chưa có nhiều ràng buộc. Có lẽ tôi chỉ bắt đầu cảm nhận được giới hạn của bản thân qua quá trình phát triển và hoàn thành “Mưa trên cánh bướm”.
Tôi hay nói đùa với đồng nghiệp là mình sinh một lúc 2 đứa con - đứa con nghệ thuật là bộ phim, và em bé của tôi ở ngoài đời. 2 năm dịch Covid-19 là 2 năm tôi vừa dự các workshop và chợ điện ảnh online, vừa phải trông con. Hết dịch, tôi đưa con đi châu Âu tham dự giới thiệu dự án, đi dự trại sáng tác. Khi về Việt Nam quay phim, tôi cũng đưa con theo. Nghe thì có vẻ lí tưởng, nhưng thực tế trong tôi luôn cảm thấy giằng xé và có lỗi vì mình không thể dành thời gian trọn vẹn cho một thứ. Tôi nghĩ điều này là thách thức mà bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể phải đối mặt, khi vừa muốn có sự nghiệp, vừa muốn chăm sóc cho gia đình.
Ngoài ra còn những yếu tố như thể lực, sức bền, sự dẻo dai và cả chu kỳ hormone. Đặc biệt trong giai đoạn quay phim, yêu cầu cường độ làm việc lớn, tập trung cao độ hơn 12 tiếng một ngày. Tôi cảm nhận rất rõ cơ thể bị ảnh hưởng bởi chu kỳ hormone thay đổi mỗi tuần, có những ngày tôi làm việc được liên tiếp không ngừng, nhưng có những ngày khó khăn hơn, phải ép bản thân đến cùng cực. Ảnh hưởng của việc làm phim còn ở lại với sức khỏe lâu dài. Đến tận bây giờ, hơn 1 năm sau khi quay “Mưa trên cánh bướm”, tôi vẫn phải tập trung bồi bổ và hồi phục thể chất.
- Chị có từng cảm thấy mình phải cố gắng nhiều hơn để được công nhận so với đồng nghiệp nam không?
Khi mới bắt đầu làm phim, tôi khá nhạy cảm với danh xưng “nữ đạo diễn”. Đạo diễn là đạo diễn, sao phải phân biệt qua giới tính hay xuất thân. Sự nhạy cảm này có lí do. Vào những năm 2018 - 2019, khi tôi bắt đầu được đi dự các workshop và LHP với những phim ngắn của mình như “Mẹ, con gái và những giấc mơ”, “Ngọt, mặn”, cũng tình cờ là thời điểm thế giới bắt đầu chú ý đến điện ảnh Đông Nam Á nói riêng và các nữ đạo diễn nói chung. Lúc đó, một số đồng nghiệp nói bóng gió hoặc bông đùa trước mặt tôi rằng làm nữ đạo diễn ở thời điểm này là nhất rồi, lại còn đến từ Việt Nam, tha hồ được ưu ái.
Nghe những câu như vậy tôi đã rất buồn, vì nó giống như là bao nhiêu công sức của mình bị phủ nhận. Tôi bắt đầu khắt khe với chính mình hơn, muốn chứng tỏ với bản thân và cả thế giới rằng mình xứng đáng. Nhưng hiện giờ tôi không còn để tâm đến những lời người khác nói hay cố gắng để được công nhận như đồng nghiệp nam. Tôi ý thức được mình là ai và để tác phẩm của mình tự lên tiếng.
Nhìn lại quãng đường đã qua, tôi biết ơn những cơ hội mình đã nhận được, và muốn tìm cách hỗ trợ những nhà làm phim nữ khác để đồng hành, động viên nhau và cùng nhau kể những câu chuyện của riêng mình.
- Trong quá trình thực hiện "Mưa Trên Cánh Bướm", chị có bao giờ gặp phải áp lực từ nhà sản xuất hoặc đồng nghiệp về cách kể chuyện, góc nhìn hay cách xây dựng nhân vật không?
Tôi may mắn được làm việc với một ekip rất tuyệt vời, từ nhà sản xuất, đồng sản xuất cho đến các đồng nghiệp xuyên suốt quá trình thai nghén cho đến khi hoàn thiện phim. Mọi người hoàn toàn tin tưởng và tôn trọng định hướng của tôi dành cho “Mưa trên cánh bướm”. Ngược lại, tôi đón nhận những góc nhìn mới về mặt hình ảnh, nội dung cũng như xây dựng nhân vật từ tất cả mọi người. Tôi luôn cho rằng mình không biết tất cả các câu trả lời, thay vì áp đặt góc nhìn của bản thân thì tôi mời mọi người cùng đóng góp sáng tạo.

Dương Diệu Linh trong quá trình làm phim "Mưa trên cánh bướm". Ảnh: NVCC
- Chị có nghĩ rằng nữ đạo diễn có những góc nhìn và cách tiếp cận điện ảnh khác biệt so với nam đạo diễn không? Nếu có, đó là điều gì?
Tôi nghĩ sẽ rất khó và cũng không nên phân biệt sáng tạo theo giới tính, vì mỗi người làm nghệ thuật đều có cách tiếp cận và ngôn ngữ riêng.
Tuy nhiên, tôi rất thích cách những nữ đạo diễn khắc hoạ nhân vật nữ trong các tác phẩm của họ. Nó gần gũi và thân mật, thô ráp nhưng vẫn rực rỡ, nữ tính nhưng cũng rất dữ dội, quan trọng là nó rất “đời”. Có một số đạo diễn nam viết nhân vật nữ hay, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng quá nhiều nhân vật nữ trong các tác phẩm điện ảnh từ thị trường đến độc lập đang hiện lên qua “male gaze” (cái nhìn của đàn ông).
Lấy ví dụ như những nữ siêu nhân mặc đồ thiếu vải hoặc bó sát trong các phim hành động Hollywood chẳng hạn, chúng đã và đang tạo nên những hình mẫu và tiêu chuẩn thiếu thực tế về cái đẹp, mà người chịu ảnh hưởng trực tiếp là các khán giả nữ trẻ tuổi. Hay những khuôn mẫu về hình tượng phụ nữ châu Á đã góp phần tạo nên “yellow fever” – một từ ám chỉ việc đàn ông phương Tây thích phụ nữ châu Á.
Đối với tôi, đạo diễn nữ có trọng trách rất lớn trong việc đưa lên màn ảnh những nhân vật nữ mà khán giả có thể kết nối được và thấy được mình trong đó. Từ đó, chúng ta mới có thể truyền tải những thông điệp về năng lượng tính nữ lành mạnh và phá bỏ hệ thống tiêu chuẩn kép vốn tồn tại từ rất lâu trong xã hội, cũng như giữa giới nữ với nhau.
- Vậy nữ đạo diễn nào đã truyền cảm hứng cho chị khi theo đuổi con đường này?
Tôi có theo dõi các tác phẩm của Sofia Coppola, Greta Gerwig, Naomi Kawase cũng như các nữ đạo diễn trẻ trong khu vực Đông Nam Á như Martika Escobar, Amanda Nell Eu.
- Nếu có thể thay đổi một điều trong ngành điện ảnh để tạo cơ hội tốt hơn cho nữ đạo diễn, chị sẽ thay đổi điều gì?
Tôi thấy ở thời điểm hiện tại thì Việt Nam đã có nhiều đạo diễn nữ trẻ hơn rồi, so với hồi tôi mới bắt đầu làm phim ngắn. Cộng đồng nữ đạo diễn đoàn kết lắm, như tôi được biết thì mọi người vẫn gặp gỡ, hỗ trợ và động viên nhau từ xa.

Một cảnh trong bộ phim "Mưa trên cánh bướm". Ảnh: NVCC
Câu chuyện kinh phí làm phim vẫn là vấn đề muôn thuở của các nhà làm phim trẻ, bất kể giới nào. Tôi hi vọng sẽ có thêm những quỹ hỗ trợ làm phim dành các nữ đạo diễn, hoặc xa xôi hơn thì là LHP về đề tài phụ nữ chẳng hạn. Tôi đã thấy có những mô hình này ở châu Âu hay Hàn Quốc, Đài Loan.
Chúng ta nên thay đổi một số cách làm việc linh hoạt, để ngành rộng mở hơn với mọi giới, từ đó phát triển nhanh hơn nhờ nỗ lực tổng hợp. Người phụ nữ hội tụ rất nhiều lợi thế mà việc làm phim yêu cầu, ở tất cả các vị trí chính như đạo diễn, sản xuất, quay phim, mỹ thuật. Đó là sự nhạy cảm tinh tế để cân chỉnh cảm xúc, có sự tỉ mẩn để ý đến từng chi tiết nhỏ nhất trong khung hình, biểu cảm diễn viên. Hoặc khả năng đa nhiệm, xử lí thông tin và ra nhiều quyết định cùng một lúc mà vẫn duy trì sự tập trung. Còn cả sự linh hoạt, mềm mỏng và khéo léo để thuyết phục ekip cùng tìm phương án giải quyết cho vấn đề. Và hơn hết, chúng ta có quá nhiều câu chuyện với nhân vật người phụ nữ ở trung tâm, đang chờ được khai thác.
- Chị có lời khuyên nào dành cho những cô gái trẻ muốn theo đuổi sự nghiệp đạo diễn nhưng còn e ngại về những khó khăn phía trước?
Tôi nghĩ là làm gì cùng thế, không cứ là đạo diễn, nếu chỉ nghĩ đến khó khăn thì sẽ không làm được đâu. Phải làm thì mới biết được là nó có phù hợp với mình không, mà nếu làm rồi thấy nó không hợp thì cũng không sao cả, ít nhất là mình cũng đã thử, để sau này không phải hối tiếc. Quan trọng là bắt đầu bước đã, rồi con đường sẽ tự hiện ra.
Lời khuyên tiếp theo là hãy lắng nghe cơ thể, chăm sóc sức khoẻ và yêu thương bản thân nhé. Việc làm phim cũng như bao việc khác, chỉ là một góc của cuộc sống muôn màu mà thôi, đừng để nó xâm chiếm tất cả thời gian và tâm trí của bạn.
- Cảm ơn chị đã có những chia sẻ về hành trình làm phim của một nữ đạo diễn, chúc chị sẽ ngày càng thành công hơn trên con đường sự nghiệp!
Na Ngô
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
