Danh tính ca nhiễm Covid-19 thứ 21 tại Việt Nam: Người ngồi gần hàng ghế máy bay với cô gái về từ Ý
Liên quan đến dịch corona ở Việt Nam, ngày 8/3 thông tin từ Bộ y tế vào hồi 19 giờ ngày 06/03, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội qua điều tra dịch tễ bệnh nhân N.H.N (sau đây gọi là BN17) tại phường Trúc Bạch - Ba Đình - Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay với BN17 đang có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh nên đã lấy mẫu và chuyển bệnh nhân sang bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bệnh nhân N.Q.T, nam, 61 tuổi (ở Trúc Bạch - Ba Đình - Hà Nội) là người ngồi gần hàng ghế với Bệnh nhân N.H.N. Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân dương tính với virus corona.
Tính đến hiện tại Việt Nam ghi nhận 21 ca nhiễm virus corona.
Trước đó, lúc 17h00 ngày 7/3/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đã phát hiện thêm 2 ca mắc mới.
Đó là bà L.T.H, sinh năm 1956, là bác ruột của bệnh nhân N.H.N. (ca nhiễm thứ 17) và anh D.Đ.P, sinh năm 1993, là lái xe riêng của gia đình.
Bệnh nhân thứ 18 là N.V.T, 27 tuổi, sống tại Daegu, trở về Việt Nam trên chuyến bay VJ981 từ Busan đến Vân Đồn ngày 4/3/2020.
Bệnh nhân thứ 17 được xác định vào ngày 6/3 là cô gái N.H.N. (SN 1993, trú tại 125 Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội), quản lý khách sạn ở Trúc Bạch từng đi qua Anh, Ý, Pháp nhưng không khai báo y tế khi nhập cảnh tại sân bay Nội Bài vào ngày 2/3.
Sau trường hợp ca bệnh đầu tiên nhiễm virus corona, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tất cả người dân cùng tham gia kiểm soát chặt chẽ những người nhập cảnh vào Việt Nam. “Tất cả đều phải khai báo y tế, bất kể là người nào, bất kể công dân Việt Nam hay nước ngoài đều phải khai báo rõ lịch trình”, ông Chung yêu cầu.
Một chỉ đạo khác được ông đưa ra là các cơ sở y tế phải có khu khám riêng dành cho những trường hợp có dấu hiệu nhiễm Covid-19. Khi thăm khám y bác sĩ phải trang bị đẩy đủ trang phục, thiết bảo hộ y tế theo đúng quy trình, tiêu chuẩn, tránh trường hợp như Bệnh viện Hồng Ngọc.
“Chỉ trong thời gian thăm khám, Bệnh viện Hồng Ngọc có 17 y, bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm mà không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào”, ông Chung nêu thực tế. Ông đề nghị ngành y tế ngay sáng 7/3 phải tổ chức quán triệt và rút kinh nghiệm về việc này. Đồng thời, đề nghị toàn thành phố chống dịch với tinh thần quyết liệt nhưng bình tĩnh, không chủ quan.
Theo ông Chung, Hà Nội đang bước vào giai đoạn thách thức, khó khăn hơn, nguy cơ lây nhiễm cao hơn khi dịch bệnh đã lây ra 98 nước. “Trong đó, Hà Nội có nguy cơ cao nhất vì công dân 98 nước này đều hiện diện ở Hà Nội. Công dân Hà Nội đi du lịch, công tác đều liên quan đến các nước châu Âu, đặc biệt những nước có nguy cơ lớn như Anh, Pháp, Italy”, Chủ tịch thành phố chia sẻ.
Vì vậy, mọi người phải nhận thức mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, chỉ cần 1 người mắc có thể lây nhiễm cho cả cộng đồng nên đi đâu từ vùng dịch về phải tự giác khai báo, tự giác cách ly, tránh kéo dài thời gian làm mất “thời gian vàng”, tạo nguy cơ lây nhiễm lớn hơn.
Hạ Trang
TIN LIÊN QUAN
-
Cuộc sống của người dân tại phố Trúc Bạch sau đêm phong tỏa như thế nào?
-
Giải thưởng Kovalevskaia 2019 sẽ được trao cho nhóm khoa học nữ Việt Nam phân lập thành công virus SARS-CoV-2
-
Người Hà Nội 'vét' sạch siêu thị trong đêm để tích trữ đồ ăn, phòng dịch corona
-
Lộ trình đi lại của ca nhiễm virus corona đầu tiên tại Hà Nội