SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 23/03/2024
  • Click để copy

Dán decal trên xe phản đối Uber và Grab có vi phạm luật cạnh tranh không?

06:38, 09/10/2017
(SHTT) - Mới đây, hàng loạt xe của hãng taxi Vinasun có dán decal nêu rõ: "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", "Đề nghị dừng Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh". Nhiều người sau đó đã đặt ra câu hỏi liệu hành vi này có vi phạm luật cạnh tranh hay không?

 Hàng loạt taxi ở Sài Gòn dán decal phản đối Uber và Grab

Ngày 8/10, nhiều người đi đường trên địa bàn TP.HCM tỏ ra bất ngờ trước những decal, khẩu hiệu phía sau những chiếc xe của hãng taxi Vinasun. Theo đó,  decal nêu rõ: "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", "Đề nghị dừng Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh". 

Nhiều người đã chụp lại hình ảnh này, đăng tải lên mạng xã hội, và nhận được nhiều phản hồi không mấy tích cực về.

Trao đổi với Zing.vn, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun, cho biết việc tài xế dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab sau xe là hành động tự phát, không có chủ trương từ phía doanh nghiệp. Nói về nội dung của các khẩu hiệu phản đối, ông Hỷ cho rằng “không đến nỗi gì quá đáng”.

Phó tổng giám đốc Vinasun cũng cho biết sẽ rà soát lại việc dán khẩu hiệu với tất cả các taxi đang hoạt động.

“Có thể anh em búc xúc quá mới làm vậy. Chúng tôi đang cho rà soát lại”, ông Hỷ nói.

2-bien-khau-ngu-yeu-cau-uber-va-grab-tung-thu-phap-luat-viet-nam-tren-xe-taxi-cua-hang-vinasun-anh-che-thanpng-1507444953187

Dán decal trên xe phản đối Uber và Grab có vi phạm luật cạnh tranh không?. Ảnh Tuổi Trẻ

Dán decal trên xe phản đối Uber và Grab có vi phạm luật cạnh tranh hay không?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Thời Đại, luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng Phòng luật sư Gia Đình (Đoàn LS TP. HCM) nhận định: "Theo thông tin từ hãng thì đây là hành vi tự phát của các tài xế, nếu như vậy thì có thể bị xử về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". 

Theo luật sư, đối với những hành vi trên thì tùy tính chất có thể bị xử lý về mặt hành chính, hoặc có thể bị xử lý hình sự tùy tính chất hành vi, hậu quả... Nếu các chủ hãng xe có sự chủ mưu, chỉ đạo thì họ phải chịu trách nhiệm về hành vi trên, nếu là đồng phạm thì chịu trách nhiệm về hành vi đồng phạm. 

"Quan trọng hơn, đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các cơ quan quản lý cạnh tranh có thể xử lý về các hành vi trên theo Luật cạnh tranh. Cụ thể, Điều 43 Luật cạnh tranh quy định: "Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó", Luật sư Hùng phân tích rõ. 

 Căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm sẽ có thể bị xử lý theo Điều 177 Luật cạnh tranh về các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về cạnh tranh và các biện pháp khắc phục hậu quả. 

Theo Tuổi Trẻ, trước đó, Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có văn bản tỏ sự đồng tình đối với Hiệp hội Taxi Hà Nội trong việc yêu cầu dừng thí điểm xe hợp đồng điện tử đối với xe 9 chỗ ngồi trở xuống, nêu rõ Uber và Grab đã gây ra nhiều hệ lụy. 

Đối với vấn đề thuế, năm 2016 giới taxi truyền thống TP.HCM đóng đến 1.000 tỉ đồng tiền thuế còn Uber và Grab chỉ đóng 5 tỉ mà thôi.

Trong khi đó ở Hà Nội, những chiếc taxi ở thủ đô cũng chạy khắp nơi mang khẩu hiệu tố cáo taxi thí điểm hợp đồng điện tử có doanh thu 18.000 tỉ đồng nhưng chỉ đóng 15,8 tỉ đồng tiền thuế.

Hai hiệp hội taxi này cho rằng số lượng xe chạy Uber - Grab đã tăng lên quá nhanh, phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông.

Cụ thể thì số lượng xe taxi ở TP.HCM vẫn giới hạn ở mức 11.000 xe, cộng thêm cả xe chạy Uber - Grab lên tới 36.000 chiếc, còn tính luôn cả Hà Nội nữa là hơn 50.000 xe.

Cựu tổng giám đốc một doanh nghiệp taxi lớn ở TP.HCM đặt vấn về tính pháp lý của những khẩu hiệu mà các xe taxi ở hai thành phố đang dán và chạy "có được phép hay không".

Trong khi ở Hà Nội một số taxi mang các khẩu hiệu "khá chung chung" khi nhắc đến chuyện thuế và phản đối quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải về thí điểm các dịch vụ xe kiểu Uber, Grab, thì ở TP.HCM các xe taxi của Vinasun lại tấn công trực diện, nêu đích danh đối thủ và yêu cầu "tuân thủ luật pháp".

Dù vậy, vị này lại cho rằng cách tấn công này có khi phản tác dụng khi điều đó có thể lại quảng cáo cho đối thủ là Uber - Grab.

Và điều quan trọng hơn là khách hàng, người tiêu dùng chắc chắn không thay đổi quyết định, kể cả những người đang sử dụng Uber - Grab lẫn những người là khách hàng tiềm năng.

Ngọc Khánh (t/h)

Tin khác

Kinh tế 3 giờ trước
(SHTT) - Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Kinh tế 3 giờ trước
(SHTT) - Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP lớn của cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm được đông đảo khách du lịch biết đến, tin dùng. Thời gian gần đây nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có những cách làm hay, sáng tạo để những sản phẩm OCOP được vươn tầm ra quốc tế.
Kinh tế 19 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple đã sử dụng quyền lực và ưu thế của mình để kiểm soát thị trường điện thoại thông minh.
Tin tức 20 giờ trước
Hai hôm nay, giá vàng trong nước giảm mạnh, đặc biệt là vàng miếng SJC. Nhờ thế, giao dịch trên thị trường sôi động trở lại.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.