Đảm bảo tính khách quan và khoa học khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
Trong bối cảnh xu hướng béo phì và các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài luồng quan ngại chung về sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, việc lựa chọn các biện pháp can thiệp, đặc biệt là chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đánh vào nước giải khát có đường, cần được xem xét một cách thận trọng, dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế. Bài viết này phân tích toàn diện các bằng chứng khoa học và thực tiễn để cho thấy rằng việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường chưa có đủ cơ sở để khẳng định tính hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và bệnh tiểu đường tại Việt Nam.

Thừa cân, béo phì tại Việt Nam: Không quá nghiêm trọng như một số nước
Theo Bộ Y tế, năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì (TCBP) ở thành thị là 26,8%, nông thôn 18,3% và miền núi chỉ 6,9%. Báo cáo điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019–2020 cũng ghi nhận tỷ lệ trẻ em TCBP tăng từ 8,5% (2010) lên 19% (2020). Dù tốc độ tăng đáng lưu ý, nhưng so với khu vực và thế giới, tỷ lệ này vẫn thuộc nhóm thấp nhất.
Liên đoàn Béo phì Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 200 về tỷ lệ TCBP người trưởng thành và 137 về trẻ em (2022). Ở Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 11 với người lớn và thứ 8 với trẻ em – các vị trí khá khiêm tốn. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Việc áp thuế TTĐB cần tránh làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu dinh dưỡng ở những khu vực này.
Nguyên nhân thừa cân béo phì: Đa yếu tố, không chỉ do nước giải khát có đường
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam (Quyết định 2892/QĐ-BYT) xác định TCBP do nhiều nguyên nhân: chế độ ăn uống mất cân đối (nhiều chất béo, đường, muối, thiếu chất xơ), ít vận động, yếu tố di truyền, tuổi tác, giấc ngủ, môi trường sống và học vấn.
Bằng chứng thực tiễn cho thấy không có mối liên hệ trực tiếp giữa việc tiêu thụ nước ngọt có đường và tỷ lệ béo phì trong học sinh. Báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2018 chỉ ra học sinh thành thị TCBP cao hơn nông thôn (41,9% so với 17,8%) nhưng lại tiêu thụ nước ngọt ít hơn (16,1% so với 21,6%). Điều này cho thấy nước ngọt không phải là nguyên nhân chính.
Trong khi đó, sự thiếu vận động đóng vai trò quan trọng hơn. Trẻ em thành thị có hoạt động thể lực thấp hơn (32,5%) so với trẻ em nông thôn (59,9%). Các hoạt động tĩnh tại như dùng mạng xã hội, chơi game chiếm phần lớn thời gian của học sinh, là yếu tố đáng quan tâm hơn cả nước ngọt.
Lượng đường và năng lượng từ nước ngọt: Không đáng kể
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đồ uống có đường chỉ đóng góp khoảng 3,6% tổng năng lượng trong khẩu phần ăn. Trong khi đó, nguồn năng lượng lớn nhất đến từ ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%) và các thực phẩm khác (22%).
Nước giải khát có đường cũng không phải là nhóm có mức calo cao nhất: trung bình chỉ cung cấp khoảng 44 kcal/100g, thấp hơn nhiều so với bánh kẹo, kem, chè – vốn có tỷ lệ tiêu thụ cao hơn nhiều (51,1% ở thành thị, 56,4% ở nông thôn).
Nếu áp thuế, người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại đồ uống chế biến tại chỗ có đường – loại đồ uống khó kiểm soát về vệ sinh, chất lượng, hàm lượng đường và không nằm trong diện chịu thuế.
Tiêu thụ nước giải khát tại Việt Nam: Thấp hơn nhiều nước
Theo Bộ Tài chính, năm 2018, người Việt tiêu thụ trung bình 50,7 lít/năm. Đến năm 2020, con số này giảm còn 34 lít/người/năm (theo Bộ Y tế). So với châu Âu – trung bình 243,9 lít/người/năm, hay Nhật Bản (169,28 lít/người/năm) và Mỹ (140,5 lít/người/năm) – mức tiêu thụ tại Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Thực tế, nhiều nước có mức tiêu thụ cao hơn rất nhiều nhưng vẫn không áp thuế TTĐB, tiêu biểu như Đức, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Điều này đặt ra câu hỏi về sự hợp lý khi áp thuế ở Việt Nam – nơi lượng tiêu thụ còn thấp và chưa đáng báo động.
Kinh nghiệm quốc tế: Áp thuế không mang lại hiệu quả như kỳ vọng
Một số quốc gia đã triển khai thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường nhưng không thu được kết quả như mong đợi :
Chile áp thuế từ 2014, nhưng tỷ lệ béo phì vẫn tăng từ 19,2% (nam) và 30,7% (nữ) giai đoạn 2009–2010 lên 30,3% (nam) và 38,4% (nữ) vào 2016–2017.Mexico: Tỷ lệ béo phì nam giới tăng từ 26,8% (2012) lên 30,5% (2018); nữ giới tăng từ 37,5% lên 40,2%.Bỉ: Sau khi áp thuế năm 2016, tỷ lệ béo phì ở nam tăng từ 13,9% (2014) lên 17,2% (2019).Pháp: Dù giá sản phẩm tăng 5% do thuế, mức tiêu thụ nước ngọt chỉ giảm 3,3%.Một số nước như Đan Mạch và Na Uy đã bãi bỏ thuế TTĐB vì không mang lại hiệu quả cải thiện sức khoẻ cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến việc làm và kinh tế địa phương.
Ngược lại, Nhật Bản không áp thuế TTĐB nhưng lại có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới. Họ tập trung vào giáo dục dinh dưỡng và khuyến khích vận động thông qua các chính sách “Shuku Iku” và “Metabo”.
Cần đánh giá toàn diện, khoa học trước khi áp dụng thuế
Trước một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng như béo phì, việc xây dựng chính sách cần dựa trên cơ sở khoa học vững chắc, phù hợp với đặc điểm dân số, kinh tế và xã hội. Những phân tích trên cho thấy:
Chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ khẳng định nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây béo phì.Tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam còn thấp, và tỷ lệ béo phì chưa ở mức báo động.Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thuế TTĐB không hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí gây phản tác dụng.Thay vì chỉ sử dụng công cụ thuế, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp giáo dục dinh dưỡng, tăng cường vận động, kiểm soát chất lượng thực phẩm và truyền thông thay đổi hành vi tiêu dùng. Đây mới là những giải pháp bền vững và toàn diện trong việc cải thiện sức khoẻ cộng đồng.
PV
TIN LIÊN QUAN
-
Bộ Y tế vào cuộc vụ quảng cáo Nestlé Milo gắn tên Viện Dinh dưỡng
-
Sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Dinh dưỡng trên các sản phẩm MILO: Nestlé Việt Nam nói gì?
-
Hải Dương: Giám sát tiêu hủy hơn 420 sản phẩm dinh dưỡng nhập lậu
-
Amway Việt Nam vinh dự là doanh nghiệp FDI xuất sắc về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe chủ động
Tin khác
