Đảm bảo hàng hóa thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Chỉ thị nêu: Năm 2024, kinh tế cả nước tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh tình hình chính trị trên thế giới có nhiều bất ổn, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại khi một số nước lớn bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong nước, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tuy nhiên, với sự quan tâm điều hành và hỗ trợ sát sao từ Chính phủ, các Bộ ngành và nhân dân, công tác khắc phục sau bão đã được triển khai tích cực, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã nhanh chóng trở lại bình thường.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,82%, đạt mức cao theo kịch bản tăng trưởng năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 4.703 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023).
CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2024 tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, hiện đang trong giới hạn chỉ tiêu Quốc hội giao về kiểm soát lạm phát. Mặc dù kinh tế đã đạt được một số kết quả khả quan, tuy nhiên, trước tình hình xung đột chính trị leo thang ở nhiều khu vực, thị trường các hàng hóa thiết yếu có nhiều biến động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa trong nước trong thời gian tới.
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2025 của Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Ngoài ra, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; triển khai biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, thiệt hại sau bão, lũ, đánh giá năng lực sản xuất, khả năng khôi phục sản xuất sau thiên tai để cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Mặt khác, chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025…
Bộ trưởng cũng lưu ý việc chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết. Bên cạnh đó, phối hợp các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết. Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.
Phạm Tuấn
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Tìm kiếm việc làm Hồ Chí Minh gấp