Đảm bảo an toàn thực phẩm, cần siết chặt hoạt động kinh doanh online
Kinh doanh online khiến công tác quản lý về an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành y tế kiểm tra 232.702 cơ sở, phát hiện 15.046 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), chiếm 6,46% cơ sở được kiểm tra, giảm so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền phạt đối với 1 cơ sở trong 6 tháng đầu năm 2024 là 8,69 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (4,09 triệu đồng)
Đồng thời, trong nửa đầu năm, toàn quốc đã ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người bị ảnh hưởng sức khỏe và 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc đã tăng 4 vụ (6,1%), số người mắc tăng 1.986 người, số tử vong giảm 1 người.
Nguyên nhân là do đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng lớn người mắc liên quan đến vi sinh vật (điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột).
Nhận định về tình hình thực tế hiện nay, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết kiểm tra kênh thương mại điện tử còn khó khăn, "nhiều vật tư nông nghiệp được bán qua thương mại điện tử, kể cả sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành". Đây là thách thức đối với quản lý ATTP.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, thành phố bảo đảm cung ứng 60% nhu cầu thực phẩm, còn lại là nhập từ các địa phương khác và từ nước ngoài. Do đó, việc kiểm tra xuất xứ nguồn gốc là vấn đề quan trọng.
Tuy vậy, việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện từ, còn gặp nhiều khó khăn do "khi phát hiện sai phạm nhưng đến kiểm tra thì địa chỉ không đúng hoặc đóng cửa, trang web không hoạt động nữa".
Làm 1 vụ cảnh tỉnh cả vùng
Thông tin tại buổi làm việc trong ngày 23/8, cùng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, bà Nhữ Thị Như Nguyệt, Cục Phó V03 (Bộ Công an), cho biết, thời gian qua, cơ quan Công an đã quyết liệt kiểm tra về ATTP. 6 tháng đầu năm, các đơn vị trong Công an nhân dân đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 3.060 vụ (tăng 31 vụ so với cùng kỳ năm 2023) với 3.074 đối tượng vi phạm pháp luật về ATTP; khởi tố 6 vụ với 10 đối tượng (trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ khởi tố 1 vụ).
Bà Nguyệt nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý các vụ việc với tinh thần "làm 1 vụ cảnh tỉnh cả vùng".
Để siết chặt hoạt động quản lý, bà Nguyệt kiến nghị Chính phủ sớm kiện toàn mô hình quản lý ATTP theo hướng thống nhất đầu mối; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về ATTP; ban hành danh mục đầy đủ các chất cấm sử dụng trong thực phẩm.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng đối với công tác bảo đảm ATTP là tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh. Cần có mô hình tuyên truyền hiệu quả hơn, trong đó, chú ý nêu ra các định hướng cụ thể cho người dân, tuyên truyền về kỹ năng bảo đảm ATTP chứ không chỉ đưa thông tin về các vụ ngộ độc. Bộ trưởng đánh giá cao các đơn vị Công an đã khởi tố nhiều vụ án về ATTP, có tính răn đe.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ATTP để kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành y tế.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã và đang được giao, các biện pháp trong Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Làm tốt nhiệm vụ trong khả năng, nguồn lực hiện có, làm sao sử dụng hiệu quả nhất, tập trung nhất.
Khánh An
TIN LIÊN QUAN
-
Cần Thơ: Triển khai Kế hoạch kiểm tra chuyên đề An toàn thực phẩm năm 2024
-
Thanh Hóa: Thành lập 3 đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
-
Hà Nội: Đề nghị người dân tẩy chay hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm
-
Hà Nội kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố
Tin khác
- Mua/ cửa hàng/ đại lý Bếp từ tại Sơn La