SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Đắk Lắk: Có nên xem xét việc thu hồi mã vùng trồng sầu riêng đã cấp cho Công ty Thiện Tâm?

12:27, 17/10/2022
Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm được cấp mã vùng trồng của người dân thôn Tân Bắc (Krông Pắk, Đắk Lắk) mà không thu mua sầu riêng của người dân, không thỏa thuận với người dân và chính quyền địa phương trong thôn.

Theo danh sách 51 mã vùng sầu riêng của Việt Nam được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cấp phép phê duyệt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Đắk Lắk có 21 mã vùng. Trong đó, Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm được cấp mã vùng có số ký hiệu: VN-ĐLOR 0072, tại thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).

Theo nghị định thư giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải Quan Trung Quốc quy định sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, đồng thời phải thực hiện theo các yêu cầu về mặt kỹ thuật do Trung Quốc đặt ra.

Người dân, doanh nghiệp, địa phương muốn có mã vùng trồng phải bảo đảm diện tích vườn trồng đạt 10ha trở lên, nên không thể đơn lẻ một người dân làm được mã số vùng trồng. Do vậy, cần phải có sự đồng tâm, nhất trí, chung tay của nhà vườn, người dân để có mã số vùng trồng quy mô lớn. 

Theo đó, doanh nghiệp cam kết và được người dân đồng thuận để đứng ra đại diện chủ sở hữu mã số vùng trồng. 

Tuy nhiên, theo phản ánh của trưởng thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk) - ông Hoàng Trọng Cường cho biết đang kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ việc Công ty Thiện Tâm được cấp mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc trên diện tích của thôn, nhưng người dân không biết.

Cụ thể, mặc dù Công ty Nông sản Thiện Tâm lấy mã vùng VN-ĐLOR 0072 tại thôn Tân Bắc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc mà không thu mua sầu riêng của người dân tại thôn, không thỏa thuận với người dân và chính quyền địa phương.

Theo như ông Cường trao đổi với phóng viên, thời gian qua, chính quyền thôn đã tổ chức cho hơn 100 hộ dân đăng ký mã vùng trồng xuất khẩu sầu riêng. Thế nhưng, khi được cấp mã vùng trồng thì chính quyền thôn và người dân không hề được thông báo. Mùa sầu riêng vừa kết thúc nhưng Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm không thu mua sầu riêng của người dân trong thôn.

1

 Sầu riêng Việt Nam được xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Trước đó, ngày 7/10, đại diện UBND xã Ea Kênh, Công ty TNHH TM Nông Sản Thiện Tâm đã làm việc với thôn và người dân. Tuy nhiên, Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm không trả lời thẳng vào vấn đề và không cung cấp được các kiến nghị của người dân.

“Để đảm bảo quyền lợi cũng như thương hiệu sầu riêng của địa phương, quản lý tốt mã số vùng trồng cho bà con nhân dân, Ban tự quản thôn kiến nghị làm rõ công ty lấy bao nhiêu diện tích, bao nhiêu sản lượng, bao nhiêu hộ dân để buôn bán sang thị trường Trung Quốc”, ông Cường đề nghị.

Tổ trưởng Tổ VietGAP xã Ea Kênh – ông Bùi Đình Lục chia sẻ: “Cuối tháng 9/2022, có một số doanh nghiệp đến đề nghị làm thủ tục để cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc cho mùa sau. Lúc đó, tôi đã lập danh sách người dân trồng sầu riêng trong thôn Tân Bắc lên huyện để xin cấp mã vùng trồng thì tá hỏa phát hiện thôn đã được cấp mã vùng ký hiệu: VN-ĐLOR 0072 cho Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty TNHH TM Nông Sản Thiện Tâm - ông Lê Minh Tâm lại chia sẻ rằng: “Nhân viên của chúng tôi có tới mua sầu riêng của người dân thôn Tân Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc. Có thể họ không thấy mặt tôi nên bảo chúng tôi không mua” và ông Tâm cho rằng nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc mới được thông qua, lúc này vườn sầu riêng thôn Tân Bắc chỉ còn 30% sản lượng.

Theo lời của Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk – bà Ngô Thị Minh Trinh, mã vùng trồng là một tài sản của người dân, vì vậy huyện sẽ tổ chức kiểm tra lại toàn bộ.

Trước đó, tại Hội nghị Triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết đến giữa tháng 9/2022, có khoảng 3.000 ha sầu riêng ở Việt Nam với sản lượng 68.000 tấn trái/năm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng khối lượng sầu riêng đăng ký xuất khẩu của các doanh nghiệp đã lên đến 1,3 triệu tấn. Điều này, khiến cơ quan chức năng nghi ngờ nhiều doanh nghiệp đã mạo danh mã số vùng trồng để xin đăng ký xuất khẩu.

Phúc Vinh – Phi Vũ

Tin khác

Tài sản trí tuệ 15 giờ trước
(SHTT) - Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho biết, hàng giả được bán tràn lan trên mạng và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực ASEAN. Kết quả khảo sát của WIPO với 1000 người tại mỗi quốc gia ASEAN cho thấy, có 88% người tiêu dùng nhìn thấy hàng giả trên thị trường.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Trong kinh doanh ngày nay, việc sở hữu trí tuệ (IP) như bằng sáng chế, thương hiệu và bản quyền đang trở nên rất quan trọng và mang lại lợi nhuận không tưởng cho doanh nghiệp.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Công ty ChatGPT của OpenAI đã yêu cầu Quốc hội Anh cho phép họ có thể sử dụng miễn phí các tác phẩm được bảo vệ bản quyền. OpenAI giải thích việc huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo mà không sử dụng dữ liệu như vậy là "không thể".
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - BioNTech, công ty dược phẩm đến từ Đức, đồng thời là đối tác của tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ), đã nhận được thông báo từ Cơ quan Viện trợ Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) về việc 'nợ' các chi phí liên quan tới vấn đề bản quyền sáng chế vắc xin COVID-19 của họ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Bloomberg đã đệ đơn yêu cầu bác bỏ một vụ kiện từ thống đốc bang Arkansas, Mike Huckabee và các tác giả khác, cáo buộc công ty này đã sử dụng sai mục đích tác phẩm bản quyền của họ để huấn luyện mô hình ngôn ngữ mang tên BloombergGPT.