Đại học Đà Nẵng bắt nhịp xu hướng đào tạo ngành trí tuệ nhân tạo
Robot thông minh có khả năng tự học và tự giải quyết vấn đề làm tiền đề để phạm vi ứng dụng không chỉ giới hạn trong dây chuyền gia công, chế tạo tiên tiến mà còn trở thành các ngành tham gia vào sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Lĩnh vực ứng dụng của robot thông minh, trí tuệ nhân tạo rất rộng trong công nghiệp, nông nghiệp đóng tàu, xây dựng, y học, an ninh quốc phòng và lĩnh vực dân dụng,…
Trong mùa tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn có tuyển mới ngành đào tạo trí tuệ nhân tạo. Ngành sẽ cung cấp tri thức và công nghệ tiên tiến để tạo ra các hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất thông minh với những mô hình máy tính, kỹ thuật và công nghệ liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền Thông Việt - Hàn: “Ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đang nổi lên như một lĩnh vực quan trọng. Lĩnh vực này liên quan đến các kiến thức xử lý, khai phá, phân tích và trực quan hóa dữ liệu, thông minh hóa các hệ thống công nghệ thông tin”.
Nhiều sản phẩm của ngành dữ liệu khoa học và trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng trong nhiều mặt đời sống hàng ngày đến chiến lược kinh doanh của các tập đoàn lớn như: Google, Facebook, IBM, Amazon, Lazada, Uber, Grab…
Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) là trường đại học duy nhất chuyên về công nghệ thông tin ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trường có sứ mệnh nghiên cứu, đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin cho khu vực và cả nước.
“Nhu cầu lớn về nhân lực dữ liệu khoa học và trí tuệ nhân tạo ngày càng cao, nguồn nhân lực trong và ngoài nước về lĩnh vực này đang khan hiếm và thiếu hụt trầm trọng. Trường triển khai đào tạo chuyên ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, bắt kịp xu hướng phát triển”, PGS. TS. Huỳnh Công Pháp cho hay
Đứng trước “cơn khát” nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế thúc đẩy phát triển các ngành đào tạo công nghệ cao.
Trong đó, Đại học Bách Khoa có ký kết văn bản cam kết hợp tác cùng Tập đoàn ABB Robotics Việt Nam, được tài trợ trạm robot demo phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Trạm robot demo còn triển khai phần mềm ứng dụng mô phỏng robot Studio (gồm 1 máy chủ server và 100 máy con client) để sinh viên có cơ hội thực hành và nghiên cứu khoa học thường xuyên.
Ông Huỳnh Phong Phú – Giám đốc Ban Robot và Tự động hóa của ABB - chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đem lại cơ hội học tập và trải nghiệm tốt nhất cho sinh viên Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng. Đặc biệt là những trải nghiệm trong các ngành chế tạo robot, điều khiển và tự động hóa… rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với môi trường sản xuất hiện đại”.
Tập đoàn ABB chọn cử một số chuyên gia đồng hành, hướng dẫn sinh viên thực hành, thí nghiệm chia sẻ tri thức, công nghệ và kinh nghiệm thiết kế, chế tạo robot. Tập đoàn ABB đồng thời cũng tài trợ học bổng, tiếp nhận sinh viên thực tập những ngành liên quan.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Bách Khoa với Tập đoàn Fujikin, Nhật Bản, Tập đoàn Fujikin vừa khai trương, đưa vào vận hành “Trung tâm nghiên cứu, Phát triển và sản xuất Fujikin” tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Đây được xem như cơ hội để giảng viên và sinh viên trường Đại học Bách Khoa cùng ươm tạo, triển khai các dự án nghiên cứu, ứng dụng trong những lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất. Đó là: Sản xuất thiết bị bay không người lái, AI, thiết bị dùng năng lượng Hydro, Nano; thế hệ robot thông minh … tiếp tục hướng đến thương mại hóa sản phẩm ứng dụng công nghệ mới.
Theo lãnh đạo nhà trường, các chương trình đào tạo cử nhân tích hợp kỹ sư hay đào tạo kỹ sư với 180 tín chỉ, tương đương với thạc sĩ thực hành. Các khoa đã tiên phong đưa chế tạo robot thông minh vào chương trình đào tạo như ngành cơ điện tử (Khoa Cơ Khí) hay ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (Khoa Điện).
Cùng đó, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng cũng dự kiến mở mới ngành đào tạo robot và trí tuệ nhân tạo bắt nhịp xu hướng nhân lực xã hội đang cần.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đòi hỏi nhân lực chất lượng, phát triển công nghệ cao, sinh viên tốt nghiệp ngành trí tuệ nhân tạo có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp tại các tập đoàn và doanh nghiệp lớn. Hướng tới, nguồn nhân lực này sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều sản phẩm, các hệ thống tiện ích thông minh, đồng thời là đội ngũ chính góp phần kiến tạo đô thị thông minh Đà Nẵng trong tương lai.
Bảo Hòa