SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 18/01/2025
  • Click để copy

Đà Nẵng tăng cường quản lý tài sản trí tuệ các tổ chức kinh tế tập thể

13:00, 18/07/2024
Việc chú trọng cải thiện công tác quản lý, phát triển, bảo hộ các tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, phát huy giá trị thương hiệu nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng TP Đà Nẵng trên thương trường.

Theo bà Lê Thị Thục – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh là những tài sản có giá trị, được xem như những thương hiệu mang tính cộng đồng. Việc bảo hộ tên gọi cho các sản phẩm địa phương là hết sức cần thiết.

Quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể sau khi được cấp văn bằng bảo hộ

Tại Hội thảo khoa học “Xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ mang tên địa danh và Công bố văn bằng bảo hộ cho các tổ chức kinh tế tập thể”, bà Nguyễn Thị Thúy – Phụ trách VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên vừa công bố 2 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho Nấm rơm Hòa Thọ Tây và Mây tre An Khê.

“Nhãn hiệu đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh. Nó vừa là sự nhận diện thương hiệu vừa khẳng định chất lượng sản phẩm, dịch vụ, bảo vệ uy tín của nhà sản xuất”, bà Lê Thị Thục nhấn mạnh.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính của HTX Nấm công nghệ Hòa Thọ Tây (Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) trở thành mô hình điển hình trong quá trình sáng tạo từ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mang lại nguồn thu nhập cao.

Nhãn hiệu “Nấm rơm Hòa Thọ Tây” dần khẳng định chất lượng nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và chủ động cho người sản xuất tại Đà Nẵng với phương pháp trồng nấm không phụ thuộc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng và tạo ra nấm rơm thường xuyên.

Tung

 Ông Đào Huy Tùng, Giám đốc HTX Nấm công nghệ Hòa Thọ Tây.

Theo ông Đào Huy Tùng (sinh năm 1984), Giám đốc HTX Nấm công nghệ Hòa Thọ Tây, điều tiên quyết để có được thành công này chính là ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất khắc phục khó khăn về thời tiết để chủ động nuôi trồng, sản xuất.

Đem tới Hội thảo sản phẩm nấm rơm với những cây hình tròn, hình trứng đẹp mắt, Ông Đào Huy Tùng bày tỏ niềm vui nhận được nhãn hiệu tập thể “Nấm rơm Hòa Thọ Tây” và gửi lời cảm ơn đến những nỗ lực của các thành viên hợp tác xã, sự quan tâm của Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng.

“Nhãn hiệu rất quan trọng đối với tương lai của thương hiệu. Qua một năm dài làm thủ tục với sự hỗ trợ của Cục Sở Hữu trí tuệ đã giúp chúng tôi có tầm nhìn xa để phát triển. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp thì sản phẩm của chúng tôi còn mang tính khoa học khi tự nghiên cứu quy trình sản xuất”, ông Tùng nói.

Ông Đào Huy Tùng cũng bày tỏ trăn trở sau khi được cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể, HTX sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu về thiết bị, quy trình sản xuất các loại nấm khác và mong muốn đăng ký bảo hộ độc quyền cho các quy trình sản xuất của mình.

“Mấy năm nay tôi đi chuyển giao công nghệ nhưng sau khi chuyển giao người ta lại sao chép được ngay nên rất thiệt thòi cho trí tuệ dày công nghiên cứu, sản xuất”, ông Tùng bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Lài - Phó Giám đốc HTX Mây Tre An Khê - cũng khẳng định sau khi nhận nhãn hiệu tập thể, HTX sẽ cố gắng mở rộng phát triển thị trường trong và ngoài nước. Mặt hàng mây tre của An Khê rất đa dạng, tự thiết kế mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo HTX này còn bày tỏ băn khoăn về vấn đề bảo vệ các tài sản trí tuệ của hợp tác xã sau khi được cấp nhãn hiệu tập thể.

DSC02969

 Bà Nguyễn Thị Lài - Phó Giám đốc HTX Mây Tre An Khê

Theo bà Nguyễn Thị Lài, sản phẩm của HTX Mây tre An Khê đẹp, bền, có sự bảo hành đạt tiêu chuẩn của sản phẩm mây tre xuất khẩu nhưng làm ra xong thì có đơn vị khác họ chế lại sản phẩm, đôi khi cũng lấy tên An Khê.

Nhiều sản phẩm đặc thù thương hiệu của xã Hòa Phong sau khi đựo cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ 1 – 10 năm như Rau an toàn Túy Loan, Bánh tráng Túy Loan, Nấm Hòa Phong, Ớt Bồ Bản, Gà Kê Sơn Hòa Phong được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.

Các nhãn hiệu mang tên địa danh trên địa bàn xã Hòa Phong hiện đều là nhãn hiệu tập thể với quyền sở hữu, quản lý và sử dụng thuộc về tổ chức tập thể nộp đơn như Hợp tác xã, Hội Nông dân, Hội Liên Hiệp Phụ nữ tùy vào loại sản phẩm, quy mô, phạm vi sản xuất. Các tổ chức tập thể này đóng vai trò nền tảng quyết định sự phát triển của các nhãn hiệu tập thể.

Hiện nay, trên địa bàn xã Hòa Phong có 2 mô hình nổi bật quản lý, khai thác phát huy tài sản trí tuệ cộng đồng là HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan quản lý nhãn hiệu tập thể “Rau An toàn Túy Loan” và chủ thể các Hội, Hiệp hội như Hội Nông dân xã Hòa Phong là chủ thể sản phẩm “Bánh tráng Túy Loan”.

DSC02935

 Bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng chủ trì hội thảo.

Theo ông Bùi Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong, làng rau an toàn Túy Loan là vùng trồng rau điển hình trên địa bàn TP Đà Nẵng. 10 năm ra đời, từ 22 thành viên với diện tích sản xuất 4ha đến nay kết nạp 40 thành viên sản xuất trên diện tích 8 ha với sản lượng đạt 250 tấn/năm rau củ sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGap, PGS các loại.

Tháng 11/2013, nhãn hiệu Rau an toàn Túy Loan sớm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. 11 năm sử dụng nhãn hiệu tập thể, HTX hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đưa trực tiếp từ khâu sản xuất tới người tiêu dùng hoặc thông qua đơn vị kinh doanh đầu mối.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát huy giá trị thương hiệu, ông Dũng nói: “Mang trong mình bản chất của doanh nghiệp, các HTX kiểm soát sản phẩm, đóng gói, dán nhãn và phân phối ra thị trường. HTX chịu trách nhiệm trong quá trình kiểm tra chất lượng, tìm thị trường tiêu thụ, là cầu nối giúp xã viên tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, khi HTX làm chủ sở hữu của nhãn hiệu tập thể, việc khai thác phát huy giá trị thương hiệu được tối đa hóa”.

C thuy 2

 Bà Nguyễn Thị Thúy, Phụ trách VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy, các đơn vị muốn bảo vệ tài sản trí tuệ về sáng chế/giải pháp hữu ích về quy trình sản xuất, mẫu mã kiểu dáng công nghiệp cần quan tâm đăng ký sớm ngay trước khi đưa ra thị trường. Đối với HTX Mây tre An Khê theo bà Thúy, nếu phát hiện những người ngoài thành viên HTX đang sử dụng tên nhãn hiệu của mình HTX có thể thu thập bằng chứng, gửi khiếu nại lên Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng. Lúc đó, Thanh tra của Sở sẽ có văn bản tham vấn ý kiến chuyên môn từ Cục Sở hữu trí tuệ để có cơ sở xử phạt.

Hỗ trợ cho sản phẩm OCOP bảo vệ tài sản trí tuệ

Thực hiện Kế hoạch chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do UBND TP Đà Nẵng ban hành giai đoạn 2022 – 2025 phấn đấu có trên 70% sản phẩm OCOP được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACP, VietGAP, GLOBALGAP, hữu cơ) và ít nhất 80% sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu hoàn thành hồ sơ đăng ký nhãn hiệu.

Hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn thường xuyên rà soát số sản phẩm OCOP đã được đăng ký tiến hành hỗ trợ các chủ thể đăng ký nhãn hiệu của sản phẩm.

DSC02789

 Các sản phẩm OCOP được quan tâm sớm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Đà Nẵng là thành phố có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như Làng đá Mỹ nghệ Non nước, Làng chiếu Cẩm Nê và làng nghề nước mắm Nam Ô với nhiều sản phẩm đặc trưng như bánh khô mè, chả bò, khô bò, chả cá…

Tính đến nay, theo TS Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP Đà Nẵng, thành phố có 101 sản phẩm OCOP. Trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao, 43 sản phẩm đạt 4 sao và 57 sản phẩm đạt 3 sao với 75 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Trong đó năm 2023 tổ chức đánh giá và công nhận 48 sản phẩm đạt 3 sao và 26 sản phẩm đạt 4 sao) trong đó 26/26 sản phẩm 4 sao có chứng nhận nhãn hiệu.

Gao

 Gian hàng Gạo Hòa Tiến trưng bày, giới thiệu tại Hội thảo.

“Điều này cho thấy, bên cạnh đẩy mạnh phát triển số lượng các sản phẩm đặc trưng thì thành phố cũng quan tâm, đẩy mạnh phát triển chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm OCOP”, TS Vũ Thị Bích Hậu nói.

Theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP 4 sao là được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ. Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng chú trọng công tác hỗ trợ các chủ thể về đăng ký chứng nhận nhãn hiệu. Qua đó khẳng định, làm chủ thương hiệu, bảo vệ thành quả lao động của doanh nghiệp và nhà sản xuất.

Các sản phẩm của TP Đà Nẵng ngày càng phát triển như Bánh dừa nướng của Mỹ Phương Food, Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ,... dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu đến thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.

SP

 Sản phẩm OCOP được quan tâm bảo hộ nhãn hiệu độc quyền, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đồng thời chia sẻ, trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm giống nhau từ nhà sản xuất, có giá trị thấp nên việc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương giúp người sản xuất có thương hiệu tiếp cận thị trường và xây dựng chuỗi liên kết, hạn chế biến động bất lợi về giá cả.

Cùng với việc cạnh tranh thương mại đòi hỏi sản phẩm được chứng nhận về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, quy tắc sản xuất và các tiêu chuẩn khác thì cần phải có dấu hiệu nhận diện thông qua quyền Sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

8fa362740433a16df822

 Hội thảo khoa học “Xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ mang tên địa danh và Công bố văn bằng bảo hộ cho các tổ chức kinh tế tập thể” do Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cùng  Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng tổ chức.

Hiện Sở NN&PTNT tham mưu HĐND TP Đà Nẵng có quy định hỗ trợ 100% chi phí xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, trang thông tin điện tử, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mức hỗ trợ tối đa không quá 35 triệu đồng/nhãn hiệu và không quá 30 triệu đồng đối với xây dựng trang thông tin điện tử.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
Ngày 16/1, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ công bố quyết định mở rộng và khai trương Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2. Sự kiện là dấu mốc quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố nói chung và kinh tế số, công nghiệp công nghệ nói riêng.
Tin tức 3 giờ trước
Hội Nhà văn TP Đà Nẵng vừa tổ chức tổng kết hoạt động 2024, kết nạp 5 hội viên mới và phát động Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật Đà Nẵng năm 2025.
Tin tức 3 giờ trước
Chương trình hợp tác quốc tế góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến, nâng cao vị thế Đà Nẵng trên bản đồ du lịch thế giới; mở ra cơ hội tăng cường trao đổi nguồn khách. Đó là nội dung thảo luận tại Hội nghị thúc đẩy hợp tác quốc tế phát triển du lịch các thành phố hữu nghị tại Đà Nẵng.
Tin tức 3 giờ trước
Ngày 18/01/2025, cuốn sách “Dạy Con Trong Hạnh Phúc” của tác giả Bùi Gia Hiếu đã chính thức ra mắt. Cuốn sách được giới thiệu sẽ giúp các bậc cha mẹ xây dựng gia đình yêu thương, hạnh phúc và truyền cảm hứng.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Một chiến dịch tấn công mới nhắm vào các tiện ích mở rộng đã biết của trình duyệt Chrome, khiến ít nhất 35 tiện ích mở rộng bị xâm phạm và hơn 2,6 triệu người dùng có nguy cơ bị lộ dữ liệu, đánh cắp thông tin đăng nhập.
. ..