Đà Nẵng: Nhà khoa học ‘hé lộ’ lợi thế cạnh tranh, đề xuất chiến lược đột phá
Cách kiến tạo tương lai trong thập kỷ tới được các nhà khoa học trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đề xuất để "cải thiện năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững" đó là: kết hợp thu hút nhân tài, sáng tạo và phát huy tiềm năng văn hóa, thiên nhiên và môi trường.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đưa Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại, đáng sống, trung tâm kinh tế - xã hội hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2030, việc công bố báo cáo thường niên tình hình Kinh tế Đà Nẵng năm 2024 của nhóm tác giả, giảng viên trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã trở thành diễn đàn quan trọng để lãnh đạo, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng đóng góp ý tưởng phát triển.
Du lịch cao cấp làm đòn bẩy phát triển
Sau gần 30 năm phát triển ấn tượng, thành phố đã xây dựng được hạ tầng đồng bộ, nền kinh tế dịch vụ chất lượng cao và công nghiệp công nghệ tiên tiến, với sự sáng tạo và đổi mới là động lực then chốt.

Nền kinh tế Đà Nẵng có nhiều lợi thế cạnh tranh về du lịch.
Nền kinh tế Đà Nẵng đang chuyển dịch mạnh sang dịch vụ cao cấp, công nghiệp công nghệ cao và du lịch quốc tế. Thành phố chú trọng đầu tư vào cảng biển, sân bay quốc tế, khu công nghệ cao, giao thông thông minh và chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các lĩnh vực như tài chính quốc tế, logistics, công nghệ thông tin, du lịch cao cấp và y tế thông minh được ưu tiên phát triển.
Tiến sĩ Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhận định về lợi thế cạnh tranh điểm đến du lịch Đà Nẵng: thành phố sở hữu lợi thế vượt trội về tài nguyên du lịch: biển đẹp, môi trường trong lành, rừng núi, sông hồ, di tích và văn hóa bản địa. Đà Nẵng còn kết nối hiệu quả với các di sản thế giới tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, tạo nên các tuyến du lịch liên vùng hấp dẫn.
Ông Dũng cho biết: “Trước đây, khách đến Đà Nẵng để đi các tỉnh lân cận, nhưng nay họ đến Đà Nẵng trước, rồi mới khám phá Hội An, Huế.”
Với 1.290 khách sạn, trong đó 32 khách sạn 5 sao (theo Cục Du lịch Quốc gia và Sở Du lịch các tỉnh, thành), Đà Nẵng vượt trội về cơ sở lưu trú so với các tỉnh miền Trung. “Không thương hiệu khách sạn lớn nào trên thế giới vắng mặt tại đây,” ông Dũng tự hào nói, điều mà ngay cả Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan) hay Nha Trang cũng khó sánh bằng.
Sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch thay đổi với các nhóm nhỏ gia đình, bạn bè, doanh nghiệp, chú trọng trải nghiệm, chi tiêu cao và dịch vụ nghỉ dưỡng. Du lịch MICE (hội nghị, sự kiện) tuy giảm số lượng nhưng đòi hỏi chất lượng điểm đến cao cấp hơn. Năm 2024, tỷ lệ khách quốc tế tại Đà Nẵng tăng từ 26% (2023) lên 38%, với sự chuyển dịch từ thị trường truyền thống (Hàn Quốc, Trung Quốc) sang các thị trường mới như Đài Loan, Ấn Độ, Úc và Nga, nhờ chiến lược đa dạng hóa hiệu quả.
Để giảm phụ thuộc thời vụ, Đà Nẵng đã triển khai chính sách kích cầu, tổ chức lễ hội và sự kiện quanh năm. Hạ tầng dịch vụ đa dạng, môi trường thân thiện tiếp tục thu hút lượng lớn khách quay lại từ các thị trường có đường bay thuận lợi.

Tiến sĩ Cao Trí Dũng báo cáo về "Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Đà Nẵng".
Báo cáo của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận, du lịch Đà Nẵng vẫn có những hạn chế mà “khó khắc phục” đó là thời tiết mùa mưa 3 tháng trong năm, là du lịch văn hóa bản địa vẫn còn nhiều hạn chế.
Tầm nhìn của lãnh đạo và nhà khoa học
Tại hội thảo công bố báo cáo, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Đà Nẵng, đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Ông Sơn cho rằng, báo cáo chỉ ra lợi thế về quy mô kinh tế, nền tảng phát triển lâu dài và đề xuất chính sách lớn như trung tâm tài chính, khu thương mại tự do, công nghệ chip bán dẫn.
Bên cạnh đó, ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh: “Đà Nẵng cần phấn đấu trở thành thành phố đáng sống, thay vì chỉ khẳng định điều đó. Tôi mong các nhà khoa học thẳng thắn chỉ ra ưu điểm, tồn tại và cơ hội, đặc biệt khi sắp xếp lại địa giới hành chính trong tương lai.”

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Đà Nẵng, đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu.
Ông Cao Trí Dũng đề xuất nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, tập trung vào khách sạn 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng và trung tâm hội nghị MICE, đồng thời cải thiện giao thông kết nối vùng. Ông cũng nhấn mạnh phát triển bền vững, cân bằng giữa du lịch và bảo tồn tài nguyên, gắn với sinh kế cộng đồng. Đà Nẵng có thể đóng vai trò trung tâm điều phối, cung cấp dịch vụ cao cấp và kết nối khách quốc tế đến các tỉnh lân cận qua hệ thống giao thông hiện đại.
Ngoài ra, thành phố cần xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, tận dụng hạ tầng số và chính sách ưu đãi linh hoạt tại khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế (giảm thuế, hỗ trợ đất đai, đơn giản hóa thủ tục) để thu hút đầu tư. Phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, sự kiện quốc tế và nhắm đến thị trường tiềm năng cũng là hướng đi được khuyến nghị.
Đa dạng hóa lợi thế kinh tế, giáo dục và nhân tài là chìa khóa lợi thế cạnh tranh
PGS.TS Bùi Quang Bình (Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh: “Đà Nẵng cần đầu tư mạnh vào giáo dục, đào tạo chuyên sâu và thu hút nhân tài để tạo lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nền kinh tế hiện đại.” Đây là điều kiện tiên quyết để thành phố tận dụng lợi thế chiến lược, khắc phục hạn chế và duy trì đà tăng trưởng.

Ông Bùi Quang Bình - Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu Báo cáo thường niên về tình hình kinh tế TP Đà Nẵng năm 2024.
Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, cho rằng lắng nghe nhà khoa học trong tư vấn chính sách là “diễm phúc” của mọi địa phương, mọi quốc gia. Ông nhấn mạnh không gian kinh tế Đà Nẵng là sự “hội tụ, hưởng thụ và lan tỏa,” vượt ra ngoài ranh giới hành chính. Ngoài bảo tồn văn hóa, ông Sinh đề xuất phát triển công nghiệp văn hóa (kiến trúc, giải trí, xuất bản ấn phẩm văn hóa, phầm mềm giải trí) để phục vụ miền Trung và Đông Nam Á.

Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam phát biểu.
Là người “truyền cảm hứng” lớn cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam, ông Phạm Ngọc Sinh đưa ra những khuyến nghị như Đà Nẵng cần củng cố ba trụ cột: xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn tại chỗ, nuôi dưỡng công nghệ mới và startup, đồng thời thu hút mạng lưới nhà đầu tư quốc tế. Ông Sinh khẳng định việc lượng hóa các hiệu quả chính sách là “thể hiện tầm nhìn, dù chưa chắc thành công ngay nhưng sẽ đáp ứng nhu cầu lãnh đạo địa phương.”
Ông Lâm Chí Dũng (Giảng viên, Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) đề xuất phát triển trung tâm tài chính quốc tế cần theo xu hướng trung tâm tài chính số, nhưng lưu ý cần giải quyết khó khăn về thể chế và quy mô kinh tế.
Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Miền Trung nhận định Đà Nẵng cần cú hích mới thay vì phụ thuộc đất đai. Khu thương mại tự do đòi hỏi nguồn hàng từ cảng Liên Chiểu và chính sách đột phá, trong khi trung tâm tài chính cần hệ sinh thái tài chính mạnh, vượt qua hạn chế hiện tại khu doanh nghiệp FDI ở khu vực này chỉ đang chiếm khoảng 5-7%.

PGS.TS. Lê Văn Huy giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.
Báo cáo sử dụng thống kê mô tả từ Tổng cục Thống kê, Niên giám, GRDP, PCI, PGI để đánh giá vị thế Đà Nẵng trong vùng và cả nước. Phân tích xu hướng xác định động lực tăng trưởng, trong khi đánh giá chính sách đối chiếu Nghị quyết 43, Quyết định 359 để đo lường tác động. Kết hợp tài liệu chuyên ngành, nghiên cứu đảm bảo tính chính xác, toàn diện, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định chính sách.
Báo cáo thường niên Kinh tế Đà Nẵng, do Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng thực hiện từ tháng 9/2025, là công cụ quan trọng để cụ thể hóa mục tiêu quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Nghị quyết 136. Với sự đồng hành của các nhà khoa học, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế, hướng tới phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế.
Bảy thông điệp chính báo cáo thường niên đưa ra nhằm tạo ra sự khác biệt là xây dựng Đà Nẵng thành đô thị tầm thế giới gắn với bản sắc văn hóa Việt nam và thương hiệu "Thành phố đáng sống, thành phố môi trường"; tái cơ cấu kinh tế với trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao, công nghệ số và nguồn nhân lực trình độ cao; Xây dựng Khu thương mại Tự do Đà Nẵng và Trung tâm Tài chính quốc tế khu vực là hai động lực chiến lược giúp Đà Nẵng vươn tầm quốc tế thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay, các nhà khoa học cũng mong muốn Đà Nẵng cần tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế, tận dụng vị trí trung tâm miền Trung để phát triển chuỗi giá trị vùng, tạo liên kết bền chặt với Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, phát triển công nghệ cao và công nghiệp 4.0, hoàn thiện thể chế hiện đại, thúc đẩy phát triển và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu cũng là giải pháp để cải thiện năng lực cạnh tranh hiện nay.
Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở nỗ lực vì mục tiêu phát triển “thành phố đáng sống” mà đang vươn tới vị thế toàn cầu. Với sự đồng hành tư vấn của các nhà khoa học, thành phố không ngừng "cập nhật" để trở thành biểu tượng của sự thịnh vượng bền vững, nơi con người, công nghệ và thiên nhiên hòa quyện trong thập kỷ tới.
Bảo Hòa
TIN LIÊN QUAN
-
Đề án ‘Đà Nẵng Thành phố đổi mới sáng tạo': Chú trọng phát triển tài sản trí tuệ
-
Đà Nẵng: Sinh viên nghiên cứu giám sát chất lượng mặt đường bộ và cảnh báo ngập lụt
-
Đà Nẵng: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
-
Tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao phát triển Đà Nẵng trong ‘kỷ nguyên mới’
Tin khác
