Đà Nẵng bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ Tu gắn với phát triển du lịch
UBND TP Đà Nẵng cho biết: "Đề án được thực hiện ở 3 xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh (quận Hòa Vang). Đề án nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa và môi trường lành mạnh".
Việc bảo tồn và phát huy văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu cũng đẩy lùi một số tập tục còn lạc hậu, tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Đề án đã đưa ra lộ trình triển khai các chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Một trong những nội dung được chú ý trong đề án này là thành phố sẽ bảo tồn khẩn cấp ngôn ngữ của cộng đồng người Cơ Tu trước nguy cơ mai một.
Cụ thể, TP sẽ bảo tồn khẩn cấp ngôn ngữ của cộng đồng người Cơ Tu bằng cách mở lớp dạy tiếng Cơ Tu. Các lớp này sẽ dành cho giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đề án, 100% thiết chế văn hoá truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả, 100% lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu được phục dựng, lưu giữ, phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm. 100% thôn vùng đồng bào Cơ Tu được hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng và trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao. 60 - 70% công chức các xã Hoà Bắc, Hoà Phú, Hoà Ninh học và sử dụng tiếng Cơ Tu khi giao tiếp cộng đồng người Cơ Tu.
Theo đó, các chính sách hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hoá và truyền thông về giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Đề án cũng nêu ra nhiều chính chính sách hỗ trợ khác như: Chính sách hỗ trợ nghệ nhân, người nắm giữ đi sản văn hoá và người có uy tín trong cộng đồng; chính sách về mở rộng giao lưu văn hoá; chính sách bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hoá truyền thống.
Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng sẽ hỗ trợ trang phục truyền thống cho 100% học sinh và giáo viên là đồng bào Cơ Tu (2 bộ/năm); khuyến khích cán bộ, giáo viên người Cơ Tu mặc trang phục truyền thống.
Qua đây, các Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại Vụ, Sở Du lịch phối hợp để lồng ghép các nội dung của đề án vào kế hoạch triển khai hoạt động. Đặc biệt, Sở Du lịch cần tổ chức các đoàn khảo sát điểm du lịch văn hoá, cộng đồng của người đồng bào dân tộc thiểu số có tiềm năng. Đồng thời, kết nối với Hiệp hội du lịch thành phố, các doanh nghiệp lữ hành và chuyên gia về phát triển du lịch cộng đồng trong và ngoài nước, tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch.
Sở Ngoại vụ phối hợp các ngành liên quan quảng bá hình ảnh, văn hoá, con người của đồng bào dân tộc Cơ Tu đến cộng đồng người nước ngoài, tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hoá, giao lưu nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Những hoạt động văn hóa được bảo tồn sẽ mang đến nhiều giá trị về mặt xã hội, kinh tế và đặc biệt là cơ hội để du lịch cộng đồng tại các xã thực hiện đề án sẽ có sự mở rộng, phát triển bền vững trong tương lai.
Bảo Hòa
TIN LIÊN QUAN
-
Festival Sáng tạo trẻ sinh viên Đà Nẵng năm 2022 lan tỏa tinh thần đổi mới
-
Đà Nẵng được đánh giá có tiềm năng phát triển thành 'Silicon Valley của Đông Nam Á'
-
Hội chợ 'Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022' sẽ diễn ra trong tháng 12
-
Hiệp hội Tôm chua Huế hoạt động rệu rã, nhãn hiệu tập thể nhưng mạnh ai nấy làm