SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Cuộc chiến chống sách lậu

08:15, 28/06/2014
Sáng 27-6, tại TPHCM đã diễn ra cuộc gặp mặt và giao lưu giữa thường vụ Hội Xuất bản Việt Nam cùng với các đơn vị xuất bản, in, phát hành tại TPHCM và khu vực các tỉnh phía Nam. Trong cuộc gặp mặt này, các hội viên Hội Xuất bản đã tập trung đề cập đến vai trò tổ chức, gắn kết trong lĩnh vực xuất bản để bảo vệ quyền lợi của các hội viên, nhất là trong cuộc chiến chống sách lậu hiện nay.

Trông chờ vào hội

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sách Việt Nam (Savina) nêu ra một thực tế là trong hoạt động xuất bản thường xuyên xảy ra những sự cố, những va chạm giữa các đơn vị làm sách với nhau. Thế nhưng, không phải sự cố nào cũng phải lôi nhau ra tòa, một số việc nếu có người đứng ra trung gian hòa giải thì có thể được xử lý ổn thỏa. Ai sẽ làm điều đó nếu không phải là Hội Xuất bản - một hội nghề nghiệp tập hợp trên cơ sở tự nguyện những cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực in, xuất bản và phát hành? Ông Tuấn kiến nghị, Hội Xuất bản nên sớm thành lập một ban chuyên làm trung gian hỗ trợ các đơn vị giải quyết những sự cố, mâu thuẫn trong ngành.

Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in, một trong các thành viên của Hội Xuất bản nêu ra một ví dụ: Từ trước đến nay, các thiết bị ngành in không có thuế nhập khẩu do Việt Nam chưa sản xuất được các lại máy in công nghiệp. Thế nhưng vừa qua, một đơn vị nhập khẩu máy in về hoạt động lại bị bắt phải đóng thuế. Kết quả sau khi kiểm tra lại thì phát hiện ra là do nhầm lẫn của các cơ quan chức năng giữa máy in gia đình, văn phòng (đã sản xuất trong nước) với máy in công nghiệp. Những lúc như thế, nếu có sự can thiệp của Hội Xuất bản thì vấn đề sẽ có thể được giải quyết nhanh chóng, tránh thiệt hại không đáng có cho hội viên.

Có một điều khá đặc biệt là các hội viên đều đồng lòng đề xuất Hội Xuất bản nên chủ động thực hiện các bộ sách lớn, ví dụ như một bộ sách về chủ quyền biển đảo. Với ưu thế của mình, hội có thể huy động nguồn lực từ các đơn vị xuất bản, in, phát hành để thực hiện bộ sách, điều mà cá nhân từng đơn vị xuất bản khó lòng thực hiện được.

“Cả bó đũa” chống sách lậu

Sách lậu hiện đang là vấn đề nhức nhối, thế nhưng việc chống sách lậu lại rất manh mún, lẻ tẻ. Nay đơn vị này kêu cứu sách lậu, mai đơn vị khác tố cáo sách lậu… và kết quả là những lời kêu cứu, tố cáo đó nhanh chóng chìm mất.

Chính vì thế, ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đề xuất, đã đến lúc Hội Xuất bản phải là người cầm chịch trong cuộc chiến chống sách lậu. Có thể hội cần có cơ chế để chống sách lậu, phối hợp giữa các đơn vị hội viên của mình trong các lĩnh vực in, xuất bản, phát hành. Thậm chí, nếu không thể có cơ chế thì hội vẫn có thể hỗ trợ về mặt tinh thần, đứng ra đại diện các đơn vị để kêu gọi các nhà trường, các tập thể từ bỏ sách lậu, ưu tiên dùng “sách thật”.

Ông Thuận đã nêu ra một thực tế hiện nay mảng sách giáo dục ngoại ngữ thì chỉ có các trường ở các TP lớn mới dùng “sách thật” còn tại các địa phương khác hầu như dùng toàn sách lậu, sách sao chép. Trong bối cảnh đó, nếu Hội Xuất bản chủ động vào cuộc thì tình hình chống sách lậu sẽ có hy vọng hơn.

Ông Nguyễn Văn Dòng cũng nêu lên một thực tế bên ngành in, nhiều đơn vị in tận Lạng Sơn nhưng lại nhận in sách cho các đơn vị ở Cần Thơ, Cà Mau… Điều này không sai nhưng nó không chỉ là hành động “dẫm lên chân nhau” của các đơn vị in mà còn gây khó khăn trong việc kiểm tra chống sách lậu của cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Văn Dòng cho rằng để xảy ra tình trạng này là do tính tổ chức của hội còn kém, nếu Hội Xuất bản có thể tổ chức tốt hơn, phân bố hợp lý cho các hội viên thì không chỉ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn góp phần hỗ trợ công tác chống các hoạt động in lậu.

Không chỉ đoàn kết trong các hoạt động chống sách lậu, tổ chức hoạt động kinh doanh, Hội Xuất bản còn có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác in, xuất bản và phát hành.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ, đề xuất, hiện nay công tác đào tạo trong các lĩnh vực này còn yếu, nên chăng Hội Xuất bản đứng ra tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao như công tác biên tập cho biên tập viên, quản lý in, phát hành… Điều này sẽ góp phần không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu hoạt động của toàn ngành xuất bản hiện nay.

Sáng ngày 26-6, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đã trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Hoàng làm Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam. Ông Lê Hoàng là người có nhiều năm kinh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản, từng đảm nhiệm các chức vụ như Giám đốc NXB Trẻ, Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn…

Tin khác

Tin tức 12 phút trước
Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng, máy móc,.. của Trung Quốc đến Việt Nam tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Ngày 28/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Trong 3 ngày 28, 29, 30/3, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024 và các sự kiện bên lề.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Chiều 27/3, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Thông tin tại buổi Họp công tác Triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 3/2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hiện, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 10/12 nhiệm vụ của Đề án 06.