Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ: Những chính sách pháp luật sẽ tạo thuận lợi nhất cho DN
Năm nay, trong bối cảnh toàn cầu đang phải nỗ lực đương đầu với đại dịch Covid-19, ảnh hưởng mạnh mẽ tới tất cả các quốc gia, khi hầu hết các nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái nặng nề, thông điệp cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới đã được lựa chọn: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa với sở hữu trí tuệ - mang ý tưởng của bạn đến với thị trường”.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia, đóng một vai trò quan trọng trong duy trì tăng trưởng, bảo đảm tính bền vững cho nền kinh tế.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tới 45% tổng sản phẩm nội địa (GDP), 31% tổng thu ngân sách. Trưởng phòng Tư vấn quản lý đầu tư Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Phan Thị Diễm Ngọc cho biết, trong 4 năm gần đây, mỗi năm Hà Nội có từ 25.000 đến 28.000 doanh nghiệp thành lập mới. Qua khảo sát tại các vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp của Hà Nội cho thấy, phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là những chủ thể quan trọng, linh hoạt, năng động, góp phần tạo ra những đổi mới đột phá và sáng tạo. Các ý tưởng, phương thức kinh doanh hiệu quả sẽ trở thành một tài sản trí tuệ có thể dẫn hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận cho chính mình, góp phần phục hồi nền kinh tế, đem lại những giá trị lớn lao cho xã hội. Sự dũng cảm, dám nghĩ, dám làm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là niềm cảm hứng, khuyến khích các chủ thể khác của nền kinh tế cùng góp sức tạo ra những thành tựu kinh tế đáng tự hào.
Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã và đang có những nỗ lực trong công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm góp phần thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Các quy trình, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ được xây dựng theo hướng ngày một đơn giản hóa, thân thiện với người sử dụng và doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, nâng cao chất lượng xác lập quyền, tăng cường năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung, nhằm xử lý một cách nhanh nhất và chính xác nhất yêu cầu của người nộp đơn.
Hệ thống tự động hóa công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, nộp đơn trực tuyến đang được áp dụng tại Cục SHTT, giúp người nộp đơn được tiếp cận thông tin minh bạch, chính xác, thuận tiện.
Ngoài ra, việc gia nhập các hệ thống đăng ký đơn sở hữu công nghiệp quốc tế (Hiệp ước PCT đối với sáng chế, Madrid với nhãn hiệu và La Hay với kiểu dáng công nghiệp), ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác kinh tế, với cấu phần sở hữu trí tuệ chiếm tỉ trọng lớn, đã và đang tạo ra các thuận lợi pháp lý tốt nhất về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.
Hai văn bản quan trọng mới được ban hành (Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2030) cũng đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong định hướng hoạt động của toàn hệ thống sở hữu trí tuệ.
Một trong những giải pháp quan trọng được nêu trong Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 là triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển tài sản trí tuệ, đưa SMEs thành một nhóm đối tượng cụ thể và quan trọng trong Chiến lược.
Trong khi đó, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2021-2030, được xây dựng với mục tiêu, quy mô lớn hơn, nhiều nội dung mới hơn, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, cho đến các nhiệm vụ bảo hộ sở hữu trí tuệ , quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Vân Anh