SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ: Bảo vệ tài sản trí tuệ là mục tiêu hướng tới của mỗi quốc gia

06:55, 20/03/2023
(SHTT) - Cục trưởng Đinh Hữu Phí khẳng định: Sở hữu trí tuệ là công cụ để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, là một trong các trụ cột quan trọng để mỗi quốc gia phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế và cũng là cơ hội để đón nhận các thành quả của CMCN 4.0.

Mới đây, trong 2 ngày 17,18/3, Hội nghị thường niên Hiệp hội Sở hữu trí tuệ ASEAN năm 2023 và Hội thảo “Tác động của cuộc cách mạng 4.0 đối với việc xây dựng và bảo vệ tài sản trí tuệ - Thách thức đối với chủ sở hữu tài sản trí tuệ các nước ASEAN” đã được diễn ra tại khách sạn Melia Hotel, 44 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Đinh Hữu Phí. Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Cục trưởng nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang phát triển như vũ bão, gia tăng độ phức tạp, tạo ra nhiều đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực, ví dụ như sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học. Những thành tựu công nghệ mới tác động tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Trong cuộc cách mạng này, các quốc gia cần tích cực và chủ động ban hành các chính sách, chiến lược phù hợp để không bị tụt hậu với sự phát triển nhanh và mạnh của kỷ nguyên số, của trí tuệ nhân tạo.

IMG_7968

 Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Đinh Hữu Phí phát biểu khai mạc tại Hội thảo. Ảnh: Quyền Trung

Đồng thời, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng khẳng định: Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một chủ trương lớn được các cấp lãnh đạo của Việt Nam quan tâm chỉ đạo. Điều này thể hiện rõ trong các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ xác định trong các chương trình, kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và địa phương. Trong đó phải kể đến Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Hướng tới tầm nhìn năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Đặc biệt, ông chia sẻ: Nói tới đổi mới sáng tạo, nói tới nền kinh tế tri thức hay CMCN 4.0, chúng ta không thể không quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ là công cụ để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, là một trong các trụ cột quan trọng để mỗi quốc gia phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế và cũng là cơ hội để đón nhận các thành quả của CMCN 4.0. Chính vì vậy, cùng với những nỗ lực tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, các vấn đề khác liên quan tới CMCN 4.0 đã và đang được thảo luận và xem xét một cách tích cực, với mục tiêu đáp ứng được các nhu cầu mới của xã hội và doanh nghiệp, do và đến từ CMCN 4.0, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia. Ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động quản lý về sở hữu trí tuệ nhưng cũng đồng thời phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ thể tạo ra và sở hữu các thành quả đó bằng hệ thống sở hữu trí tuệ đủ mạnh là mục tiêu hướng tới của mỗi quốc gia.

IMG_7967

 Cục trưởng Đinh Hữu Phí tin tưởng rằng Hội thảo là một cơ hội để cùng lắng nghe, trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề thú vị xung quanh quyền sở hữu trí tuệ, góp phần đưa ra được những kiến nghị, giải pháp phù hợp cho các quốc gia. Ảnh: Quyền Trung

Vì vậy Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ hy vọng các quý vị đại biểu dự Hội thảo mà phần lớn là các đại biểu đến từ các văn phòng luật sư, đơn vị tư vấn, sẽ là những người bắc cầu “sở hữu trí tuệ” để giúp cho các chủ thể sáng tạo, các nhà đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ đi nhanh tới đích hơn, và để cho thành tựu, kết quả nghiên cứu sớm được hiện thực hóa thành sản phẩm hữu ích cho xã hội, cho nhân loại.

Ông cũng kỳ vọng các chủ đề thảo luận của Hội thảo sẽ có ý nghĩa thiết thực với mỗi quý vị đại biểu nói riêng và với từng quốc gia nói chung. Trong cuộc CMCN 4.0 trí tuệ nhân tạo đã làm cho cuộc sống của chung ta có sự thay đổi lớn, đồng thời cũng đem lại nhiều thách thức cho hệ thống sở hữu trí tuệ của quốc gia và quốc tế.

IMG_7961

 Ảnh: Quyền Trung

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các quốc gia đều đang nỗ lực để xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ, kể cả các nước hàng đầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng đang nghiên cứu nhằm có thể đưa ra được những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo hộ những đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mới. Đây cũng là một thách thức rất lớn cho Chính phủ Việt Nam, đưa hệ thống sở hữu trí tuệ phát triển đồng bộ và theo kịp sự lan rộng của các công nghệ tiên phong trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đồng hành cùng cộng đồng các nhà khoa học và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững.

Chia sẻ những cơ hội, khó khăn và thách thức đến từ CMCN 4.0 mà mỗi quốc gia, mỗi hệ thống sở hữu trí tuệ phải nắm bắt và đối mặt, Cục trưởng muốn nhấn mạnh ý nghĩa thực tiễn và giá trị của nội dung Hội thảo ngày hôm nay. Ông cũng muốn khẳng định rằng, cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia Việt Nam luôn lắng nghe và đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, sẵn sàng tiếp thu những ý kiến, đề xuất phù hợp để có thể đưa ra những giải pháp cụ thể cho những rào cản mà hệ thống sở hữu trí tuệ đang gặp phải trong việc xác lập quyền đối với các công nghệ tiên phong, đưa công nghệ tiên phong phục vụ hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.

Hương Mi - Quyền Trung

Tin khác

Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 15 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 15 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.