SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Crimea trở thành một bộ phận không thể tách rời của Nga

08:37, 19/03/2014
Ngày 18-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một hiệp ước với các nhà lãnh đạo Crimea về việc bán đảo bên bờ Biển Đen thuộc Ukraine này sẽ trở thành một phần của Liên bang Nga. Điện Kremlin cũng đã tuyên bố Nga từ nay coi Crimea là một phần thuộc Liên bang Nga.

Thông điệp đặc biệt của Tổng thống Putin

Ngày 18-3, tại Điện Kremli, Tổng thống LB Nga Putin đã đọc bản thông điệp đặc biệt nhân sự kiện lịch sử này. Bản thông điệp kéo dài 45 phút và bị ngắt quãng bằng 33 đợt vỗ tay trước đông đủ thành viên hai viện của Quốc hội Nga và đại diện của các chủ thể LB Nga, giới báo chí. Tổng thống Nga khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về quyết định sáp nhập vào Nga của bán đảo Crimea hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc dân chủ và từ nay trên bán đảo sẽ lưu hành song song ba ngôn ngữ: Nga, Ukraine và Tarta. Về nguồn gốc các diễn biến tại Crimea dẫn đến việc bán đảo này tuyên bố độc lập và tách khỏi Ukraine, Tổng thống Putin khẳng định trong lịch sử, Crimea đã là lãnh thổ lịch sử của Nga, luôn có vị trí gần gũi trong trái tim của mỗi người dân Nga, và việc Crimea được vào thành phần Ukraine do một quyết định sai lầm cá nhân. Các sự kiện đảo chính vừa qua tại Ukraine cùng với các quyết định lập pháp vi phạm lợi ích người dân, phân biệt đối xử, cụ thể là luật ngôn ngữ đã vi phạm thô bạo lợi ích của người nói tiếng Nga và ảnh hưởng trực tiếp đến Crimea, nơi có đông người nói tiếng Nga.

Tổng thống Putin tuyên bố Nga không thể làm ngơ trước những nguy cơ đe dọa với người dân Crimea, không thể phản bội lại đồng bào. Nga cho rằng cần phải tạo điều kiện để người Crimea được thực hiện quyền tự quyết của mình. Và quyết định trưng cầu dân ý trong bối cảnh đó là quyết định duy nhất để tránh căng thẳng leo thang tại khu vực bán đảo này.

Tổng thống Putin khẳng định Nga không can thiệp quân sự vào Crimea, không vi phạm các thỏa thuận về số lượng binh sĩ tại bán đảo, và trong suốt quá trình trưng cầu dân ý đã không xảy ra một tiếng súng, không có một nạn nhân nào. Người dân Crimea đã được tự do lựa chọn và họ đã lựa chọn gắn số phận với LB Nga với tỷ lệ rất cao (gần 97%). Nga tôn trọng quyết định đó và trên cơ sở luật pháp quốc tế về quyền tự lựa chọn của các dân tộc, Nga tuyên bố tiếp nhận vào liên bang hai chủ thể mới là CH Crimea và thành phố Sevastopol.

Trước các tuyên bố trừng phạt Nga từ Mỹ và phương Tây, Tổng thống Putin tuyên bố Nga luôn sẵn sàng và đã quen đối đầu với các thái độ thiếu thân thiện. Nga sẽ luôn bảo vệ hàng triệu công dân của mình nói riêng và người dân nói tiếng Nga nói chung bằng mọi biện pháp ngoại giao, chính trị. Nga tin tưởng vào tính chất pháp lý trong quyết định của mình, hy vọng vào sự thông thái của các đối tác và sẽ đáp trả thích đáng.

Thủ tướng lâm thời Ukraine đề xuất giảm căng thẳng

Trong một diễn biến hết sức bất ngờ, cùng ngày, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseni Yaseniuk đã có lời tuyên bố gửi các tỉnh miền Nam và Đông đất nước, trong đó ông cam kết Ukraine sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), duy trì quy chế ngôn ngữ quốc gia cho tiếng Nga và tăng quyền cho các khu vực. Trong tuyên bố, ông Yaseniuk nêu rõ xuất phát từ mục đích bảo vệ sự thống nhất của Ukraine, chính phủ sẽ không bàn đến vấn đề gia nhập NATO, nhiệm vụ bảo vệ đất nước sẽ do quân đội đảm nhiệm, cũng như không đặt quan hệ với Nga và với Liên minh châu Âu (EU) ở thế loại trừ nhau. Ông cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác đích thực và láng giềng tốt với Liên bang Nga. Ông nhấn mạnh Ukraine vẫn giữ nguyên hiệu lực của luật ngôn ngữ năm 2012, theo đó tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ quốc gia. Đối với vấn đề quyền hạn cho các khu vực, ông Yaseniuk tuyên bố chính phủ mới sẽ hướng tới phân cấp quyền lực về các tỉnh, trong đó các đặc thù của mỗi vùng miền sẽ được tính đến trong giáo dục, văn hóa, lịch sử và cả cách đánh giá về cá nhân-anh hùng. Ukraine sẽ có riêng một phó thủ tướng chịu trách nhiệm về nhiệm vụ này. 

Liên quan đến vấn đề cấp bách ổn định tình hình trong nước, Thủ tướng lâm thời Ukraine nhấn mạnh phải mở chiến dịch thu giữ tất cả số vũ khí đang lưu hành trái phép, ông kêu gọi tất cả người dân giữ bình tĩnh, thể hiện quan điểm một cách hòa bình và trong khuôn khổ pháp luật.

Phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt

Trong khi đó, Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép lên Nga. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18-3 đã kêu gọi Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tiến hành hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới để thảo luận về cuộc “đọ sức” ngày càng leo thang với Nga liên quan đến vấn đề Crimea.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng việc Mátxcơva sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga sau cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố độc lập ở nước cộng hòa tự trị này là vi phạm luật pháp quốc tế.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi EU đưa ra phản ứng “mạnh mẽ và phối hợp” đối với việc Nga sáp nhập Crimea, đồng thời khẳng định Paris không công nhận bước đi này.

Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết nước này đã ngừng toàn bộ hợp tác quân sự với Nga sau khi Mátxcơva ký hiệp ước đưa Crimea sáp nhập vào Nga. 

Trong bối cảnh phương Tây không ngừng gây sức ép, với 780 phiếu trắng và 526 phiếu chống (trên mức đa số 2/3 trong tổng số 1.919 phiếu phiên họp), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 130 tại Geneva (Thụy Sĩ) đã bác bỏ yêu cầu của Ukraine và Canada đưa cuộc khủng hoảng tại Ukraine thành đề mục khẩn cấp trong chương trình nghị sự của khóa họp. Đây là kết quả bỏ phiếu thuận đối với Nga. Đa số nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh bỏ phiếu trắng hoặc chống đề nghị của Ukraine và Canada, tạo lợi thế chính trị cho Nga.

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Một nghiên cứu mới từ Turnitin, nhà phát triển nền tảng chống đạo văn hàng đầu, đã khám phá xu hướng mới trong việc viết bài của sinh viên trên toàn cầu, từ đó mở ra cuộc thảo luận về vai trò của AI trong giáo dục hiện đại.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Thời gian gần đây, nền tảng mạng xã hội X đã liên tục tiết lộ về kế hoạch thay đổi cách thức hoạt động. Trong đó, một chính sách mới khiến người dùng chú ý là yêu cầu phải phí để sử dụng toàn bộ các tính năng của nền tảng.
Tin tức 3 ngày trước
(SHTT) - Google thông báo sẽ thử nghiệm loại bỏ các liên kết tin tức cho một số người dùng California do lo ngại ảnh hưởng của đạo luật mới.
Tin tức 4 ngày trước
(SHTT) - WIPO mới đây đã công bố chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới 2024 là: “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”.
Tin tức 5 ngày trước
(SHTT) - Google sẽ đầu tư 1 tỷ USD để nâng cao kết nối kỹ thuật số giữa Mỹ và Nhật Bản bằng cách xây dựng hai tuyến cáp ngầm mới, thông báo này được công ty con của Alphabet đưa ra trong một sự kiện gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước.