SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Công nghiệp thế hệ 4.0: Thời cơ và thách thức

16:00, 20/05/2017
(SHTT) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối. Đây là cuộc cách mạng mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức đối với quá trình phát triển.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai. Vì vậy Việt Nam cần chủ động có định hướng, giải pháp thiết thực để nắm bắt cơ hội. Nếu không, thì “chuyến tàu” lần thứ tư này sẽ trễ và Việt Nam mãi lùi lại so với các quốc gia phát triển.

Cơ hội

Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng lớn về công nghiệp. Đó là cách mạng công nghiệp cơ khí chạy bằng hơi nước từ năm 1784. Tiếp đó là cuộc cách mạng sử dụng điện năng để sản xuất quy mô lớn từ năm 1870 và cuộc cách mạng tự động hóa sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử từ năm 1969. Qua những xu hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến rõ nét nhất trong năm 2017, có thể xem cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được tiếp nối với sự tham gia của công nghệ vật lý, kỹ thuật số, sinh học. Ở thế hệ công nghiệp 4.0 này, vạn vật sẽ được kết nối (Internet of Things) và giao thoa thực ảo.

Hiện nay mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đến giới hạn tự nhiên, nên nếu không cải cách, thay đổi thì nền kinh tế vốn nhỏ lẻ, chính sách kiểu hành chính, động lực doanh nghiệp chạy theo chênh lệch giá, dựa vào các điều kiện sẵn có tự nhiên…, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp thách thức rất lớn và sẽ sớm phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thực sự. Do vậy, công nghiệp 4.0 là một động lực lớn để Việt Nam thay đổi. Bên cạnh đó, kinh tế 4.0 cũng góp phần định nghĩa lại trong các mô hình kinh doanh. Bởi lẽ, trong một mạng lưới sản xuất phức hợp kết nối lại với nhau, vai trò của các nhà thiết, nhà cung cấp sản phẩm và cách giao dịch với khách hàng sẽ thay đổi.  Cuộc cách mạng công nghiệp lần này  có thể nói là cuộc cách mạng của mọi người. Trong đó, có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó. sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế. Tuy vậy, nhưng để nắm bắt được cơ hội này, thì Chính phủ cần phải có sự thay đổi cơ chế, chính sách mạnh mẽ.

Nhiều dự đoán cho rằng, làn sóng công nghiệp 4.0 sẽ đi cùng mô hình “kinh tế chia sẻ” (Sharing Economy). Mô hình kinh tế này dựa trên sự chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ, nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia. Trên thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ đã đạt những thành công đáng kể. Cụ thể là Airbnb, Uber… Tại Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện với sự góp mặt của các công ty như Uber, Grab, Airbnb, Triip.me, Travelmob, Grabr, Ahamove.

tri tue gia tao

 

 Nói về Airbnb. Thương hiệu này đã vào Việt Nam trong năm 2014. Hà Nội, TPHCM cùng với một số tỉnh thành khác cũng đã gia nhập mạng lưới của Airbnb với số lượng phòng ngủ, nhà cho thuê đạt trên 1.000 phòng. Để tạo sự yên tâm cho người thuê nhà, Airbnb xác nhận danh tính chủ nhà thông qua Facebook, số điện thoại, hộ chiếu, chứng minh nhân dân và đặc biệt là thông qua sự phản hồi của những người đã thuê nhà trước đó. Tương tự như  Airbnb là Uber. Uber áp dụng công nghệ và dữ liệu lớn, trí tuệ thông minh nhân tạo để có hệ thống vận tải mà cung - cầu gặp nhau một cách hoàn hảo nhất, làm sao cho giá dịch vụ tới người tiêu dùng được thấp nhất, hiệu suất cao nhất. Và tất nhiên, tài xế có thêm cơ hội việc làm. Đồng thời, về sau khi Uber phát triển công nghệ xe tự lái, thì tỷ lệ sai sót của con người được giảm xuống mức thấp nhất. Thành phố không cần nhiều xe nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của đi lại của người dân. Trường hợp khác là TS Nguyễn Thanh Mỹ ở Trà Vinh, đã áp dụng cảm biến để đo độ mặn trên sông.  Ngoài ra, còn có rất nhiều ngành khác mà cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng rộng lớn như ngân hàng, viễn thông...

Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ cũng như xu hướng của người tiêu dùng đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các công ty đang gặp phải, dù họ hoạt động trong ngành nào đi chăng nữa. Điều này đặc biệt đúng với những công ty đã thành lập lâu năm, vì họ phải kết hợp các nội dung sáng tạo đổi mới với các nền tảng đang tồn tại để tạo ra lợi nhuận.

 Rất có thể 10 năm nữa, với sự thay đổi trí tuệ thông minh nhân tạo, máy tính, dữ liệu lớn sẽ mang lại một cuộc cách mạng cho ngành ngân hàng. Hay một cửa hàng hoàn toàn có thể vận dụng công nghệ 4.0 để kết nối khách hàng để kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng sản phẩm, hay một hiệu phở cũng có thể thực hiện 4.0 như có cần giao phở tới tận nhà hay không. Những dẫn chứng trên cho thấy rằng, từ nông nghiệp, đến người bán hàng, quản lý tiệm phở, ngân hàng… hoàn toàn có thể thực hiện ngay cách mạng 4.0.

 Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. So với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, thì lần này có khác biệt rất lớn về tốc độ phát triển, phạm vi và mức độ tác động.  Cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vô tận, bởi nó sẽ thay đổi cơ bản tất cả mọi thứ trong cuộc sống hiện nay. Công nghệ 4.0 gắn chặt với năng lực và trí tuệ. Trong phần lớn của cải sản xuất ra cho xã hội thì của cải do trí tuệ sáng tạo chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng GDP.

Thách thức lớn nhất là câu chuyện chính sách

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để chuẩn bị bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc đầu tiên các doanh nghiệp cần xây dựng là đưa công nghệ thông tin (IT) hoặc công nghệ vào phần cốt lõi của doanh nghiệp, xây dựng một bộ phận mạnh xung quanh giám đốc công nghệ. Chuyên gia Võ Trí Thành mở rộng thêm: - Để “đón” và bắt kịp được cách mạng công nghiệp 4.0 cần bốn yếu tố. Thứ nhất là thể chế và lãnh đạo, trong đó vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Thứ hai là hệ thống giáo dục, đào tạo, mộ kỹ năng mới và nhân lực số. Thứ ba là thể chế thúc đẩy sáng tạo và trong sáng tạo thì doanh nghiệp phải là trung tâm – tức tính thực dụng phải rất cao. Thứ tư là an ninh mạng, an ninh kết nối. Nếu 4 nút thắt này không được tháo gỡ kịp thời, thì xem như Việt Nam bị thách thức lấn át, kìm hãm, không thể bước vào đường băng chung của thế giới về cách mạng công nghiệp 4.0.

Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược số chuyển đổi phù hợp, có chính sách quản trị thông minh (thể chế hiện đại, chính quyền hiệu quả, công khai, minh bạch), xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp cũng cho rằng, xây dựng chính sách ở Việt Nam là những thách thức rất lớn, bởi sự trì trệ của bộ máy hành chính và những lợi ích nhóm gây ra tham nhũng chính sách. Một trong những tài sản số hóa được giao dịch làm bất ngờ các nhà hoạch định chính sách ở bất kỳ nước nào và gây nhiều tranh cãi đó là “bitcoin”. Và, sau này có thể có nhiều sản phẩm tương tự sẽ ra đời. Có thể sau khi tài sản dạng ảo này xuất hiện, một số nước cho phép, một số nước không, nhưng chắc chắn trước đó không có nước nào có chính sách hay quy định về những sản phẩm kiểu như vậy.

hop doanh nhan

 Họp doanh nhân

khach tham quan mo hinh o to

 Khách tham quan mô hình ô tô

ket noi thuc va ao

 Kết nối thực và ảo

Tương tự, khi Uber xuất hiện, người tiêu dùng thì háo hức với một dịch vụ vận chuyển hành khách được tạo ra, kiểm soát bởi công nghệ, thì các cơ quan quản lý ở các nước lại nghĩ cách giải quyết sao cho phù hợp, vì loại dịch vụ này lại không thuộc các loại dịch vụ vận tải cụ thể đang được quy định…

Trên thực tế, những vấn đề như vậy không phải là không thể giải quyết, nhưng rõ ràng, chính sách và pháp luật đã không phản ứng kịp thời với tác động của công nghệ. Nói rộng hơn, các chính phủ phải bắt đầu tính đến việc quản lý một nền kinh tế với hai đặc điểm chính: một là nhiều giá trị sản phẩm số được thừa nhận, giao dịch và hai là nền kinh tế đang vận hành theo một cách mới - nền kinh tế chia sẻ (sharing economy). Nền kinh tế chia sẻ dẫn chính phủ đến hai khó khăn phải giải quyết. Đó là làm thế nào để mặc định các đối tượng rất nhiều cá nhân tham gia hoạt động chia sẻ và xây dựng hành lang pháp lý cho những hoạt động đó, bao gồm cả việc thu thuế cho các hoạt động kinh doanh. Để có thể giải quyết những khó khăn này, các chính phủ phải trở thành những chính phủ thông minh và cũng là những chính phủ sử dụng công nghệ số (chính quyền số). Theo đó, vai trò của chính phủ không chỉ dừng lại ở việc sử dụng các ứng dụng công nghệ để quản lý nền kinh tế mà còn phải xây dựng hành lang pháp lý thừa nhận và công nhận các cơ sở dữ liệu phù hợp. Về mặt công nghệ, chính phủ phải thiết lập được cơ sở dữ liệu thông suốt trong rất nhiều lĩnh vực liên quan đến dân số, việc làm, ngành công nghiệp, dịch vụ để có phản ứng kịp thời với những thay đổi trong cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề di chuyển lao động và giải quyết thất nghiệp.

mo hinh

 Từ mô hình đến sản phẩm trong tầm tay qua công nghiệp 4.0

Vể mặt pháp lý, chính phủ phải xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật trong rất nhiều lĩnh vực đang có xu hướng sử dụng công nghệ số mạnh mẽ như giao thông, y tế, môi trường, du lịch, thương mại điện tử, ... Việc xử lý vi phạm những phương tiện giao thông không người lái tất nhiên đòi hỏi chính quyền phải có công nghệ để giám sát và xử lý.

Thực tế, những báo động và lo lắng về "trí tuệ nhân tạo chiếm lĩnh việc làm" không phải là hành động động cần thiết để giải quyết những thách thức hiện nay. Vì vậy, Việt Nam cần hướng tới năng suất cao hơn và khả năng phục hồi của xã hội. Đây là một trong những bước đi hữu ích và nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách kiến thức về các nút thắt mà các ngành, tiểu ngành và doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh.

Hiện nay, vấn đề thách thức cho những nước đang phát triển chính là cần có chính sách như thế nào để đón nhận những thành quả của cuộc cách mạng công nghệ và làm thế nào để quản lý một nền kinh tế chia sẻ cho phép sự tham gia hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ của mọi tổ chức, cá nhân? Tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đang là thách thức cho Việt Nam. Những công nghệ này có tiềm năng kết nối hàng tỷ người trên thế giới, gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động cho các tổ chức, doanh nghiệp, tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí là khôi phục lại những tổn thất mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước gây ra. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, thì Việt Nam sẽ tụt hậu, hoặc "lỡ tàu" so với xu hướng đi lên của các nước trên thế giới.

 Một nghiên cứu mới đây  với tiêu đề “The Future of Jobs” (Tương lai của việc làm) đã xác nhận rằng,  công nghệ ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến xu hướng việc làm trên toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh những quan ngại nghiêm trọng rằng sự tăng trưởng việc làm trong một số ngành công nghiệp nhất định vẫn chưa vượt qua được sự tụt giảm trên quy mô lớn ở các ngành công nghiệp khác. Cụ thể là khi robot và tự động hóa lên ngôi, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, đặc biệt là những nhân công trong ngành vận tải, kế toán, môi giới bất động sản hay bảo hiểm. Theo một con số ước tính, khoảng 47% các công việc hiện tại ở Mỹ có thể sẽ biến mất vì tự động hóa.

 Các hệ thống thông minh như nhà ở, nhà máy, nông trại, mạng lưới điện hoặc thành phố sẽ giúp giải quyết các vấn đề từ quản lý chuỗi cung ứng cho đến thay đổi khí hậu. Đồng thời, cuộc cách mạng công nghệ đã ảnh hưởng rộng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và địa lý học, tương tác theo nhiều chiều và tăng cường lẫn nhau. 

 Tốc độ và quy mô của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu của thể giới, các quốc gia muốn phát triển  thì  sẽ không có lựa chọn. Do vậy, Việt Nam cần có những hành động mục tiêu ngay bây giờ cho những thay đổi mạnh mẽ về tư duy phát triển công nghệ cao. Theo đó là xây dựng lực lượng lao động có chuyên môn cao, kỹ năng lao động tốt, nhằm tránh đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng. Sự chuẩn bị cần thiết sẽ không chỉ quản lý được rủi ro, mà còn đem lại lợi ích do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Cơ hội và thách thức là 2 lối rẽ cho mỗi quốc gia tự chọn con đường đi của mình. Nếu tận dụng tốt cơ hội, thì con tàu hướng đến tương lai của quốc gia đó sẽ trở nên xán lạn hơn, tươi đẹp hơn.

Nguyễn Trâm Anh

Tin khác

Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Các ngành chức năng, địa phương cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã “chung sức đồng lòng” gia tăng thêm nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu thụ hàng Việt.
Thương hiệu 2 ngày trước
(SHTT) - Nhằm tri ân khách hàng cũng như chào đón Đại lễ lớn 30/4-1/5, Hyundai Lê Văn Lương gửi tới khách hàng chương trình khuyến mãi với những ưu đãi cực hấp dẫn cho quý khách hàng.
Kinh tế 5 ngày trước
(SHTT) - Mua bán online lên ngôi, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn cảnh khách mua hàng nhộn nhịp, sầm uất như trước. Thay vào đó, nhiều gian hàng đã đóng cửa, những tiểu thương còn lại cố gắng “gồng lỗ” để duy trì buôn bán dù ế ẩm.
Kinh tế 6 ngày trước
(SHTT) - Tại buổi tọa đàm "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" do Vụ Thị trường châu Âu - Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/4, ở TP HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam chia sẻ Chuối tươi hàng Việt phủ 100% tại chuỗi siêu thị AEON Hong Kong.
Kinh tế 1 tuần trước
(SHTT) - Quý I/2024 hoạt động thương mại, dịch vụ (TMDV) trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, hàng hóa dồi dào, đa dạng... Các doanh nghiệp, nhà phân phối đã tổ chức đa dạng các giải pháp kích cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, khuyến mại để tăng sức mua bán.