SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Công nghệ trí tuệ nhân tạo tác động gì đến việc bảo hộ sáng chế?

16:36, 19/01/2021
(SHTT) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được xem là một động lực cho sự phát triển kinh tế tại Việt Nam. Chính vì vậy hệ thống sáng chế cũng không thể tránh khỏi tầm ảnh hưởng sâu rộng của làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ.

Thuật ngữ AI (Artificial intelligence) đang ngày càng trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Dưới góc độ nghiên cứu triển khai, các khu vực chính của AI là hệ thống chuyên gia, người máy, hệ thống thị giác máy, hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hệ thống học và mạng nơ-ron. AI được triển khai dưới dạng gói phần mềm (nền tảng ảo, bot trò chuyện, chương trình….) hoặc lập trình (robot, drone...) như một công cụ cho các mục tiêu cụ thể được đặt ra trong khuôn khổ của các quan hệ pháp lý được hình thành bởi các thực thể pháp lý.

Như vậy có thể thấy rằng, AI được triển khai dưới dạng hệ thống dữ liệu (hệ thống AI), sau đó được ứng dụng dưới hình thức là những thực thể vô hình dạng phần mềm hay thực thể hữu hình dạng vật liệu. AI đã được ứng dụng vào một loạt lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, kinh doanh, pháp lý, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, sản xuất, dịch vụ.

tri tue nhan tao 3

Công nghệ trí tuệ nhân tạo tác động gì đến việc bảo hộ sáng chế? 

Tại Việt Nam, AI được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây và được xem như một động lực quan trọng cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Minh chứng là, các công trình nghiên cứu và các sản phẩm, thực thể gắn liền với AI xuất hiện ngày càng nhiều. Chính phủ đã nhận định AI sẽ là công nghệ có tính đột phá trong 10 năm tới; đồng thời xác định đây sẽ là “mũi nhọn” cần được triển khai nghiên cứu nhằm tận dụng những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Chính phủ cũng đã xây dựng chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ưu tiên phát triển AI thông qua nhiều nhóm chính sách. Trong đó, nguồn nhân lực được ưu tiên, như đào tạo AI bậc đại học, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp ứng dụng AI, ưu tiên đầu tư cho AI thông qua các quỹ, trung tâm đổi mới sáng tạo.

 Bên cạnh việc tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác nghiên cứu và triển khai, thì bảo hộ sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo cũng góp phần khuyến khích tạo ra những công nghệ AI mới tiến bộ hơn. Theo số liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), từ năm 2006 đến năm 2017, số lượng đơn sáng chế liên quan đến AI tăng gấp 6,5 lần từ 8.515 đơn trong năm 2006 lên 55.660 đơn trong năm 2017. Tuy nhiên, lượng đơn đăng ký sáng chế AI tăng nhanh cũng đặt ra không ít vấn đề liên quan đến pháp luật về bảo hộ sáng chế.

Từ năm 2019, WIPO đã bắt đầu thảo luận các ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo tới hệ thống sở hữu trí tuệ. Trong đó, WIPO đã định hình một vài vấn đề nổi cộm và kêu gọi các quốc gia cùng tham gia thảo luận cho ý kiến, cụ thể là:

- Việc quy định loại công nghệ trí tuệ nhân tạo nào là đối tượng được bảo hộ sáng chế;

- Cách diễn giải và áp dụng ba tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế khi thẩm định công nghệ trí tuệ nhân tạo;

- Có nên sửa đổi, bổ sung pháp luật sáng chế để phù hợp với đặc điểm riêng biệt của công nghệ trí tuệ nhân tạo hay không.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, một số quốc gia đã thay đổi các quy định về bảo hộ sáng chế, tạo ra cơ chế bảo hộ thông thoáng hơn dành cho công nghệ về khoa học máy tính.

Đầu năm 2019, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) ban hành một vài hướng dẫn sửa đổi quy chế thẩm định đối tượng bảo hộ sáng chế. Hướng dẫn quy định cụ thể hơn về các đối tượng được coi là “abstract ideas” (ý tưởng trừu tượng) không được bảo hộ sáng chế, bao gồm: khái niệm toán học; phương pháp thực hiện các hoạt động của con người; phương pháp suy luận trí óc. Theo đó, quy định này đã mở rộng phạm vi đối tượng bảo hộ, cho phép bảo hộ sáng chế liên quan đến lập trình thuật toán mà trước đây bị xếp vào nhóm đối tượng “ý tưởng trừu tượng”.

Ngoài ra, USPTO còn tạo ra một cơ chế linh hoạt tối đa khi chấp nhận những giải pháp được xem là “ý tưởng trừu tượng” nhưng có khả năng tích hợp vào ứng dụng thực tế (practical application) là đối tượng bảo hộ sáng chế. Thậm chí ngay cả khi giải pháp kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu về tính ứng dụng thực tế thì vẫn được tiếp tục đánh giá tính sáng tạo, xem xét khả năng có được bảo hộ hay không. Có thể thấy, đối với các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, pháp luật sáng chế có xu hướng mở rộng quy định về đối tượng bảo hộ sáng chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo tiếp tục phát triển.

Hiện nay, có nhiều giải pháp kỹ thuật liên quan đến AI xuất hiện, nhưng người nộp đơn không đề cập tác giả sáng chế là trí tuệ nhân tạo vì đa số pháp luật các nước đều yêu cầu tác giả sáng chế phải là con người. Trong khi đó, theo dự báo trong tương lai sẽ có nhiều đơn đăng ký sáng chế mà tác giả là trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, hệ thống sáng chế quốc gia cần cân nhắc đặt ra những quy định giải quyết vấn đề này mà vẫn đảm bảo động lực khuyến khích công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển.

Hà Vân

Tin khác

Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ thể trong nước. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy động lực sáng chế và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ cần sự đổi mới trong cách tiếp về sở hữu trí tuệ.
Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - LG Energy Solution (LGES), nhà sản xuất pin EV lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau CATL của Trung Quốc, mới đây đã có động thái nhằm cảnh báo hoặc thậm chí kiện những trường hợp nghi ngờ vi phạm bằng sáng chế của mình.
Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, tại Diễn đàn Khoa học và kinh tế toàn cầu 2024, tổ chức tại Dubai, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam đã nhận giải thưởng “Nhà sáng chế xuất sắc quốc tế - Nhà khoa học tài năng toàn cầu” và danh hiệu Viện sĩ Danh dự.
Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ đã chính thức cấp cho Apple tổng cộng 46 bằng sáng chế. Nổi bật nhất trong số đó là sản phẩm kính thông minh.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Liên kết hữu ích