SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Công nghệ blockchain giúp giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn

16:02, 18/07/2022
(SHTT) - Công nghệ blockchain đã không còn xa lạ trong thời đại ngày nay. Nó được xem là "chìa khóa" cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt blockchain cũng đang được ứng dụng để giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn.

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin dữ liệu bằng các khối (block) được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Từng khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó.

Blockchain được coi như cuốn sổ cái kế toán hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số. Blockchain sở hữu rất nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin trong truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi bên trung gian để xác nhận thông tin.

Bên cạnh đó, Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu khi một chuỗi Blockchain được quản lý bởi mạng lưới phi tập trung. Dữ liệu đã được ghi vào một khối thì không thể thay đổi nếu không thực hiện thay đổi ở các khối liền kề. Hay nói cách khác, thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Vì thế đây là hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng bị đánh cắp dữ liệu. Ngay cả khi một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, những máy tính và các nút khác sẽ tiếp tục bảo vệ thông tin và giữ cho mạng lưới tiếp tục hoạt động.

blockchain

 

Blockchain là xu hướng công nghệ hiện nay và được ứng dụng nhiều nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Những quốc gia hoặc doanh nghiệp lớn đều dành nhiều công sức và tài chính để nghiên cứu công nghệ blockchain với mong muốn tạo ra những sản phẩm thực tiễn và bảo mật cao.

Đặc biệt tại Trung Quốc, với khả năng truy xuất nguồn gốc thực phẩm ngay từ khi nuôi/trồng cho tới lúc tới tay người dùng cuối, blockchain đang là giải pháp xử lý vấn nạn thực phẩm bẩn tại quốc gia này.

Rau nhiễm thuốc trừ sâu, thịt hết hạn, sữa bột nhiễm độc, gạo nhựa… là những bê bối đã tác động nặng nề tới lòng tin người tiêu dùng đối với các sản phẩm tại siêu thị. Khi người dân Trung Quốc chuyển dần sang lựa chọn các thực phẩm hữu cơ và lành mạnh hơn thì việc tìm ra giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đã trở thành bài toán đối với nhà sản xuất và phân phối.

Từ năm 2016, Alibaba, một trong những nhà cung cấp sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc, đã ra mắt siêu thị kết nối Hema đầu tiên, đem tới điểm đổi mới nhất mà người tiêu dùng quan tâm. Chỉ với thao tác sử dụng điện thoại di động để quét mã QR của sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng hoặc khi nhận hàng giao trực tuyến, người mua hàng có thể biết chính xác các thông tin: vị trí và nhiệt độ của sản phẩm trong toàn bộ quá trình phân phối, nhà sản xuất với hình ảnh giấy cấp phép của cơ quan chức năng, các chứng chỉ và tiêu chuẩn thực phẩm cũng như hàm lượng thuốc trừ sâu và hoá chất được sử dụng trên sản phẩm.

Các sản phẩm có thể áp dụng hệ thống này bao gồm thịt, hải sản, gạo, đậu phụ, đậu nành, trái cây và rau quả, thịt gia cầm, trứng, sản phẩm từ sữa, dầu ăn và thực phẩm bổ sung. Mỗi sản phẩm được cấp một mã duy nhất, có nghĩa thông tin được cung cấp cụ thể đối với sản phẩm đó chứ không phải theo lô.

Hệ thống này đưa toàn bộ chủ thể tham gia ở các khâu như người nông dân, nhà sản xuất, công ty giao hàng, nhà phân phối, cơ quan chứng nhận và người tiêu dùng lên một nền tảng duy nhất, khiến thông tin trở nên minh bạch nhất có thể. Thông tin về việc chuyển giao hàng hoá giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng được tích hợp theo thời gian thực một cách rõ ràng và trung thực.

Mặc dù luôn tồn tại khả năng các hồ sơ giả mạo được đẩy vào hệ thống, nhưng hành vi gian lận rất có thể bị các bên tham gia khác trong mạng lưới từ chối do bản chất phi tập trung của công nghệ chuỗi khối.

Để blockchain trở nên hiệu quả và đáng tin cậy, càng nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ càng giúp việc truy xuất nguồn gốc trở nên chính xác hơn. Điều này dẫn tới xu hướng thành lập các liên minh, nhóm doanh nghiệp tại Trung Quốc (dẫn dắt bởi các nhà phân phối chính), các công ty vận chuyển và doanh nghiệp công nghệ cũng như các siêu thị để áp dụng công nghệ chuỗi khối quy mô quốc tế.

“Khuôn khổ niềm tin thực phẩm” (Food Trust Framework) do Alibaba khởi xướng là tập hợp các thành viên mong muốn giám sát các thực phẩm được sản xuất tại Trung Quốc và đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu quốc tế từ Australia và New Zealand.

Thực tế chuỗi khối vẫn là một công nghệ đang phát triển. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của công nghệ tích hợp như AI và IoT, thúc đẩy bởi nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc, blockchain đã cho thấy tiềm năng trở thành chìa khóa giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng quốc gia này.

Minh Tú

Tin khác

Tài sản trí tuệ 3 giờ trước
Phòng khám chuyên khoa da liễu có biển hiệu mang tên "An Nhi" của bà Lê Thị Huyền hoạt động trái phép trên đường 3 tháng 2, Phường 11, Quận 10, TP.HCM đã 3 lần đổi tên để đối phó cơ quan chức năng.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức khám nơi cất giấu đồ vật tại Kho A10 và kho B09, đường Bắc Nam, khu 1, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, qua đó, phát hiện hơn 40.000 sản phẩm nghi nhập lậu.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục QLTT Thanh Hóa mới đây đã xử phạt 16.5 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu huỷ toàn bộ tang vật vi phạm đối với một cơ sở kinh doanh trên địa bàn có hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ký quyết định ban hành kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban.
Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, bài hát hit của Ed Sheeran - "Thinking Out Loud" một lần nữa được đưa ra tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ để xem xét lại vụ kiện bản quyền cáo buộc Sheeran đã sao chép ý tưởng từ "Let's Get It On" của Marvin Gaye.