SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 16/04/2024
  • Click để copy

Công chứng giấy tờ: Lách luật từ lỗ hổng, hậu quả ai gánh chịu?

15:54, 09/03/2021
(SHTT) - Tình trạng làm giả giấy tờ, làm giả thông tin để lừa đảo ngày càng tinh vi, thậm chí nhiều công chứng viên, văn phòng công chứng còn cố tình lách luật gây ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng...

Nhiều lỗ hổng pháp lý

Luật Công chứng 2006 cho phép các công chứng viên được thành lập các văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Năm 2014, Luật Công chứng được Quốc hội thông qua tạo nên một hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động công chứng. Từ đây, các văn phòng công chứng nở rộ, đáp ứng tốt nhu cầu công chứng của người dân, doanh nghiệp và giảm tải áp lực hành chính cho các cơ quan Nhà nước trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên thực tế, hoạt động công chứng hiện nay đang cho thấy nhiều lỗ hổng pháp lý và vi phạm nguyên tắc.

Cụ thể, ngày 14/1/2021, Sở Tư pháp TP.HCM công bố kết luận thanh tra 5 văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố, trong đó có 2 văn phòng bị ra quyết định xử phạt hành chính. 

cc

Những vi phạm nguyên tắc trong công chứng giấy tờ là nguyên nhân của nhiều vụ tranh chấp tài sản 

Trong đó, Văn phòng công chứng Nguyễn Quốc Cường bị xử phạt 12 triệu đồng về vi phạm không cung cấp thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác về biện pháp ngặn chặn được áp dụng đối với tài sản liên quan 127 hợp đồng (giao dịch từ 1/1 đến 30/9/2019). Các hợp đồng này do công chứng viên thực hiện đưa vào cơ sở dữ liệu công chứng điện tử và lưu trữ hồ sơ công chứng không đúng quy định. Văn phòng công chứng Quận 10 bị xử phạt 5,5 triệu đồng về hành vi không niêm yết thù lao công chứng và không lập sổ chứng thực bản sao từ bản chính năm 2018, 2019.

Thực tế, không ít tổ chức công chứng đang cho thấy sự dễ dãi trong thẩm định hồ sơ, dẫn tới tình trạng công chứng ẩu, công chứng sai. Trong khi đó, tình trạng làm giả giấy tờ, làm giả thông tin để lừa đảo ngày càng tinh vi, thậm chí nhiều công chứng viên, văn phòng công chứng còn cố tình lách luật gây ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Hậu quả cuối cùng vẫn là người dân và doanh nghiệp phải hứng chịu.

Khiếu kiện kéo dài

Nói về hệ lụy từ những bản công chứng không đúng nguyên tắc dẫn đến việc tranh chấp khiếu kiện kéo dài hiện nay thường rơi vào nhóm bất động sản.

Điển hình, theo phản ánh từ ông Phan Văn Thư và bà Phan Ái Kim ở Thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang), khoảng năm 2008, ông bà xây dựng khách sạn ở Thị trấn Dương Đông. Do không cân đối được nguồn tiền nên vợ chồng ông Thư không hoàn thiện được khách sạn và nợ ngân hàng hơn 8 tỷ đồng. Sau đó, vợ chồng ông bị kiện ra Tòa và tài sản đang trong quá trình thi hành án. Qua sự giới thiệu của người quen, vợ chồng ông Thư được giới thiệu với bà Phan Thị Bích T. ở Vũng Tàu và được bà T. hứa sẽ giúp giải quyết khoản nợ trên, cùng với việc hoàn thiện khách sạn.

Tháng 9/2010, bà T. cử 2 người, trong đó có một người được giới thiệu là công chứng viên tên Hòa ra Phú Quốc, đến nhà vợ chồng ông Thư để đưa tiền. Đồng thời, vợ chồng ông Thư cũng làm giấy ủy quyền cho em trai là Phan Thái cùng bà T. đồng đứng tên, đại diện cho ông bà tìm ngân hàng vay vốn, tiếp tục sửa chữa hoàn thiện khách sạn cũng như hoàn thành các nghĩa vụ tài chính. Sau đó, bà T. có mượn giấy CNQSD đất của vợ chồng ông Thư nhưng không trả lại. Tuy nhiên đến tháng 12/2010, vợ chồng ông Thư phát hiện ra một giấy ủy quyền khác mang tên Phan Huy Hải do công chứng viên Phùng Văn Kiên thuộc Văn phòng công chứng Thắng Nhất ở Vũng Tàu chứng thực. Ông Thư cho biết vợ chồng ông không hề làm giấy ủy quyền cho ông Hải, cũng không có mặt ở phòng công chứng tại Vũng Tàu và phòng công chứng TP Rạch Giá (Kiên Giang) để làm giấy ủy quyền này.

Trong khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Phùng Văn Kiên cho biết, Văn phòng công chứng Thắng Nhất được thành lập tháng 4/2010, tại thời điểm thành lập chỉ có mình ông Kiên là công chứng viên. Tuy nhiên, tại thời điểm công chứng giấy ủy quyền, ông Kiên không trực tiếp gặp ông Thư và bà Kim mà thay vào đó là cử nhân viên (không phải công chứng viên) tên Triệu Hải Hòa đi Phú Quốc. Việc này là trái với quy định công chứng, từ đó dẫn đến những tranh cãi trong giấy ủy quyền.

Về nguyên tắc, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, nhưng theo Điều 44 Luật Công chứng 2014, có 3 trường hợp việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở. Cụ thể: Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được; người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù; người có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, dù công chứng bên ngoài trụ sở, việc ký kết cũng phải được thực hiện trước mặt công chứng viên. Thế nhưng trường hộ trên, công chứng viên đã bỏ qua nguyên tắc và chọn tin tưởng vào nhân viên của mình. Từ đây, giữa người yêu cầu công chứng và các bên liên quan rơi vào một vòng kiện cáo luẩn quẩn, kéo dài 10 năm.

Hậu quả ai chịu?

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật cho biết, hiện nay, nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả để mua bán, giao dịch, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phổ biến. Muốn phát hiện phải mua máy soi hoặc phụ thuộc vào kinh nghiệm của công chứng viên.

cc1

 Ông Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật

Điển hình, ông Bình cho biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm giả vẫn có thể dùng để công chứng nếu thông tin cung cấp cho đối tượng làm giả là thật và giấy này chưa cầm cố tại ngân hàng nào. Đặc biệt, giấy chứng nhận QSDĐ rất được “ưa chuộng” trong việc thế chấp, cầm cố trong một số giao dịch liên quan đến các khoản tiền vay.

“Kỹ thuật làm giả giấy tờ, trong đó có giấy chứng nhận QSDĐ ngày càng tinh vi và khó phát hiện bởi nội dung của nó làm giống như bản thật. Một người nào đó có giấy chứng nhận QSDĐ dù đã cầm ngân hàng vẫn có thể làm giả để đi cầm cố vay tiền bên ngoài một cách dễ dàng. Giấy chứng nhận QSDĐ cũng có thể bị làm giả từ chính những người làm trong cơ quan Nhà nước trên phôi sổ đỏ thật và đóng dấu thật của cơ quan cấp sổ nên rất khó phát hiện”, ông Bình nhận định.

Theo ông Bình, để xảy ra tình trạng này một phần do sự tắc trách và lỗ hổng công chứng khi có nhiều sự việc có sự tiếp tay cho những đối tượng làm giấy tờ giả. Bởi hiện nay luật quy định công chứng viên chỉ chứng nhận giao dịch dựa vào giấy tờ của các bên, không có hoạt động kiểm tra thực địa đối với nhà đất là đối tượng giao dịch. Do đó, chỉ cần lọt cửa công chứng viên là các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt được tiền của bên mua.

Hiện nay, luật quy định trách nhiệm của phòng công chứng, công chứng viên khi các đối tượng sử dụng các giấy tờ làm giả để thực hiện các giao dịch chưa được xác định cụ thể. Từ đây, khi xảy ra các tranh chấp không đáng có hoặc các sai phạm liên quan đến công chứng, người chịu thiệt trước nhất vẫn là các cá nhân, tổ chức thực hiện giao dịch công chứng, trừ trường hợp có căn cứ để khẳng định công chứng viên biết các giấy tờ các đối tượng đưa ra giao dịch là giả nhưng vẫn thực hiện mới phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc dân sự.

Nhật Linh

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đề nghị các địa phương, tăng cường đổi mới, sáng tạo các hoạt động gắn với công nghiệp văn hóa nhằm kích cầu du lịch và tạo nguồn thu nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Tin tức 3 giờ trước
Từ ngày 15/4 - 17/4/2024, tại ICISE, Viện Y Dược Việt đồng hành cùng hội thảo Quốc tế lần thứ nhất về cây dược liệu và hợp chất thiên nhiên.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Google thông báo sẽ thử nghiệm loại bỏ các liên kết tin tức cho một số người dùng California do lo ngại ảnh hưởng của đạo luật mới.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 15/4, Hà Nội bắt đầu thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Vừa qua UBND huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đã tổ chức khen thưởng Trung úy Bùi Văn Đại, cán bộ Công an Thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước) đã không quản hiểm nguy lao xuống sông, kịp thời cứu sống một bé gái 14 tuổi.
Liên kết hữu ích