SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Con bị 'kiệt sức' khi học online kéo dài: Từ hiểu đến tháo gỡ!

17:23, 17/12/2021
(SHTT) - Việc học online nhiều giờ mỗi ngày, cộng thêm việc thiếu vận động và cảm giác tù túng, hạn chế giao tiếp xã hội… đã khiến cho nhiều học sinh gặp phải các vấn đề căng thẳng tâm lý.

Làm sao để nhận ra những căng thẳng tâm lý ở con, và giúp con có tâm lý ổn định trong bối cảnh học trực tuyến vẫn còn kéo dài? Những vấn đề này đã được các chuyên gia giải đáp cụ thể trong Talkshow Đánh thức trạng thái “ngủ đông mùa dịch” của học sinh, tổ chức tại Trường liên cấp THCS-TH Vietschool Pandora, ngày 11/12 vừa qua. 

Đang là một học sinh chăm chỉ học hành, em T.H (nữ sinh lớp 8) bỗng trở nên chán học, học không tập trung, thường ngủ gục… kể từ khi em chuyển sang học online. Em cũng ít nói chuyện với ông bà, cha mẹ như trước, có xu hướng thu mình lại.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều những ảnh hưởng tâm lý mà học sinh đang gặp phải khi học online kéo dài. Không thể phủ nhận rằng học online là lựa chọn phù hợp nhất tại thời điểm này và đó cũng là cơ hội để học sinh hình thành và rèn luyện kỹ năng học tập chủ động. Tuy nhiên, việc học online trong thời gian dài cũng kéo theo không ít những thách thức, đặc biệt là các vấn đề tâm lý.

Theo thống kê vào đầu tháng 6/2021 của Bệnh viện tâm thần Trung ương, trong số những người có biểu hiện tâm lý bất bình thường đến khám, tư vấn thời gian qua thì có đến 30% là học sinh, sinh viên.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc điều chỉnh tâm lý, cảm xúc trong quá trình học tập trực tuyến đối với học sinh, ngày 11/12 vừa qua, trường Liên cấp THCS - TH Vietschool Pandora đã tổ chức hội thảo Đánh thức trạng thái “ngủ đông mùa dịch” của học sinh với sự tham gia của TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện quản lý giáo dục. Hội thảo đã đề cập đến thực trạng đáng báo động hiện nay cũng như các giải pháp thiết thực mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng ngay hôm nay, nhằm giúp con có một tâm lý ổn định trong quá trình học trực tuyến.

Phụ huynh có thể lắng nghe thêm nhiều chia sẻ hữu ích từ chuyên gia TẠI ĐÂY

Làm cách nào để biết con bị căng thẳng tâm lý?

Là một khách mời trong buổi hội thảo, chị Khánh Linh hiện đang có 2 con học phổ thông chia sẻ: “Hai bạn nhà mình đang ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Mình nhận thấy, trong thời gian học online, bạn lớn dần dần sống khép mình hơn, ít nói chuyện và giao tiếp hơn. Nhiều lúc, bố còn bảo rằng dạo này thấy hai bố con xa cách nhau quá, con không chia sẻ, không kể chuyện như trước, thậm chí con cũng ít trò chuyện với cô giáo. Còn bạn bé đang học tiểu học thì lại ở thái cực ngược lại, con bị thừa năng lượng, không có chỗ để xả năng lượng. Nhiều khi, bố mẹ đang làm việc cũng chạy ra mè nheo bắt bố mẹ chơi cùng con. Điều này khiến cho gia đình tương đối lo lắng, không biết liệu có ảnh hưởng đến lực học của con không”.

Những suy tư của chị Khánh Linh cũng là nỗi lo chồng chất nỗi lo của phần đông Phụ huynh có con trong độ tuổi đi học. Điều này cũng cho thấy rằng, việc học online kéo dài khiến cho học sinh đang thiếu đi những môi trường để giao tiếp và trau dồi các kỹ năng xã hội khác. Trong khi đó, bố mẹ đôi khi cũng không có thời gian để trò chuyện với con, dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Điều này, vô hình dẫn con đến với những mối quan hệ khó kiểm soát trên mạng xã hội.

1

Talkshow bàn luận nhiều vấn đề về căng thẳng tâm lý ở học sinh trong mùa dịch 

Lý giải cho những thay đổi này, TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện quản lý giáo dục cho biết: “Khi mối quan hệ của bố mẹ và con cái không suôn sẻ, bố mẹ có xung đột với con và con có xu hướng tuột ra khỏi tay bố mẹ thì năng lượng và nhu cầu giao tiếp của con dứt khoát phải tìm một bến đỗ khác để trú vào. Thêm vào đó là những lôi cuốn trên mạng xã hội sẽ khiến con sa đà vào các mối quan hệ thiếu lành mạnh hoặc những chuyện không hay ở trên mạng. Đôi khi, có những học sinh bị bắt nạt trên mạng hoặc tham gia vào các hành vi bắt nạt qua mạng mà bố mẹ không hề biết. Nếu bố mẹ thấy hết giờ học rồi mà con vẫn ôm khư khư máy tính hay điện thoại thì cần phải hết sức lưu tâm. ”.

Bố mẹ nên hiểu như thế nào về những thay đổi tâm lý của con?

Môi trường học đường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn là nơi để học sinh xây dựng các mối quan hệ thầy trò, bạn bè cũng như tham gia các hoạt động trải nghiệm, vui chơi giải trí lành mạnh. Việc tham gia lớp học trực tiếp cũng tạo cho học sinh nguồn động lực, khích lệ và hứng thú to lớn. Tuy nhiên, khi học trực tuyến, các hoạt động vận động, vui chơi ngoài trời bị giới hạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động trong nhà cũng trở nên đơn điệu và bó hẹp hơn trong không gian kín. Điều này khiến nhiều học sinh cảm thấy buồn tẻ và cô độc, nghiêm trọng hơn là trầm cảm và rối loạn cảm xúc, có hành vi hung tính.

Bên cạnh những thay đổi về mặt xã hội kể trên, thì việc thay đổi phương thức học tập cũng là một nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng tâm lý ở học sinh. Việc học online đòi hỏi nhiều hơn ở học sinh sự tự giác, kỷ luật và động lực học tập. Khi học online, không có ranh giới rõ ràng giữa việc học ở nhà và học ở lớp (mà bây giờ học ở lớp cũng chính là học ở nhà). Một vấn đề đáng lo ngại nữa là môi trường học tập ở nhà chưa thực sự ổn. Con dễ bị phân tâm bởi những thứ xung quanh.

Cách nào giúp con có tâm lý ổn định khi học online?

Trong bối cảnh như hiện tại, thật khó để có thể bảo vệ con hoàn toàn khỏi những biến động xung quanh hay mong đợi con ổn định tâm lý 100% trong khi con bị tách khỏi trường lớp, bạn bè. Tuy nhiên, phụ huynh là người đồng hành gần gũi nhất với con trong giai đoạn này có thể giúp con làm giảm những tác động tâm lý ngay từ hôm nay chỉ với những giải pháp rất đơn giản và thiết thực.

Thay đổi kỳ vọng để phù hợp với thực tế

Khả năng tiếp thu của con có thể bị thay đổi trong môi trường học trực tuyến. Cho nên, nếu cha mẹ vẫn duy trì mong đợi và kỳ vọng thành tích của con giống như ở môi trường học tập trực tiếp sẽ vô hình sẽ tạo sức ép cho con, khiến con áp lực, mệt mỏi và càng học tệ hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn. “Có những cái nếu phụ huynh không làm khéo để mất đi sẽ không bao giờ lặp lại được nữa, đó chính là ý thức, nề nếp, thái độ, hứng thú học tập. Nếu chúng ta nhồi nhét, dọa nạt sẽ khiến con bị chứng sợ học”, TS. Hoàng Trung Học chia sẻ.

2

Rất nhiều phụ huynh có kỳ vọng lớn dành cho con mình, có thể thấu hiểu được nhưng đối với mục tiêu học tập trong giai đoạn này, phụ huynh cần nhìn nhận vấn đề khác đi một chút, TS. Hoàng Trung Học đã chia sẻ  

Làm bạn với con

Cha mẹ cần thường xuyên hỏi han, quan tâm, tương tác với con nhiều hơn thay vì chỉ “trăm sự nhờ cô”. Không nhất thiết phải nói về trẻ quá nhiều, dễ khiến trẻ nảy sinh suy nghĩ cha mẹ đang kiểm soát mình. Thay vào đó, cha mẹ có thể chơi thể thao cùng con hoặc trò chuyện với con về những chủ đề mở rộng hơn.

Cùng con xây dựng và duy trì lịch sinh hoạt khoa học, thú vị

Cha mẹ nên cùng con thiết lập những việc cần làm trong một ngày, từ giờ thức dậy, đến các hoạt động học tập, vui chơi, vận động thể dục thể thao, đọc sách, làm việc nhà... Khi trường học đóng cửa, việc thiết lập những nề nếp mới ở nhà càng trở nên quan trọng, giúp con có chế độ sinh hoạt khoa học và vui vẻ.

Ghi nhận nỗ lực của con

Môi trường online khiến học sinh ít có tương tác với thầy cô, bạn bè. Vì vậy, cha mẹ càng cần đồng hành và khích lệ con. Những ghi nhận về sự cố gắng và nỗ lực của con mỗi ngày sẽ tạo cho con động lực học tập tốt hơn.

Xem xét môi trường học tập của con

Cha mẹ cần quan sát và xem xét kỹ lưỡng nơi con học có đủ yên tĩnh, đường truyền internet ổn định hay bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh không. Nếu có hãy thay đổi nó.

Giúp con duy trì kết nối chặt chẽ với thầy cô, bạn bè

Cha mẹ có thể tìm đến sự trợ giúp từ thầy cô hoặc những người bạn mà con yêu quý, thích nói chuyện cùng để giúp con duy trì những giao tiếp xã hội với mọi người xung quanh, đồng thời tìm hiểu về những khó khăn hoặc trở ngại tâm lý mà con đang gặp phải trong quá trình học online, từ đó có giải pháp hỗ trợ con.

TH

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tin tức 2 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).
Liên kết hữu ích