'Cởi trói' kinh tế ban đêm, cần huy động tổng lực các ngành
Ngày 16/11, tại TP.HCM, Hội nghị ngành Công thương 5 TP trực thuộc Trung ương lần thứ V năm 2022 diễn ra với chủ đề "Nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở các địa phương".
Nhiều điểm nghẽn trong việc phát triển kinh tế ban đêm
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhận định mô hình phát triển kinh tế ban đêm là xu thế toàn cầu mà nhiều quốc gia đang theo đuổi, được xem như "một liều thuốc" thúc đẩy kích cầu tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, về tổng thể, kinh tế đêm ở Việt Nam phát triển còn chậm. Tại nhiều địa phương, hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, manh mún,…
"Bên cạnh những lợi ích, chúng ta còn có thể đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn, tác động tiêu cực mà kinh tế ban đêm tạo ra về mất trật tự xã hội, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, áp lực, khó khăn trong kiểm soát chất lượng, xuất xứ và giá cả hàng hóa,….", ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh
Bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai phát triển kinh tế đêm của TP Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện tại, Đà Nẵng chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển kinh tế ban đêm, một số dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Về phát triển sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại TP Đà Nẵng vẫn còn chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, quy mô các dự án phục vụ kinh tế ban đêm vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có nhiều trung tâm thương mại quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế hoạt động xuyên đêm,... Hơn nữa, hoạt động chợ đêm hay các khu phố đêm chưa thật sự ấn tượng, dịch vụ vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài (đây là hoạt động tạo nguồn thu ngân sách lớn) còn ít.
ThS. Nguyễn Văn Thanh – Phó trưởng khoa Du lịch, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cũng nêu lên vấn đề kinh tế ban đêm không đơn thuần chỉ là hàng quán nhỏ lẻ, cần phải hiểu đầy đủ kinh tế đêm là một sự tổng hòa trong toàn bộ nền kinh tế.
"Kinh tế ban đêm mà chúng ta đang làm chỉ mới tận dụng được những cái sẵn có, chưa có kế hoạch và chiến lược cụ thể. Bên cạnh đó, các sản phẩm vẫn na ná nhau, chưa có khác biệt rõ rệt", ông Thanh nêu lên vấn đề.
Việc phát triển kinh tế đêm tại TP.HCM cũng gặp những khó khăn nhất định, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết hiện chưa có khung pháp lý hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro. Cùng với đó, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn chưa được ban hành, chưa có mô hình quản lý Nhà nước thống nhất đối với các loại hình hoạt động của kinh tế ban đêm.
Ông Phương cho biết thêm mặc dù kinh tế ban đêm không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế, nhưng chưa huy động được sức mạnh tổng lực từ các ngành (du lịch thương mại, dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống,...). Hơn nữa, các hoạt động kinh tế ban đêm của các quận huyện mới chỉ ở quy mô nhỏ, giới hạn trong lĩnh vực ẩm thực, các hoạt động thương mại. Trong quá trình triển khai rộng và có quy mô lớn hơn thì việc đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và du khách, việc đảm bảo không phát sinh tệ nạn xã hội là một vấn đề phức tạp cần phải có những quy định về chính sách, hướng dẫn cụ thể của các cơ quan liên quan.
“Cởi trói” cho việc phát triển kinh tế đêm
Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương đã đưa ra gợi ý một số nhóm giải pháp về việc phát triển kinh tế đêm. Thứ nhất, tiếp tục rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế đêm. Tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động, sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm, thời gian hoạt động phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý hoạt động kinh tế đêm.
Thứ hai, tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia các hoạt động thúc đẩy kinh tế đêm.
Thứ ba, các địa phương cần thực hiện một số công tác như tích cực nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa phương, phù hợp với khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ sở hoạt động kinh tế ban đêm cần xây dựng quy hoạch cụ thể. Cùng với đó, các quy định, chính sách cho các đơn vị kinh doanh ban đêm tại các điểm tham quan, vui chơi giải trí, cửa hàng tiện ích hoạt động 24/24 giờ cũng phải được xây dựng.
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý chuyên trách tại các địa phương để thúc đẩy kinh tế đêm phát triển hiệu quả, lành mạnh, bền vững.
Ở góc nhìn về ngành du lịch, ThS. Nguyễn Văn Thanh – trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đánh giá cao việc phát triển kinh tế đêm là hoạt động giữ chân du khách, góp phần phục hồi ngành du lịch sau đại dịch. Vì vậy, các địa phương cần cụ thể hóa khung pháp lý, những quy định trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín và kinh nghiệm khi tham gia vào hoạt động kinh tế đêm sẽ xúc tiến hiệu quả hơn mô hình phát triển kinh tế đêm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM đưa ra một số định hướng nhằm phát triển kinh tế ban đêm tại TP.HCM như hình thành một số trung tâm lớn về kinh tế ban đêm, các khu tổ hợp kinh tế ban đêm chuyên biệt trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, bố trí khu vực phát triển các trung tâm kinh tế ban đêm. Tại khu vực trung tâm thành phố, TP Thủ Đức và các quận huyện, phát triển mạng lưới kinh tế ban đêm mới, gắn với công trình ngầm (tàu điện ngầm) và các phố đi bộ quy hoạch mới. Cùng với đó, mạng lưới kinh tế ban đêm cần được định hướng phát triển gắn với phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Võ Liên