SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam: Có những giọt nước mắt đã rơi

06:25, 22/09/2017
(SHTT) - Việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam đang gặp phải sự phản đối của nhiều người, nhất là các nghện sỹ "gạo cội", và trong đó có những giọt nước mắt đã rơi.

Cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Trong đó nhiều bộ phim là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Biệt động Sài Gòn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Con chim vành khuyên, Em bé Hà Nội… 

Trong khi quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy mạnh, thì một công ty “sản xuất nghệ thuật” như Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) cũng không nằm ngoài cuộc.

Đó là sự hối tiếc, đó là một phần cuộc sống của những nghệ sỹ từng phục vụ cho VFS cũng như cả một thế hệ truyền khán giả truyền hình yêu phim Việt, trung thành với phim Việt khi quyết định cổ phần hóa được đưa ra.

Cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam: Còn nhiều tranh cãi

Trước đó, năm 2015, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần. Tới năm 2016, khi Bộ công bố Vivaso là đơn vị duy nhất đăng ký mua Hãng phim truyện Việt Nam và được chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam. Điều này đã vấp phải sự phản ánh dữ dội của dư luận.

Ngày 29/12/2016, Bộ VH-TT-DL phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Hãng phim truyện Việt Nam và đã chọn Vivaso là nhà đầu tư chiến lược. Công ty này đã thanh toán số tiền gần 32,5 tỉ đồng để mua 65% vốn điều lệ của Hãng phim truyện Việt Nam.

Sau 2 tháng chính thức cổ phần hóa (từ tháng 7/2017), nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bắt đầu nổi sóng, phản ứng gay gắt với ban lãnh đạo mới của công ty cổ phần.

 Những lùm xùm quanh câu chuyện của VFS nằm ở việc định giá giá thương hiệu Hãng phim bằng 0 và các vấn đề liên quan tới công ăn việc làm, lương cho các công nhân viên chức đang làm việc tại đây vẫn là điều mà nhiều nghệ sỹ lo lắng.

hang phim truyen

Cổng chính của Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay đã bị đóng lại, cán bộ nhân viên đi làm phải vào bằng cổng phụ, khách đến giao dịch không biết phải đi cổng nào. Ảnh: Dân Trí

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, nhiều nghệ sỹ đã từng có thời gian dài ngắn bó với Hãng phim đã gửi đơn lên hội Điện ảnh Việt Nam. Báo Dân Trí đã trích một số đoạn trong đơn như sau: Nhà cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy đã đưa ra rất nhiều cam kết, trong đó có điều khoản đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp và đảm bảo mức lương 4.800.000 đồng trong năm 2017 theo quy định của nhà nước với 85 thành viên còn lại của Hãng. Nhưng sau hơn 2 tháng cổ phần, tháng thứ nhất (tháng 7/2017), lương của cán bộ giữ nguyên như thời gian trước cổ phần và mức lương thấp nhất vẫn là 540.000 đồng. Tháng thứ 2 (tháng 8/2017) chỉ một số cán bộ công nhân viên trong Hãng phim nhận được tạm ứng lương với mức thấp nhất 1.000 000 đồng, một số cán bộ hoàn toàn không có lương…

Bên cạnh đó, đơn kêu cứu cũng đề cập đến chuyện ban lãnh đạo mới đã tự ý thực hiện hàng loạt sự xáo trộn về cơ sở vật chất trong Hãng phim.

Cụ thể, sát nhập phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật vào một phòng gọi tên là “Phòng nghệ thuật”; dãy nhà trước đây của 4 phòng đã tiến hành cho thuê để kinh doanh chứ không phục vụ mục đích làm phim; kho đạo cụ, phục trang vốn là tài sản gắn liền với hoạt động của Hãng cũng bị chuyển đến các kho của Công ty Vận tải thủy cách 40 km với mục đích lấy các phòng cho thuê kinh doanh. Cũng với mục đích trên, một phòng dựng và phòng thu thanh đã bị tháo dỡ, di chuyển.

Đáng nói là toàn bộ kịch bản quý giá của các biên kịch gạo cội từ khi Hãng được thành lập với bộ phim đầu tiên “Chung một dòng sông” đến các bộ phim nhựa được sản xuất những năm gần đây gây tiếng vang trong các Liên hoan phim Quốc tế và trong nước đều bị đem đi gửi ở Viện phim Việt Nam khiến chiếc tủ đựng kịch bản của phòng biên kịch trống trơn không còn một bản thảo kịch bản nào. “Đây là một điều xúc phạm đến truyền thống của bao thế hệ các nhà biên kịch, các nhà làm phim, các nghệ sĩ của hãng gần 60 năm qua. Khiến các nghệ sĩ trẻ trong hãng vô cùng hoang mang, mất niềm tin, các nghệ sĩ lớn tuổi thì đau xót, uất hận”, đơn nhấn mạnh.

Cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam: Những giọt nước mắt đã rơi

Được biết, sáng ngày 21/9, tập thể nghệ sỹ Hãng phim truyện Việt Nam họp với Hội Điện ảnh về tình hình hãng phim sau cổ phần hóa. Ngoài việc bày tỏ các bức xúc về chậm lương, lương thấp, không có định hướng làm nghề, các nghệ sĩ còn đề cập thêm về vấn đề thiếu minh bạch trong việc cổ phần hóa.

Theo thông tin chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó chủ tịch thường trực Hội Điện Ảnh Việt Nam khằng định, hội sẽ tiếp tục đấu tranh để yêu cầu tạm dừng việc cổ phần hóa. Bên cạnh đó, lập đoàn thanh tra độc lập để rà soát quy trình. Bà cho biết Hội Điện Ảnh đồng thời sẽ trao đổi vấn đề này với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ sau khi tham khảo một nhóm luật sư, tập thể nghệ sĩ có cơ sở để khẳng định quá trình cổ phần hóa có nhiều sai phạm.

co phan hoa

Các nghệ sĩ đều rơi lệ tại cuộc đối thoại. Ảnh Người Lao Động 

Ông Vân cũng cho biết thêm, năm 2015, Giám đốc hãng phim Vương Tuấn Đức thành lập tổ giúp việc cho ban cổ phần hóa và gạt bỏ ông Lý Thái Dũng (Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật), Nguyễn Thanh Vân (Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật). Thay vào đó, ông Đức đưa bà Hồ Lan - nhân viên phòng tổ chức - và một phó phòng tài vụ vào. Tổ giúp việc này - do ông Vương Tuấn Đức làm tổ trưởng - xác định giá trị thương hiệu và đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất của hãng phim bằng không.

"Ban cổ phần hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không hiểu sao đồng ý với kết quả này. Điều này dẫn đến việc Tổng công ty vận tải thủy Vivaso với chỉ 32,5 tỷ đồng đã chiếm được 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính", ông Thanh Vân nói. 

Đạo diễn Thanh Vân ước tính giá trị đất đai của hãng vào khoảng 2.000 tỷ, chưa kể giá trị thương hiệu qua 400 bộ phim truyện qua gần 60 năm lịch sử. 

dao dien

Đạo diễn Quốc Tuấn khẳng định: "Chưa bao giờ có một cuộc cổ phần hoá nào lại nhục nhã và không minh bạch đến như vậy. Ảnh Người Lao Động

Đạo diễn Quốc Tuấn khẳng định: "Chưa bao giờ có một cuộc cổ phần hoá nào lại nhục nhã và không minh bạch đến như vậy. Những bằng chứng hào hùng của biết bao nhiêu thế hệ cha anh đang bị phủ nhận hoàn toàn. Một miếng đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, 7.000 m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỉ đồng. Đó là điều nực cười, khiến bạn tôi là đại gia cũng phải bật cười, không bằng một căn biệt thự cao cấp"- đạo diễn Quốc Tuấn nói.

Trong clip do các nghệ sĩ miền Nam gửi ra, NSND Trà Giang, NSND Thế Anh đều rơi nước mắt. NSƯT Minh Đức gọi cuộc cổ phần hóa này là "vắt chanh bỏ vỏ".

“Thận trọng” và “giá như” là hay từ khoá liên quan đến câu chuyện VFS

Theo thông tin đăng tải trên báo Vietnamnet, giá như chuyện chào bán VFS được công bố công khai hơn, rộng rãi hơn, và cho phép nhà đầu tư nhiều thời gian hơn để cân nhắc, thì có lẽ không chỉ có một công ty vận tải đường sông bỏ thầu.

Giá như hiệp hội điện ảnh - tổ chức đại diện quyền lợi cho nghệ sĩ - năng động hơn, biết cách vận động công chúng tốt hơn, biết đâu VFS đã có thể trở thành một công ty cổ phần, với vốn góp chính từ những người làm việc ở đây hoặc khán giả trân trọng lịch sử của hãng.

Giá như nhà nước có thể tìm được một phương án hài hoà, vừa đảm bảo ngân sách không phải chi tiền cho VFS, vừa cho phép doanh nghiệp này hoạt động với mục đích phục vụ công chúng nói chung. Có lẽ không nhiều người biết rằng ngay cả BBC, hãng truyền thông số một châu Âu, là một tập đoàn có nguồn thu chủ yếu đến từ các quy định của nhà nước (lệ phí từ hộ gia đình trả cho BBC như là một loại thuế, hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách,…). VFS tất nhiên hoàn toàn khác so với BBC, nhưng nếu biết cân nhắc, không phải là không có những giải pháp vẹn cả đôi đường.

Chiều 21/9 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học, Hội Điện ảnh Việt Nam, Tổng Công ty Vận tải thuỷ, đại diện Hãng phim truyện Việt Nam.

Theo đại diện Hội Điện ảnh, các anh em nghệ sĩ đều ủng hộ cổ phần hóa, thậm chí mong cổ phần hóa nhưng cổ phần như thế nào lại là vấn đề gây bức xúc.

Nghệ sĩ mong muốn Hãng phim vẫn là nơi làm phim, góp phần tôn vinh điện ảnh, nghệ thuật. Họ mong qua lần cổ phần hóa này, giá trị truyền thống dân tộc được nhân lên chứ không mất đi.

Cuối buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận rằng, để giải toả những bức xúc trong thời gian vừa qua của dư luận và nghệ sĩ thì phải minh bạch. Phó Thủ tướng yêu cầu cho thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá.

Trần Hảo (t/h)

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác đổi mới hoạt động thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ lên tới 99,7%.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Apple cho biết rằng họ đã gỡ WhatsApp và Threads của Meta khỏi App Store ở Trung Quốc sau khi nhận lệnh từ chính phủ Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 20 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.