Cô gái Đà Nẵng khởi nghiệp từ quyết tâm nâng tầm loại cá ‘mất giá quanh năm’
Với dự án khởi nghiệp “Nâng tầm giá trị cá trích Việt Nam”, 43 Foods (64 Biểu Chánh, P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu) tạo ra 7 dòng sản phẩm mới từ loại cá lắm xương có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, với mạng lưới gần 400 cộng tác viên trên toàn quốc. Dự án còn được vinh danh thứ hạng cao tại nhiều cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo từ địa phương tới trung ương.
Làm giàu từ loại cá "ngư dân không muốn gỡ lưới, người dùng muốn đổ đi"
Ít ngày nữa, 43 Foods sẽ hoàn thành việc mở rộng thêm cơ sở 2 tại quận Ngũ Hành Sơn. Trước ngày ra thủ đô Hà Nội tham dự chung kết toàn quốc Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh năm 2024, Hạnh Dung tranh thủ gặp gỡ chia sẻ về dự án Nâng tầm cá trích Việt Nam của mình.
“Trước đây khi còn là sinh viên, tôi được học về y học dinh dưỡng. Từ hiểu biết của tôi qua các nghiên cứu về cá hồi nhập khẩu và cá trích bản địa cho thấy tuy giá thành khác nhau nhưng hàm lượng đạm, omega 3 trong cá trích cũng dồi dào so với cá hồi”, Hạnh Dung mở đầu.
Muốn thay đổi “số phận” cá trích, cô y sĩ trẻ không nghĩ cá trích sẽ thay đổi đường đời của mình. Cả gia đình không ai muốn cô y sĩ trẻ đang làm việc tại trường nghỉ việc đi khởi nghiệp bởi quan niệm phụ nữ chỉ cần đi làm chỗ mát mẻ, khỏe người. Nhưng khi đã “bén duyên” với sản xuất và kinh doanh, cô gái trẻ quyết tâm phải mang tới vận hội mới cho loại cá nhiều xương vốn khó nhằn với các bà nội trợ và là nỗi buồn của ngư dân.
“Tôi chứng kiến nhiều ngư dân giăng lưới khi kéo lên thấy cá trích là không muốn gỡ. Có những thời điểm cá trích bán không được, bán rẻ, bán đổ cũng ít ai mua. Tôi biết được nỗi đau của ngư dân được mùa mất giá, riêng cá trích quanh năm mất giá. Nếu ra biển ngư dân cầu đừng có cá trích, chỉ vì lắm xương”, Hạnh Dung nói.
Làng chài Nam Ô tuy nổi tiếng có nguồn nguyên liệu cá trích dồi dào cũng chỉ loanh quanh các món chiên, kho, gỏi cá tuy là món ăn “trứ danh” song lại kén người dùng. Để làm món ngon cho con ăn, bà mẹ 9X tỉ mỉ gỡ từng mảnh xương đan chéo vào nhau, sao vàng và làm chà bông. Những hộp chà bông tế mịn khiến cá trích lên mâm cơm với diện mạo khác hẳn.
Thông tin về thực phẩm bẩn tràn lan, Dung vẫn loanh quanh trong suy nghĩ ‘Có nên phát triển sản phẩm về cá trích không?”. Như một “tín hiệu” đáp lại sự phân vân, những người bạn của Hạnh Dung biết cô từng làm chà bông cá trích ngon nên khi mua cá về nhưng biếng làm, muốn đổ đi thì nhấc máy gọi cho Dung.
Nghe bạn nói “muốn đổ cá đi” Dung buồn như của mình bị bỏ đi, không đành lòng Hạnh Dung tới lấy về chế biến. Cô gái làm chà bông cá trích bán cho người thân, người quen. Người lớn, trẻ em, đặc biệt là người cao tuổi càng thích ăn bởi món ăn dân dã cũng gắn bó, quen thuộc từ thủa hàn vi.
Sản phẩm chà bông cá trích đầu tiên bán chạy, Dung cảm thấy cá trích chỉ lấy phần thịt bỏ xương thật lãng phí. 43 Foods tiếp tục nghiên cứu để xay mịn nguồn nguyên liệu xương cá trích làm hạt nêm. “Mới làm vị không được ngon. Tôi phải thử nhiều lần, phối hợp thêm rau củ quả như cà rốt, củ cải, hành tây, nấm Đông Cô trộn mới ra được hương vị dịu ngọt”, Hạnh Dung kể lại.
Cô y sĩ quyết tâm “đạp gió rẽ sóng” để khởi nghiệp
Không có tiền đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng quyết theo đuổi sản xuất xanh, “cái khó ló cái khôn”, Hạnh Dung dùng vi sinh thay thế giúp cá nhanh phân hủy, không gây mùi để “biến hóa” phế thải ruột cá, vảy cá thành phân hữu cơ vi sinh. Ngoài dùng cho trang trại trồng trọt của mình, Hạnh Dung còn phân phối cho các chị em phụ nữ khác sử dụng…
Khi được mùa, làm các sản phẩm không kịp, không xuể cô gái lại nghĩ cách làm nước mắm cá trích.
Lên làng nghề Nam Ô, ngư dân làm mắm hàng trăm năm nhưng không bao giờ làm cá trích bởi kinh nghiệm của họ nói rằng cá trích là loại cá có ruột lớn, lâu mục nên mắm không ngon. Mặc cho ai “dán nhãn” cho cá trích lắm xương, nhiều xẩu, Hạnh Dung vẫn miệt mài cắt đầu, đánh vảy… ủ chượp. Kết quả, nhiều người phải bất ngờ vì thịt cá trích trắng hơn cá cơm nên sau khi ủ chượp đủ tháng đủ ngày sẽ có màu cánh dán rất đẹp. Độ đạm của cá trích cao nên làm ra mắm vị ngon và thơm.
Tại Đà Nẵng, từ tháng 1-8 hàng năm những đàn cá trích lớn về mang lại nguồn nguyên liệu dồi dào. Từ tháng 8 – 12 là mùa sinh sản của cá trích, Dung sẽ hạn chế thu mua vào thời điểm này. Chưa có kho lạnh tại xưởng, Hợp tác xã tính toán kỹ lưỡng và thuê kho lạnh của công ty khác.
Công sức bỏ ra để chế biến cá trích lớn nên giá thành đầu vào cao. Để giảm giá thành đầu vào cho chà bông, Hạnh Dung phải tạo ra những sản phẩm có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu tối đa. Không dừng lại ở chà bông cá trích, hạt nêm cá trích với hệ thống lò sấy khép kín sử dụng năng lượng mặt trời, Hạnh Dung tiếp tục tư duy để nâng tầm giá trị của cá trích bản địa hướng tới xuất khẩu.
Hiện Hạnh Dung tạo ra bộ 7 sản phẩm mang thương hiệu 43 Foods gồm: chà bông cá trích, nước mắm cá trích, gỏi cá trích, cá trích ngâm dầu mè, hạt nêm cá trích, cá trích sốt cà, phân hữu cơ cá trích. Các sản phẩm đựng trong bao bì, túi đựng bằng giấy, vật liệu có thể tái chế.
Trong bộ 7 sản phẩm cá trích, sản phẩm chà bông cá trích có đối tượng khách hàng rộng, tiện lợi dùng mọi lúc mọi nơi, được chế biến hoàn toàn thủ công, kỳ công song giữ được hàm lượng dinh dưỡng nhiều nhất nên cũng bán chạy nhất.
Nếu cá trích ngâm dầu cao cấp thị trường xuất khẩu ưa chuộng thì cá trích sốt cà quen thuộc, bình dân người lớn, trẻ em đều thích.
Miền Trung nơi có đường biển dài nhất cả nước, không chỉ ở làng chài Nam Ô, TP Đà Nẵng mà cả duyên hải miền Trung đều có lượng cá trích dồi dào. Hạnh Dung từ chỗ mày mò để tạo ra sản phẩm đã bắt đầu ấp ủ đóng gói mô hình sản xuất, quảng bá, giới thiệu để tạo thói quen tiêu dùng mới cho người dân hiểu đúng giá trị của cá trích Việt Nam.
Cô chủ nhỏ 9X nay táo bạo nghĩ đến một tương lai “đóng gói” mô hình của 43 Food để chia sẻ với những địa phương ven biển khác nhằm tăng gấp nhiều lần giá trị cá trích hiện nay.
Từ các cuộc thi, 43 Foods ngày càng được khách hàng các tỉnh khác biết đến ủng hộ, dùng thử, lượng khách quay lại đông.
Vào chung kết toàn quốc Phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh, Hạnh Dung tập trung để chỉ ra tính mới trong nguyên liệu khi 43 Foods là đơn vị đầu tiên “khai phá” tiềm năng của loại cá quanh năm mất giá. Hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, phế thải sản phẩm này sẽ là nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm khác, dùng những thiết bị dòng điện nặng lượng mặt trời giảm phát thải khí nhà kính… Cô gái trẻ tâm niệm phải kinh doanh thật tử tế và có trách nhiệm với môi trường xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi.
“Trước đây đi kéo chài 2.500.000 VNĐ/100 kg thanh niên không ai muốn kéo. Khi nước mắm được cấp Chỉ dẫn địa lý Nam Ô, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể bà con ngư dân phấn khởi quay lại làm nghề. Nay cá trích được giá ngư dân cũng trẻ lại, thanh niên đã đi biển trở lại. “Tôi mong muốn sẽ mở rộng diện tích sản xuất để du khách có thể tham quan, trải nghiệm, nâng cao thu nhập, phát triển du lịch làng nghề để bà con tham gia”, Hạnh Dung bộc bạch niềm vui.
Cá trích vùng biển Nam Ô giờ ngư dân đánh bắt được bao nhiêu Hạnh Dung đều thu mua hết với bình quân 500 kg/ngày. Mùa cao điểm đạt 2 tấn/ngày. Mỗi tháng, 43 Foods đạt sản lượng 11.000 sản phẩm/7 loại.
Bước ra thương trường, Hạnh Dung từ chỗ chỉ muốn phát triển kinh doanh cho bản thân đã muốn chia sẻ công thức, giá trị của mô hình sản xuất của mình cho người dân, giải quyết đầu ra cá trích cho bà con ngư dân. Cô liên kết với các ngư dân làng nghề nước mắm, chia sẻ công thức làm nước mắm cá trích, phân hữu cơ vi sinh và thu mua thành phẩm.
Trong tương lai, 43 Foods sẽ mua sắm trang thiết bị, đóng gói mô hình giao đến từng nhà và bao tiêu cho người dân làm chà bông, hạt nêm cá trích. Từ loài cá mất giá quanh năm, Hạnh Dung tạo ra việc làm cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, những bà mẹ đơn thân tham gia sản xuất, tạo ra mối quan hệ xã hội, có người đứng ở cấp quản lý để khẳng định mình.
43 Foods đang liên kết sản xuất với 30 hộ dân, 7 lao động trực tiếp, 50 lao động thời vụ và đặc biệt tạo ra mạng lưới gần 400 cộng tác viên là phụ nữ đang chăm con nhỏ, làm thêm… Thu nhập bình quân từ 6 – 17 triệu, cộng tác viên mới thu nhập từ 2-3 triệu. Có những chị làm thêm, thu nhập nhiều hơn việc chính.
Nhờ có sàn thương mại điện tử, việc bán hàng trực tuyến của 43 Foods rất chạy trên facebook, zalo OA, shopee, tik tok. Trong đó tik tok vẫn là kênh có doanh số tốt nhất. “Tuy thành công không là gì với mọi người nhưng đối với cá nhân mình là vượt bậc. Có quá nhiều kiến thức mạng xã hội, nếu mình không học hỏi, nâng cấp thì lạc hậu, không theo kịp với thời đại”, Võ Thị Hạnh Dung chia sẻ.
Bảo Hòa