SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Có dễ hồi hương bảo vật Quốc gia 'Hoàng đế chi bảo'?

16:59, 08/11/2022
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo” đang được mang ra đấu giá tại Pháp.

 Xã hội hóa để hồi hương Quốc bảo

Vừa qua, ông Nguyên Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo” theo hai phương thức.

Phương án thứ nhất, huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn lực từ quỹ này để thương lượng với hãng đấu giá Millon, nhằm kịp thời mua lại và hồi hương chiếc ấn vàng.

Phương án hai, vận động Mạnh Thường Quân là tổ chức, cá nhân yêu quý di sản thương lượng, mua lại ấn “Hoàng đế chi bảo” để đưa về nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản Quốc gia.

Theo ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên Huế, trong điều kiện hiện nay, việc bố trí ngân sách Nhà nước để mua lại ấn “Hoàng đế chi bảo” là việc khó khả thi. Trong khi đó, Quỹ bảo tồn di sản Huế vừa được Chính phủ cho phép thành lập có cơ chế hoạt động linh hoạt, có hiệu quả rất cao trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công cuộc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế.

Trước đó, hãng đấu giá Millon công khai thông tin đấu giá chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được cho là của vua Bảo Đại vào ngày 31/10. Mức giá khởi điểm được hãng đấu giá này đưa ra cho kim ấn là 2 - 3 triệu Euro (48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng) và bát vàng 20.000 - 25.000 Euro.

Trước thông tin này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp Rima Abdul Malak và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cũng đã có thư gửi Tổng Giám đốc UNESCO với nội dung đề nghị Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp và Tổng Giám đốc UNESCO can thiệp để hãng đấu giá Millon đưa chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” ra khỏi danh mục đấu giá cổ vật, tạo điều kiện để phía Việt Nam thương lượng và hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”.

dfaf5f9fa1a167ff3eb0

 Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được đưa ra đấu giá tại Pháp

Sau đó, hãng đấu giá Millon đã quyết định hoãn đấu giá và dự tính sẽ dời lịch đấu giá đến ngày 10/11.

Khó để “hồi hương” bảo vật Quốc gia

Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng “hồi hương” của “Hoàng đế chi bảo” sẽ rất khó, vì mức giá khởi điểm đấu giá được hãng đấu giá đưa ra quá cao. Bên cạnh đó, một khi cả hai cổ vật được công bố đấu giá công khai thì giá sẽ diễn biến khôn lường, thậm chí mức giá gõ búa công nhận sẽ cao gấp nhiều lần.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra luận chứng lịch sử về quyền sở hữu “Hoàng đế chi bảo” và băn khoăn về tính pháp lý của cuộc đấu giá. Theo đó, ngày 28/2/1952, trong khi đào móng một ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô (Hà Nội), để tìm vật liệu xây lô cốt, người Pháp đã phát hiện ấn và kiếm chôn dưới đó. Ngày 8/3/1952 tại Quảng trường Ba Đình, người Pháp đã tổ chức lễ trao ấn và kiếm cho Cựu hoàng Bảo Đại với tư cách Quốc trưởng Việt Nam.

Năm 1953, Cựu hoàng Bảo Đại đã chỉ thị cho thứ phi Mộng Điệp vận chuyển ấn và kiếm sang Pháp để giao lại cho Hoàng hậu Nam Phương và Thái tử Bảo Long. Do đó, việc vua Bảo Đại chiếm hữu ấn và kiếm là không ngay tình và không có quyền sở hữu đối với ấn và kiếm. Điều này có nghĩa những người thừa kế của bà Monique Baudot và ông Bảo Long không có quyền hợp pháp để bán hoặc chuyển nhượng báu vật.

Ngoài ra, Hội đồng Hoàng tộc triều Nguyễn đã có thư gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ quan điểm về việc “Hoàng đế chi bảo” được rao đấu giá. Cụ thể, "Hoàng đế chi bảo" là quốc bảo truyền từ đời vua này sang đời vua khác của vương triều Nguyễn từ 200 năm nay, được ghi vào sử sách của vương triều Nguyễn. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi bảo vật của quốc gia Việt Nam được rao bán như những thỏi vàng một cách rất thông thường”.

Thư viết tiếp: “Chúng tôi băn khoăn về tính pháp lý việc vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, vua Bảo Đại, "được cho là" đã chuyển nhượng quyền thừa kế các đồ vật đó, trong khi chiếc ấn của vua Minh Mạng cũng như chiếc bát bằng vàng nói trên đều là những vật quốc bảo. Chúng tôi tự hỏi: Với quyền hạn nào, đức vua Bảo Đại có thể tự cho mình quyền chuyển nhượng cho dù nhà đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào đi nữa”.

Được biết, trước khi qua đời (năm 1997), cựu hoàng Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn “Hoàng đế chi bảo”) cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.

Phan Hòa

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 11 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 11 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.