Có dấu hiệu sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog bị tạm giam
Cụ thể, tại họp báo Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản cho biết, ngày 03/4/2025, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng" quy định tại Điều 193, 198 BLHS năm 2015, liên quan đến Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt và một số công ty, xảy ra tại TPHCM và tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc với 5 bị can:
(1) Nguyễn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Asia Life về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm", quy định tại khoản 4 Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015;
2) Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt về tội “Lừa dối khách hàng", quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015.
(3) Lê Tuấn Linh, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt về tội “Lừa dối khách hàng", quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015;
(4) Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) là cổ đông, thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt về tội “Lừa dối khách hàng", quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015;
(5) Lê Thành Công là cổ đông, thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt về tội “Lừa dối khách hàng" quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015;
Theo thông tin từ VTV, cơ quan điều tra đã xác định Sản phẩm thực phẩm bổ sung thường được gọi là Kẹo Kera do công ty Asia Life sản xuất là hàng giả. Từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, Công ty Asia Life sản xuất hơn 160 nghìn hộp cho Công ty CP Tập đoàn Chị em Rọt, trong đó đã có 135 nghìn họp kẹo Kera đã được bán ra thị trường.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện sản phảm này còn chứa hơn hơn 33% là chất Sobiton - nguyên liệu sử dụng làm thuốc xổ.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, Phạm Quang Linh (còn gọi là Quang Linh Vlogs), Nguyễn Thị Thái Hằng (còn gọi là Hằng Du Mục) là những người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Trước đó, hai người này cùng hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên thường livestream trên mạng xã hội, quảng cáo về sản phẩm kẹo rau củ Kera. Sản phẩm do Công ty CER (TP Thủ Đức, TP.HCM) công bố, bắt đầu đưa ra thị trường vào cuối năm 2024.
Ngày 3/4 vừa qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã công bố Quyết định số 38/QĐ-XPHC xử phạt Nguyễn Thúc Thùy Tiên 25 triệu đồng vì không thông báo trước cho người tiêu dùng về việc được tài trợ để quảng bá kẹo rau củ Kera.
Cùng ngày, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng có quyết định số 39/QĐ-XPHC xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt (trụ sở tại 144-146-148 Đường số 11, phường An Phú, TP Thủ Đức, TP HCM) 80 triệu đồng do có hành vi cung cấp thông tin không chính xác cho người tiêu dùng và không thông báo trước về việc tài trợ người có ảnh hưởng để quảng bá sản phẩm. Đồng thời, công ty này cũng bị buộc cải chính thông tin sai lệch đã công bố.
Trước đó, vào ngày 24/03/2025, Chánh Thanh tra Sở An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt là 125.000.000 đồng đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt do các vi phạm liên quan tới viên rau củ Kera.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, Sở An toàn thực phẩm TPHCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt tại địa chỉ: 144-146-148 Đường số 11, Khu phố 5, phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt đang lưu trữ 16 hộp sản phẩm Thực phẩm bổ sung Supergreens Gummies do Công ty Cổ phần Asia Life, địa chỉ: số 18/99 Nguyễn Văn Linh, xã EaTu, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk sản xuất. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu sản phẩm Thực phẩm bổ sung Supergreens Gummies gửi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.
Ngày 24/03/2025, Chánh Thanh tra Sở An toàn thực phẩm ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt là 125.000.000 đồng đối với 2 hành vi vi phạm, như sau:
- Sản xuất, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn không đúng theo quy định, Kiểm nghiệm sản phẩm có chứa sorbitol nhưng không thể hiện trên nhãn sản phẩm theo quy định.
- Sản xuất, buôn bán, lưu thông thực phẩm trên thị trường có giá trị dinh dưỡng không phù hợp với thông tin về sản phẩm đã được Công ty tự công bố.
Đồng thời Công ty của Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bị buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; Buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa.
Công ty này cũng phải buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật. Cùng với đó, công ty cũng bị buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm.
Trước đó, vào ngày 20/3/2025, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành 2 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 82/QĐ-XPHC và số 83/QĐ-XPHC đối với bà Nguyễn Thị Thái Hằng (thường gọi: Hằng Du Mục) và ông Phạm Quang Linh (thường gọi: Quang Linh Vlogs), do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo.
Theo đó, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị phạt theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, do có hành vi quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng đã được công bố.
Số tiền xử phạt áp dụng cho hành vi nói trên là 70 triệu đồng đối với mỗi cá nhân, đồng thời Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.

Hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm được pháp luật quy định như thế nào?
Theo quy định của pháp luật, hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống hoặc các chất chủ định đưa vào thực phẩm được sản xuất và buôn bán trái pháp luật, không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên hoặc có một trong các chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa, gây thiệt hại cho lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.
Sản xuất hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả.
Buôn bán hàng giả là là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu và hoạt động khác đưa hàng giả vào lưu thông.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được quy định tại điều 193 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, cá nhân phạm tội sẽ phải chịu mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Nếu có một trong các tình tiết tại Khoản 4 mức phạt tù có thể lên đến 20 năm tù có thời hạn và cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra, cá nhân phạm tội có thể phải chịu các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền cao nhất lên đến 18.000.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 BLHS 2015.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội có thể phải chịu các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tội lừa dối khách hàng bị xử lý như thế nào?
Lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán để thu lợi bất chính.
Tội lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
(1) Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
- Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
(3) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy:
(i) Đối với Tội lừa dối khách hàng thì có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.
(ii) Chi tiết Tội lừa dối khách hàng khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: Phạm Tội lừa dối khách hàng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
- Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
TH
TIN LIÊN QUAN
-
Vụ quảng cáo kẹo rau củ Kera: Hoa hậu Thùy Tiên bị phạt 25 triệu đồng
-
Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt bị phạt 125 triệu do viên rau củ Kera không đảm bảo chất lượng
-
'Nổ' quảng cáo viên rau củ Kera, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bị phạt 140 triệu đồng
-
Kiểm nghiệm viên rau củ Kera, phát hiện chất tạo ngọt Sorbitol không ghi trên nhãn sản phẩm
Tin khác
