SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 24/03/2024
  • Click để copy

Chuyện những lần gặp nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

08:29, 05/11/2022
(SHTT) - Có thể nói trong các nhạc sĩ quê gốc Bình Định thì nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một “cây đa, cây đề” bởi ông sáng tác được nhiều thể loại (tình ca, quê hương, phản chiến, du ca, Phật giáo, vũ kịch, trường ca...) mà ở thể loại nào ông cũng có những ca khúc xuất sắc...

Dạo nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ còn tại thế, tôi thường đến thăm ông ở căn hộ P11, chung cư Vĩnh Hội (Q.4-TPHCM). Lần đầu tôi đi tìm ông là để viết về ca khúc Bông hồng cài áo nhân mùa Vu Lan năm 2003... Nhạc sĩ có dáng người cao gầy, khuôn mặt xương xương khá phong trần nhưng vẫn không giấu được nét đẹp trai, hào hoa của thời thanh niên... Khi tôi hỏi về nguồn cảm hứng khi ông sáng tác ca khúc Bông hồng cài áo, nhạc sĩ đã làm tôi bất ngờ khi ông lấy từ trên bàn thờ xuống một chiếc hộp nhỏ, bằng cật tre đan hình ô-van. Ở trong hộp là những kỷ vật để nhớ về người mẹ: Một mảnh tang đen (thường dùng để cài lên nẹp áo), một ống cối ngoáy cau trầu bằng đồng mà mẹ ông thường dùng và một bài thơ “Khóc mẹ” ngày thân mẫu ông qua đời...

BONG HONG CAI AO

Bông hồng cài áo là NS Phạm Thế Mỹ đang chỉ huy dàn hợp ca của Đoàn Văn nghệ SV Vạn Hạnh. 

Ông kể: “Tôi sinh năm 1930 tại Đập Đá (An Nhơn, Bình Định) trong một gia đình có tới 11 anh chị em mà tôi là con út. Chính vì là con út nên được mẹ cưng và cho tôi được hưởng nhiều “đặc quyền, đặc lợi” hơn cac anh chị khác. Năm 1965, tôi tham gia phong trào Phật giáo đấu tranh tại Đà Nẵng và bị chính quyền VNCH bắt giam 1 năm. Ở trong tù, tôi nghĩ về mẹ rất nhiều và thấm thía, cảm nhận được sự bao la của tình mẫu tử. Ra tù, tôi tình cờ đọc được tập tùy bút Bông hồng cài áo của thầy Thích Nhất Hạnh, những tình cảm trìu mến về mẹ lại bùng lên trong tôi và với cảm xúc trào tràn tôi đã viết ca khúc Bông hồng cài áo. Tôi có cái may mắn là làm được bài hát tụng ca tình mẹ trong thời gian Người còn sống. Có nhiều lần mẹ tôi dắt cháu nội đi dạo chơi và về nhà rất muộn. Cả nhà  lo lắng, hỏi han thì mẹ tôi nói rằng: “Đang tính về thì máy thu thanh của nhà ai đó phát bài hát Bông hồng cài áo của con, mẹ bỏ về không đành...”. Nghe mẹ nói mà nước mắt tôi cứ chực rơi...”.

Gia thế Phạm Thế Mỹ và những ca khúc nổi tiếng khác của ông

Như đã nói ở trên, Phạm Thế Mỹ là con út trong một gia đình có đến 11 người con. Bố ông là một võ quan (chức Lãnh binh) ở cuối triều Nguyễn, mẹ của ông cũng là một tiểu thư con một viên quan cấp huyện. Phạm Thế Mỹ có 4 anh trai (còn lại là 6 chị gái) là: Phạm Văn Ký (viết văn, làm báo trước khi sang Paris du học, trở thành một tác gia của văn học Pháp ngữ, tác phẩm của ông đa dạng về thể loại như: Perdre le demeure (Mất nơi cư trú - giải thưởng Văn chương Hàn lâm viện Pháp), Celui quy régnera (Người sẽ ngự trị), Mémoires d’un eunuque (Hồi ức một hoạn quan), Fleurs du Jade (Hoa ngọc)... nhà thơ Phạm Hổ và kiến trúc sư Phạm Tăng...

pham the my

 

Có lẽ cái “máu văn nghệ” của Phạm Thế Mỹ ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi 2 ông anh ruột là nhà văn, nhà thơ. Ông Phạm Văn Ký ở Pháp, ông Phạm Hổ đi theo kháng chiến và tập kết ra Bắc, ông em út ở lại miền Nam nên ít nhiều cũng có cảm tình với cách mạng và phản kháng chế độ VNCH. Tuy nhiên, đôi khi “ông anh” làm khó “thằng em”, đó là trường hợp ra đời của ca khúc Những ngày xưa thân ái.

Chuyện là vầy: Năm 1957, ở miền Bắc có in tập thơ “Những ngày xưa thân ái” của nhà thơ Phạm Hổ, trong đó có bài thơ cùng tựa “Những ngày xưa thân ái” (viết năm 1950). Bài thơ có những đoạn với lời lẽ khá là “sắt máu”, nguyên văn như sau:  Tôi bắn hắn rồi/ Những ngày xưa thân ái/ không ngăn nỗi tay tôi/...Những ngày xưa thân ái/ Chắc hắn quên rồi/ Riêng tôi,tôi nhớ/ Đường làng mênh mông biển lúa/ Sương mai đáp trắng cỏ đường/ Hai đứa tôi/ Sách vở cặp chung/ Áo quần nhàu giấc ngủ/ Tung tăng bước nhẹ chân trần/ Gói cơm mo, mẹ vắt xách tùng tơn/ Nón rộng hỏng quai/ Trong túi, hộp diêm nhốt dế/ Những ngày xưa thân ái thế/ Không đem chung hai đứa một ngày mai/... Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay/ Tôi buồn, tôi giận/ Hôm nay gặp hắn/ Tôi bắn hắn rồi!/ Những ngày xưa thân ái! Không ngăn nổi tay tôi/... Xác hắn nằm bờ ruộng/ Không phải hắn thưở xưa/ Tôi cúi nhìn mặt hắn/ Tiếc hắn thời ấu thơ”.

pham the my2

 

Bài thơ của ông anh được phổ biến ở miền Bắc thì mấy năm sau – Năm 1965, ở trong Nam, Phạm Thế Mỹ sáng tác một ca khúc, cũng lấy tựa là Những ngày xưa thân ái, nội dung hoàn toàn khác hẳn với bài thơ của Phạm Hổ, nếu so sánh giữa bài thơ và bài hát thì chỉ giống một câu duy nhất: Áo quần nhàu giấc ngủ (thơ), áo quần nhăn giấc ngủ (nhạc). Bản nhạc Những ngày xưa thân ái lập tức nổi tiếng, được nhiều ca sĩ trình bày trên sóng phát thanh và lan truyền rộng rải trong công chúng. Có lẽ ý đồ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ khi viết ca khúc này là dùng những giai điệu, những ca từ với những hoài niệm về tình bạn, tình yêu quê hương hòa quyện chất ngất để khỏa lấp đi những lời lẽ quyết liệt, dữ dằn trong bài thơ của ông anh. Nếu như giả thuyết này chính xác thì ông đã thành công ngoài mong đợi...

Có một nhạc phẩm khác của ông cũng nổi tiếng không kém, là bài Trăng tàn trên hè phố và cũng mang đến cho ông những hệ lụy không ngờ tới... Nội dung “Trăng tàn trên hè phố” kể chuyện 2 người bạn thuở học trò gặp lại nhau trên hè phố giữa một đêm trăng sáng khi mỗi người đã có một cảnh đời riêng: Người thì vẫn ở lại phố thị tiếp tục viết những bài hát ca ngợi cuộc sống mới, người thì đã khoác áo chiến binh, cầm súng gìn giữ “bờ tre quê hương” và ngày ngày phải nghe “súng thù từ rừng sâu” vẫn vang vọng... Cả 2 bài hát Những ngày xưa thân ái và Trăng tàn trên hè phố như một cặp song sinh của Phạm Thế Mỹ - rất nổi tiếng tại miền Nam trước năm 1975. Nhưng sau đó “Bên thắng cuộc” đặt câu hỏi: “súng thù từ rừng sâu” là... súng của ai? Cho nên dù ông từng sáng tác những ca khúc yêu nước, yêu hòa bình, phản đối chiến tranh thì sau 1975 ông cũng chỉ được nhận vào làm nhân viên một phòng văn hóa cấp quận và cho đến lúc về hưu cũng chẳng được cất nhắc.

Với người viết, ngoài 2 ca khúc kể trên, tôi còn đặc biệt ưa thích 2 giọng ca Duy Khánh và Miên Đức Thắng qua những ca khúc: Bỏ làng ra đi, Nắng lên xóm nghèo, Đưa em về quê hương, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Rạng đông trên quê hương Việt Nam, Thương quá Việt Nam, Tóc mây, Áo lụa vàng...của ông. Sau này đi làm báo, tôi chơi thân với các nhạc sĩ kiêm ca sĩ Miên Đức Thắng, Nguyễn Xuân An và các nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh, Vũ Đức Sao Biển - thật ngạc nhiên khi biết cả 4 anh  đều là học trò của thầy Phạm Thế Mỹ khi ông dạy ở Viện Đại học Vạn Hạnh và là Trưởng đoàn Văn nghệ Viện ĐH Vạn Hạnh (1970-1975) mà những nhạc sĩ này là thành viên, càng kính nể ông thêm !

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ từ trần ngày 16.1.2009, linh cữu quàn tại  Nhà Tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q3), người viết (HĐN) có viết một bài tiễn biệt ông trên báo Thanh Niên và có đến viếng ông tại Nhà Tang lễ. Tại đây, tôi đã được gặp gỡ hầu hết thân nhân của ông và ghi nhận trong các vòng hoa phúng viếng, có 2 vòng hoa của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là một vinh dự cho gia đình và tang quyến.

  Hà Đình Nguyên

Tin khác

Giải trí 15 giờ trước
VQG Tràm Chim thực hiện rất nhiều biện pháp liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, chống cháy rừng, quản lý nước đồng thời tiến hành đốt cỏ chủ động, phục hồi bãi năng kim.... để kéo sếu đầu đỏ về. Những biện pháp hữu ích này cũng đã góp phần phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Giải trí 15 giờ trước
Sân vận động khối Thành Nam, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) đông đúc người dân, du khách về tham dự, trải nghiệm ngày hội bắp nếp Cẩm Nam tôn vinh đặc sản vùng hạ lưu sông Thu Bồn.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Gọi là vào mùa nhưng thực tế thời điểm để đánh trứng kiến chỉ rơi vào mấy ngày đầu và cuối tháng 3 âm lịch. Sau đó các tổ kiến sẽ bị tàn hoặc trứng sẽ nở thành con non.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Huyện Quan Hóa chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, sẵn sàng cho Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá năm 2024 diễn ra từ ngày 23 đến 25/3/2024.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Tuần lễ Phim Quốc tế về Thiên nhiên do Keep Vietnam Clean tổ chức đã quay trở lại vào tháng ba này với chủ đề “Thiên nhiên thì thầm, nảy mầm hành động”.