SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ ở Việt Nam

11:01, 23/06/2022
(SHTT) - Bài viết đánh giá tổng quan kết quả thực hiện cơ chế, chính sách hiện hành về cá nhân chuyển giao công nghệ, kết quả ứng dụng kết quả hoạt động KH&CN để bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ ở Việt Nam hiện nay. Qua đó nêu một số đề xuất chính sách bảo vệ các TSTT đó.

Tóm tắt:

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) đã xác định một trong những đột phá chiến lược thời gian tới để phát triển đất nước là phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 đã được kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 19/6/2017 tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ (CGCN); thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ. Trong quá trình hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), các kết quả hoạt động KH&CN có thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân để ứng dụng trong thực tiễn. Do vậy, CGCN và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Bài viết đánh giá tổng quan kết quả thực hiện cơ chế, chính sách hiện hành về CGCN, kết quả ứng dụng kết quả hoạt động KH&CN để bảo vệ và phát triển TSTT ở Việt Nam hiện nay. Qua đó nêu một số đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về CGCN, SHTT để bảo đảm quyền lợi của các chủ thể trong tạo lập, khai thác và bảo vệ các TSTT đó.

chuyen giao cong nghe

 

1. Chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ

Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động sáng tạo và thành tựu KH&CN mới ngày càng phát triển. Cùng với xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, TSTT đang chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng và chiếm ưu thế đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Thực tế cho thấy, giá trị tài sản vô hình, trong đó có TSTT có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị của các tài sản hữu hình. TSTT được tạo ra trong quá trình hoạt động KH&CN (bao gồm hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KH&CN, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển KH&CN). Quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật KH&CN năm 2013, thì CGCN, chuyển giao các kết quả hoạt động KH&CN để ứng dụng trong thực tiễn, cũng là một trong những kênh quan trọng để phát triển TSTT. Ta có thể thấy, SHTT và CGCN tuy được quy định ở hai Luật riêng biệt là Luật SHTT và Luật CGCN nhưng lại có mối liên quan gắn kết với nhau, nhiều đối tượng của TSTT là đối tượng của CGCN; đồng thời, pháp luật về CGCN có quy định bảo vệ quyền SHTT và qua đó, thúc đẩy phát triển TSTT.

Khoản 7 Điều 2 Luật CGCN năm 2017 quy định, “CGCN là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền CGCN sang bên nhận công nghệ”. Như vậy, từ định nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu, CGCN là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ, là việc chủ sở hữu công nghệ chuyển giao toàn bộ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt công nghệ cho tổ chức, cá nhân khác (theo Điều 158 Bộ Luật dân sự 2015); chuyển giao quyền sử dụng công nghệ nghĩa là tổ chức, cá nhân cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng công nghệ của mình.

Về hình thức chuyển giao, có 3 hình thức là: CGCN trong nước; CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam; CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, đây chính là những “kênh” để bảo vệ và phát triển giá trị TSTT của công nghệ khi chuyển giao.

Về đối tượng chuyển giao, theo Luật CGCN năm 2017, công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau đây:

(i) Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;

(ii) Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;

(iii) Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;

(iv) Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng nêu trên.

Các đối tượng quyền SHTT chỉ được bảo hộ trên cơ sở đăng ký xác lập quyền SHTT tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng), một số đối tượng quyền SHTT được tự động xác lập mà không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký, tuy nhiên, để được bảo hộ, cần đảm bảo các yêu cầu, điều kiện cụ thể theo quy định[1]. Trong các TSTT nêu trên, có những tài sản là đối tượng công nghệ[2].

Các chủ thể liên quan trực tiếp đến việc hình thành và tham gia các giao dịch gắn với đối tượng công nghệ thường bao gồm: chủ sở hữu công nghệ, tác giả, bên mua công nghệ. Đồng thời, việc mua bán công nghệ thực chất là mua quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ (Li xăng). Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 22 Luật CGCN năm 2017 quy định “Hợp đồng CGCN được giao kết và thực hiện theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật SHTT, Luật Cạnh tranh và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy có thể thấy Luật SHTT là một căn cứ pháp lý bên cạnh các pháp luật về CGCN, thương mại, cạnh tranh,… là căn cứ pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia giao dịch trong hợp đồng CGCN.

Để phát triển TSTT, đặc biệt là khuyến khích phát triển công nghệ[3] là TSTT trong nước, Luật CGCN cũng có những quy định chặt chẽ trong CGCN, theo đó, ưu tiên CGCN cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước; Đẩy mạnh CGCN tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy CGCN trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, liên kết giữa tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất; chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước... Luật cũng hạn chế và cấm chuyển giao những công nghệ ít có tính cạnh tranh như máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia công nghiệp phát triển; Sử dụng tài nguyên, khoáng sản hạn chế khai thác trong nước; Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia…[4]

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển TSTT thông qua CGCN, thời gian qua, các cơ chế, chính sách khuyến khích các chủ thể tạo ra, CGCN và khai thác TSTT ở Việt Nam được thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua quy định về phát triển KH&CN và ĐMST) trong hàng loạt các văn bản pháp luật, cụ thể là:

Cơ chế trao quyền tự chủ cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập. Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức KH&CN đẩy mạnh hoạt động ĐMST để tạo ra nhiều TSTT.

 Cơ chế trao quyền đăng ký sáng chế, quản lý, khai thác sáng chế cho tổ chức chủ trì dự án nghiên cứu theo quy định của Luật KH&CN và Luật SHTT, cá nhân trực tiếp thực hiện công trình KH&CN là tác giả của công trình đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác trong hợp đồng KH&CN.

Cơ chế phân chia quyền và lợi ích trong hợp tác nghiên cứu công - tư theo Luật KH&CN, Luật CGCN, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Quyết định số 1931/QĐ-TTg ngày 07/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN”.

Hành lang pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã và đang dần được hoàn thiện như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật CGCN. Các chương trình, đề án quốc gia về hỗ trợ khởi nghiệp cũng được Chính phủ ban hành và tích cực triển khai[5].

Hành lang pháp lý để vận hành thị trường KH&CN đang dần hoàn thiện, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, trên nền tảng pháp lý của Luật KH&CN và Luật CGCN[6].

Các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng được quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ phát triển KH&CN…

Như vậy, hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để thúc đẩy CGCN gắn với bảo vệ và phát triển TSTT ở Việt Nam đã được xác lập và quy định tương đối đầy đủ.

2. Thực trạng chuyển giao công nghệ và chuyển giao quyền đối với tài sản trí tuệ để bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ

Có thể thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy CGCN gắn với phát triển TSTT thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực như sau:

Công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp, số đơn nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng trung bình 10% mỗi năm, kết quả xử lý đơn sở hữu công nghiệp tăng trên 7% mỗi năm, trong đó, đơn sáng chế tăng khoảng 22% mỗi năm. So với giai đoạn trước, số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp cấp ra tăng trên 30%, trong đó bằng độc quyền sáng chế tăng 108%, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp tăng 55,2%.[7]

Đối với TSTT (không tính quyền tác giả, quyền liên quan và giống cây trồng), giai đoạn 2015-2018 đã có 2.267 hợp đồng chuyển nhượng 4.026 đối tượng sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và 206 hợp đồng chuyển nhượng 729 đối tượng sở hữu công nghiệp giữa doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam với nước ngoài.[8]

Về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, số lượng đối tượng SHTT, đặc biệt là sáng chế được chuyển giao quyền chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với các văn bằng bảo hộ được cấp (xem Phụ lục kèm theo). Một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là: năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế; một số các kết quả nghiên cứu được tạo ra chưa gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh; hợp tác giữa viện nghiên cứu trường đại học và doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ, liên kết theo chuỗi giá trị giữa các tác nhân nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh còn yếu (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2020).

Các hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN được duy trì và đẩy mạnh theo hướng liên thông với các hoạt động xúc tiến thị trường hàng hóa, thị trường lao động và thị trường tài chính trong và ngoài nước. Các mô hình mẫu về tổ chức trung gian của thị trường KH&CN được xây dựng và phát triển tại các khối trường đại học và cao đẳng (Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cáo Cao đăng đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội). Các mô hình này đã được hình thành và phát huy tác dụng thúc đẩy sáng tạo công nghệ mới, thương mại hóa, CGCN, quản lý hiệu quả TSTT của các trường đại học, viện nghiên cứu.

chuyen giao cong nghe1

 

Thông qua các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), triển lãm quốc tế về công nghệ thiết bị thông tin truyền thông, triển lãm quốc tế về công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, triển lãm quốc tế về công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực xây dựng, và hoạt động của sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, đã có hơn 1.200 hợp đồng và biên bản được ký kết với giá trị hàng ngàn tỷ VNĐ. Hơn 1.500 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm và kết quả nghiên cứu đã được lựa chọn và tổ chức giới thiệu, kết nối. Thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận thông tin về các công bố KH&CN của Việt Nam (265.515 công bố), thông tin về kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp (35.101 kết quả nghiên cứu), thông tin về nguồn cung công nghệ (20.142 thông tin công nghệ), thông tin về TSTT (365.619 sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, trong đó, tỷ trọng thông tin về TSTT trong nước là 8.941 văn bằng được cấp bởi Cục SHTT.

Trong các doanh nghiệp, thành công ở phương thức tự nghiên cứu và ứng dụng vào sản suất khai thác, độc quyền sử dụng, khai thác thương mại TSTT để thu hồi chi phí nghiên cứu và tạo kinh phí thúc đẩy đầu tư vào các nghiên cứu, phát triển mới này phải kể đến là Tập đoàn Sơn Kova, Tổng công ty Giống cây trồng Trung ương (VINASEED), Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco),... Số liệu điều tra năm 2014 của Tổng cục Thống kê[9] cho thấy, trong số 7.450 doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ có 464 doanh nghiệp khẳng định là có các hoạt động nghiên cứu và phát triển (chiếm 6,23%). Nếu tính tổng vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ thì tỷ lệ đó của các doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 0,2-0,5% doanh thu, trong đó, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chỉ khoảng 01% doanh thu. Theo khảo sát của Trường đại học Ngoại thương, đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa có bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động ĐMST để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh (Trường Đại học Ngoại thương, 2016)[10]. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang có xu hướng duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh để vượt qua khó khăn thay vì sử dụng nguồn lực cho đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, hầu như chỉ có các doanh nghiệp lớn mới dành khoản kinh phí cố định và thiết lập bộ phận nghiên cứu và phát triển theo đúng nghĩa là thực hiện nghiên cứu để phát triển sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và thực hiện chiến lược phát triển của doanh nghiệp[11].

Mức đầu tư cho hoạt động nghiên cứu để làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước còn ở mức thấp (chỉ khoảng 0,5% doanh thu, trong khi con số này ở các nước tiên tiến trong khu vực là 5-10%)[12]. Số lượng TSTT do các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra và nắm giữ còn ít, những doanh nghiệp có TSTT được đăng ký nhiều chủ yếu vẫn tập trung vào đối tượng nhãn hiệu[13]. Các doanh nghiệp có nhiều sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được đăng ký chủ yếu là các doanh nghiệp có tuổi đời trên 10 năm[14].

Theo số liệu thống kê[15], mức độ đóng góp của 65 ngành công nghiệp có sử dụng sáng chế, trong đó, có các ngành công nghiệp sử dụng nhiều sáng chế vào GDP ở Việt Nam là khá khác biệt[16]. Một thực tế là các ngành sử dụng nhiều sáng chế lại chưa phải là ngành có đóng góp nhiều nhất vào GDP ở Việt Nam, ví dụ như ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (0,33%), ngành sản xuất thiết bị y tế (0,05%). Trong số 10 ngành công nghiệp đóng góp nhiều nhất vào GDP thì chỉ có một ngành sử dụng nhiều sáng chế là ngành sản xuất phương tiện vận tải. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều sáng chế lại là các ngành có đóng góp ít nhất vào GDP của Việt Nam. Kết quả này cho thấy sáng chế chưa thực sự trở thành yếu tố thúc đẩy phát triển TSTT ở Việt Nam. Các ngành công nghiệp được coi là có triển vọng và lợi thế sản xuất ở Việt Nam lại là những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất tính theo đầu người lao động và phần lớn là những ngành công nghiệp sử dụng ít sáng chế và sử dụng nhiều lao động cho thấy năng lực hấp thụ công nghệ mới của Việt Nam thấp. Sự lệ thuộc của doanh nghiệp Việt Nam vào công nghệ của nước ngoài là thực trạng khá phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam.

Số liệu thống kê cũng cho thấy số lượng kiểu dáng công nghiệp và đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên nếu so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu. Chỉ dẫn địa lý là một dấu hiệu chỉ dẫn thương mại đặc biệt, việc đăng ký và sử dụng chỉ dẫn địa lý mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Do tiêu chuẩn bảo hộ của chỉ dẫn địa lý chặt chẽ nên mặc dù số lượng chỉ dẫn địa lý được đăng ký của Việt Nam chưa cao nhưng cũng liên tục phát triển trong các năm qua.

Có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc CGCN, sáng chế do trình độ sáng tạo của sáng chế không cao, không đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp nhận chuyển giao. Việc xử lý xâm phạm không nghiêm cũng là rào cản cho việc thương mại hóa TSTT của các doanh nghiệp. Đối với kiểu dáng công nghiệp, việc khai thác, thương mại hóa của các doanh nghiệp cũng gặp phải các rào cản như trình độ sáng tạo chưa cao, hoạt động bảo vệ quyền chưa đủ nghiêm minh. Đối với nhãn hiệu, việc sử dụng của các doanh nghiệp được thực hiện thuận lợi và không có nhiều lý do cản trở hoạt động này vì hầu như chỉ phụ thuộc vào chính doanh nghiệp.

Trong các viện trường [17], theo khảo sát được tiến hành tại một số tổ chức KH&CN hàng đầu tại Việt Nam[18] như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, TSTT được tạo ra từ khối tổ chức KH&CN được xác lập quyền TSTT chưa cao xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan từ phía chủ thể sáng tạo và nguyên nhân khách quan của hệ thống SHTT[19].

Mặc dù một số viện, trường đã đạt được nhiều thành công trong việc CGCN, thương mại hóa các sáng chế nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, con số này chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Một số đơn vị có thành tích điển hình trong thương mại hóa TSTT do mình tạo lập ra là: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xem là trường đi đầu trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sáng chế[20]. Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh cũng là một trong số ít các trường thành công trong việc thương mại hóa TSTT[21]. Một số viện nghiên cứu ngành kỹ thuật cũng đã thành công trong nghiên cứu và CGCN như Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp[22]; Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang[23]; Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam[24].

Khảo sát thực trạng của một số trường đại học, viện nghiên cứu cho thấy, vấn đề liên kết, hợp tác khai thác, thương mại hóa TSTT vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết các trường đại học chưa quản lý, thống kê được số lượng các hoạt động khai thác, thương mại hóa công nghệ của mình. Các tác giả tự chuyển giao kết quả nghiên cứu mà không xin phép, nhưng chính các tổ chức nghiên cứu cũng không biết để kiểm soát hoặc có biết cũng không đủ nguồn lực để kiểm soát. Nhiều sáng chế công nghệ chưa hoàn thiện, đòi hỏi một quá trình đầu tư lâu dài mới có thể ứng dụng, khai thác thương mại được.

Trong giai đoạn 2016-2020, Nhà nước tiếp tục đầu tư cho hệ thống các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia gồm có 07 chương trình[25], và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đã có 257 nhiệm vụ KH&CN được triển khai, nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Có 469 loại sản phẩm dạng 1 trong đó có: 103 loại thiết bị máy móc; 85 loại vật liệu mới; 31 dây chuyền công nghệ; 69 là các mẫu, mô hình; 136 loại sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ và những sản phẩm khác như giống cây trồng, chủng nấm… đã thương mại hóa hàng trăm tỷ đồng trong quá trình thực hiện. 384 giải pháp, quy trình công nghệ, 90 cơ sở dữ liệu/bộ số liệu, 60 phần mềm các loại. Nhiều giải pháp/quy trình công nghệ sau khi được hoàn thiện đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn đồng thời được nhân rộng phổ biến. Nhiều phần mềm sau khi được thử nghiệm đã được sử dụng và ứng dụng triển khai ngay sau khi kết thúc đề tài tại các cơ quan của bộ, ngành trung ương và địa phương. Nhiều kỹ thuật và công nghệ tiên tiến đã được Việt Nam làm chủ, với hơn 380 giải pháp, quy trình công nghệ được phát triển.[26]

Trong lĩnh vực nông nghiệp, với việc xây dựng hệ thống bảo hộ giống cây trồng nhằm khuyến khích công tác chọn tạo giống trong nước cũng như để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và lĩnh vực giống cây trồng nói riêng, thu hút đầu tư nguồn lực từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào hoạt động nghiên cứu tạo ra và thương mại hóa các loại giống cây trồng mới. Tuy nhiên, cho đến nay, không có số liệu thông thống kê chính thống thức về nguồn lực đầu tư cho hoạt động tạo ra và khai thác TSTT trong lĩnh vực nông nghiệp. Số liệu hiện có chỉ là số liệu đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng do Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng cung cấp[27].

Số liệu đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ gia tăng qua các năm đồng nghĩa với việc có nhiều giống tốt mới được tạo ra để áp dụng. Theo nghiên cứu đánh giá tác động sau 10 năm là thành viên của UPOV (2006-2016) về bảo hộ giống cây trồng đối với kinh tế- xã hội do một tổ chức châu Âu thực hiện thì chỉ tính ba cây (lúa, ngô, khoai lang) giống mới đóng góp khoảng 5 tỷ đô-la cho GDP và mức sống của người nông dân tăng khoảng 24%.

Thực tiễn khảo sát tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, hoạt động nghiên cứu tạo ra giống cây trồng mới cũng như các quy trình sản xuất nông nghiệp được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, tuy nhiên, hoạt động bảo hộ và khai thác quyền SHTT đối với các kết quả nghiên cứu tạo ra thì thực sự chưa được quan tâm đúng mức...[28]  

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã rất thành công trong lĩnh vực nông nghiệp dựa trên TSTT, như Tổng công ty Giống cây trồng Việt Nam (VINASEED), Công ty giống cây trồng Thái Bình, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn VinGroup, Công ty TNHH Đà Lạt GAP, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, Tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty Thái Dương,... Nhìn chung, các doanh nghiệp lớn có quan tâm đến hoạt động nghiên cứu phát triển để tạo ra và khai thác quyền SHTT hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có thể thấy thời gian qua, cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động CGCN gắn với phát triển TSTT ở Việt Nam đã được ban hành và thực hiện tương đối đồng bộ và có hiệu quả từ khâu tạo lập, xác lập đến khai thác, chuyển giao, thương mại hóa các đối tượng SHTT, cũng là đối tượng CGCN. Tuy nhiên, nhiều quy định còn chưa rõ ràng , chồng chéo, đặc biệt là chưa kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như quy định về định giá TSTT, cơ chế đầu tư tài chính cho KH&CN, cơ chế tính điểm thành tích KH&CN, cơ chế phân chia lợi nhuận thu từ chuyển giao kết quả nghiên cứu chưa đủ để khuyến khích các chủ thể sáng tạo tạo ra, xác lập và khai thác TSTT. Vẫn tồn tại thủ tục phức tạp dẫn tới các chủ thể sáng tạo không thực sự mặn mà với các chương trình đó. Các nghiên cứu có tiềm năng khai thác ứng dụng còn ít; nhiều kết quả nghiên cứu chưa thể hiện rõ tiềm năng ứng dụng; thời gian xác lập quyền sở hữu công nghiệp dài cũng ảnh hưởng trực tiếp tới việc thương mại hóa TSTT; nhà khoa học chưa chủ động và tích cực trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu; năng lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ còn thấp; môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà sáng chế đã có tác dụng bước đầu nhưng hiệu quả chưa cao; khó khăn trong đàm phán thương mại… Hoạt động CGCN trong trường đại học hiện nay đã được tăng cường hơn trước, song thương mại hóa công nghệ vẫn còn yếu, chưa đồng bộ và tồn tại nhiều hạn chế. 

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên một phần là do vướng mắc trong sự đồng bộ của các quy định dẫn tới quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp chưa được khơi thông sử dụng để đầu tư, đổi mới, ứng dụng công nghệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Một số cơ chế ưu đãi thuế cho đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ còn khó thực thi do chưa có sự đồng bộ trong các quy định pháp luật về thuế và pháp luật về KH&CN. Chính sách về mua sắm công chưa tạo động lực khuyến khích cho việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới, phát triển công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Chưa có cơ chế khuyến khích sử dụng lực lượng lao động của viện  trường tham gia vào hoạt động đổi mới, cải tiến, phát triển công nghệ tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn hạn chế trong nhận thức của cơ quan quản lý về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đầu tư cho ứng dụng, cải tiến và đổi mới công nghệ. 

3. Kết luận

Có thể thấy CGCN gắn với phát triển TSTT có quan hệ chặt chẽ với nhau và cùng có tác động qua lại với nhau. Trong thời gian qua, thông qua nhiều kênh khác nhau, hoạt động tạo lập, xác lập, CGCN, khai thương mại hóa các đối tượng SHTT, kết nối, CGCN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến đầu tư cho ứng dụng, đổi mới và CGCN. Thị trường KH&CN cũng có bước phát triển so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, với xuất phát điểm là một nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Do vậy, để thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ, CGCN, đặc biệt là bảo hộ và khai thác TSTT bên cạnh việc quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan thì điều quan trọng là cần gia tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút đầu tư của xã hội và doanh nghiệp vào phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về CGCN, SHTT để bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong việc sáng tạo, phát triển và khai thác TSTT và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó để góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019

2. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017

3. Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.

4. Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ (2020). Khoa học và công nghệ Việt Nam 2019. Hà Nội: Nxb Khoa học và Kỹ thuật.

6. Bộ Khoa học và Công nghệ (2021a). Tờ trình số 716/TTr-BKHCN ngày 31/3/2021 trình Chính phủ về việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ (2021b). Tờ trình số 939/TTr-BKHCN ngày 23/4/2021 trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030.

8. Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (2018). Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam - Phân tích từ một cuộc điều tra thống kê. Hà Nội, 2018.

9. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

10.      Cổng thông tin về thị trường KH&CN: http://thitruongcongnghe.gov.vn/thuc-trang-hoat-dong-nghiep-vu-thuong-mai-hoa-ket-qua-nghien-cuu-tai-vien-nghien-cuu-truong-dai-hoc-o-vietam/?fbclid=IwAR2y1z DVIPsnZRHKAYrP8dKIj9Qn0yuc6RXv6wxa0RoXRL0kB04UGckchDM

11.      Trường Đại học Ngoại thương (2016). Khai thác tài sản trí tuệ đến phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam, Sách chuyên khảo. Hà Nội, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.

12.      Báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ 2020.

[1] như:

(i) Bí mật kinh doanh: phải được bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được;

(ii) Tên thương mại: được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;

(iii) Quyền tác giả: phải được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định;

(iv) Quyền liên quan: phải được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả

[2] như:

-        Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên;

-        Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này;

-        Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử;

-        Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn;

-        Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh;

-        Tác phẩm khoa học;

-        Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến công trình khoa học;

-        Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

[3] Điều 9 Luật CGCN 2017

[4] Điều 10, 11 Luật CGCN năm 2017

[5] Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025; Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025; Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Phần Lan - Việt Nam giai đoạn 2 (IPP2).

[6] Kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Ngày hội khởi nghiệp KH&CN quốc gia (Techfest), Hội nghị phát triển thị trường KH&CN, Triển lãm giới thiệu sản phẩm sáng tạo và kết nối doanh nghiệp và các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN...

[7] Báo cáo của Cục sở hữu trí tuệ, 2020.

[8] Báo cáo kết quả Chương trình phát triển thị trường KH&CN kèm theo Tờ trình số 939/TTr-BKHCN ngày 23/4/2021.

[9] Nguồn: Tổng cục thống kê

[10] Sách chuyên khảo: "Khai thác TSTT đến phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam", Trường Đại học Ngoại thương, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, năm 2016

[11] Ví dụ: Tổng công ty Giống cây trồng trung ương (VINASEED), Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Vingroup, Công ty sữa Vinamilk,...Bên cạnh việc đầu tư kinh phí, các doanh nghiệp này cũng có những chính sách hiệu quả nhằm thúc đẩy và khuyến khích hoạt động sáng tạo trong doanh nghiệp.

[12] Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, trình độ và năng lực công nghệ trong nước còn có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước sử dụng công nghệ tụt hậu hơn so với mức trung bình của thế giới 2 thế hệ, mức độ hiện đại chỉ chiếm 5%, khoảng 40% đạt mức trung bình và chủ yếu thuộc các doanh nghiệp FDI. Các công nghệ được nhập khẩu chủ yếu dưới dạng máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. [13] Sách chuyên khảo: "Khai thác tài sản trí tuệ đến phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam", Trường Đại học Ngoại thương, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, năm 2016

[14] Theo Báo cáo của Viện Khoa học SHTT phục vụ xây dựng Đề án Chiến lược SHTT quốc gia: "Phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam: thực trạng và một số gợi ý chiến lược".

[15] Theo Báo cáo của Viện Khoa học SHTT phục vụ xây dựng Đề án Chiến lược SHTT quốc gia: "Phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam: thực trạng và một số gợi ý chiến lược"

[16] Về tổng thể, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng có sử dụng sáng chế đóng góp 30,24% GDP, trong đó so với ngành công nghiệp xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức độ đóng góp vào GDP nhiều hơn gấp 3,7 lần. Một số ngành công nghiệp có đóng góp vượt trội so với các ngành khác vào GDP như ngành sản xuất, chế biến thực phẩm (6,36%), ngành dệt (3,3%), ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (2,51%), ngành sản xuất phương tiện vận tải (2,05%), còn lại các ngành công nghiệp khác chỉ đóng góp chưa đến 1% vào GDP.

[17] Nguồn: Cổng thông tin về thị trường KH&CN:

 http://thitruongcongnghe.gov.vn/thuc-trang-hoat-dong-nghiep-vu-thuong-mai-hoa-ket-qua-nghien-cuu-tai-vien-nghien-cuu-truong-dai-hoc-o-viet-nam/?fbclid=IwAR2y1zDVIPsnZRHKAYrP8dKIj9Qn0yuc6RXv6wxa0RoXRL0kB04UGckchDM

[18] Nguồn: Cổng thông tin về thị trường KH&CN:

 http://thitruongcongnghe.gov.vn/thuc-trang-hoat-dong-nghiep-vu-thuong-mai-hoa-ket-qua-nghien-cuu-tai-vien-nghien-cuu-truong-dai-hoc-o-viet-nam/?fbclid=IwAR2y1zDVIPsnZRHKAYrP8dKIj9Qn0yuc6RXv6wxa0RoXRL0kB04UGckchDM

[19] Theo Báo cáo của Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp thông tin về thực trạng hoạt động sở hữu trí tuệ phục vụ xây dựng Đề án Chiến lược SHTT, bình quân trong 10 năm gần đây mỗi năm trường có từ 350 đến 500 bài báo được xuất bản trên tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này Đại học Quốc gia Hà Nội mới chỉ có 71 sản phẩm đã đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 29 sản phẩm được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, 01 sản phẩm được đăng ký tại Mỹ và 17 sản phẩm được đăng ký tại Cục bản quyền tác giả đối với các sách chuyên khảo và các phần mềm công nghệ thông tin. Con số này chưa tương xứng với tầm một trường đại học hàng đầu cấp quốc gia có hoạt động nghiên cứu đa lĩnh vực.

Theo Báo cáo của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cung cấp thông tin về thực trạng hoạt động sở hữu trí tuệ phục vụ xây dựng Đề án Chiến lược SHTT, năm 2017, Viện công bố tổng số 1.830 công trình. Tổng số bài báo quốc tế năm 2017 là 888, số bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín đạt tiêu chuẩn ISI (SCI và SCI-E) là 688. Số lượng công bố giảm là do các nhà khoa học bắt đầu tập trung nâng cao chất lượng bài báo hơn là chạy theo số lượng, thêm vào đó, số lượng bài báo có sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài lại giảm thiểu, cho thấy nội lực của các nhà khoa học trong nước ngày càng tăng. Theo báo cáo thường niên của Viện, năm 2017, tổng số văn bằng được cấp để bảo hộ quyền SHTT là 40, trong đó, số bằng độc quyền sáng chế được cấp là 20, số bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 20, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2016. Số lượng văn bằng bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là số bằng độc quyền sáng chế tuy có tăng so với các giai đoạn trước nhưng hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm lực KH&CN của Viện.

[20] Trường đã ký kết nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ với nhiều tập đoàn, công ty lớn trong nước cũng như thế giới như Tập đoàn SUN MicroSystems, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Trong giai đoạn 2006-2010, doanh số trong chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh của trường đạt gần 450 tỷ VNĐ. Với nhiều sáng chế, công nghệ mới được các đơn vị sử dụng đánh giá cao như thiết bị xay xát lúa gạo; thiết bị xử lý rác thải; hệ thống lọc nước biển cho hải đảo; thiết bị tự động hóa khai thác dầu khí;...

[21] Giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ mà trường đã ký năm 2007 là khoảng 60 tỷ VNĐ, năm 2008 gần 70 tỷ VNĐ, năm 2009 là hơn 63 tỷ VNĐ, năm 2010 là 67 tỷ VNĐ. Riêng năm 2012, trường có 113 đề tài khoa học các cấp được duyệt với tổng kinh phí hơn 10 tỷ VNĐ, thực hiện nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu trên 90 tỷ VNĐ.

[22] Các sản phẩm cơ khí mới của Viện đã tiết kiệm được mỗi năm hơn 10 triệu USD do thay thế hàng nhập khẩu. Từ năm 2005, một số sản phẩm công nghệ cao còn được xuất khẩu ra nước ngoài

[23] Đề tài “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị sản xuất fucoidan từ một số loài rong nâu Việt Nam” đã cho ra đời sản phẩm fucoidan, phục vụ công tác chữa bệnh hiệu quả với chi phí rẻ tại Việt Nam và tạo điều kiện cho nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Khánh Hòa, phát triển mạnh lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.

[24] Ví dụ như Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN VN đã kết nối với Công ty Dược Hậu Giang, phát triển đưa các kết quả nghiên cứu của Viện thành sản phẩm thực tế đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

[25] bao gồm 06 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (chương trình KC) và 01 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX.01/16-20).

[26] Trong đó phải kể đến ứng dụng công nghệ chiếu xạ để sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa từ tinh bột gạo dùng làm chất xơ thực phẩm - đây là nghiên cứu mới ứng dụng thành công về mặt khoa học ứng dụng, áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại như chiếu xạ, nhiệt phân, thủy phân enzym, trao đổi ion, sấy phun; Quy trình kỹ thuật ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não; Kỹ thuật điều trị hội chứng truyền máu song thai và giải xơ buồng ối bằng laser quang đông; Kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới trong sàng lọc rối loạn nhiễm sắc thể trước chuyển phôi,…

[27] Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng bắt đầu nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng từ năm 2004 với số đơn rất khiêm tốn trong 3 năm đầu: 2004 và 2005 mỗi năm 7 đơn, 2006 có 9 đơn, sau khi Việt Nam gia nhập UPOV và Luật SHTT ra đời, số đơn đăng ký tăng mạnh và đến năm 2016-2017 là 185 đơn, trong đó số đơn của người Việt Nam luôn chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều so với đơn của người nước ngoài (gấp khoảng 2,5 lần). Nguồn: Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

[28] Theo Báo cáo Khảo sát của Cục SHTT đối với hoạt động SHTT của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.  

Phạm Hữu Duệ

Ban Tổ chức và Chính sách hội,

Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam

Lê Hồng, Lê Thị Kim Chi

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

Văn phòng Quốc hội

Tin khác

Pháp luật 18 giờ trước
(SHTT) - Ủy ban Châu Âu cho biết, cuộc điều tra đối với Alphabet được mở ra do tập đoàn này không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) khi đưa ra những chỉ đạo trong Google Play và tự ưu tiên hiển thị trên Google Tìm kiếm. Ngoài ra, EU cũng tiến hành điều tra tương tự với Meta và Apple.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT) cho biết bên cạnh các hình thức lừa đảo xuất hiện trên không gian mạng Việt Nam, gần đây đã đã xuất hiện chiến dịch lừa đảo quốc tế có khả năng ảnh hưởng tới người dùng Việt.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Lợi dụng dịp cao điểm quyết toán thuế, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình thức giả mạo cán bộ thuế , cơ quan thuế để thực hiện hành vi chiếm đoạn tài sản.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo tham gia đầu tư tiền ảo.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả...