Chuyên gia Việt Nam lo ngại đột biến 'thoát' vaccine
TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, thông tin của thế giới về biến chủng Omicron còn rất ít, chủ yếu ghi nhận ở các nước nam châu Phi.
Theo ông Kính, Omicron có nhiều đột biến hơn so với biến thể Delta, nhưng chưa có dữ liệu về dịch tễ và khả năng lây lan cũng như độc lực của loại virus này.
Trước đây, Việt Nam cũng đã ghi nhận các ca nhiễm có đột biến nhưng không gây lây lan, ví dụ như biến thể từ Nam Phi hay Uganda bởi khách đến nhập cảnh tại Việt Nam sẽ được tổ chức cách ly để không lây lan ra cộng đồng. Chúng ta chủ yếu ghi nhận các ca nhiễm liên quan đến biến thể Vũ Hán, biến thể châu Âu và giờ là biến thể kép Delta.
"Virus luôn luôn đột biến. Vì thế 5K- khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế là quan trọng nhất. Bên cạnh đó là vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19", TS Kính nhấn mạnh.
Cả thế giới hiện đang tập trung vào protein gai và spike protein của virus. Tất cả các biện pháp phòng chống dịch đều tập trung vào spike, từ sản xuất các sinh phẩm để xét nghiệm cho đến các loại thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng thể đơn dòng để trung hòa nó. Bên cạnh đó, việc sản xuất vaccine cũng tập trung vào gai này.
"Bản thân spike này cũng luôn luôn đột biến, tạo rất nhiều chủng khác nhau. Hiện nay, thế giới tập trung vào 3 loại biến thể đáng lưu tâm, e ngại nhất và biến thể có đột biến quan trọng. Hiện nay, xét về tổng thể có rất nhiều đột biến xảy ra, chủng đột biến phổ biến nhất hiện nay đang gây ra dịch khắp toàn cầu là biến chủng Delta", TS Kính cho biết.
Theo ông, mỗi lần virus đột biến nó sẽ tác động đến tần suất lây lan. Nếu virus Vũ Hán một người sẽ lây cho 2 người, thì đến biến thể Delta một người có thể lây cho 9-10 người khác nhau.
Ngoài ra, tác động của đột biến có thể dẫn đến độc lực khác nhau, nếu độc lực mạnh hơn thì nguy cơ tử vong sẽ cao hơn. Vấn đề đáng lo ngại nhất của thế giới bây giờ chính là đột biến "thoát" vaccine.
Duy Anh