Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm chết người vì thực phẩm chức năng dạng thuốc cho trẻ
Thử hỏi, một em bé đi ngoài, uống 10ml oresol giải quyết vấn đề gì? Nó không mang ý nghĩa gì trong việc bù nước sau tiêu chảy. Còn để nói dùng hàng ngày thì để làm gì?”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) bức xúc trước hiện tượng có quá nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) trên thị trường nhắm đến đối tượng trẻ nhỏ, trong đó có cả những loại vốn là thuốc này cũng được các công ty sản xuất TPCN tranh thủ sản xuất.
Phát minh của thế giới cứu trẻ con bị tiêu chảy cũng thành TPCN
Theo PGS Dũng, Oresol là phát minh của thế giới cứu trẻ con, người lớn bị tiêu chảy bởi nó bù nước, điện giải khi bệnh nhân mất nước vì đi ngoài.
Vì thế, người ta sản xuất với nhiều hàm lượng khác nhau, từ gói 1 lít, gói 500ml và gói pha với 200ml để phù hợp với trẻ nhỏ.
Mỗi lần trẻ hay người lớn đi ngoài phải uống hàng trăm ml oresol để bù nước, điện giải bị mất đi.
“Thế mà tôi nhìn thấy ống oresol chỉ 10ml. Một cháu đi tiêu chảy ào ào, nếu uống 1 ống oresol 10ml thì thử hỏi mất nước sẽ nghiêm trọng như thế nào, nguy hiểm ra sao?”, PGS Dũng nói.
PGS Dũng chia sẻ thêm, người dân rất dễ nhầm lẫn, cứ nghĩ oresol uống một ống này là đủ sẽ rất nguy hiểm bởi bệnh nhân tiêu chảy, mất nước nặng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Khi PGS Dũng nhìn thấy bệnh nhi uống đã rất bất ngờ. Người nhà bệnh nhi cũng hồn nhiên nghĩ uống một ống là đủ bù nước.
“Không một đất nước nào đóng oresol 10ml bởi nó không có ý nghĩa bù mất nước. Còn nếu để uống hàng ngày cũng không có ý nghĩa gì. Trong khi đó người dân dễ nhầm lẫn, tưởng uống 10ml là đã điều trị thì rất nguy hiểm. Theo tôi không nên để lưu hành thị trường ống oresol 10ml nếu không chắc chắn sẽ có trẻ gặp nguy hiểm vì mất nước”, PGS Dũng mạnh mẽ kiến nghị.
PGS Dũng khuyến cáo khi trẻ bị tiêu chảy, bổ sung nước bằng oresol là quan trọng nhất. Cha mẹ cần pha đúng tỉ lệ hướng dẫn của nhà sản xuất, cho trẻ uống thay nước lọc thông thường, uống sau mỗi lần đi ngoài, uống rải rác tiếp đó để bù nước, điện giải.
Không thể thay thế thuốc
Theo PGS Dũng, có một thực tế, nhiều bà mẹ lạm dụng các loại TPCN dùng cho trẻ. Có bé được gia đình mang đến khám uống cùng lúc 2 – 3 loại TPCN.
Trong khi đó, TPCN không thể thay thế ăn uống thông thường bởi nó chỉ bổ sung thành phần nhất định nào đó. Nó cũng không thay thế thuốc khi bị bệnh.
“Nếu lạm dụng vừa tốn tiền, lại có thể có hại, dị ứng. Ngay với thực phẩm thông thường trẻ cũng có thể bị dị ứng, TPCN nguồn gốc là thực phẩm, sử dụng tùm lum cũng có nguy cơ này.
Còn nếu tin nó có tác dụng như siêu thực phẩm sẽ quên đi bổ sung dinh dưỡng thông thường; tin vào có tác dụng như thuốc quên đi thuốc bác sĩ đã kê rất nguy hiểm”, PGS Dũng nói.
Theo PGS Dũng, sử dụng TPCN sao cho tốt không phải dễ. Trong khi đó TPCN thông thường đắt hơn thuốc, đắt hơn thực phẩm. Vì thế, với trẻ nhỏ không tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng. Trước khi dùng nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để biết con mình đang thiếu chất gì, sống trong hoàn cảnh nào, mắc bệnh gì… để xem TPCN đó đáp ứng bệnh lý, dinh dưỡng phù hợp chứ dùng loạn lên tốn tiền, có hại.
Tuy nhiên, với những trẻ mắc các bệnh mãn tính, ung thư, các bệnh phải chữa dài ngày, những trường hợp thiếu dinh dưỡng trầm trọng, ăn đường tiêu hóa không đủ, sống trong những hoàn cảnh đặc biệt thì nên bổ sung TPCN theo hướng dẫn để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng cho trẻ.
- Cảnh báo: Đồ dùng bằng nhôm tiềm ẩn nhiều nguy hại khôn lường
- Bình Thuận: Thu hồi nước súc miệng VP do không đạt yêu cầu chất lượng
- Nguy cơ bị ung thư khi ăn đậu phụ chứa thạch cao
Theo Dân Trí