SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Hơn 1000 startup tham dự hội thảo Shark Tank Seminar 2019

14:11, 20/10/2019
(SHTT) – Ngày 19/10, hội thảo Shark Tank Seminar 2019 với chủ đề "Chuyển đổi số hay là chết? - Giải mã thất bại, khởi nghiệp thành công - Định giá đúng, gọi vốn trúng" đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị, khu đô thị SALA, TP.HCM.

Đây là hoạt động được Shark Tank Việt Nam tổ chức nhằm tập hợp nhiều nguồn lực, lan toả sức mạnh đến cộng đồng khởi nghiệp bằng sự kết nối chặt chẽ. Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi công ty TVHUB, BizUni cùng Group Quản Trị Khởi Nghiệp. Hội thảo đã diễn gần 5 giờ đồng hồ, thu hút sự tham gia của gần 1000 startup và các chủ doanh nghiệp quan tâm đến những vấn đề này.

Tọa đàm 1: Chuyển đổi số hay là chết?

Tọa đàm có sự góp mặt của các diễn giả:

- Shark Nguyễn Hòa Bình - Nhà sáng lập & Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech

- Shark Trương Lý Hoàng Phi - Tổng giám đốc Vintech City

- Ông Vũ Minh Trí - CEO VNG CLOUD

- Ông Lê Việt Thắng - Nhà sáng lập & Giám đốc điều hành Nền tảng quản trị doanh nghiệp 1Office

- Người điều phối: Ông Lê Hải Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Mắt Bão, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)

74273705_10216080764234047_7680413213384507392_o

 

Trong thời gian gần đây, chúng ta vẫn thường nghe đến khái niệm “chuyển đổi số” xuất hiện nhiều trên hầu hết phương tiện truyền thông đại chúng. Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng việc áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc cũng như văn hóa công ty.

Chuyển đổi số được xem là con đường tất yếu giúp doanh nghiệp thành công trong thời đại hiện nay. Một số doanh nghiệp đã số hóa thành công và đã tận dụng thế mạnh và tốc độ của kết quả từ việc số hóa để vươn vai trở thành những ông lớn. Nhưng cũng còn rất nhiều doanh nghiệp loay hoay, thậm chí “hụt hơi” trong cuộc đua chuyển đổi số.

Mở đầu buổi toạ đàm, ông Vũ Minh Trí - CEO VNG Group cũng chia sẻ về case study Kodax và Instagram, qua đó phân tích được những bước đột phá mà chuyển đổi số đã làm thay đổi nhận thức và thói quen người dùng. Theo ông Trí "Bản chất của digital có 3 yếu tố chính đó là: data, phân tích được data do và cuối cùng là mang data đi cùng khắp mọi nơi". Cũng theo ông, ở thời điểm hiện tại "85% công ty tham gia vào chuyển đổi số thất bại, trong khi đó chỉ có 5% là thành công".

vu_minh_tri

 Ông Vũ Minh Trí - CEO VNG Group

"Đâu là nguyên nhân thất bại? rút ra được bài học gì và chúng ta phải làm sao để tránh được những thất bại? Môi trường kinh doanh không phải là con đường thẳng mà là con đường cong, toàn bộ con đường thẳng hiện nay đã thay đổi. Toàn bộ tầm nhìn chiến lược ngày xưa luôn luôn thay đổi và tầm nhìn chúng ta bằng mắt thì chỉ có thể đi được một đoạn ngắn. Chúng ta trước giờ vẫn quen với những đoạn ngắn đó, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại phải có 2 kĩ năng sống còn để có thể tiến xa hơn: obtain enough data, tunrn data into information & insinghts. Có đủ data là bước quan trọng đầu tiên nhưng phải biết làm sao để chuyển những data đó thành thông tin quan trọng và giúp ích cho doanh nghiệp."

Shark Nguyễn Hoà Bình: "Chuyển đổi số thực ra rất đơn giản mà đôi khi chính các bạn đang làm nhưng lại không hề hay biết".

Shark Nguyễn Thanh Việt: "Thứ khiến cho startup thất bại chính là cả thèm chóng chán".

Shark Phạm Thanh Hưng: "Người đi gọi vốn lại đi định giá tương lai, trong khi người bỏ tiền ra lại muốn mua giá trị ở hiện tại".

Shark Dzung Nguyễn: “Giá trị doanh nghiệp tức khắc đi lên nếu đem lợi đến cho người dùng”.

Trong phiên toạ đàm, Shark Nguyễn Hoà Bình - Nhà sáng lập & Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech cũng đưa ra những lời khuyên dành cho các startup trong quá trình chuyển đổi số. Theo ông "Chuyển đổi số không phải cái gì phức tạp hay hoành tráng. Nó là những hành vi cực kì nhỏ. Theo định nghĩa thì chuyển đổi số là sự ứng dụng liên tục các công cụ số vào mọi mặt kinh doanh của doanh nghiệp....Tôi có 4 lời khuyên dành cho các bạn startup, những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Thứ nhất là dùng nền tảng, dịch vụ, phần mềm online sẵn có, thứ 2 là tìm đối tác để chuyển đổi số, riêng con đường thứ 2 này thì chỉ phù hợp với các doanh nghiệp tư và lớn, không phù hợp với SME. Thứ 3 là săn giám đốc cao cấp về công nghệ. Thứ 4, khi không tìm được cách nào, thì ta tìm tri kỉ của chuyển đổi số. Tri kỉ là ai? Tri kỉ là những doanh nghiệp công nghệ, giống như chúng tôi".

Trả lời cho câu hỏi từ các khách mời tham dự, liệu rằng trong thời điểm chuyển đổi số, làm thế nào để doanh nghiệp có thể gắn liền chuyển đổi với minh bạch thông tin. Shark Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm "Chuyển đổi số gắn liền với số liệu và tất cả các bộ phận, chúng ta nói gì, đưa ra quyết định gì đều phải dựa trên số liệu, dữ liệu. Có 2 điểm khác biệt giữa doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp số, đó là doanh nghiệp truyền thống đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và cảm tính, còn doanh nghiệp chuyển đổi số đưa ra quyết định dựa trên chứng minh và dữ liệu, số liệu. Với số liệu, lập tức mọi thứ trở nên minh bạch. Còn nếu tiếp tục lập kết luận dựa trên cảm tính thì vẫn còn chưa đủ minh bạch".

72619989_10216080834795811_7626595284595769344_o

 Shark Trương Lý Hoàng Phi - Tổng giám đốc Vintech City

Còn theo Shark Trương Lý Hoàng Phi - Tổng giám đốc Vintech City, chuyển đổi số đòi hỏi một sự "lột xác" trong doanh nghiệp và cần sự quyết tâm của doanh nghiệp về vấn đề con người, nguồn nhân lực. Trong đó, đội ngũ trong doanh nghiệp đòi hỏi có sự thay đổi lớn. "Như vậy sắp tới sẽ dẫn đến một tình trạng là tất cả các doanh nghiệp sẽ hướng tới chuyển đổi số, những người nào không thích ứng được với nền kinh tế số đó thì chắc chắn họ sẽ là những người bị loại."

Tọa đàm 2: Giải mã thất bại, khởi nghiệp thành công

Với chủ đề “Giải mã thất bại, khởi nghiệp thành công" có sự tham dự của:

- Shark Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐTV Tổ Hợp Y Tế Phương Đông

- Ông Trịnh Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Công ty ICC,  Nhà sáng lập thương hiệu Kem đánh răng Dạ Lan

- T.S Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan

- Điều phối Đàm Thoại: Chị Điệp Anh – MC/ BTV Trung tâm tin tức VTV24 Đài truyền hình Việt Nam

Trong khởi nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng. Không chỉ ở những người trẻ mới bước đầu tập tành trong kinh doanh này mà ngay cả những "lão làng" đôi khi cũng mắc phải những sai lầm khiến cho người chủ doanh nghiệp phải mất nhiều năm ròng sau đó phải miệt mài "xây dựng lại từ đống tro tàn", gầy dựng lại thương hiệu danh tiếng 1 thời của riêng mình. Câu chuyện của ông Trịnh Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Công ty ICC, Nhà sáng lập thương hiệu Kem đánh răng Dạ Lan chính là một ví dụ điển hình.

toa_dam-2

 

Mở đầu phần thuyết trình, ông Trịnh Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Công ty ICC chia sẻ về câu chuyện thành công của sản phẩm kem đánh răng Dạ Lan. "Tôi nhớ năm xưa, cứ sáng sớm mỗi lần mà chúng tôi mở cửa nhà máy lại thấy có rất nhiều người đang xếp hàng chờ mua sản phẩm Dạ Lan. Và để giải quyết lượng khách, chúng tôi phát cho mỗi người một phiếu mua hàng, y như bây giờ các bạn bốc số chờ khám bệnh. Tôi có thể ví lúc đó chúng tôi tựa như một cô gái đẹp, có rất là nhiều thương hiệu và nhãn hàng tìm đến chúng tôi, điển hình nhất là: P&G, Unilever… Thời điểm đó, chúng tôi có thương hiệu được nhiều người biết đến, có dây chuyền công nghệ khoa học kỹ thuật..".

mr-nhon-kdr

 Ông Trịnh Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Công ty ICC

Khi Dạ Lan xây dựng được thương hiệu vững mạnh trên toàn quốc, ông đã có quyết định mà chính ông hiện nay phải thừa đó là sai lầm khi bắt tay hợp tác cùng Colgate và câu chuyện "tái sinh" Dạ Lan một lần nữa giữa một "rừng" các sản phẩm ngoại đang ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống của người Việt Nam hiện nay.

Theo ông Nhơn, ngày trước chính sách nhà nước vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế và bất cập cho các doanh nghiệp, "Luật Nhà nước của chúng ta bấy giờ cũng không có nhiều chính sách ủng hộ, doanh nghiệp cũng tồn tại rất nhiều áp lực. Khi tôi nghe đến chuyện khởi nghiệp ngày nay của các bạn trẻ, thật sự tôi thấy đó là một điều hạnh phúc mà thời kì chúng tôi không có được".

Trong mùa 3 của Shark Tank chúng ta đã được chứng kiến một deal xuống tiền nhanh nhất, chốt deal nhanh nhất của Shark Tank đó chính là Shark Việt đã bắt tay cùng với Hải Hồ - Founder của Triip.vn. Trả lời về việc liệu có nghĩ đến việc sẽ thất bại khi cái bắt tay với Triip diễn ra "thần tốc" trong vòng 1 tháng thẩm định, ông Việt cho biết "Thất bại thì tôi cũng đã nghĩ tới. Tôi nghĩ kể cả khi phương pháp của chúng ta tốt thế nào đi chăng nữa cũng sẽ tồn tại những rủi ro. Không hẳn vì dự án, vì thị trường, vì mối quan hệ quốc tế tốt thì hẳn sẽ thành công. Trong kinh doanh, không ai có thể nói trước được điều gì. Cho nên nếu hôm nay có những gì hay từ các bạn startup, tôi nghĩ có gì chân thật thì cứ phải thẳng thắn trao đổi với nhau".

Cũng theo "cá mập y tế" một trong những lý do thất bại của các startup chính là tính "cả thèm chóng chán" mà ông thấy đang ở nhiều startup hiện nay " Phải kiên trì thì mới có thể gặt hái được thành công. Thực ra khó khăn đối với startup thì có rất nhiều, nếu như cả thèm chóng chán sẽ dễ thất bại Tiền cũng rất quan trọng nhưng không phải là tất cả".

Ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan đưa ra lời khuyên dành cho các startup hiện nay, để thành công, cần phải nhìn nhận lại bản thân mình, đi từ những bước nhỏ, biết lượng sức: "Cá nhân tôi cho rằng, khi khởi nghiệp các bạn phải nhìn vào bản thân mình trước. Liệu mình đã đủ kiên nhẫn chưa? Có đủ những chuẩn bị chưa đủ? Đã tìm hiểu về thị trường chưa? Có ai đã từng làm trước đó chưa? Rất nhiều câu hỏi bạn cần phải đặt ra và tự chấp vấn muốn khởi nghiệp nên xem trước mình đã".

thanh-my

 Ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan

Chia sẻ về vấn đề con người trong doanh nghiệp, làm thế nào để có thể quản lý tốt đội ngũ nhân sự của công ty, nhất là những người trẻ hiện nay đang có xu hướng "nhảy việc" ngày càng nhiều ở các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết "khi bản thân là một người lãnh đạo, tôi cũng thường hay chia sẻ và nói chuyện với nhân viên của mình rằng mình muốn gì ở họ. Tôi giao quyền và để cho họ tự làm, tôi sẽ là người theo sát, hỗ trợ nhưng không bắt buộc họ phải làm theo ý của mình. Tôi thấy khi làm sếp, nhất là những doanh nghiệp có những doanh nhân trẻ. rất nhiều bạn thường hay bắt nhân viên làm theo ý của mình. Cứ để họ tự phát huy khả năng của họ. Mình chỉ là người đứng sau dõi theo, tiếp thu và áp dụng những ý tưởng sáng kiến mà họ làm để có thể giúp đỡ cộng đồng. Thêm vào đó, khi tôi xây dựng một doanh nghiệp tôi luôn chú trọng về môi trường làm việc, xây dựng một văn hóa công ty văn minh, xây dựng một chế độ đãi ngộ tốt cho nhân viên. Cuối cùng, là người lãnh đạo, mình luôn phải là người đi tiên phong đầu tư vào con người trước".

Tọa đàm 3: Định giá đúng, gọi vốn trúng

Trong phần tọa đàm có sự góp mặt của:

-  Shark Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thế Kỷ CenGroup

- Shark Nguyễn Mạnh Dũng - Giám Đốc Quỹ Đầu Tư Cyber Agent Việt Nam và TháiLan

- Ông Hồ Việt Hải - Co-Founder & CEO Triip.me

- Ông Steven Nguyễn - Founder & CEO Luxstay

Bên cạnh những tác động nhất định của tình hình kinh tế vĩ mô thì một nguyên nhân khác đến từ việc các doanh nhân trẻ thường phạm phải một số lỗi cơ bản khi khởi nghiệp. Trong đó, việc định giá công ty quá cao so với thực tế, "ngáo giá" khi kêu gọi đầu tư luôn là vấn đề gây nên nhiều tranh cãi.

shark_hung

 Shark Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thế Kỷ Cen Group

Giải đáp cho thắc mắc tại sao lại có sự tranh cãi chênh lệch về việc định giá giữa startup với nhà đầu tư, theo shark Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thế Kỷ Cen Group "tại sao định giá hiện nay lại gây tranh cãi? Bởi vì mục đích của người định giá khác nhau, người đi gọi vốn lại đi định giá tương lai, trong khi người bỏ tiền ra lại muốn mua giá trị ở hiện tại, vì thế xảy ra sự chênh lệch vô cùng lớn".

Trong phiên thảo luận, Shark Dzung Nguyễn cũng thú nhận startup tại Shark Tank bị ông ép giá nhiều hơn bên ngoài. Tuy nhiên, sau thẩm định thì Giám Đốc Quỹ Đầu Tư Cyber Agent Việt Nam và TháiLan có thể tăng giá lên cho startup. Chia sẻ về góc nhìn đầu tư và cách thức xuống tiền, shark Dzung nói: “Trong quá trình lựa chọn và đưa ra offer thì tôi sẽ tính toán dựa trên các con số mà các bạn đang nói và quan trọng hơn là tôi sẽ nhìn thấy tiềm năng trong tương lai của cái đấy nhiều hơn ở hiện tại, và tôi đưa ra con số offer mà tôi nghĩ phù hợp để đưa ra quyết định để sau này tôi giải ngân một cách nhanh chóng”.

Còn với “cá mập kén ăn” Phạm Thanh Hưng, ông lại phân bổ đầu tư cho startup theo 2 hướng khác nhau và có xu hướng trả giá “xởi lởi” hơn cho các startup nằm trong hệ sinh thái bất động sản của CenGroup, và ngược lại khắt khe với các startup trái hệ sinh thái khi đặt mình ở vai trò của một nhà đầu tư tài chính. “Ngoài ra tôi cũng định giá dựa trên con số các bạn nói bởi vì định giá thị trường thì phải có nguyên tắc. Chúng ta tạm gọi là so sánh nhưng trong thực tế startup chả có startup nào giống nhau cả. Mô hình đó quá mới thì chưa có con số nào để so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành. Vì vậy đối với các bạn startup thật sự, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và những lĩnh vực mới thì việc định giá này không thường các Shark cũng khá là cảm tính. Chủ yếu là đầu tư vào con người, bởi vì trông founder cũng đáng tin cậy, trong những mô hình mới như vậy tất cả các con số đều rất khó kiểm chứng, Các bạn đi gọi vốn thì cái tính đúng sai chưa chắc đã quan trọng bằng tính logic” – Shark Hưng chia sẻ thêm.

Là một trong những startup kêu gọi thành công và được rót vốn nhanh nhất mùa 3, Hồ Việt Hải - Co-Founder & CEO Triip cũng tiết lộ bí quyết để “câu” thành công đúng nhà đầu tư mong muốn chính là một sự chuẩn bị có kế hoạch chặt chẽ. “Triip xác định phương thức là: thứ nhất mình sẽ tính toán dựa trên GMV, thì GMV của triip nhân khoảng 5,5 lần thì ra được valuation 10 triệu USD. Triip là công ty chuyên về Reseach Tech nên dựa trên định giá của Engineer là mỗi Engineer định giá bao nhiêu. Bên em kết hợp khoảng 3 - 4 phương pháp cộng với dò giá thị trường, thêm với data mình sẽ có ở Shark Tank để mình mới rút ra những câu hỏi. Và toàn bộ câu hỏi các Shark đưa ra trong buổi gọi vốn đều có trong file excel nên bọn em không có bị bất ngờ khi bị hỏi” – Hồ Hải nói.

shark-zung

 Shark Dzung Nguyễn

Chia sẻ về tính rủi ro của các công ty công nghệ đem đến cho nhà đầu tư khi được định giá chủ yếu là dựa vào giấc mơ, Shark Dũng bày tỏ quan điểm của một tri kỷ rằng: “Công nghệ sẽ đi vào cuộc sống đáp ứng không chỉ cho người tiêu dùng mà còn phục vụ vấn đề của doanh nghiệp, phục vụ vấn đề liên quan của chính phủ. Quan trọng nhất nếu mình giải được bài toán đủ lớn, quy mô đủ lớn thì trong tương lai mình có thể hoàn toàn kỳ vọng được giá trị doanh nghiệp đi lên từ những nhu cầu ấy. Mình đầu tư vào những công ty để phục vụ cho mục đích nào đấy của con người, khi mình đã phục vụ đủ lớn rồi thì chắc chắn giá trị công ty sẽ đi lên bởi vì người dùng thấy được giá trị đấy, họ sẽ trả lại cho mình một doanh số nhất định nào đấy”. 

Minh Tuệ

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Ngày 23/4, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND tổ chức bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Theo đó, Thành phố sẽ tổ chức 7 trận địa bắn pháo hoa phục vụ công chúng.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời điểm ASEAN bước sang thập kỷ thứ sáu tồn tại và phát triển cũng là lúc chúng ta đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới sau khi hoàn thành việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Hiện nay, người dân Hà Nội và Thừa Thiên Huế có thể đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp ngay trên ứng dụng VNeID bằng cách thực hiện theo 7 bước dưới đây.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Ngày 23/4, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF 2024) với Chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm”.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) vừa phát đi văn bản cảnh báo gửi các Đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị hoạt động truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền về việc kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình.